Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

Phân tích 2 khổ thơ đầu bài Ánh trăng

 


“Kỉ niệm mãi trong ta

Diết da và lóe sáng.” (Bằng Việt)

Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, ai cũng có cho mình những kỉ niệm lóe sáng để giúp mỗi người hướng tới chân, mỹ, thiện trong cuộc sống. Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy lột tả hết điều mà Bằng Việt từng gửi gắm. Bài thơ thể hiện một chủ đề truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”mà thấm thía bởi nội tâm của nhà thơ từ cái giật mình đáng quý. Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, với lời thơ mộc mạc, chất trữ tình là tiếng lòng chân thật cất lên từ chất tự sự của một câu chuyện thơ. Đặc biệt là hai khổ đầu khắc họa rõ nét lối sống đầy tình nghĩa đối với thiên nhiên đất nước:

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

Bài thơ có cấu tứ từ một câu chuyện ngắn, với cách kể linh hoạt của thể thơ năm chữ. Chất trữ tình làm nền để lời tâm tình mộc mạc, chân chất; lời độc thoại với lòng mình trước quá khứ, hiện tại; trước cái còn cái mất, trước cái hôm qua – hôm nay trở thành tiếng lòng của nhà thơ trước cuộc đời. Vầng trăng ở đây không chỉ là một hình ảnh cụ thể của đất trời mà còn là biểu tượng cho một quá khứ đẹp đẽ, là mối liên hệ giữa tâm tình riêng và ý nghĩa phổ biến rộng lớn, giữa nội dung cụ thể và tính khái quát của bài thơ.

Bắt đầu là câu chuyện kể với giọng bình thản, nhà thơ lặng trôi theo những xúc động của một quá khứ riêng mình. Không kể, không tả mà là điểm qua từng khoảng không gian, thời gian. Lời kể lướt qua nhanh mà đủ sức gợi, đủ sức lay động lòng người:

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ

Hai khoảng thời gian đẹp nhất của nhân vật trữ tình. Đó là “hồi nhỏ” và “hồi chiến tranh”. Miền kí ức về tuổi thơ êm đềm hạnh phúc nơi ruộng đồng ùa về:

Hồi nhỏ sống với đồng

 với sông rồi với bể

Tuổi thơ của nhân vật trữ tình được trải rộng trên một không gian bao la, rộng lớn: cánh đồng, dòng sông, biển cả. Phép liệt kê theo trình tự từ nhỏ hẹp đến xa rộng: từ những cánh đồng đến dòng sông rồi biển cả. Không gian được mở rộng dần gợi liên tưởng từ không gian làng quê đến không gian đất nước. Điệp từ “với” kết hợp cách gieo vần lưng đồng, sông mở ra ba không gian vừa mênh mông vừa gần gũi. Không phải chỉ là sự gần gũi, thân thiết mà là “sống với” nghĩa là vô cùng gắn bó. Từ “với” được lặp lại đến ba lần, thể hiện mạnh mẽ sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người. Cánh đồng, dòng sông, biển cả là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi, thân thương. Đó là không gian của kỉ niệm. Tuổi thơ nhà thơ được đi nhiều, được cảm nhận những vẻ đẹp của thiên nhiên thoáng đãng. Thật sung sướng khi được thả hồn trên đồng quê, ngắm trăng trên dòng sông, trải trên bể. Thiên nhiên bình dị, hiền hòa và đáng yêu.vầng trăng gắn bó với nhà thơ từ lúc nhỏ. Bao kỉ niệm ấu thơ có trăng làm bầu bạn. Trăng chia sẻ niềm vui thơ ngây,nâng đỡ bao ước mơ thời niên thiếu,lưu giữ tất cả những kỉ niệm ngọt ngào, trong sáng nhất của tuổi thơ. Trăng chính là biểu tượng của quê hương máu thịt, nơi in dấu biết bao kỉ niệm hồn nhiên, tinh nghịch tuổi thơ. Không gian thơ ấu đẹp hồn nhiên thật.

Nhưng bước ngoặt lớn đối với tác giả đấy là hồi chiến tranh. Những năm tháng chiến tranh gian khổ nơi núi rừng - những thăng trầm, vui buồn cua cuộc sống, sự trưởng thành lớn lên của một con người ở mọi nơi, mọi lúc đều có sự chia sẻ của Trăng- người bạn tri kỉ:

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ

Tại sao đến lúc này vầng trăng mới thành tri kỉ? Phải chăng trong kháng chiến, xa quê hương, xa gia đình, đối diện với biết bao gian lao của cuộc kháng chiến, vầng trăng vô cùng thân thiết, hiểu nhau, không thể thiếu nhau. Trăng và người chiến sĩ cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, cho nên vầng trăng thành tri kỉ. Trăng được nhân hoá thành người bạn, người tri kỉ gắn bó bằng tâm hồn. Tình cảm ấy thật bền chặt, sâu sắc; không phô trương hoa mĩ mà bình dị, tự nhiên, không chút vụ lợi toan tính. Vầng trăng trong sáng tinh khiết kia còn là biểu tượng cho lý tưởng và tâm hồn cao đẹp của con người. Tâm hồn ấy được nuôi dưỡng từ ấu thơ, được tôi luyện trong cuộc chiến hào hùng của dân tộc.

Thời gian thật dài mà tác giả chỉ gói gọn trong bốn dòng thơ thật ngắn gọn. Bốn câu thơ ấy đã thể hiện một cách ấn tượng sự vận động của các hình ảnh. Phải chăng con người khi đã lớn lên thì gắn bó “với đồng” – biểu hiện của một tâm hồn trong sáng, điềm tĩnh. Rồi khi bước chân đi xa hơn đến “với sông”, rồi “với bể” – biểu hiện của sự trưởng thành và khát vọng vươn xa? Ta cảm nhận như đang có một nỗi lòng rưng rưng xúc động ẩn hiện trong mỗi dòng thơ, chỉ chờ dâng trào lên. Và nét độc đáo ở từng chữ mỗi đầu dòng thơ không viết hoa, phải chăng Nguyễn Duy muốn cho cảm xúc được dào dạt trôi theo dòng chảy của thời gian, của kỉ niệm?

