Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

Không khí lao động vui tươi, nhịp nhàng cùng thiên nhiên (Khổ 3,4 Đoàn thuyền đánh cá)

 

Cảm nhận Không khí lao động vui tươi, nhịp nhàng cùng thiên nhiên qua đoạn thơ :

                        Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

Dàn đan thế trận lưới vây giăng

 

Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

(Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận)

 

Bài làm của Đỗ Mỹ Phương ( 9A2 Trường THCS Phan Bội Châu)

Có lẽ sức hút khó cưỡng toát ra từ thơ Huy Cận xuất phát từ ngón bút thấm đẫm cảm hứng vũ trụ của ông. Theo chân từng vần thơ của bài thơ
Đoàn thuyền đánh cá
” là
cảm nhận về hình ảnh con thuyền huyền ảo như song hành cùng biển cả bao la, như phiêu bạt cùng đất trời và những tinh tú của vũ trụ. Cảnh đánh cá trong đêm tranh hóa thành một bức tranh đầy màu sắc cùng những làn điệu tươi mưới, nhịp nhàng của không khí lao động tươi mới, mê say của người ngư dân dưới cái nhìn thi vị và tâm hồn lãng mạn của thi nhân :

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

Dàn đan thế trận lưới vây giăng

 

Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

Đời thơ Huy Cận dường như được chia thành hai phần khác nhau. Trước Cách mạng tháng 8, Huy Cận triền miên trong nỗi buồn thương, thơ ông đượm trong nỗi sầu nhân thế, dồn tụ nhiều cảm xúc nặng trĩu. Thế nhưng, nhà thơ không bị cuốn vào vòng tròng lẩn quẩn của cảm xúc như những hồn thơ đương thời. Sau Cách mạng tháng 8, tiếng thơ ông phấn chấn theo hơi thở thời đại mới khi cả đất nước đang bắt tay xây dựng và phát triển quê hương, xứ sở. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá ra đời vào năm 1958 như sự khẳng định của thi nhân về sự chuyển biến trong cảm hứng chủ đạo: Giọng điệu thơ cất lên trong sự phấn chấn, khoáng đạt của cuộc sống mới; hình ảnh thơ huyền ảo, tuyệt đẹp để ngợi ca sức lao động và nâng tầm giá trị con người đến ngang tầm vũ trụ.

Cảm hứng vũ trụ chính là đôi cánh nâng lên tầm vóc vĩ đại của con thuyền, sánh ngang sự vĩ đại, lớn lao của vũ trụ trong nhịp cuộc chinh phục thiên nhiên trường kì, sôi nổi của con người miền biển :

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng.

Nghệ thuật sử dụng từ ngữ và nhịp thơ nhanh như bệ phóng để con thuyền sung mãn lao về phía trước trong đêm trăng đánh cá huyền ảo, song hành cùng các hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ : “gió, trăng, mây, biển. Con thuyền hóa thành chủ thể trữ tình đẹp đẽ và nổi bật nhất trang thơ, thi nhân sử dụng đại từ “ta” để khẳng định tâm thế chủ động, đường hoàng, làm chủ tay lái, làm chủ cuộc đời của con người trước thiên nhiên, của bản thể trước một vũ trụ lớn lao, vĩ đại. Bước tiến mạnh mẽ của con thuyền có lẽ không chỉ là nhờ vào động cơ, bánh lái hay sức người, mà còn nương nhờ vào sức mạnh của thiên nhiên, vào sức gió cuồn cuộn của biển đêm. Trong bóng tối ngút ngàn ôm trọn cảnh vật ấy, đôi mắt tinh tế của nhà thơ đã thu trọn ánh trăng bàng bạc dội xuống làm sáng rực một vùng trời, cánh buồm giờ đây là “buồm trăng”, lấy những tinh tú rực rỡ nhất của đất trời làm chất liệu cho cuộc hành trình vạn dặm của mình. Sức vóc con thuyền càng được nâng tầm qua hình ảnh mây trời và mặt biển. Từ “lướt” cho ta mường tượng ra được tốc độ con thuyền lao đi rất nhanh trong đêm tĩnh. Chủ thể trữ tình còn được đặt trong sự đối chiếu với các vật thể xung quanh. Việc sử dụng giới từ “giữa” kết hợp với từ “lướt” không chỉ cho thấy tốc độ, mà còn cho thấy sự hòa điệu của con thuyền và cảnh vật xung quanh. Hình ảnh “mây cao” và “biển bằng” đã làm không gian được mở rộng đến mức tối đa, thể hiện hình ảnh con thuyền không hề đơn độc, yếu thế trong không gian to lớn ấy mà thực sự hòa điệu và song hành với tạo hóa, cảnh vật. Trong sự kết hợp đồng điệu giữa con người và thiên nhiên, sức mạnh hăng hái của con người và đoàn thuyền trở thành trọng tâm khắc nên bức tranh đánh bắt cá tràn đầy năng lượng, vui tươi trong đêm trăng.

