Thứ Tư, 4 tháng 3, 2020

Nghệ thuật tả người qua hai bức chân dung Chị Em Thuý Kiều



Nói về Truyện Kiều, không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Khi Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn”.  Quả thật, mặc dù xuất phát từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng nếu Kim Vân Kiều không để lại dấu ấn gì trong văn học Trung quốc thì Truyện Kiều của Nguyễn Du lại là một tác phẩm lớn trong văn học thế giới.                
Điều gì đã làm nên giá trị và sức sống của Truyện Kiều ? Có rất nhiều yếu tố tạo nên thiên tài Nguyễn Du. Nhưng nét bút đặc sắc của Nguyễn Du trong nghệ thuật tả người thì không ai có thể phủ nhận được. Ông đã sáng tạo ra những chi tiết, ngôn ngữ, tâm lý nhân vật… tạo nên một thế giới nhân vật phong phú. Chân dung chị em Thuý Kiều là một điển hình.
Với ngòi bút thiên tài, đoạn trích Chị em Thuý Kiều đã ca ngợi vẻ đẹp của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân, những trang tuyệt sắc giai nhân tiêu biểu trong dòng văn học trung đại. Đó là một vẻ đẹp toàn mỹ trong tính ước lệ của văn chương:                                                          
“Mai cốt cách, tuyết tinh thần,                                                           
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.”                       
Câu thơ hiện lên hình ảnh hai cô gái vóc dáng mảnh dẻ, yểu điệu như cành  mai, tâm hồn trắng trong như tuyết. Nhịp thơ 3/3 tách câu thơ thành hai tiểu đối tạo âm điệu nhịp nhàng, nhấn mạnh vẻ đẹp hài hoà cân đối của hai chị em. Một vẻ đẹp đã đến độ hoàn hảo. Mượn các yếu tố thiên nhiên để lột tả vẻ đẹp từ ngoại hình đến tâm hồn “mười phân vẹn mười”. Cái tài của Nguyễn Du là ở chỗ “mỗi người một vẻ”. Quả thật, trong tác phẩm cũng như trong đời thực, không ai hoàn toàn giống ai, chính điều ấy đã tạo nên cái diện mạo và tính cách riêng của từng nhân vật.
             Đây là vẻ đẹp của Thuý Vân:       
          “Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
          Hoa cười ngọc thốt đoan trang,                             
          Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.”
          Hình ảnh ước lệ, nhưng người đọc có thể hình dung một Thúy Vân xinh đẹp, thuỳ mị, đoan trang với khuôn mặt phúc hậu, tươi thắm như trăng rằm, nụ cười rạng rỡ như hoa hàm tiếu, giọng nói dịu dàng, trong trẻo như tiếng ngọc. Nhà thơ ca ngợi mái tóc của Thúy Vân óng mượt đến mây cũng phải thua, làn da trắng ngần mà tuyết cũng phải nhường. Tạo hoá đã ban cho nàng một sắc đẹp mà biết bao phụ nữ hằng ao ước ! Một vẻ đẹp đầy chất ước lệ, khuôn sáo của văn học trung đại “mặt hoa da phấn”, “mắt phượng mày ngài”. Tạo hoá phải nhường bước, chịu thua trước sắc đẹp của nàng. Biện pháp nhân hoá “mây thua, tuyết nhường” kết hợp với từ ngữ gợi tả “đầy đặn, nở nang” vừa diễn tả vẻ đẹp của nàng vừa gợi lên sự tròn đầy viên mãn. Nhịp điệu thơ nhẹ nhàng hài hòa, như nét đan thanh của một cô gái thùy mị, nết na chừng như dự báo một cuộc sống yên vui, tốt đẹp của nàng trong tương lai. Hạnh phúc dang rộng cánh tay chờ đợi những bước chân nhịp nhàng, khoa thai của nàng trong tương lai.                
          Nếu Thúy Vân là vẻ đẹp của bức tranh tố nữ, thì Thúy Kiếu là vẻ đẹp của người ngọc hiện diện giữa trần đời đầy sắc sảo, mặn mà. Hoàn tất bức chân dung Thúy Vân, nhà thơ mới từ tốn, hình như có chút hoang mang bối rối khi họa nên bức chân dung Thúy Kiều. Nếu chỉ với 4 câu thơ, chân dung Thúy Vân đã hoàn thiện thì khi tả Kiều, nhà thơ đã khẳng định:
          “Kiều càng sắc sảo mặn mà,
          So bề tài sắc lại là phần hơn.”
