Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

Cảm nhận thông điệp về quan niệm sống hạnh phúc là có một công việc để làm hết mình, chăm chút nơi ở, đón khách…qua đoạn trích:

  


Cảm nhận thông điệp về quan niệm sống hạnh phúc là có một công việc để làm hết mình, chăm chút nơi ở, đón khách…qua đoạn trích:

Không hiểu sao nói đến đây, bác lái xe lại liếc nhìn cô gái. Cô bất giác đỏ mặt lên.

- Một anh thanh niên hai mươi bảy tuổi! Đây là đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét. Anh ta làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Cách đây bốn năm, có hôm tôi cũng đang đi thế này, chợt thấy một khúc thân cây chắn ngang đường, phải hãm lại. Một anh thanh niên ở đâu chạy đến, hè với tôi và khách đi xe đẩy khúc cây ra một bên cho xe đi. Hỏi ở đây mà ai đẩy cây ra giữa đường thế này, anh chỉ đỏ mặt. Thì ra anh ta mới lên nhận việc, sống một mình trên đỉnh núi, bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo, chưa quen, thèm người quá, anh ta kiếm kế dừng xe lại để gặp chúng tôi, nhìn trông và nói chuyện một lát. Kìa, anh ta kia.

Những lời giới thiệu trước ấy làm nhà họa sĩ già xúc động mạnh khi nhìn thấy người con trai tầm vóc bé nhỏ, nét mặt rạng rỡ từ trên sườn núi trước mặt chạy lại chỗ xe đỗ. (Lời giới thiệu của bác lái xe về anh thanh niên – Tên tuổi, nghề nghiệp, hoàn cảnh, một vài nét về phẩm chất anh ta)

[…]

Thì giờ ngắn ngủi còn lại thúc giục cả chính người họa sĩ già. Ông theo liền anh thanh niên vào trong nhà, đảo nhìn qua một lượt trước khi ngồi xuống ghế. Một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách. Họa sĩ còn đang nheo mắt cố đọc tên các sách trên giá thì cô gái đã bước tới, dường như làm việc ấy hộ bố. Cô không trở lại bàn giữa và ngồi ngay xuống trước chiếc bàn học con, lật xem bìa một cuốn sách rồi để lại nguyên lật mở như cũ. Anh thanh niên rót nước chè mời bác già, ngoảnh lại tìm cô gái, thấy cô đang đọc, liền bưng cái chén con đến yên lặng đặt trước mặt cô. (Cuộc đời riêng của anh thanh niên – giường con, bàn học, giá sách; rót chè mới bác gái, bưng cái chén con)

Sau đó liên hệ một tác phẩm khác hay thực tế để làm rõ thông điệp.( ý nghĩa công việc thầm lặng)

Bài làm của Đỗ Mỹ Phương ( 9A2 Trường THCS Phan Bội Châu)

Gấp lại trang văn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long, mấy ai không thấy tâm hồn mình ngập ngụa trong nỗi bâng khuâng và xao xuyến về một điều gì không hề rõ rệt? Có lẽ nhà văn Nguyễn Thành Long, bằng ngòi bút tài hoa thấm đẫm chất kí và chất trữ tình đầy trong trẻo, đã trở thành người dẫn lối cho người đọc trên cung đường tìm đến xứ sở đến cái đẹp. Chốn ấy ngân vang âm thanh của sức sống của lao động tươi mới, của tâm hồn thơm thảo, đẹp đẽ và nhiệt thành toát ra từ nhân vật anh thanh niên và những mối quan hệ xung quanh anh, chốn ấy không chỉ là thế giới tạm thời nhà văn tạo dựng trên trang truyện mà còn chôn giấu một báu vật đáng giá cả đời người Nguyễn Thành Long. Đó là quan niệm về hạnh phúc xuất phát từ những điều bình dị : có một công việc để trút hết sức trẻ, chăm chút nơi ở, nồng hậu tiếp đón, trò chuyện với những vị khách hiếm hoi. Điều đó được kể một cách chân thực trong đoạn trích : “Không hiểu sao nói đến đây…liền bừng cái chén con đến yên lặng đặt trước mặt cô.”

Ngòi bút Nguyễn Thành Long đặt trên trang truyện đều thể hiện sự tỉ mẩn, chăm chút tuyệt đối cho từng câu văn. Truyện của ông bao giờ cũng căng tràn sức sống, trong trẻo, đầy thơ mộng, thấm đẫm chất kí và chất trữ tình. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết tinh tuyệt đẹp của những gì ông tích góp được sau một chuyến đi dài ở Lào Cai vào năm 1970. Đó là giai đoạn mà cả đất nước đã chuyển mình sang thời hòa bình và đang tất bật trong không khí sôi nổi cùng bắt tay để xây dựng và phát triển quê hương. 

