Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Đừng vô tình trở thành “anh hùng bàn phím”


 Thời đại mạng xã hội bùng nổ, cũng là lúc thời thế tạo anh hùng. Anh hùng bàn phím xuất hiện kinh dị còn hơn nấm mọc sau cơn mưa.

"Anh hùng bàn phím" là cụm từ để chỉ những người chuyên sử dụng mạng xã hội để đi bình phẩm, phán xét người khác và bày tỏ quan điểm (ý kiến chủ quan, không căn cứ), cảm xúc của mình một cách tự do, thoải mái,sẵn sàng phê phán, nhận xét và nhiệt tình bàn luận về bất cứ một vấn đề nào đó một cách “vô tội vạ” với thái độ không cần biết phải - trái, đúng – sai. Họ rất manh động thích "chém gió" theo kiểu bầy đàn nên rất hay rủ rê nhau cùng chém về một người, hay một chủ đề nào đó.

Những "anh hùng bàn phím" sẵn sàng bỏ thời gian tham gia, suy diễn bất cứ sự kiện nóng nào xảy ra trong xã hội, từ văn hóa giải trí, trật tự xã hội đến chính trị. Họ “ném đá” thẳng tay mà không cần biết hậu quả; phê phán, bất bình một cách cảm tính dù chưa hiểu rõ nội tình; chuyên soi mói bắt lỗi người khác; chuyên tung ra những bình luận kinh khủng, gây tổn thương cho người khác; vào nhà người khác chửi, “chém” chuyện không liên quan mình;… Nhiều bạn trẻ ngày nay dễ trở thành anh hùng bàn phím, họ vô tư bình luận, chỉ trích người khác dù chưa từng tiếp xúc hay hiểu rõ về sự việc, chỉ một vài thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội họ đã sẵn sàng ‘ném đá’ làm tổn thương người khác. Thậm chí, họ vô tư đến mức không nghĩ rằng những lời bình ác ý, chỉ trích của mình có thể làm tổn thương một ai đó.

Việc lạm dụng mạng xã hội và lợi dụng quyền tự do ngôn luận để tự cho bản thân mình quyền phán xét, đánh giá, xúc phạm người khác tạo ra những "anh hùng bàn phím". Ai cũng có sẵn trên tay chiếc điện thoại, máy tính, việc bình phẩm, nhận xét một ai đó hay một vấn đề quá dễ dàng. Những "anh hùng bàn phím" nghĩ đây là thế giới ảo, không ai biết họ là ai, họ không lường được và cũng không phải chịu những hậu quả việc làm của mình. Họ hóa thân thành một con người rất khác với bản thân họ ở bên ngoài xã hội. Họ thoải mái xả hết những cảm xúc của họ vào đây do có thể ở ngoài họ kiềm cảm xúc rất nhiều không có cơ hội để bộc lộ hoặc Là đua theo phong trào vừa rộ lên, nhưng không biết đó là gì. Thật ra việc họ làm chủ yếu là để cho nhiều người chú ý đến mình. Có thể sau bộ áo "anh hùng" họ là dân kinh doanh qua mạng, hoặc họ đang khao khát cả vũ trụ phải biết đến mình. Họ bất chấp thủ đoạn, có thể tung tin đồn nhảm, có thể dựng một câu chuyện ly kỳ mang màu sắc bí hiểm, gây tò mò để thu hút sự chú ý của nhiều người. Họ luôn nghĩ rằng những bài viết, bình luận của mình chính là chân lý, chân giò, hay chân ái. Gia đình, nhà trường thiếu giáo dục, định hướng hệ giá trị sống cho những người trẻ, chưa giúp họ có “bộ lọc” văn hóa khi tham gia môi trường mạng.

Mạng xã hội và những lời bình phẩm của các anh hùng bàn phím là ảo, nhưng lại gây ra nỗi đau thực. Lạnh lùng phán xét vô trách nhiệm trên thế giới ảo, một số "anh hùng bàn phím" đã làm tổn thương nhiều tâm hồn thậm chí góp phần tước đoạt cả mạng sống người khác Những nạn nhân của những sự việc đó có thể bị ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, rồi dẫn đến những hành động dại dột, điển hình nhất là tự sát. Rồi ảnh hưởng nặng nề đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của những nạn nhân đó.Ta vẫn thường thấy trên mặt báo hàng ngày tin tức về nạn nhân vướng phải sự công kích của mạng xã hội mà không dám nhìn mặt ai, hoặc thậm chí còn tự tự. Không chỉ vậy, hiện tượng anh hùng bàn phím còn gây ra thói xấu cho xã hội, đó là bệnh vô cảm, sự a dua, và gây mất trật tự anh ninh xã hội. Vấn nạn bạo lực trên mạng càng nhức nhối thì ngoài đời con người cũng dần trở nên bạo lực hơn hẳn. Chỉ vì mục đích cá nhân đã sẵn sàng và ngang nhiên tìm mọi cách trục lợi một cách vô cảm trên nỗi đau của người khác. Các hành vi xấu xí đó khiến một số người trẻ tuổi có suy nghĩ, hành động, lối sống lệch lạc trở thành thói quen, đẩy tới những nguy hại không thể đong đếm được.

Mạng không “ảo”, thông tin không thể thiếu trách nhiệm, những lời bịa đặt sẽ không dễ bị “gió bay”. Để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, hãy nâng cao tinh thần trách nhiệm với bản thân và cộng đồng bằng cách sử dụng mạng xã hội đúng quy định và có văn hóa. Hãy thật thận trọng khi đăng tải thông tin, đừng vì sự thiếu hiểu biết, bốc đồng mà chia sẻ hoặc bình luận những nội dung sai trái. Gia đình, nhà trường cần giáo dục định hướng hệ giá trị sống cho những người trẻ, giúp họ có “bộ lọc” văn hóa khi tham gia môi trường mạng. Cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về sử dụng mạng xã hội để định hướng người dân có sự chọn lọc, tránh bị thông tin “ảo” cũng như kẻ xấu chi phối, tác động, ảnh hưởng an ninh.

Bản thân mỗi người nhất là các bạn trẻ phải suy nghĩ kỹ trước khi bấm nút like, share, hoặc phát tán thông tin trên môi trường mạng. Sử dụng mạng xã hội ý thức được trách nhiệm của mình, tự điều chỉnh hành vi, không có những hành xử lệch chuẩn đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục... khi tham gia mạng xã hội. Nắm vững các điều cấm liên quan văn hóa ứng xử trên môi trường mạng (như xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác, thông tin bịa đặt, sai sự thật, phá hoại thuần phong mỹ tục...). Không xem và chia sẻ những nội dung vô bổ, nhảm nhí.

Thay vì tốn thời gian và công sức để hạ thấp một ai đó trên mạng xã hội, bạn tập trung nâng cao giá trị của bản thân và học hỏi biết bao điều mới mẻ, để từ đó khám phá được những ý nghĩa đích thực cho cuộc sống của riêng mình.