Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

Tài sắc Thúy Kiều


     Nước Nam đẹp nhất nàng Kiều…. Với những ai từng đọc Truyện Kiều, có lẽ sẽ không thể quên những nét họa dù thoáng qua của tác gia Nguyễn Du nhưng nàng Kiều vẫn hiện ra với bức chân dung về người con gái tài sắc vẹn toàn. Vẻ đẹp ấy không chỉ ở dung nhan hay tài năng thiên bẩm mà còn bừng sáng ở cốt cách và tấm lòng người thiếu nữ. Ở xã hội phong kiến thời xưa, người phụ nữ không được tôn vinh, coi trọng mà ngược lại, họ bị chà đạp không thương tiếc. Tuy nhiên, Nguyễn Du đã vượt qua sự bất công đó với tấm lòng nhân đạo của mình. Ông hết sức nâng niu, đề cao vẻ đẹp và tài năng của người phụ nữ. Không những thế, ông còn thương cảm trước số phận của họ. Thúy Kiều là nhân vật được Nguyễn Du hết mực yêu thương.Tất cả những điều này được thể hiện rõ nét qua đoạn trích Chị em Thuý Kiều trong Truyện Kiều. Thúy Kiều vừa đẹp lại vừa tài hoa:

Kiều càng sắc sảo mặn mà, 

So bề tài sắc lại là phần hơn.

Là thu thủy nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một tài đành họa hai.

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương.

Khúc nhà tay lựa nên chương,

Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.

Một trong những sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo khéo léo của Nguyễn Du, làm nên sự thành công của Truyện Kiều đó là nghệ thuật tả người. Điều này được thể hiện rất rõ, rất cụ thể trong trích đoạn “Chị em Thúy Kiều”. Đọc đoạn trích Chị em Thúy Kiều, bức chân dung thứ nhất được tác giả viết lên là vẻ đẹp của người em Thúy Vân. vẻ đẹp của Vân được so sánh với những thứ cao đẹp nhất trên đời, trăng, hoa, mây, tuyết, ngọc, một vẻ đẹp trong sáng, phúc hậu, tròn đầy. Thế nhưng đến những câu thơ miêu tả về Thúy Kiều, người đọc không khỏi ngỡ ngàng về một tuyệt thế giai nhân. Nguyễn Du đã dùng Thúy Vân làm đòn bẩy cho vẻ đẹp của Thúy Kiều tỏa sáng. Một vẻ đẹp hội tụ toàn bộ những gì tinh túy nhất của trời đất.

Nguyễn Du miêu tả Thuý Vân đã khiến ta rung động đến vậy, ông miêu tả Thuý Kiều thì ta còn bất ngờ hơn nữa. Nhà thơ miêu tả vẻ đẹp của Kiều trong sự đối sánh với vẻ đẹp của Vân:

Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn.

Vẻ đẹp của Thúy Vân đạt chuẩn thước đo thẩm mĩ của chế độ phong kiến. Cô em đã đẹp như thế nhưng cô chị còn đẹp hơn. Vẻ đẹp của Thúy Kiều vượt lên trên khuôn mẫu, ràng buộc trước đó. Cái đẹp đó là cái đẹp của vẻ “sắc sảo”; “mặn mà”. "Sắc sảo" là trí tuệ, là tài, là khả năng nhận thức nhanh nhạy, thông minh và ứng xử linh hoạt, kịp thời. Tài còn là cầm kì thi hoạ, bốn thú vui tao nhã mà nàng có đủ. Còn "mặn mà" là tình, là sự nồng nàn, say đắm không nhạt nhẽo, vô tâm. Phụ từ “càng” nhấn mạnh và làm tăng tiến mức độ của vẻ đẹp và tài năng ấy. Nhân vật không chỉ đẹp về hình thức mà còn đẹp cả trong phẩm chất và tài năng. Vẻ đẹp ấy thu hút mạnh mẽ ánh nhìn, càng ngắm càng thấy say mê.

Ở Kiều có tất cả vẻ đẹp mà Thúy Vân có. Nhưng nàng sắc sảo, mặn mà hơn. Thúy Kiều không những xinh đẹp mà còn có nhiều tài năng. Để khắc họa chân dung nàng, ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du đã lựa chọn nghệ thuật điểm nhãn tài tình, họa lên thần sắc của đôi mắt, nét mày người thiếu nữ:

