Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

Phân tích 10 câu giữa bài thơ Đồng chí



Hình tượng người lính là nông dân đi vào văn học từ rất xa xưa nhưng phải đến những năm tháng hào hùng của dân tộc thì chân dung của họ mới được hoàn hảo qua nét vẽ trữ tình của thơ ca hiện đại. Lịch sử đã tôn vinh họ là những con người đẹp nhất của thời đại, một thời đại gian khổ oanh liệt nhưng rất đỗi tự hào ở thế kỉ XX. Hãy ngược dòng lịch sử để trở về với hình tượng người lính trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp qua bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu. Hình ảnh người lính cụ Hồ trong bài thơ “Đồng chí” được viết theo cảm hứng hiện thực và đầy chất lãng man. Chính Hữu đã xây dựng nên một tượng đài về người lính nông dân mang vẻ đẹp rất riêng. Đó là vẻ đẹp: mộc mạc,giản dị nhưng rất thân thương và trong sáng lòng yêu nước tình đồng chí đồng đội cùng chia ngọt sẻ bùi gắn kết keo sơn:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
Hình ảnh người lính luôn là hình ảnh đẹp nhất của văn học Việt Nam.Viết về các anh là viết về những đôi tay đã làm nên hình hài, dáng vóc thân thương của non sông gấm vóc Việt Nam.Huyền thoại về những người lính gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm của đất nước ta. Có lẽ, chưa một dân tộc nào trên thế giới lại phải gánh chịu những mất mát và khổ đau vì chiến tranh như dân tộc ta. Bài thơ Đồng chí là đóa hoa đẹp đầy hương sắc mà Chính Hữu dâng tặng người lính trong vườn hoa của thơ ca kháng chiến. Đồng chí là một bài thơ cô đúc, “tiết kiệm” trong từng hình ảnh, từng câu chữ. Bằng những chi tiết, những hình ảnh hết sức chân thật, cụ thể mà đầy tính chắt lọc, khái quát, bài thơ đã thể hiện một cách cảm động tình đồng chí gắn bó giữa những người nông dân mặc áo lính, cùng chiến đấu giữ gìn độc lập tự do của Tổ quốc, đã góp phần làm sáng tỏ bản chất và sức mạnh của những người cầm súng.
“Anh bộ đội cụ Hồ” buổi đầu kháng chiến chống Pháp - bình dị mà cao cả. Đó là những người lính xuất thân từ nông dân. Họ sẵn sàng bỏ lại những gì quý giá, thân thiết của cuộc sống nơi làng quê để ra đi vì nghĩa lớn, nhưng vẫn nặng lòng gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn.
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Chỉ cần Tổ Quốc gọi tên họ sẵn sàng dâng hiến xương máu.Chỉ vì một mục đích duy nhất là đất nước sạch bóng quân thù. Còn gì đẹp và thiêng liêng hơn nữa. Tình yêu Tổ Quốc nó to lớn và mãnh liệt vô cùng. Với thanh niên giai đoạn bấy giờ, cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi họ được cầm súng ra trận bảo vệ đất nước. Thế nhưng trong lòng họ vẫn còn những trăn trở về quê nhà – nơi chôn rau cắt rốn. Bởi vì ở đó vẫn còn: Những bờ xôi ruộng mật gắn bó với những người nông dân. Nhưng bây giờ phải cầm súng ra trận đành gửi lại nhờ người cày cuốc. Gian nhà trống rách nát chưa kịp sửa sang,nay đành gác lại mặc kệ gió lung lay. Bởi mối bận tâm duy nhất lúc này là “Tổ Quốc”. Với người nông dân nghèo, con trâu, căn nhà, ruộng