ĐỀ: Nêu suy nghĩ về ý kiến: "Phép lịch sự chính là tấm giấy thông hành
cho phép bạn đến mọi vùng đất, mọi văn phòng, mọi ngôi nhà và mọi trái tim trên
thế giới.”
GỢI Ý
Chúng ta hay bàn nhiều về đạo đức,
nhân cách con người nhưng có lẽ còn ít nói đến phép lịch sự, cách ứng xử trong
các quan hệ giao tiếp diễn ra hàng ngày trong gia đình, ngoài cộng đồng. Cũng
có người nghĩ rằng phép lịch sự là cái gì xã giao bề ngoài, hình thức làm mất
tính đặc thù cá nhân. Họ muốn sống một cách "tự nhiên", riêng biệt,
không giống người khác. Điều đó có đúng không? Ở đây, chúng ta thử tìm hiểu về
cách xử thế và phép lịch sự qua ý kiến: “Phép lịch sự chính là tấm giấy
thông hành cho phép bạn đến mọi vùng đất, mọi văn phòng, mọi ngôi nhà và mọi
trái tim trên thế giới.”
“Phép lịch sự” là cách ứng xử, hành vi ứng xử, giao tiếp lễ phép, thanh lịch, có văn hóa
... Một người có cách ứng xử đúng đắn (được giáo dục, hướng dẫn) khi giao tiếp
với xã hội phải tuân theo những chuẩn mực nhất định, hành động theo một số quy
ước và yêu cầu đã được mọi người coi là thích hợp nhất. Những chuẩn mực, quy ước
đó chính là nội dung của cách ứng xử được thể hiện qua phép lịch sự trong đối xử
hàng ngày. Còn “tấm giấy thông hành” là giấy đi đường cho phép đến được
nhiều nơi. Câu nói muốn khẳng định sức mạnh của phép lịch sự bởi nó là giấy
thông hành nối kết con người với cuộc sống, với thế giới, và với mọi trái tim.
Những biểu hiện của phép lịch sự là luôn mỉm cười; biết nói lời cảm ơn, xin lỗi
đúng lúc; biết lắng nghe người khác; tôn trọng những sở thích, cá tính của người
khác; tôn trọng những nét văn hóa của các dân tộc khác...
Giao tiếp, ứng xử lịch sự giúp ta
dễ dàng tiếp cận với những người xung quanh, dù người đó khác biệt về sắc tộc,
màu da... làm tăng tính hiệu quả trong giao tiếp. Một người có khả năng đối đáp
thông minh, ứng xử khéo léo, lịch thiệp sẽ được nhiều người yêu quý, tôn trọng.Một
học sinh ngoan ngoãn, vâng lời và luôn chào hỏi thầy cô sẽ được yêu quý hơn những
học sinh ăn nói xấc xược, có thái độ vô lễ. Hay như trong các cuộc thi hoa hậu
chẳng hạn. Trong vòng chung kết bao giờ cũng sẽ có một câu hỏi về kiến thức xã
hội để kiểm tra cách ứng xử của thí sinh. Người có câu trả lời thông minh, sắc
bén sẽ luôn được lòng mọi người và ban giám khảo đánh giá cao và có khả năng trở
thành hoa hậu cao hơn những thí sinh khác.
Lịch sự cũng là một trong những
biểu hiện của lòng tốt, của văn hóa, nếu ta mở lòng thì thế giới xung quanh ta
sẽ rộng mở...khiến nâng cao giá trị của bản thân và làm mối quan hệ giữa người
với người, giữa các dân tộc trở nên tốt đẹp. Từ cách ứng xử đúng đắn, lịch sự
trong giao tiếp xã hội mà người ta có nhận thức đúng đắn về bản thân và về người
khác. Điều này giúp ta ngày càng trưởng thành lên và có kinh nghiệm sống ngày
càng phong phú. Cách ứng xử lịch sự giúp con người đạt được những yêu cầu mong
muốn trong quan hệ giao tiếp, giúp xây dựng những quan hệ tốt trong gia đình,
ngoài xã hội, họ làm việc có kết quả và sống thoải mái.
Nếu thiếu phép lịch sự thì con
người trở nên lạc lõng, thậm chí là vô cảm, bị đánh giá là thiếu văn hóa... ,
Những kẻ nói tục chửi bậy, thô lỗ bất lịch sự lại bị xa lánh và ghét bỏ. Họ
không chỉ cho thấy rằng bản thân đang không tôn trọng người khác mà chính họ
cũng đang không tôn trọng mình. Họ tạo nên một hình ảnh xấu trong mắt những người
xung quanh.
Chúng ta hiện nay đang đau đầu,
khó chịu về những cử chỉ bất lịch sự diễn ra chung quanh ta, đặc biệt ở lớp trẻ
mới lớn lên, ít được giáo dục: gặp người già đến nhà, con cái không chào, lên
xe buýt, thanh niên tranh chỗ ngồi - chỗ ngồi tốt, không nhường chỗ người già,
phụ nữ có con nhỏ, ra đường chúng xô đẩy người khác không xin lỗi, nói năng thì
thô lỗ, luôn mồm chửi tục, chửi đổng, ăn mặc thì lôi thôi, tự động nhận xét bừa
bãi về người khác ở nơi công cộng ... Những kẻ bất lịch sự không chỉ thể hiện họ
không tôn trọng người khác mà chính họ thiếu lòng tự trọng, đã nêu ra một hình ảnh
xấu về bản thân trước mặt người khác.
Vì vậy, ngay từ bây giờ, khi đang
là học sinh chúng ta nên học cách ứng xử. Rèn luyện ngay từ những điều nhỏ nhặt
sẽ hình thành cho chúng ta một thói quen ứng xử lịch thiệp, có văn hóa. Tục ngữ
có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, lời nói lịch sự, nhã nhặn sẽ luôn tạo
được ấn tượng tốt với người đối diện. Cách ứng xử không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn là những hành vi có ý thức. Lễ phép với
thầy cô, chan hòa với bạn bè, yêu thương bố mẹ,^ sẽ giúp chúng ta có lối sống
lành mạnh và từ đó cách ứng xử cũng trở nên phù hợp. “học ăn, học nói, học gói,
học mở” - ứng xử biểu hiện bản thân là một con người phải phép, được giáo dục,
có văn hóa.
Ứng xử thể hiện trí tuệ và nhân
cách của một con người. Vì vậy, có thể nói, ứng xử lịch sự chính là chiếc chìa
khóa để chúng ta tiếp xúc với xã hội, hòa đồng với những con người có hiểu biết,
văn mình, lịch sự.