Làn thu thủy, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

Sử dụng thủ pháp ước lệ tượng trưng lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm thước đo cho vẻ đẹp của con người qua một loạt các hình ảnh: thu thủy, xuân sơn, hoa, liễu, Nguyễn Du đã làm hiện vẻ đẹp của một trang giai nhân tuyệt mĩ. Khi miêu tả Kiều, tác giả không miêu tả cụ thể chi tiết như ở Vân mà ngược lại, Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn đã được tác giả tập trung khắc họa. Hình ảnh “Làn thu thuỷ, nét xuân sơn” là hình ảnh mang tính ước lệ, đồng thời cũng là hình ảnh ẩn dụ, gợi lên một đôi mắt đẹp trong sáng, long lanh như làn nước mùa thu, đôi lông mày thanh tú như nét mùa xuân nhưng cũng rực tràn nhựa sống. Đôi mắt đó là cửa sổ tâm hồn, thể hiện phần tinh anh của tâm hồn, trí tuệ. Tả Kiều,đặc tả đôi mắt theo lối điểm nhãn - vẽ hồn cho nhân vật, gợi lên vẻ đẹp chung của một trang giai nhân tuyệt sắc. Qua đôi mắt đó của Kiều, ta thấy vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của người con gái đang độ tuổi phơi phới thanh xuân với sự cuốn hút lạ thường của nhân vật. Phương Bắc thổn thức trước vẻ đẹp của Tây Thi, Dương Qúy Phi thì dưới ngòi bút của Nguyễn Du nhan sắc nàng Kiều hiện ra khiến người đọc phải ngỡ ngàng. Vẻ đẹp nhan sắc của Kiều là vẻ đẹp vượt ra khỏi chuẩn mực của tự nhiên và khuôn khổ của người phụ nữ phong kiến nên hoa ghen, liễu hờn, nước nghiêng thành đổ:

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh,

Một hai nghiêng nước nghiêng thành.

Các từ “hờn”, “ghen” được sử dụng với nghệ thuật nhân hóa để nói lên thái độ ghen ghét, đố kỵ của thiên nhiên trước vẻ đẹp vượt ngưỡng của Kiều. Nàng đẹp đến nỗi cỏ cây, hoa lá vốn là vật vô tri vô giác cũng phải sinh lòng ghen ghét đố kị vì không tươi thắm và đẹp đẽ bằng nàng. Sắc đẹp của nàng là sắc đẹp tột bậc của những trang giai nhân thủa trước. Đại thi hào đã dùng điển tích “nghiêng nước nghiêng thành” để khẳng định vẻ đẹp sắc nước hương trời của Kiều có thể sáng với vẻ đẹp của những mỹ nhân mà lịch sử đã ca tụng. Liếc mắt nhìn một cái là làm cho nghiêng ngả thành người, liếc mắt nhìn cái nữa là làm cho mất cả nước người. Sắc đẹp ấy dẫu là bậc anh hùng, hào kiệt thì cũng phải xiêu lòng gục ngã. Nguyễn Du không miêu tả trực tiếp nhân vật mà miêu tả sự ghen ghét, đố kị hay ngưỡng mộ, say mê trước vẻ đẹp đó, cho thấy đây là vẻ đẹp có chiều sâu, có sức quyến rũ, cuốn hút lạ lùng. Tác giả Nguyễn Du đã dùng những mỹ từ ưu ái nhất để dành cho việc miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều – một vẻ đẹp vô cùng lộng lẫy. Đó dường như cũng là một điềm báo mà tác giả đã dự báo cho người đọc thấy trước con đường tương lai nhiều điều bất hạnh của Thúy Kiều. Bởi từ xa xưa dân gian đã có câu truyền đời rằng: “Hồng nhan bạc mệnh”. Thúy Kiều với vẻ đẹp như vậy ắt khó tránh khỏi “bạc mệnh”.

Không chỉ có vẻ đẹp ngoại hình, Kiều còn là người thiếu nữ tài sắc vẹn toàn:

Sắc đành đòi một tài đành họa hai

Chỉ một câu thơ mà nhà thơ đã nêu được cả sắc lẫn tài. Nếu như về sắc thì Kiều là số một thì về tài không ai dám đứng hàng thứ hai trước nàng. Tài năng của Kiều có thể nói là có một chứ không có hai trên đời:

Thông minh vốn sẵn tính trời

Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm

Cung thương lầu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.

Khúc nhà tay lựa nên trương

Một thiên bạc mệnh lại càng lão nhân.