nương là toàn bộ cơ nghiệp. Đó là những thứ cả đời họ phấn đấu, giữ gìn và bảo vệ, nói cách khác, chúng rất cần thiết và quan trọng với họ thế nhưng họ đã gác lại tất cả để ra trận, để đến với lí tưởng cao đẹp hơn. Họ “mặc kệ” cho gió lung lay, cho thiến nhiên tàn phá. Cụm từ “mặc kệ” được sử dụng vô cùng đắt giá, nó bình dị trong cuộc sống hằng ngày nến thể hiện sự chân thực, chất phác của những người lính. Họ đi mà vô cùng dứt khoát, không nuối tiếc, không đau khổ, không vấn vương, hết sức ngang tàng. Tuy vậy, vốn là những con người tình cảm, họ không thể giấu đi nỗi nhớ nhà cũng như lặng thinh trước sự mong ngóng ở quê hương. Thế nhưng sức mạnh của tình yêu nước lớn lao đã giúp họ trở nên mạnh mẽ, hi sinh bản thân và những xúc cảm để đến với lí tưởng cao đẹp. Giếng nước, gốc đa – một hình ảnh hoán dụ gợi về quê hương, về người thân nơi hậu phương. Nay xa cách không biết bao giờ mới trở lại. Nên sẽ “nhớ” biết bao.Tuy vậy từ “nhớ” mang đến phép nhân hoá, hình ảnh lại trở thành ẩn dụ những kỉ niệm, những buổi hò hẹn, những khoảnh khắc khó quên của cuộc chia tay, khi mà cả quê nhà dõi theo từng bước chân các chiến sĩ của họ. Vậy là quê hương nhớ người lính mà thực chất người lính nhớ quê hương. Khi ra trận, người lính không bị ràng buộc bởi vật chất mà ràng buộc bởi tinh thần. Đối với những người lính lúc bấy giờ,sẵn sàng gạt bỏ những mối bận tâm cá nhân. Những trăn trở và tình cảm riêng tư để vì một lý tưởng cao cả và thiêng liêng là giải phóng đất nước. Ba câu thơ chỉ có “anh” mà không có “tôi”, anh đã thật sự hiểu tôi, tin tưởng tôi và chia sẻ mọi thứ. “Tôi” cũng thông cảm và thực sự quan tâm tới anh, tôi kể về anh, về người đồng chí của tôi. Ôi! Những con người sâu sắc đầy tình cảm!
Những câu thơ tiếp theo nhà thơ gợi lên cho chúng ta hình ảnh thật đẹp về sự sẻ chia giữa những người đồng đội:
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Với anh và “tôi”, là chung nhau những gian nan, đau đớn của cơn sốt rét, là nhìn thấu và thương nhau từ những chi tiết nhỏ, họ cùng thiếu, cùng rách và tiếp tục những nét tương đồng từ áo quần tới cảm giác. Chiến đấu ở vùng rừng núi Tây Bắc,những người lính đã chịu rất nhiều khó khăn và gian khổ. Bệnh tật,thiếu thốn thuốc men,lương thực vô cùng trầm trọng. Đó là tình cảnh chung của quân đội ta lúc bấy giờ. Những cơn sốt rét hoành hành,cơ thể người lính rệu rã ,xanh xao. Quần áo không đủ mặc chắp vá khắp nơi,trong khi phải chiến đấu trong điều kiện rừng sâu nước độc lạnh giá. Nhưng tất cả những khó khăn đó không hề làm nhụt chí những người lính cụ Hồ. Họ không cô đơn và vượt qua mọi gian nan, thử thách bởi họ là đồng chí. Tác giả đã dẫn hàng loạt những hình ảnh chân thực, cô đọng đầy xúc động, những cặp đôi câu sóng đôi, tiểu đối đối ứng với nhau để nhấn sức mạnh kì diệu của tình đồng chí, tình đồng đội keo sơn khắng khít giữa những người lính. Cùng nhau trải qua gian lao cay đắng, khó khăn tưởng như quá lớn. Sức mạnh tinh thần nâng lên lại thúc đẩy sức mạnh thể xác đi đến ngưỡng cao hơn.
