Cảm nhận về Vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam, sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư để hướng tới tình cảm chung của cả cộng đồng qua đoạn trích:
Ông
Hai ngồi lặng trên một góc giường. Bao nhiêu ý nghĩ đen tối, ghê rợn, nối tiếp
bời bời trong đầu óc ông lão. Biết đem nhau đi đâu bây giờ? Biết đâu người ta
chứa bố con ông mà đi bây giờ?…
Thật
là tuyệt đường sinh sống! Mà không một gì cái đất Thắng này. Ở Đài, ở Nhã Nam, ở
Bố Hạ, Cao Thượng… đâu đâu có người Chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi. Mà
cho dẫu vì chính sách Cụ Hồ người ta chẳng đuổi đi nữa, thì mình cũng chẳng còn
mặt mũi nào đi đến đâu.
“Cả
làng chúng nó Việt gian theo Tây…”, cái câu nói của người đàn bà tản cư hôm trước
lại dội lên trong tâm trí ông.
Hay
là quay về làng?...
Vừa
chớm nghĩ như vậy, lập tức ông lão phản đối ngay. Về làm gì cái làng ấy nữa.
Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ…
Nước
mắt ông giàn ra. Về làng tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây. Ông lão
nghĩ ngay đến mấy thằng kì lí chuyên môn khua khoét ngày trước lại ra vào hống
hách ở trong cái đình. Và cái đình lại như của riêng chúng nó, lại thâm nghiêm
ghê gớm, chứa toàn những sự ức hiếp, đè nén. Ngày ngày chúng dong ra, dong vào,
đánh tổ tôm mà bàn tư việc làng với nhau ở trong ấy. Những hạng khố rách áo ôm
như ông có đi qua cũng chỉ dám liếc trộm vào, rồi cắm đầu xuống mà lủi đi. Anh
nào ho he, hóc hách một tí thì chúng nó tìm hết cách để hại, cất phần ruộng,
truất ngôi, trừ ngoại, tống ra khỏi làng…
Ông
Hai nghĩ rợn cả người. Cả cuộc đời đen tối, lầm than cũ nổi lên trong ý nghĩ
ông. Ông không thể về cái làng ấy được nữa. Về bây giờ ra ông chịu mất hết à?
Không
thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.
(Làng, Kim Lân)
Bài
làm
Tình
yêu làng, yêu nước, yêu quê hương Tổ quốc vốn là một đề tài lớn của nền văn học
dân tộc, văn học yêu nước đặc biệt phát triển trong các giai đoạn có những cuộc
đấu tranh cam go chống lại bước chân xâm lược của kẻ thù. Cũng viết về tình yêu
quê hương đất nước trong chiến tranh nhưng tác phẩm của Kim Lân không có bom
rơi đạn nổ, không có đổ máu mà đơn thuần chỉ có con người với một tấm lòng và
những tình cảm thiêng liêng, sâu sắc. Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân khắc họa
thành công hình ảnh một lão nông - Ông Hai, cần cù chất phác, giàu lòng yêu quê
hương đất nước. Vẻ đẹp ấy như được sáng bừng lên qua diễn biến tâm lý nhân vật
“ông Hai” sau khi nghe tin sét đánh “làng mình theo giặc”. Ta thấm thía trước sự
dằn xé trong lòng ông Hai là nổi bật vẻ đẹp sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư để
hướng tới tình cảm chung của cả cộng đồng trong đoạn trích: “Ông Hai ngồi lặng
trên một góc giường…. Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất
rồi thì phải thù.”
Làng
có cốt truyện gồm nhiều sự việc xoay quanh nhân vật chính với những tình huống
bất ngờ, đầy kịch tính. Diễn biến tâm lí và sự phát triển tính cách của ông Hai
đã làm nên toàn bộ cốt truyện. Chuyện kể về ông Hai - một người nông dân làng
chợ Dầu, trong kháng chiến gia đình ông phải đi tản cư. Ở nơi tản cư ông là một
người lạc quan yêu đời, luôn một lòng tự hào về quê hương bản xứ của mình. Thế
nhưng khi nghe tin làng mình theo Tây tâm trạng ông bỗng chốc thay đổi từ chỗ tự
hào dần chuyển sang mặc cảm và phẫn uất, thậm chí tủi nhục cay đắng. Cái tin thất
thiệt làm đau xé lòng ông Hai. Để rồi cuối cùng khi có tin cải chính ông quay lại
trở về là một người vui mừng khôn xiết. Ông kể về nhà ông bị đốt với niềm vui lớn.
