Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Chúng ta học được gì khi không hỏi?


 Kỹ năng đưa ra những câu hỏi đúng, hay đóng vai trò thiết yếu và tiên quyết cho quá trình nghiên cứu và thu nạp kiến thức của con người. Thế nhưng, rất ít người trong số chúng ta quan tâm về việc rèn luyện kỹ năng đặt câu hỏi. Chúng ta học được gì khi không hỏi?

Học hỏi là hoạt động, còn người hiểu biết được gọi là người có học vấn, vấn ở đây chính là hỏi. Hỏi là tên gọi khác của quá trình tư duy. Nói cách khác, về bản chất, để học được, cách tốt nhất là tự mình phải hỏi được. Câu hỏi là công cụ mạnh mẽ và có lợi. Biết đặt câu hỏi giúp tăng khả năng học tập và cải thiện mối quan hệ giữa các cá nhân. Hỏi giúp ta hiểu được bản chất của cuộc sống, khám phá những qui luật và giá trị cuộc sống.

Tại sao khi ta còn nhỏ thường tự đặt rất nhiều câu hỏi. Người lớn rất đau đầu vì chuyện này. Và ta hiểu biết thêm rất nhiều từ đấy, bởi đó là việc học tự thân. Nhiều khi việc đặt câu hỏi có thể đã giúp chúng ta giải quyết được một nửa vấn đề rồi. Như thiên tài Albert Eistein từng chia sẻ, không phải là vì ông quá thông minh mà nhờ kiên trì đặt câu hỏi lâu hơn. Khi đã tìm ra câu hỏi thích hợp, ông có thể giải quyết vấn đề với ít thời gian hơn. Nick Vujicic đã từng đặt ra vô vàn những câu hỏi về khiếm khuyết của cơ thể mình, để rồi nhận ra anh có thể mang đến những giá trị vĩ đại hơn cả những bất hạnh mà tạo hóa đã mang đến cho mình. Kyto Aya tự hỏi điều gì là quan trọng nhất nếu cuộc sống của cô quá ngắn ngủi và lời đáp mà cô nhận được đó là lời “Cảm ơn”. Cô trân trọng từng khoảnh khắc cô tồn tại trong cuộc đời và dành lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả mọi điều mà cô đã nhận được.

Chịu khó suy nghĩ, tìm tòi để đặt ra các câu hỏi đúng, ý nghĩa, kích thích tư duy, tăng cơ hội giao tiếp và tiến bộ. Chúng ta học được từ những câu hỏi nhiều hơn từ những câu trả lời. “Tại sao quả táo lại rơi xuống mà không bay lên?” Có lẽ Newton không phải là người đầu tiên bị một vật gì đó rơi trúng đầu, nhưng ông là người đầu tiên đặt câu hỏi về điều mà không ai để ý, và say mê tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi mà những người khác bỏ qua. Những thắc mắc thông minh khiến bạn khám phá ra nhiều điều mới mẻ, đập vỡ những định kiến của chính bạn và mọi người. Lịch sử nhân loại đi lên chính nhờ những câu hỏi không ngừng, những thắc mắc dường như không có hồi kết của con người… Chuyên gia thiết kế nổi tiếng Steven Heller từng nói: “Những câu hỏi có thể dời non lấp bể, giúp các ý tưởng được “kích nổ’ ngay tức thì. Đó là những câu hỏi mà một khi dã được gợi lên, sẽ khiến loài người phải suy nghĩ theo hướng hoàn toàn khác biệt”.

Qua những câu hỏi ta có thể rèn luyện nhiều kỹ năng khác. Khi đặt câu hỏi, chúng ta học được cách kiểm chứng thông tin, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và thích nghi với những khó khăn. Chúng ta có thể tìm ra con đường mới lạ và đột phá trong những điều rất đỗi bình thường hằng ngày, những điều mà chúng ta thậm chí còn không để ý đến. Biết hỏi và không ngừng hỏi, con người còn khám phá ra sức mạnh của chính bản thân mình.