Trong hoàn cảnh gian lao, thiếu thốn đến tột cùng càng làm nổi bật lên vẻ đẹp của người lính, sáng lên những nụ cười lạc quan “miệng cười buốt giá”. Vẫn còn đó những nụ cười dù rằng kề bên có thể là thiếu ăn ,thiếu mặc thậm chí là cái chết. Dù trong hoàn cảnh nào ,thiếu thốn đến đâu ,người lính vẫn lạc quan, yêu đời và nêu cao tinh thần chiến đấu. Bởi họ biết rằng bên cạnh họ còn có những đồng đội luôn sẻ chia, đồng cam cộng khổ và thậm chí là sẵn sàng hy sinh.Còn sau lưng họ  là người thân,là quê hương nơi chôn rau cắt rốn.Tất cả những điều đó trở thành đồng lực ,sức mạnh để họ vượt qua mọi thử thách, gian nan, hướng tới thắng lợi cuối cùng.
Điều đáng chú ý là người bạn luồn được đưa lên trước, nói “anh” rồi mới nói “tôi”, luôn là như vậy. Dù lạnh, dù khổ, dù đau nhưng họ,vẫn quên đi để động viên lẫn nhau, tạo cho nhau sức mạnh để vượt qua khó khăn, truyền cho nhau hơi ấm.
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
Nếu đầy đủ thương nhau đã quí. Nhưng càng gian khổ, càng thiếu thốn lại càng thương nhau, ấy mới là điều đáng quí hơn. Dường như đây là cao trào của cảm xúc yêu thương trong người chiến sĩ. Thương nhau vô cùng trong cử chỉ “tay nắm lấy bàn tay”. Chỉ một cái nắm tay thầm lặng không cần phải nói với nhau một lời nào, đã đủ để biểu hiện tất cả sự đồng cảm, thấu hiểu chia sẻ mọi điều của những người đồng chí, đồng đội. Những bàn tay nắm chặt truyền cho nhau hơi ấm, lòng tin cho họ đủ sức mạnh để vượt lên mọi gian khổ, thiếu thốn, hi sinh. Một cử chỉ nhẹ nhàng nhưng chân thành, cảm động, chứa chan yêu thương nhưng cũng cứng rắn, nghị lực vô cùng bởi cử chỉ ấy chỉ có khi những người chiến sĩ đã ý thức đầy đủ về hoàn cảnh của đất nước kháng chiến, về nghĩa vụ cao cả của mình. Cử chỉ ấy dường như chứa đựng sự tự ý thức, tự nhận thức, bao hàm lời tự dặn mình và dặn dò nhau. Tình cảm không bồng bột mà đằm sâu. Chỉ bằng một cử chỉ “tay nắm lấy bàn tay” mà những người lính được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua mọi gian khổ, khó khăn. Những hình ảnh đó chính là biểu hiện của tình đồng chí. Ôi tình đồng chí, tình đồng đội thể hiện thật là giản dị và xúc động.
Với ngôn ngữ chân thực và đặc biệt là hình ảnh nụ cười ngạo nghễ của người chiến sĩ cách mạng các câu thơ đã làm lay động hàng triệu trái tim người đọc. Ít lời để gợi nhiều ý, ngòi bút biết tinh lọc, cô đúc trong từng chi tiết, từng hình ảnh để vừa cụ thể, vừa giàu tính khái quát, câu thơ chắc gọn bên ngoài lại ẩn chứa một tâm hồn thiết tha, da diết tự bên trong.  
Hình tượng người lính trong kháng chiến chống Pháp hiện lên trong bài thơ thật giản dị chân thật hàm xúc, giàu sức biểu cảm. Tình đồng chí của những người lính dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ, lí tưởng chiến đấu. Đã góp phần quan trọng tạo lên vẻ đẹp sức mạnh tinh thần của người lính cách mạng. Bài thơ giản dị nhưng để lại trong người đọc nhiều rung cảm sâu sắc là bằng chứng xác thực về một thời oanh liệt tình người cao đẹp.