Ông
Hai cùng gia đình phải đi tản cư ở nơi khác, xa ngôi làng yêu dấu. Dù phải xa
làng nhưng tình yêu làng, tôn thờ làng cháy bỏng như không bao giờ ngơi nghỉ,
ông yêu cái làng của mình như đứa con yêu mẹ, tự hào về mẹ, tôn thờ mẹ, một
tình yêu hồn nhiên như trẻ thơ. Đi đâu ông cũng kể lể về làng mình, về những lần
làng mình ra sức chiến đấu chống giặc, ông luôn khát khao được trở về làng, ông
tự hào về làng chợ Dầu của ông. Tình yêu làng xóm nhen nhóm từ những điều bình
dị nhất, ngọt ngào nhất và không hề thay đổi, dù đi xa nơi đâu lòng ông vẫn hướng
về làng chợ Dầu thân yêu.
Yêu
làng là thế nên khi ông nghe loáng thoáng được tin làng mình theo giặc ông đã
bang hoàng như sét đánh bên tai. Khi nghe tin đột ngột, "cổ họng ông
lão nghẹn ắng lại, da tê rân rân, …ông không thể không tin". Ông đi về
nhà, mặt cúi gằm xuống đất, về đến nhà ông vật ra gường, nhìn lũ con, tủi thân,
nước mắt ông lão tràn ra. Ông đau đớn rít lên, nguyền rủa bọn phản bội. Diễn biến
tâm lý ông Hai được diễn tả rất sinh động đã làm sáng lên tình yêu nước của ông.
Ông yêu làng yêu từ những điều nhỏ bé bờ tre, bến nước, cây đa, xóm giềng, yêu
đến những cái lớn lao yêu kháng chiến, yêu dân tộc, yêu Tổ quốc. Tình yêu làng
càng lớn thì nỗi đau khi làng theo Tây cũng càng lớn, khi nghe tin sét đánh
xong ông Hai như biến thành một người khác. Từ con người đi đâu cũng tự hào cất
cao lời ca khen ngợi làng mình vì kháng chiến, vì tổ quốc ông Hai trở nên lầm
lì, đi đâu cũng cúi gằm mặt xuống vừa tủi nhục, xấu hổ, vừa đau đớn. Yêu làng,
yêu công lao của làng với kháng chiến bao nhiêu thì lại khó xử bấy nhiêu khi
nghe tin làng theo giặc.
Niềm
kiêu hãnh, tự hào, hạnh phúc, sung sướng, vui thích khi nghĩ về làng bấy lâu giờ
bỗng chốc biến thành cảm giác tủi nhục, thất vọng, đau đớn, xấu hổ, bị mọi người
rẻ khinh. Cảm giác ấy cũng những ý nghĩ tồi tệ đến không tưởng tượng được như từng
nhát dao khứa vào tim ông. Từ lúc ấy, ông không dám đi đâu hết, suốt ngày ru rú
trong nhà và nghe ngóng tin tức. “Ông Hai ngồi lặng trên một góc giường. Bao
nhiêu ý nghĩ đen tối, ghê rợn, nối tiếp bời bời trong đầu óc ông lão. Biết đem
nhau đi đâu bây giờ? Biết đâu người ta chứa bố con ông mà đi bây giờ?… Thật là tuyệt
đường sinh sống! Mà không một gì cái đất Thắng này. Ở Đài, ở Nhã Nam, ở Bố Hạ,
Cao Thượng… đâu đâu có người Chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi. Mà cho dẫu
vì chính sách Cụ Hồ người ta chẳng đuổi đi nữa, thì mình cũng chẳng còn mặt mũi
nào đi đến đâu. Với nghệ thuật miêu tả nội tâm, sử dụng ngôn ngữ độc thoại
nội tâm, nhà văn đã diễn tả rất cụ thể nỗi ám ảnh nặng nề biến thành sự nơm nớp
lo sợ thường xuyên trong ông Hai cùng với nỗi đau xót, xấu hổ, nhục nhã. Ông
Hai mặc cảm thấy mình như có lỗi trong việc làng Dầu theo giặc,phản bội kháng
chiến. Ông thu mình trong nỗi tủi hổ, đau xót, trằn trọc, không ngủ,không muốn
nói năng gì. Điều này không chỉ ông mà cả gia đình ông sống trong tâmtrạng rất
đỗi nặng nề, trong bầu không khí u ám, người lớn không dám nói to, trẻ con không
dám cười đùa. Lòng tự hào về làng quê của ông Hai bị tổn thương sâu sắc. Nhất là
khi nghe nghững lời bàn tán của mọi người. Nỗi nhục “tuyệt đường sinh sống” “chẳng
còn mặt mũi nào đi đến đâu”. Người dân Việt Nam ai cũng sẵn sàng nhường cơm
