Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

Lạm dụng công nghệ trong giao tiếp

 


Cuộc sống phong phú hơn, tiện ích hơn với những công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, có những người quá “đắm đuối” giao tiếp qua máy móc đến nỗi bỏ quên việc trò chuyện trực tiếp cũng như những mối quan hệ ngoài đời. Giao tiếp hiện nay đã và đang dần bị mạng xã hội chi phối.

Giao tiếp là sự trao đổi thông tin, tiếp xúc giữa con người với con người thông qua ngôn ngữ, phi ngôn ngữ. Công nghệ là các thiết bị kĩ thuật hiện đại như máy tính, điện thoại, ... Nghiền trò chuyện trên mạng đã là một “căn bệnh” lây truyền với cấp số nhân. Giao tiếp thông thường đang dần được thay đổi thành giao tiếp bằng công nghệ, có nghĩa là mọi việc, mọi sự gặp gỡ đều gián tiếp thông qua các thiết bị kĩ thuật. Ngay cả trong quan hệ công việc, tình yêu hay gia đình, nhiều người cũng thích nói chuyện trên mạng hơn.

Hình ảnh hai người bạn, hay một nhóm bạn gặp nhau, nhưng ai làm việc nấy, cứ loay hoay tất bật với smartphone của bản thân đã trở thành phổ biến. Tình trạng người trong một nhà khó trò chuyện trực tiếp với nhau nhưng lại bày tỏ “ầm ầm” trên mạng là chuyện khá phổ biến hiện nay. Nhiều bạn trẻ chỉ thoải mái khi giao tiếp trong thế giới ảo. Nhiều bạn trẻ nhiều khi chỉ được nói chuyện với ba mẹ qua điện thoại. Gia đình, bạn bè… đi nghỉ với mỗi người cái điện thoại ipad… chìm đắm trong thế giới riêng ảo cuả riêng mình, thiếu đối thoại chia sẻ thân tình, gắn kết.

Chính chúng ta đã ngây thơ, yếu đuối, thiếu kỹ năng để sống thời công nghệ với xa lộ thông tin và thế giới phẳng. Ta lầm tưởng một cách say mê rằng công nghệ hiện đại của mạng xã hội, tính năng giao tiếp của nó sẽ giúp thu ngắn khoảng cách, mang con người lại gần nhau hơn, bất kể không gian, thời gian, hồn nhiên tiêu tốn thời gian cho mạng xã hội, mà không hề biết đã lấy đi thời gian giao tiếp với người thân, bạn bè, các mối quan hệ thân tình cần được quan tâm, lắng nghe, chia sẻ. Chúng ta tiếp nhận công nghệ một cách hoàn toàn thụ động và bị phụ thuộc vào công nghệ mà cụ thể là smartphone (mà sở hữu một chiếc smartphone là không khó). Nhiều người cho rằng việc giao tiếp trên mạng đem lại khá nhiều điều thú vị: nói chuyện trong không khí vui vẻ, có thể chia sẻ hết tâm tư tình cảm mà không bị ngượng như ngoài đời. Họ chọn cách lướt Web hay trò chuyện với bạn bè trên Facebook, Zalo, Viber… thông qua chiếc smartphone để thay thế cho việc phải đối mặt với người khác, do bản thân đôi khi có tâm lý thiếu tự tin, hay e ngại, sợ người khác đánh giá khi giao tiếp trực tiếp.

Cách giao tiếp truyền thống đang bị phá vỡ, những cuộc đối thoại bị phá vỡ bởi smartphone ngày càng nhiều. Không gian giao tiếp thân mật, mặt đối mặt (face to face) bị mất đi, tính chất cởi mở, đa dạng của những cuộc đối thoại sống động, sự lắng nghe nhau với thái độ chăm chú và cùng tranh luận thẳng thắn về một vấn đề gì đó, tất cả đều tan biến. Các mối quan hệ con người càng xa cách, cô đơn, trống rỗng và đây cũng chính là nguyên nhân của mọi vấn đề gây đổ vỡ quan hệ với người khác, không ổn với chính mình. Con người ngày càng trở nên vô cảm, khô cứng, chai sạn và thiếu sức sống. Sự thiếu thốn cảm xúc, làm nghèo nàn tình cảm, khiến con người cảm thấy cô đơn, trống rỗng và thiếu năng lượng thương yêu… Chưa bao giờ người ta cảm thấy cô đơn, dễ tổn thương, thiếu tự tin, bất an nhiều như bây giờ.

Không ai có thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ hiện đại mang lại nhưng để phát huy hiệu quả những tính năng, tiện ích của nó, giới trẻ cũng nên tạo thói quen sử dụng sản phẩm công nghệ hiện đại một cách khoa học, hợp lý, không nên quá lạm dụng. Cần có sự chủ động trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ, đừng để nó chi phối đến các mối quan hệ của mình. Đặt ra những luật lệ giao tiếp, nói không với mạng xã hội trong những cuộc trò chuyện thân tình bạn bè, gia đình. Mỗi ngày tập thói quen giao tiếp bằng ngôn ngữ, trực tiếp thay vì sử dụng thiết bị công nghệ. Hãy tham gia vào các hoạt động xã hội phù hợp như: chơi thể thao, văn hóa văn nghệ, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, tham gia các câu lạc bộ, đội, nhóm theo sở thích…

Là một học sinh đừng để mình trở thành kẻ vô cảm với những người sống quanh mình. Phải ưu tiên cho bất cứ cơ hội nói chuyện trực tiếp nào, tạm gác những cuộc điện thoại hay nhắn tin lại. Không bao giờ bạn vừa nghe người khác nói chuyện vừa nhìn vào điện thoại. Đừng sử dụng các công cụ công nghệ truyền thông quá 60 phút mỗi ngày khi đang sống trong gia đình. Hy vọng bạn sẽ cảm nhận được cuộc sống thực ở đây, ngay lúc này, trước khi những người thân chung quanh rời bỏ bạn.

Hãy đặt điện thoại xuống và bước ra ngoài mỉm cười chào nhau một cái sẽ thấy cuộc sống này thật tươi đẹp. Thiết bị công nghệ không xấu, thậm chí giúp ích cho con người rất nhiều nhưng nếu lạm dụng sẽ có tác dụng ngược ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm lí. Bạn cũng không muốn thế giới của mình bị phụ thuộc vào máy móc, thiết bị đúng không?