Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

Căn bệnh than vãn của một bộ phận giới trẻ hiện nay

 


Chắc hẳn ai cũng đã đôi lần trong cuộc sống đôi lần than thở, đôi lần tuyệt vọng vì sự đời nhưng cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, và tồn tại những điều bất công dù muốn hay không. Nhưng dường như than vãn là một "căn bệnh" đang trở thành thói quen trong suy nghĩ và giao tiếp của không ít bạn trẻ.Dù cuộc sống đủ đầy, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn không thấy hài lòng, luôn có cái nhìn tiêu cực.

Than vãn có thể hiểu là kể lể dài dòng, than thở về một vấn đề nào đó mà bản thân cảm thấy không vừa ý, không hài lòng.Than vãn những vấn đề trong cuộc sống đã trở thành một căn bệnh phổ biến xuất hiện ở hầu hết các tầng lớp trong xã hội.Chán chường, luôn than thân trách phận và mất niềm tin vào cuộc sống... là thái độ sống mà một bộ phận không nhỏ bạn trẻ mắc phải.

Lướt một vòng trên mạng xã hội, sẽ không khó để bắt gặp những dòng trạng thái của nhiều bạn trẻ chia sẻ về cuộc sống hiện tại. Không ít người đăng dòng tâm trạng kiểu như "Cuộc sống thật quá bất công với mình", "Tự nhiên chán mà không biết lý do", "Không thấy thì tim không đau"... Nhiều bạn trẻ cùng ngồi uống nước, buôn chuyện, các câu chuyện đều xoay quanh việc học, việc chơi, yêu đương tuổi "bọ xít" nhưng đa số những câu mở đầu đều bắt đầu bằng "dạo này chán thật"... Chán vì bị bố mẹ theo dõi quá sát sao nên mỗi lần muốn đi chơi, gặp bạn bè phải tìm cách nói dối. Người thì than vãn công việc không đâu vào đâu, lương thấp mà căng thẳng. Người thì kể lể về chuyện cấp trên khó tính, luôn dò xét, soi mói lúc mình làm việc... Rất nhiều câu chuyện kêu than như "không có hồi kết" của các bạn trẻ.

Nguyên nhân của căn bệnh than vãn của giới trẻ bắt nguồn từ cái nhìn bi quan, tiêu cực về cuộc sống của các bạn trẻ. Than ngắn thở dài dường như một thói quen của không ít bạn trẻ.Khi gặp bất kỳ một vấn đề gì trong cuộc sống không được như ý muốn, thay vì tìm cách giải quyết hoặc chấp nhận nó, thì nhiều bạn chọn cách than vãn, trách cứ, đổ lỗi tại hoàn cảnh, oán trách số phận mà không nhìn nhận lỗi ở chính bản thân mình. Với nhiều bạn trẻ, bệnh than vãn là do được bao bọc quá nhiều. Mọi vấn đề liên quan tới cuộc   sống của người trẻ đều được người khác thực hiện thay hay thậm chí được trải "thảm đỏ" nên họ không phải đối mặt với khó khăn, vấp ngã. Vì thế, khi chỉ gặp một chút buồn phiền, nhiều người trẻ không có kỹ năng đối phó, xử lý nên ngoài than vãn ra thì họ không còn cách biểu đạt nào khác. Những người hay than vãn mong muốn nhận được sự đồng cảm, sẻ chỉa, sự cảm thương từ những người xung quanh về cuộc đời “bất hạnh” của mình.

Than vãn, phàn nàn khiến chúng ta kém minh mẫn.Than vãn chỉ mang lại cảm xúc tiêu cực, khiến bản thân trở thành kẻ ích kỷ, vị tư, chỉ biết nhìn vào lỗi lầm khuyết điểm của người khác mà không thấy thiếu sót của chính mình. Những người than phiền quá nhiều, con đường phía trước chắc chắn sẽ không dễ đi, bởi vì họ không biết tự xem xét bản thân, không biết cải thiện và nâng cao giá trị. Than vãn là một liều thuốc độc vì nếu chẳng tự thân mình động viên mình thì bạn sẽ chẳng thể nào khá khẩm hơn.Thất bại là không thể tránh khỏi.