Bằng những trải nghiệm và sự cảm nhận thực tế từ chuyến đi sáng tác, khung cảnh đánh bắt cá được nhà văn khắc họa và tái hiện trong sự so sánh thú vị với cảnh đánh trận phấn chấn nhưng cũng không kém phần căng thẳng, đòi hỏi nhiều sức lực và trí tuệ :

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Cụm từ “ra đậu dặm xa” đã mở ra cho ta một khoảng cách xa xăm, một khung trời mới mẻ mà chỉ có những ngư dân lành nghề, với đôi mắt tinh tường và sự dũng cảm, đột phá mới dám đặt chân đến để khai phá, đánh bắt. Hoạt động “dò bụng biển” đã làm nổi bật lên tính chất công việc người ngư dân với những hiểm họa khôn lường nhưng vô hình, nằm ẩn sâu trong lòng đại dương thăm thẳm, khó đoán biết. Và trong đại dương bao la, to lớn ấy, phần thưởng quý giá vô ngần của tạo hóa chỉ ban cho những chủ nhân xứng đáng nhất, những con người mẫn cán, chịu khó tìm tòi và khai phá. Từ “dàn đan” cũng thể hiện sự điêu luyện, khéo léo, vận dụng toàn bộ sức mạnh trí tuệ và thể chất của con người để làm sao làm chủ được tình hình, thu trọn được mẻ cá. Cuộc đánh bắt cá phức tạp, chằng chịt bởi những tấm lưới “vây giăng” để đánh bắt, cũng nguy hiểm và gian truân như một “thế trận” thực thụ. Tài hoa Huy Cận đã làm sáng tỏ tính chất công việc nguy hiểm, khó lường của người ngư dân và sự khéo léo, dũng cảm của con người trên sàn đấu sòng phẳng với thiên nhiên và trời đất.

Khung cảnh đánh bắt cá cứ tiếp diễn trong không khí sôi nổi, vui tươi và hừng hực của sức lao động con người, với từ câu hát đẩy mạnh tinh thần và sự hòa điệu của thiên nhiên :

Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.

Đại từ “Ta” được sử dụng kết hợp với từ “hát” để làm nổi bật tình cảm gắn bó của người ngư dân đối với biển khơi, để cất lên tiếng hát gọi mời, dẫn cá vào những mẻ lưới đã được trang bị sẵn sàng. Ánh trăng trong tâm hồn nhà thơ được cảm nhận bằng âm thanh chứ không phải ánh sáng. Nhưng có lẽ vì ánh trăng lan tỏa đến chói lòa nên nhà thơ cảm nhận nó đã chạm vào mạn thuyền, tạo nên những âm thanh vang động để định hướng luồng cá tươi ngon. Vầng trăng khảm trên nền trời cao một lần nữa lại vươn ra đôi tay tối thượng của mình làm nhịp nâng đỡ và hòa điệu với những nỗ lực bền bỉ, mạnh mẽ của những con người miền biển. Tiếng hát chan chứa trong tấm thân tình của những mảnh hồn gắn bó và nhịp gõ thuyền của tạo hóa một lần nữa đã siết chặt sợi dây nối liền con người và thiên nhiên, qua đó tạo ra bức tranh đánh bắt cá trong đêm khuya với sự sống động đầy sôi nổi.

Giọng thơ đến đây trầm lắng chảy trôi như lời tri ân sâu sắc của những người con đến với biển mẹ bao dung, ấm áp. Tấm chân thành nồng đượm tình yêu biển tha thiết và sự ngợi ca, biết ơn to lớn được tỏ bày mạnh mẽ trên từng vần thơ :

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

Biện pháp nghệ thuật so sánh “biển” với “lòng mẹ” làm ta liên tưởng đến sự dịu hiền, khoan dung và ơn nuôi dưỡng cùng trời vô tận của tình cảm mẫu tử. Đối với người ngư dân, biển không phải là một vật vô tri mà là một sinh thể có trí tuệ và tâm hồn. Câu thơ “Nuôi lớn đời ta tự buổi nào” bật ra như lời tri ân chân thành nhất của những người ngư dân đối với biển mẹ, đó là nơi bao bọc và cung cấp dưỡng chất để họ lớn lên, trưởng thành, để rồi nuôi dưỡng khát khao cháy bỏng của những người con hướng biển. Dòng chảy âm ỉ của triết lí ân nghĩa, thủy chung trong trái tim người Việt Nam luôn chảy trôi âm trầm trong lòng đời, trong nhịp sống, nhịp lao động hăng say và tươi vui.

Ngón bút nổi trội nhất có lẽ là cảm hứng vũ trụ bất tận và đặc trưng trong thơ Huy Cận. “Đoàn thuyền đánh cá” được viết theo thể thơ bảy chữ, cách gieo vần biến hóa linh hoạt. Từng câu thơ đều hàm chứa năng lựa riêng, khi bật ra thể hiện sự phấn chấn, khỏe khoắn và phơi phới của sức sống lao động luôn trỗi dậy. Bút pháp phóng đại khoa trương của thi nhân đã tạo ra một dấu ấn đáng kể, có tác dụng nâng tầm sức vóc của con người ngang hàng với vũ trụ. Hình ảnh trong bài thơ đầy kì ảo, mang sức gợi và sức hấp dẫn mới mẻ cho tác phẩm.

Bằng tâm hồn tinh tế và tài năng thi ca đặc trưng, mới lạ, Huy Cận đã mở ra trước tầm mắt người đọc khung cảnh hoành tráng, lung linh của một chuyến ra khơi đánh cá trong đêm trăng. Năng lượng tươi mới, hân hoan của nhịp lao động khỏe khoắn có lẽ không chỉ tồn tại trên trang thơ mà tràn đầy ra cuộc sống. Để rồi dòng chảy ấy thấm đượm trong tâm hồn ta, để ta có thêm tinh thần và sức mạnh để vững tâm lèo lái cuộc đời của chính mình.