Tả về ngoại hình Thúy Kiều, tác giả chỉ điểm xuyết qua hai câu thơ lục bát còn với tài năng của nàng, Nguyễn Du có những nét vẽ cụ thể hơn. Thúy Kiều không chỉ đẹp mà còn là người con gái tài hoa, thông minh xuất chúng. Chỉ với sáu câu thơ ngắn gọn, Nguyễn Du đã có thể giải thích ý tài đành hoạ hai. Đã vốn được trời ban cho một trí tuệ thông minh, sáng suốt lại có ý chí học hỏi, luyện tập thì tất nhiên là khó có người vượt qua nổi. Tài của Kiều đạt đến mức lý tưởng theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến. Nguyễn Du cũng đã sử dụng hàng loạt các từ ngữ ở mức độ tuyệt đối đó là các từ như: vốn sẵn, pha nghề, làu bậc và đủ mùi với sự khâm phục và trân trọng tài năng của Thúy Kiều. Nàng có cả tài thơ, tài hoạ, tài đàn, tài nào cũng xuất sắc, cũng thành “nghề” cả. Trong đó, tài đàn của Thúy Kiều có lẽ đã không còn là tài “cầm” mà tiếng đàn của nàng ăn đứt bất cứ nghệ sĩ nào và đã trở thành nghề riêng rồi. Tiếng đàn ấy vượt qua cả khúc hồ cầm ly biệt đã lưu danh sử sách của Chiêu Quân với Hán đế trên đường đi cống rợ Hồ. Không chỉ vậy, nàng còn giỏi sáng tác nhạc. Chính tay nàng đã soạn ra một khúc đàn “Bạc mệnh” để bày tỏ niềm thương cảm cho cuộc đời của những người con gái tài hoa mà số phận mỏng manh. Khúc đàn ấy trăm vần thê lương, âm điệu ảo não khiến người nghe phải buồn bã, ủ ê, động lòng thương xót. Có thể nói chính với bản đàn ấy đã ghi lại tiếng lòng của một tâm hồn đa sầu đa cảm. Tác giả Nguyễn Du cực tả tài năng của Kiều chính là ngợi ca cái tâm đặc biệt của nàng. Thông qua đây ta nhận thấy được tài năng của Kiều vượt lên trên tất cả và là biểu hiện của những phẩm chất cao đẹp, một vẻ đẹp của trái tim trung hậu, nồng nhiệt, nghĩa tình, vị tha. Từ tất cả các yếu tố này cũng đã gợi mở ra vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp của sắc – tài – tình và đạt đến mức siêu phàm, lí tưởng.Tả tài nhưng Nguyễn Du thể hiện được cả cái tình của Kiều. Chân dung của nàng là bức chân dung mang tính cách và số phận. Bởi “chữ tài đi với chữ tai một vần”. Vẻ đẹp ấy khiến cho tạo hoá phải ghen ghét, các vẻ đẹp khác phải đố kị, tài hoa trí tuệ thiên bẩm "lai bậc" đủ mùi, cả cái tâm hồn đa sầu đa cảm khiến Kiều không thể tránh khỏi định mệnh nghiệt ngã, số phận éo le, gian khổ bởi "Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau". "Trời xanh quen thói mà hồng đánh ghen". Cuộc đời Kiều hẳn là cuộc đời hồng nhan bạc mệnh. Thúy Kiều vừa đẹp lại vừa tài hoa làm sao thoát khỏi kiếp đoạn trường.

. Tác giả Nguyễn Du đã rất tinh tế khi sử dụng thủ pháp đòn bẩy để miêu tả vẻ đẹp hai chị em Thúy Kiều. Tác giả miêu tả chân dung Thuý Vân trước để làm nổi bật chân dung Thuý Kiều, ca ngợi cả hai nhưng đậm nhạt khác nhau ở mỗi người. Đoạn trích đã thể hiện ngòi bút tinh tế, tài hoa của Nguyễn Du, khẳng định tài năng nghệ thuật tả người số một của ông quả là “kì tài diệu bút”. Tả Kiều không cốt tả hình dáng mà cốt để làm nổi bật vẻ đẹp và trí tuệ của nàng. Với sự chọn lọc đắt giá ngôn từ, cách miêu tả đầy tinh tế đã khắc họa lên một trang tuyệt sắc giai nhân và cũng đầy những dự cảm về cuộc đời đầy trắc trở phía trước của người thiếu nữ. Qua đó cũng thể hiện sự nâng niu trân trọng của Nguyễn Du trước vẻ đẹp của người phụ nữ.

Cái thần tình của Nguyễn Du là ông đã xây dựng một nhân vật dường như vi phạm hàng loạt các chuẩn mực đạo đức xã hội phong kiến, nhưng thực chất Kiều là hiện thân của những giá trị đạo đức tốt đẹp, sáng trong. Có thể xem nàng là biểu tượng của tinh thần và tâm hồn dân tộc, là kết tinh của những tình cảm người, giá trị người. Từ đó thêm nâng niu, trân trọng những giá trị nhân văn cao đẹp của con người vì chính những giá trị đó, cái đẹp đó góp phần làm cho cuộc sống thêm muôn phần ý vị, phong phú.