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa người họa sĩ, cô kĩ sư và nhân vật anh thanh niên. Anh thanh niên xuất hiện lần đầu trong lời giới thiệu thân thiết của bác lái xe, để rồi càng về sau, thông qua cuộc trò chuyện, người đọc càng hiểu hơn về quan niệm, lí tưởng, những nét đẹp phẩm chất của anh qua những cử chỉ, hành động, thái độ, nếp sống, đôi khi là phản ứng của những nhân vật xung quanh người con trai này. 

Những ấn tượng vô cùng đẹp đẽ về nhân vật anh thanh niên không rõ họ tên được nhà văn khắc họa rõ rệt qua lời giới thiệu của bác lái xe vui tính. Những câu giới thiệu đầu về nhân vật anh thanh niên, bác lái xe giới thiệu về tuổi tác, công việc và hoàn cảnh sống của anh: “Một anh thanh niên mười bảy tuổi! Đây là đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét. Anh ta làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu.” Trong giai đoạn tuổi trẻ phơi phới, anh lại không đoái hoài công việc bàn giấy như bao người, cũng không quá khao khát sự tiện nghi chốn thành thị. Người thanh niên ấy tự nguyện lên chốn cao ngút ngàn cách mặt đất 2600 mét, đó là đỉnh Yên Sơn. Có lẽ điều thách thức nhất của công việc làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa đầu không nằm ở độ khó kĩ thuật mà chính là sự cô đơn, sự thiếu thốn về vật chất và sự khắc nghiệt về thời tiết. Nơi anh sinh sống và làm việc là một thế giới biệt lập, thiếu vắng hơi ấm con người mà thay vào đó là sự lạnh lẽo, mờ ảo của sương mù văng giắt, sự buồn tẻ, buốt giá của bão tuyết và sương rơi. Để rồi sau cùng những khó khăn, thiếu thốn ấy chỉ là tấm phông nền để làm nổi bật lên những lí tưởng cao đẹp của anh thanh niên, đó là lối sống khát vọng, say mê lao động bất chấp hoàn cảnh để thực hiện ước muốn cháy bỏng là cống hiến những giá trị tốt đẹp nhất của bản thân cho quê hương, đất nước. Thế nhưng, có lẽ sự túng thiếu về mặt tình cảm đã làm sinh ra một “chứng bệnh”, đó là khi “người thèm người.” Nỗi buồn, sự trống trải khi không có ai san sẻ, chuyện trò và giao tiếp đã làm anh thanh niên nghĩ ra một “kế sách” rất hay. Anh đẩy cây to chắn ngang đường để xe của đoàn du lịch hãm lại, có như vậy, anh mới có cớ “trông nhìn và nói chuyện một lát.” Qua đó, có thể thấy rằng, anh thanh niên là một người sống rất tình cảm, đôn hậu và hoạt bát với những người xung quanh mình. Đó là những đặc điểm thường thấy vô cùng đáng yêu của sức trẻ tráng kiện và sôi nổi, luôn mong muốn đi nhiều, gặp gỡ và tiếp xúc nhiều để tạo lập các mối quan hệ mới.

Bên cạnh đó, chân dung về một người con trai hiện lên căng đầy sức sống không chỉ bởi những phẩm chất vốn có của anh ta, mà còn ở những cung bậc cảm xúc khác nhau của những người nói hay nghe về anh, đó là cô kĩ sư, ông họa sĩ già và cả chính bác lái xe. Trước lời giới thiệu đầy thân tình của bác lái xe, cô kĩ sư tỏ ra e dè, ngần ngại, cứ “bất giác đỏ mặt lên” đầy nữ tính, còn ông họa sĩ già “xúc động mạnh”. Mỗi một nhân vật phụ trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” đều được nhà văn khắc họa qua những chi tiết tuy âm thầm, không rõ rệt nhưng đã làm nâng tầm vẻ đẹp phẩm chất của anh thanh niên. Những giây phút lần đầu gặp gỡ giữa anh thanh niên và cô kĩ sư, bác họa sĩ đã góp vào bức chân dung của anh những nét vẽ sơ lược về ngoại hình, thái độ: “Người con trai tầm vóc nhỏ bé, nét mặt rạng rỡ.” Hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn và đầy gian khổ âu cũng chỉ là đòn bẩy làm tỏa sáng lí tưởng sống cao đẹp, lối sống chan hòa, ấm áp của người thanh niên vô danh. Qua đó, nhà văn chỉ rõ cho ta thấy chuẩn mực của lối sống đong đầy hạnh phúc mà ông tâm niệm, đó chỉ đơn giản là có một công việc để ta lấy đó làm mối bận tâm, để lo nghĩ và để cống hiến hết tài trí thời tuổi trẻ, cũng là sự niềm nở, tươi vui sẵn sàng tiếp đón những vị khách hiếm hoi một cách thân tình. 