Câu hỏi và câu trả lời là hai vế của một hoạt động vấn đáp. Trong xã hội ngày nay, khi mà Internet đã thu gom được hầu hết tri thức phổ thông của nhân loại, việc tìm ra câu trả lời trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần bạn biết đặt từ khóa tìm kiếm đúng, hay nói cách khác là câu hỏi đúng sẽ có rất nhiều câu trả lời cho bạn. Tạo thói quen đặt câu hỏi chính là cơ sở để chúng ta có thể đặt được những câu hỏi đúng.

Việc ngại hỏi sẽ khiến chúng ta e dè và mất hút trong phần lớn hoạt động cộng đồng đòi hỏi phải đưa ra ý kiến, đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội để giao tiếp xã hội và tiến bộ. Chắc bạn từng chứng kiến những buổi học, trao đổi mà thầy cô cứ phải lặp đi lặp lại câu hỏi “ai có câu hỏi gì không ạ?” trong sự im lặng. Lý do chính có lẽ là do chúng ta sợ bị đánh giá là yếu kém chăng? Đừng ngại hỏi, chớ giấu dốt e dè và mất hút trong phần lớn hoạt động cộng đồng. Con người cần học cách hỏi. Không phải ai cũng biết hỏi. Câu hỏi chỉ đến khi ta đã nung nấu, nghiền ngẫm về một vấn đề nào đó thật chín muồi. Cần đặt câu hỏi ở mọi khía cạnh: là gì, như thế nào, tại sao, khi nào…để tìm ra bản chất vấn đề.

Trong cuộc sống hiện nay, có người ngại hỏi, lại có những người không dám hỏi, hoặc không có gì để hỏi. Đó đều là biểu hiện tiêu cực của sự lười tư duy, sống vô cảm, thu mình trong vỏ ốc…“Những câu hỏi còn quan trọng hơn câu trả lời. Bởi nó là động lực khiến ta phải không ngừng học tập, kiến tạo, thử nghiệm và tiến bộ” (Pete Welter). Hỏi, bạn chỉ dốt trong giây lát, không hỏi, bạn dốt nát cả đời. Không thể tư duy thì không thể thay đổi bất kì thứ gì. Cần rèn luyện tư duy phản biện, không ngừng đặt “mười vạn câu hỏi vì sao”. Đặt câu hỏi cho người khác và cho chính mình là một cách rèn luyện tư duy.

Tất nhiên trong cuộc sống, trong quá trình giao tiếp không tránh khỏi những câu hỏi ngớ ngẩn, những sai lầm khiến cho cuộc đối thoại đi theo hướng khác. Đây là một điều các bạn thật sự cần nên tránh. Phải suy nghĩ thận trọng để có câu hỏi đúng – câu hỏi giúp phát hiện bản chất vấn đề...với tâm thế học hỏi. Đừng sợ, chỉ là một câu đề nghị thôi mà! Chúng ta sẽ chẳng mất gì sau khi hỏi cả.

Đặt câu hỏi trong giao tiếp là không khó, tuy nhiên đặt câu hỏi như thế nào cho hiệu quả là một vấn đề khác. Phải chuẩn bị câu hỏi từ trước. Hỏi phải đi từ tổng quan đến chi tiết. Hỏi phải có mục đích, ngắn gọn, rõ ràng phù hợp với đối tượng lời. Tôn trọng người được hỏi, không ngắt lời khi người khác trả lời. Đặc biệt phải biết lắng nghe nắm bắt, suy nghĩ thật kĩ trước khi hỏi.

Đặt câu hỏi là kỹ năng sống rất cần thiết trong cuộc sống. Thông qua việc đặt câu hỏi thích hợp, bạn có thể thúc đẩy quá trình giao tiếp diễn ra tốt đẹp và hiệu quả hơn. Đừng lãng quên những câu hỏi, công cụ mạnh mẽ để học hỏi và không ngừng tò mò về thế giới xung quanh mình.