Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

Hội chứng “cuồng thần tượng” thái quá ở một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay.

 

Có người từng nhận định: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hoá, nhưng mê muội thần tượng là một thảm hoạ.” Không ai ngăn cấm người khác dùng cảm xúc riêng tư của mình để ủng hộ và mến mộ thần tượng. Nhưng một khi đã thể hiện sự yêu thích đó ra bên ngoài thì cần phải chừng mực. Ấy vậy mà ngày nay không ít bạn trẻ bị vướng vào hội chứng “Cuồng thần tượng.” Đây là một vấn đề hết sức nhức nhối nhưng có thật và xảy ra hằng ngày trong đời sống.

 “Thần tượng” là từ chỉ cảm xúc quý trọng, hâm mộ một ai đó bởi tài năng và phẩm chất của họ trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống như ca nhạc, phim ảnh, thể thao. “Cuồng” là từ chỉ cảm xúc yêu thích, mến mộ thái quá. “Cuồng thần tượng thái quá” là cụm từ chỉ việc mến mộ thậm chí là tôn sùng các thần tượng của mình một cách quá khích và mất kiểm soát. Hội chứng “Cuồng thần tượng thái quá” phản ánh hiện tượng giới trẻ mê muội, giành cảm xúc yêu thích quá mức đối với thần tượng của mình, dẫn đến những hệ quả tai hại trong cuộc sống.

Hội chứng ‘Cuồng thần tượng’ nhẹ chỉ là những tấm áp phích ca sĩ dán đầy nơi học tập, phòng ngủ, từng cục tẩy, cái thước, hộp bút in hình nhóm nhạc, diễn viên. Cuồng hơn là từ mặt cha mẹ vì không được cho tiền mua vé xem nhóm nhạc mình yêu thích biểu diễn. Có người vì muốn thu hút sự chú ý của thần tượng mà gây ra những hành động phản cảm, thậm chỉ có bạn trẻ còn hôn lên ghế ca sĩ mình yêu thích Điều đáng lên án là là có người còn sẵn sàng vứt bỏ lòng tự tôn dân tộc để ủng hộ hàng trăm triệu, tạo trend ủng hộ cho những ca sĩ, diễn viên nhiều lần tuyên bố phát ngôn xâm lấn chủ quyền biển đảo,gây tổn hại cho lợi ích chủ quyền đất nước quê hương mình. Có thể thấy, hiện tượng người trẻ mê muội thật sự đang diễn ra theo chiều hướng trầm trọng dần và cần bị đẩy lùi ngay.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đáng lo ngai này đến từ chính sự thiếu hiểu biết và thiếu những nhận thức, kĩ năng đúng đắn về cách biểu hiện sự mến mộ, yêu thích đối với thần tượng. Phần lớn đến từ đặc điểm tâm sinh lý thường thấy ở giai đoạn tuổi trẻ: bồng bột, nông nỗi, thích chứng tỏ, sợ bị ‘lạc loài’. Nhiều bạn trẻ bị tác động bởi “văn hóa trào lưu” và "tâm lý đám đông", cho rằng không thần tượng một người là quê mùa,không theo kịp thời đại. Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng đến từ sự phát triển vượt bậc của ngành giải trí và truyền thông, đẩy mạnh văn hóa thần tượng với nhiểu nghệ sĩ nổi tiếng, gần gũi dễ trở thành “thần tượng” làm giới trẻ rất dễ bị ảnh hưởng và mất định hướng. Ngoài ra, gia đình và nhà trường thiếu quan tâm và sự chỉ dẫn về mặt nhận thức, kĩ năng để các bạn trẻ chọn đúng đối tượng làm thần tượng của mình và biết biểu hiện cảm xúc một cách đúng mực, không gây phản cảm, lố lăng.

“Cuồng thần tượng thái quá” mang lại nhiều hậu quả tiêu cực. Mê muội, thậm chí bị ‘ám ảnh’ bởi thần tượng, nhiều bạn trẻ nhất là học sinh không những kết quả học tập sa sút vì không chú ý nghe giảng, làm bài tập mà sức khoẻ thể chất và tinh thần cũng bị ảnh hưởng xấu. Nhiểu bạn quên ăn quên ngủ, liên tục cày view, bỏ thời gian, công sức và tiền bạc để thể hiện tình cảm với thần tượng. Điều này dẫn đến một hệ luỵ nghiêm trọng hơn đó là hình thành thói hành xử, nói năng không đứng mực, kĩ năng tranh luận và ứng xử không được trau dồi. Tiêu cực hơn là một số bạn trẻ còn trở thành tệ nạn của xã hội. Nhiều bạn trẻ cũng đánh mất lòng tự trọng của chính mình, cũng như khả năng điều khiển bản thân, tôn thần tượng thành các bậc thiên tài, các bậc thần thánh, đặt thần tượng lên trên tất cả: trên cha mẹ, gia đình…thậm chí trên cả tổ quốc.  Gia đình, nhà trường có con cái hay học sinh vướng vào hội chứng này sẽ rất lo lắng, bất an, đôi khi gặp phải những tình huống khó xử. Những người trẻ “Cuồng thần tượng thái quá” để lại rất nhiều những vấn đề xã hội tiêu cực ảnh hưởng xấu đến văn hóa và an ninh trật tự.

Mỗi cá nhân cần trở thành những người hâm mộ có văn hóa, biết biến thần tượng của mình trở thành nguồn động lực để không ngừng hoàn thiện bản thân chứ đừng để thần tượng biến mình trở thành những cỗ máy mụ mị. Nhà trường và các bậc phụ huynh cần dành sự quan tâm định hướng cho con em tuân theo các chuẩn mực đạo đức và thẩm mĩ, giúp các em có những hiểu biết và bản lĩnh khi lựa chọn ai đó làm thần tượng. Xã hội cần quan tâm đến văn hóa, đến nhân cách của giới trẻ, bảo vệ phát triển nền văn hóa Việt Nam. Cần đầu tư tiền bạc vào các dự án văn hóa thực sự có hiệu quả.

Là học sinh đang trong lứa tuổi thiếu niên, em nhận thức được rằng việc theo đuổi, ủng hộ thần tượng chỉ nên dừng lại ở sự mến mộ, yêu thích, lấy người đó làm động lực để phấn đấu và vươn lên. Khi tham gia bình luận trên các trang mạng xã hội, em sẽ suy nghĩ thật kĩ rồi mới click chuột và gõ phím để tránh rơi vào những cuộc cãi vả không đáng có. Mặt khác, em sẽ trau dồi kiến thức thực tế để nhận thức, nhìn nhận khách quan, đúng đắn về vấn đề, cũng như rèn luyện các kĩ năng giao tiếp, ứng xử để thể hiện cảm xúc, sự yêu mến của mình một cách chuẩn mực.

Việc theo đuổi thần tượng không sai nhưng phải biết học cái hay cái tốt từ thần tượng. Thay vì biểu hiện sự mến mộ quá khích đối với một đối tượng ở rất xa, để rồi chìm trong ảo tượng mà quên đi những điều xung quanh, sao bạn không chú tâm phát triển chính mình về các mặt kiến thức, kĩ năng để trở thành một người có ích?

Đỗ Mỹ Phương (9A2 trường THCS Phan Bội Châu)