sẻ áo, chia nhà chia cửa cho đồng bào của mình khi có hoạn nạn, khó khăn, nhất
là khi có hoạ ngoại xâm. Nhưng cũng chính họ đã phản ứng quyết liệt trước sự phản
bội và không nhân nhượng với bất cứ ai hèn nhát đầu hàng hay chỉ cần là dân của
một làng đã đi theo giặc. Ông Hai cảm nhận hết nỗi nhục nhã, lo sợ vì tuyệt đường
sinh sống: “Biết đem nhau đi đâu bây giờ? Biết đâu người ta chứa bố con ông
mà đi bâygiờ?...”. Bị đẩy vào đường cùng, tâm trạng ông vô cùng bế tắc, tuyệt
vọng. Vì lẽ đó cái câu nói của người đàn bà tản cư “Cả làng chúng nó Việt
gian theo Tây…”, lại dội lên, ám ảnh trong tâm trí ông. Kim Lân không nói nhiều, tả nhiều nhưng cũng đủ
cho thấy tình cảm mà ông Hai dành cho làng lớn đến nhường nào. Nếu ông Hai
không yêu làng sâu sắc thì cũng không đau đớn đến vậy
Mâu
thuẫn nội tâm bị đẩy lên đỉnh điểm. Ông nghĩ “Hay là quay về làng?”. Ông
đã từng nhớ làng da diết, từng ao ước được trở về làng. Nhưng “vừa chớm nghĩ
như vậy, lập tức ông lão phản đối ngay. Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó
theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ…”. Vẻ đẹp người
nông dân Việt Nam trong kháng chiến hiện lên thật đẹp, một tình yêu không hề mù
quáng, yêu làng nhưng luôn gắn tình yêu đó với tình yêu kháng chiến, yêu đất nước.
Tâm lí ông lúc này là sự đấu tranh khôn cùng của suy nghĩ về hay không về
làng... “Nước mắt ông giàn ra. Về làng tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng
Tây. Ông lão nghĩ ngay đến mấy thằng kì lí chuyên môn khua khoét ngày trước lại
ra vào hống hách ở trong cái đình. Và cái đình lại như của riêng chúng nó, lại
thâm nghiêm ghê gớm, chứa toàn những sự ức hiếp, đè nén. Ngày ngày chúng dong
ra, dong vào, đánh tổ tôm mà bàn tư việc làng với nhau ở trong ấy. Những hạng
khố rách áo ôm như ông có đi qua cũng chỉ dám liếc trộm vào, rồi cắm đầu xuống
mà lủi đi. Anh nào ho he, hóc hách một tí thì chúng nó tìm hết cách để hại, cất
phần ruộng, truất ngôi, trừ ngoại, tống ra khỏi làng…”. Lời độc thoại nội
tâm rất chân thực diễn tả những suy nghĩ, băn khoăn của ông Hai. Ông Hai hiểu rằng
quay về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ, là chấp nhận làm nô lệ. Rồi ông
mường tượng ra quá khứ đen tối và nhục nhã của kiếp sống trước mà còn cảm thấy
“rợn cả người”. Biện pháp nghệ thuật liệt kê biểu cảm, hấp dẫn, cho ta thấy được
đầy đủ, chân thực về bọn cường hào và đau khổ trong người nông dân. Những dòng
tâm trạng đau đớn của những người dân và sự căm hận bọn kẻ độc ác đã làm cho cuộc
sống nhân dân và ông Hai khốn khổ. Trong con người ông Hai diễn ra cuộc đấu
tranh nội tâm gay gắt giữa sáng và tối, được và mất. “Ông Hai nghĩ rợn cả
người. Cả cuộc đời đen tối, lầm than cũ nổi lên trong ý nghĩ ông. Ông không thể
về cái làng ấy được nữa. Về bây giờ ra ông chịu mất hết à?” Tác giả miêu tả
một cách rất tinh tế những dòng độc thoại nội tâm của nhân vật. Ông hiểu được
cái lớn lao, thiêng liêng mà Cách mạng đã mang lại cho ông và làng Dầu. Chuẩn mực
cho tình yêu và niềm tự hào về quê hương, đối với ông Hai lúc bấy giờ là cuộc
kháng chiến. Tuy đau xót tưởng chừng bế tắc nhưng trong cõi thẳm sâu của tấm
lòng, người nông dân ấy vẫn hướng về kháng chiến, vẫn tin ở những điều tốt đẹp,
cố giữ cho tâm hồn không vẩn đục, để đón đợi một điều gì đỡ đau đớn, tuyệt vọng
hơn.