Than vãn kéo dài khiến những người lắng nghe cảm thấy mệt mỏi chẳng kém.Trong quan hệ giữa người với người, một khi bắt đầu có sự oán trách thì mối quan hệ giữa hai người đã xuất hiện nguy cơ, bất kể là mối quan hệ người thân, bạn bè … đều như vậy cả. Những lời than vãn sẽ gây phản cảm với người khác, khiến người khác phải tránh xa.Mối quan hệ sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu những người xung quanh chúng ta được tặng những lời hay ý đẹp, điều này còn hơn cả tặng hoa! Than vãn, phàn nàn thể hiện khả năng thích nghi kém,phòng thủ càng nhiều chỉ làm ta càng cảm thấy bất an. Sự than vãn chỉ có thể khiến người khác coi thường chúng ta. Thậm chí, họ còn khinh bỉ chúng ta là kẻ nhu nhược, kém cỏi nữa. Những người chỉ biết ngồi một chỗ mà than vãn chỉ biết nhìn vào những điều tiêu cực thì toàn bộ năng lượng sống của bản thân đã bị triệt tiêu, sẽ không có thời gian để cảm nhận, hưởng thụ những điều tốt đẹp xung quanh cuộc sống.

Mỗi bạn trẻ hãy học cách chấp nhận những căng thẳng, thất bại trong cuộc sống, dù lớn hay nhỏ thì đó cũng sẽ là bài học kinh nghiệm cho bản thân. Học cách chấp nhận những thất bại trong cuộc sống và rèn bản lĩnh đứng lên sau vấp ngã. Khi gặp khó khăn hãy bình tĩnh suy xét, từ đó tìm ra cách giải quyết tốt đẹp nhất có thể. Bất cứ khi nào chúng ta cũng giữ được cho mình một đầu óc tỉnh táo, một tinh thần sảng khoái yêu đời, có niềm tin vào cuộc sống, luôn có cái nhìn tích cực, lạc quan vào những vấn đề xung quanh mình. Học cách buông bỏ những bất hạnh, giữ lại niềm vui. Ngừng than vãn, nhìn đời bằng con mắt tích cực, tất yếu bạn sẽ thấy cuộc đời này thật đáng   yếu. Gia đình cũng cần giúp các bạn hình thành kĩ năng sống, niềm tin vào cuộc sống. Nếu có kĩ năng sống, niềm tin thì khi đối mặt với những khó khăn, các bạn trẻ sẽ tự tìm ra những mặt tích cực của sự việc, từ đó có thêm động lực vượt qua.

Là một học sinh, phải cố gắng sống lạc quan và đừng bao giờ làm cho người khác phải bi quan.Đừng tự cho mình cái quyền được buông ra những lời than vãn! Đừng dại dột mà đi kết thân với những người luôn than vãn. Bởi vì, những lời nói đầy tính bi quan của họ có thể làm tiêu tan mọi ý chí vươn lên nơi bạn.Hãy tìm cho mình những công việc hữu ích, khi bận rộn sẽ không còn nhiều thời gian để than vãn. Ví dụ như các bạn nên trải nghiệm các hoạt động tình nguyện, tham gia các hoạt động xã hội sẽ giúp các bạn trẻ có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống.

Đừng than vãn mà hãy bắt tay vào hành động!Ngừng than vãn sẽ khiến cuộc sống của bạn ngày càng ý nghĩa hơn. Hãy chiến thắng cảm xúc tiêu cực của bạn. Thời gian chúng ta dành để than vãn chẳng hề giúp đạt được các mục đích của chúng ta. Và nó không làm chúng ta hạnh phúc hơn lên. Hãy suy nghĩ ít đi và hành động nhiều hơn để luôn cảm thấy lạc quan nhé!