Khi thì giờ còn lại vô cùng ngắn ngủi, cuộc trò chuyện sau cuối giữa ba nhân vật diễn ra đầy ấm áp, thân thiết trong ngôi nhà sạch sẽ, ngăn nắp của anh thanh niên. Anh là người tuân theo một nếp sống kỉ cương, quy củ khi cả tuổi trẻ anh dành trọn cho công việc, cho việc làm phong phú vốn sống của mình bằng con đường học tập và thói quen đọc sách. “Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách.” Cách bày trí cũng đủ để nói lên nếp sống bình dị mà ngăn nắp của người con trai này. Anh tìm đến sách như một người bạn tâm giao, để anh trút đi bầu tâm sự và sự buồn tẻ, đơn độc. Không những thế, sách còn mở ra cho anh những chân trời mới, làm giàu vốn liếng và kiến thức của anh, để bản thân không ngừng trau dồi và phát triển về năng lực. Trong cuộc trò chuyện ấy, người đọc cũng chứng kiến cung cách ứng xử nhã nhặn, lịch sự anh dành cho người họa sĩ và cô kĩ sư trẻ. Người thanh niên ấy “rót chè mời bác già”, lại rất tinh tế khi “bưng cái chén con đến yên lặng đặt trước mặt cô kĩ sư” vì thấy cô đang bận “thăm thú” giá sách của mình. Khi vào nhà anh thanh niên để trò chuyện là bác họa sĩ già và cô kĩ sư đã tiến thêm một bước nữa vào cuộc sống riêng tư và thế giới tâm hồn của anh thanh niên. Để rồi càng cảm thấy gắn kết với anh, họ càng thêm thấu hiểu, cảm phục và quý mến người con trai này. Thì giờ ngắn ngủi không chỉ thúc giục anh thanh niên, mà còn làm người họa sĩ già bồn chồn vì luyến tiếc giờ phút chia tay. Còn người con gái ấy thích thú ngắm nghía những đầu sách anh đọc. Có lẽ phản ứng của cô hay người họa sĩ già đều là phản ứng của chính chúng ta – những người đọc thầm lặng đằng sau trang sách. Quan niệm về một cuộc sống đơn giản đối với anh, và với người cầm viết chỉ là một cuộc đời lành mạnh, ý nghĩa, nồng ấm bởi những cuộc trò chuyện, tâm sự ngắn ngủi mà khó quên. 

Tài hoa một đời văn Nguyễn Thành Long đã tạo nên một trang truyện thơ mộng, trỗi sống. Cốt chuyện đơn giản, không cầu kì nhưng tình tiết diễn ra hợp lí, tự nhiên.. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” thấm đẫm chất trữ tình, bình luận và chất thơ. Qua ngôn ngữ đối thoại, tác giả làm nổi bật nét đẹp của anh thanh niên một cách thuyết phục vì nhân vật chính được đặt trong sự nhìn nhận của những người xung quanh anh. Mặt khác, việc không đặt cụ thể cho nhân vật mà chỉ gọi danh xưng nghề nghiệp: “bác lái xe, cô kĩ sư, ông họa sĩ, anh thanh niên” là một nét sáng tạo của tác giả, nhằm khẳng định nhân vật này không phải là cá nhân cụ thể nào mà những nét phẩm chất này còn hiện hữu ở biết bao những con người Việt Nam khác, những người dồn hết sức lực của mình cho lao động, hăng say với công việc và luôn khao khát sự cống hiến. 