Khi vầng trăng tri kỉ xuất hiện, giọng thơ chậm lại đầy suy ngẫm:

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

Lại một vần lưng nữa xuất hiện, âm điệu thơ đi liền mạch trần trụi – thiên nhiên – hồn nhiên. Hình ảnh ẩn dụ so sánh làm nổi bật chất trần trụi, chất hồn nhiên cùa người lính suốt những năm tháng ở núi rừng. Đó còn là cốt cách của người lính:

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ.

Con người đã sống hết lòng với thiên nhiên, con người cũng như cây cỏ là những người bạn hồn nhiên không thể tách rời. Việc dùng hai tính từ kép “trần trụi” và “hồn nhiên” ở đầu dòng thơ đã tạo nên một sự khái quát thật mạnh mẽ và giàu cảm xúc: vẻ đẹp vô tư, hồn nhiên. Trăng tượng trưng vẻ đẹp thiên nhiên nên trăng đã hòa vào thiên nhiên, hòa vào cây cỏ. Vầng trăng ấy cũng gắn bó với con người bằng một tình cảm mộc mạc, thủy chung. Ai có thể quên được người bạn tri kỉ ấy? Lời kể chuyển thành độc thoại từ nội tâm con người:

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

Vầng trăng tình nghĩa” ấy đâu chỉ là thiên nhiên thơ mộng, mát lành. Đó còn là biểu tượng của quá khứ nghĩa tình, một thời kỉ niệm của cuộc sống gắn bó, hồn nhiên, trong sáng, một thời chiến tranh lửa đạn, nguy hiểm vẫn bên nhau. Trăng gắn bó với người là thế tri kỉ là thế vậy mà nhà thơ phải thảng thốt lên: ngỡ không sao quên được cái vầng trăng nghĩa tình. Một ý thơ làm lay động đến tâm hồn như một sự thức tĩnh lương tâm đối với những kẻ vô tình ngỡ không bao giờ quên. Cái vầng trăng tình nghĩa. Từ ngỡ như một điểm nhấn, một dấu hiệu đặc biệt. Nó gợi cho ta suy nghĩ.  Cuộc sống còn có bao điều ta không ngờ đến được, cái hạnh phúc bình dị, giản đơn ta đã có đôi khi lại để tuột khỏi tay, tự mình đánh mất mình, đánh mất cả những gì thiêng liêng quý giá nhất. Con người trước dòng đời đua chen xô đẩy, cái hào nhoáng, hoa mĩ, tráng lệ trước mắt ánh điện cứa gương đã khiến họ quên đi những hạnh phúc bình dị thuở nào; quên đi những ki niệm một thời vất vả khó khăn và cũng vô tình lãng quên đi một người bạn tri kỉ ân tình. Từ “ngỡ” như một lối rẽ đưa ý thơ theo hướng khác: đó là giá trị của ngôn từ, là nhãn tự trong bài, là tài năng thể hiện của nhà thơ mà ta không dễ gì nhận ra được. Vì vậy Ngỡ rằng con người không bao giờ quên hình ảnh sâu đậm ấy. Thế mà khi hoàn cảnh thay đổi, con người trở nên vô tỉnh, trở thành kẻ “ăn ở bạc”.

Những năm tháng con người sống thật nhất với mình, trần trụi,hồn nhiên là khi con người ta trân trọng, đinh ninh một lời thề son sắt “ngỡ không bao giờ quên,cái vầng trăng tình nghĩa” Từ ngỡ là chiếc cầu nối ngôn từ vừa khép lại thời quá khứ vừa mở ra thời hiện tại tạo nên sự chuyển tiếp cho khổ thơ tiếp theo. Ánh trăng ở đây không còn đơn thuần là một người bạn tri kỉ nữa, nó là chứng nhân của năm tháng con người, là thứ biểu tượng cho quá khứ. Con người sống ở hiện tại, hướng tới tương lai nhưng không được phép quên đi cái quá khứ ngày xưa đã từng gian khổ đi lên. Đây là chân lý, là bài học mà tác giả Nguyễn Duy muốn gửi gắm tới chúng ta qua hai khổ đầu bài thơ Ánh trăng này.

Thể thơ năm chữ đã được vận dụng sáng tạo, tài hoa. Sự phong phú vần điệu, ngôn ngữ trong sáng, giọng thơ tâm tình vừa hướng nội vừa hướng ngoại. Nhà thơ tâm sự với người đọc những sâu kín nhất nơi lòng mình. Chất triết lí thâm trầm được diễn tả qua hình tượng “ánh trăng" đã tạo nên giá trị tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ: không nên sống vô tình, phải thủy chung trọn vẹn, phải nghĩa tình sắt son.

“Ánh trăng" của Nguyền Duy gây được nhiều xúc động đối với nhiều thế hệ độc giả bởi cách diễn tả bình dị như những lời tâm sự, lời tự thú, lời tự nhắc nhở chân thành. Giọng thơ trầm tĩnh, sâu lắng. Tứ thơ bất ngờ, mới lạ. “Ánh trăng” còn mang ý nghĩa triết lí về sự thủy chung khiến người đọc phải “giật mình" suy nghĩ, nhìn lại chính mình để sống đẹp hơn, nghĩa tình hơn. Qua bài thơ này, chúng ta cũng nên nhìn lại cách sống của bản thân để sống tốt đẹp hơn.