Không
muốn rời xa cái làng mà mình vốn luôn hãnh diện, luôn “khoe” nhưng người nông
dân tản cư ấy đi đến quyết định dứt khoát: “Không thế được! Làng thì yêu thật
nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Thù cái làng mà mình đã từng yêu
thương, từng gắn bó như máu thịt, đó là sự hi sinh vì làng đó đã theo Tây phản
bội đất nước. Tình yêu làng dẫu có thiết tha, mãnh liệt đến đâu, cũng không thể
mạnh hơn tình yêu đất nước. Ông Hai đã đặt tình yêu kháng chiến, yêu lãnh tụ
lên trên tất cả. Tình yêu nước đã rộng lớn hơn, bao trùm hơn tình cảm làng quê.
Đây là nét mới, là chuyển biến sâu sắc trong tư tưởng, tình cảm của người nông
dân thời kì kháng chiến chống Pháp. Với ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế,
Kim Lân đã khắc họa thành công nét mới trong tình yêu làng truyền thống của người
nông dân kháng chiến. Trong hoàn cảnh toàn dân đang hướng tới cuộc kháng chiến
chống pháp, bảo vệ độc lập dân tộc, ông Hai đã biết đặt tình yêu đất nước lên
trên tình yêu cá nhân của mình với làng chợ Dầu, ông dành tất cả cho cách mạng.
Đó chính là nét đẹp trong con người ông Hai nói riêng và người nông dân Việt
Nam nói chung. Nhưng dù xác định thế nào, ông vẫn không vứt bỏ được tình cảm với
làng.
Ông
Hai đã đặt tình yêu kháng chiến, yêu lãnh tụ, yêu đất nước lên trên tình yêu
làng truyền thống. Thế nên, khi tin về làng được cải chính, dù tài sản riêng bị
phá hủy, ông vẫn vô cùng sung sướng đi mua quà bánh cho con, rồi lại đi khoe với
mọi người rằng Tây đã đốt nhà ông. Có thể nói, với “Làng”, qua nhân vật ông
Hai, Kim Lân đã khẳng định: cách mạng và kháng chiến chẳng những không làm mất
đi tình yêu làng truyền thống mà còn đưa đến cho tình cảm ấy những biểu hiện
hoàn toàn mới mẻ: lòng yêu cách mạng, yêu lãnh tụ. Chính tình yêu làng thống nhất
với tình yêu nước đã làm nên sức mạnh của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.
Nhà văn Kim Lân đã khá thành công khi xây dựng
nhân vật ông Hai, một lão nông cần cù, chất phác, yêu mến, gắn bó với làng quê
như máu thịt. Nhà văn rất thành công trong việc miêu tả diễn biến tâm trạng của
nhân vật ông Hai một cách tinh tế và sinh động. Đặt nhân vật vào tình huống thử
thách bên trong để bộc lộ chiều sâu tâm trạng. Tác giả miêu tả cụ thể, gợi cảm
các diễn biến nội tâm qua ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ, đặc biệt diễn tả rất đúng
và gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh, day dứt đau đớn trong sâu thẳm tâm trạng
nhân vật. Điều đó,chứng tỏ nhà văn Kim Lân am hiểu sâu sắc người nông dân và thế
giới tinh thần của họ.Ngôn ngữ kể, ngôn ngữ nhân vật thật đặc sắc, đặc biệt là
ngôn ngữ nhân vật ông Hai giàu tính khẩu ngữ, vừa có nét chung của người nông
dân vừa mang đậm cá tính của nhân vật. Lòng yêu quê hương tha thiết của ông mãi
là bài ca đẹp về một điển hình cho bao người nông dân Việt Nam trước cách mạng.
Kim Lân đã khắc hoạ thành công hình tượng một
người nông dân yêu làng, yêu nước hồn nhiên chất phác nhưng xúc động. Hình tượng
nhân vật ông Hai vừa phản ánh chân thực những nếp cảm, nếp nghĩ của người nông
dân Việt Nam trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, vừa có ý nghĩa
giáo dục sâu sắc đối với nhiều thế hệ bạn đọc. Qua truyện ngắn này, ta có thể
hiểu được một cách sâu sắc thêm về hình ảnh những người dân kháng chiến Việt
Nam với tình yêu quê hương đất nước. Tình yêu quê hương đất nước bắt nguồn từ những gì gần gũi
thân thương nhất. Đặc biệt, được thử thách khi Tổ quốc có giặc ngoại xâm. Ta thêm
yêu vẻ đẹp của thiên nhiên quê hương, biết ơn những con người làm nên lịch sử,
biết trân trọng quá khứ gian lao và hào hùng, biết vui buồn cùng những thăng trầm
trong quá khứ và có nhận thức đúng về trách nhiệm công dân trong hiện tại, cùng
chung tay xây dựng tương lai,...