Khoảng cách về thời gian, thời đại giữa hai tác phẩm truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” (Nguyễn Thành Long) và “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh Khuê) không thể nào ngăn người ta liên tưởng những nét tương đồng, gặp gỡ của nhân vật anh thanh niên và Phương Định. “Những ngôi sao xa xôi” kể về đời sống sinh hoạt và chiến đấu chống lại quân thù của những cô gái thanh niên xung phong còn phơi phới sức trẻ. Bằng sự thấu hiểu sâu sắc tâm lí nhân vật nữ, tài năng miêu tả nội tâm và xây dựng tình huống truyện, nữ văn sĩ đã làm nổi bật nét tính cách tốt đẹp của nhân vật chính Phương Định, đó là tinh thần lạc quan, lí tưởng sống cao cả, đức hi sinh to lớn, sức chịu đựng bề bỉ, sự gan lì dũng cảm và tâm hồn tinh tế, yêu thương đồng đội của cô. Hai truyện ngắn lấy trọng tâm là hai con người ở hai thời kì, hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều là những người trẻ với những lí tưởng cao đẹp, không ngại gian khổ, dễ dàng lùi bước trước khó khăn thách thức. Mặt khác, nếu anh thanh niên làm đẹp đời sống tâm hồn của mình bằng những quyển sách, thì cô thanh niên xung phong lại thích ngồi mơ mộng, nhẩm hát và chế lời bài hát trong những giờ phút sinh hoạt ngắn ngủi. Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, họ trân trọng những mối quan hệ xung quanh mình, nếu anh thanh niên tiếp đãi nồng hậu những vị khách, thì cô thanh niên xung phong thể hiện tình yêu thương đồng đội qua những suy nghĩ, sự lo âu, thấu hiểu sâu sắc đối với người bạn của mình. Hai câu chuyện còn đồng điệu ở tư tưởng, đó là sự ngợi ca vẻ đẹp, sức sống bền bỉ, căng tràn của những người trẻ tuổi với khát khao bảo vệ hay dựng xây đất nước. Dẫu vì nguyên do gì, là cứu rỗi dân tộc hay phát triển quê hương, họ đều có chung lối sống cống hiến, đức hi sinh cao cả và sự lạc quan, vui vẻ vốn có ở người trẻ. Họ là những nhân vật khác nhau trong những tác phẩm văn học khác nhau. Họ khác nhau về giới tính, về môi trường sống, về công việc cụ thể. Nhưng họ là những người thanh niên của cùng một thời kì chiến tranh, cùng thể hiện vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong một thời kì lịch sử đầy khốc liệt của Tổ quốc và cùng để lại những ấn tượng sâu đậm đối với người đọc ở các giai đoạn sau.

Cuộc sống này đẹp hơn nhờ con người âm thầm, lặng lẽ, hy sinh cả cuộc đời mình để tự nguyện cống hiến làm những công việc tốt và để góp phần xây dựng một xã hội phát triển. Công việc ấy càng đáng quý hơn bởi lẽ nó thầm lặng và lớn lao. Gọi là những đóng góp thầm lặng bởi lẽ nó không khoa trương, không được được phơi bày một cách rực rỡ. Những công việc thầm lặng là góp những công sức, làm việc âm thầm hết trách nhiệm công việc của mình không một ai có thể biết đến như những bác sĩ đã âm thầm hy sinh để giúp mang lại sự sống cho người dân, những chiến sĩ công an đi truy nã, những người quay phim trên sân khấu hay một số người đã mở ra một lớp học không đồng…. Cho dù có âm thầm, lặng lẽ, không được một ai có thể biết đến nhưng đó cũng đã là một niềm hạnh phúc to lớn đối với nhiều người. Những đóng góp thầm lặng trong cuộc sống đã đem cuộc đời này tô điểm và ngát hương hơn bao giờ hết. Những đóng góp thầm lặng của những mạnh thường quân, của những y bác sĩ, của những thanh niên mang trong mình màu xanh tình nguyện…tất cả đều đẹp đẽ và lớn lao. Làm sao chúng ta có thể quên đi đi hình ảnh dòng nước lũ nơi miền Trung bạo ngược và đã bao nhiêu con người thầm lặng đem hết tâm sức mình có thể giúp đỡ cho đồng bào? Hay những anh hùng đã ngã xuống trong lịch sử đánh giặc ngoại xâm. Họ đâu cần được khắc ghi tên tuổi. Sự thầm lặng đã và đang làm nên ý nghĩa của cuộc sống này và đóng góp thầm lặng ấy mới là tấm huy chương lớn nhất, đẹp nhất và tỏa sáng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Cuộc sống không phải chỉ là những tính toán, chi ly. Thật buồn nếu chỉ đóng góp để phô danh, để nổi tiếng. Bạn biết không, chỉ có chân thành thì mới mãi rực rỡ, mãi sáng lòa mà thôi!

“Lặng lẽ Sa Pa” truyền tải một thông điệp nhẹ nhàng như thủ thỉ bên tai người đọc về quan niệm hạnh phúc. Ấy vậy mà chính cách gửi gắm thông điệp ấy lại dễ chạm vào, dễ thấm thía vào lối suy nghĩ của người đọc. Một trang truyện kép lại, phía trước lại mở cho ta một cuộc đời để ta lựa chọn lối đi cho riêng mình. Đọc “Lặng lẽ Sa Pa”, người ta chợt nhận ra hạnh phúc không đến từ điều gì quá hoa lệ, lớn lao mà xuất phát từ những điều bình dị, từ thái độ tử tế và nếp sống ngăn nắp, chan chứa yêu thương. Trong dòng chảy vô tận của văn học nước nhà, “Lặng lẽ Sa Pa” như một viên ngọc sáng lấp lánh, trong trẻo, tự nó tỏa thứ ánh sáng kì diệu của những giá trị tinh thần tốt đẹp nhất của con người.