          Có người nói, nhà thơ dùng Thúy Vân làm nền để tôn lên vẻ đẹp của Thúy Kiều trong nghệ thuật “tả khách hình chủ”. Lẽ nào trái tim nhân hậu của Nguyễn Du có thể làm tổn thương một vẻ đẹp hoa nhường nguyệt thẹn như Thúy Vân ư ? Chẳng phải đức hạnh và vẻ đẹp của Thúy Vân đã được thừa nhận, ca ngợi đó sao ? Ngòi bút nhân văn như Nguyễn Du, chắc chắn ông rất trân trọng và yêu thương nhân vật của mình. Ông yêu thương, nâng niu tất cả những tài hoa trác tuyệt ấy. Có điều đối với Thuý Vân là sự yêu thương, nâng niu trân trọng, còn đối với Thuý Kiều là sự đồng cảm, yêu thương, ưu tư cho một số kiếp con người:
                     “Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,
          Hoa ghen thua thắm,liễu hờn kém xanh.”
          Từ “càng” vừa là sự chuyển tiếp vừa diễn tả một mức độ thái quá, một điều gì đáng lo ngại. Nỗi băn khoăn lo lắng ấy không kềm chế được nên câu trước thì khoan thai hào hứng“Làn thu thủy, nét xuân sơn”. Câu thơ ngắt ra thành 2 dòng để nhấn mạnh, để điểm tô vẻ đẹp tuyệt vời ấy mà sao nghe như có gì uất nghẹn. Nguyễn Du đã sáng tạo trong miêu tả nhân vật. Chỉ một nét thần, nhà thơ không chỉ miêu tả ánh mắt, nét mày mà còn lột tả tâm hồn nhân vật. Thúy Kiều đẹp quá, ánh mắt nàng đẹp như mặt nước hồ thu mênh mông, vời vợi trong sắc xanh của mây trời, trong chút vàng của nắng, của chiếc lá thu phai. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Trong đáy mắt màu thu ươn ướt, man mác buồn ấy, lại chất chứa trái tim đa sầu đa cảm mà đằm thắm tình người, tình đời bao dung. Chính “làn thu thủy” ấy đã rung cảm “dầm dầm châu sa” trước nấm mồ hoang vô chủ của Đạm Tiên, rồi lại trước cơn gia biến đã quyết hy sinh mối tình đầu chớm nở với Kim Trọng mà “Liều đem tất cỏ quyết đền ba xuân”. Rồi phải trầm luân trong mười lăm năm gió bụi cuộc đời với niết bao đắng cay tủi nhục. Nét độc đáo của thiên tài Nguyễn Du miêu tả vẻ đẹp của nét mày nàng đẹp như dáng núi mùa xuân xanh cong quyến rũ, tràn đầy sức sống. Mùa xuân với sắc xanh mượt mà mơn mỡn “Xuân du phương thảo địa” (cổ thi), “cỏ non xanh tận chân trời” (Nguyễn Du), ẩn sau “nét xuân sơn” ấy là sức sống dâng trào của cô gái “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cặp kê” (Nguyễn Du). Chính trong vẻ yêu kiều ấy, Thúy Kiều đã rung động trong lần đầu gặp Kim Trọng “hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa” để rồi sau lần đầu gặp gỡ ấy trái tim dào dạt yêu thương đã tự nhủ:
                    “Người đâu gặp gỡ làm chi,
          Trăm năm biết có duyên gì hay không.”
          Rồi chính nàng đã chủ động “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để tìm đến chàng Kim. Nàng đã chủ động vượt qua những lễ giáo phong kiến khắc nghiệt để tìm đến mối tình đầu trong sáng. Theo những bước chân mạnh mẽ ấy, trái tim nhân hậu của Nguyễn Du đã thể hiện một quan niệm sống, một khái niệm tự do trong hôn nhân hiếm thấy trong văn học trung đại.
        Ánh mắt nét mày ấy ẩn chứa một tâm hồn đa sầu đa cảm, đầy ắp yêu thương, tràn dâng sức sống. Nhưng ngay sau vẻ đẹp tuyệt trần ấy, dường như có điều gì oan ức “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Việc gì phải ghen, phải hờn ? Thói đời là vậy ! Cái sâu sắc nhân tình thế thái, cái tài của Nguyễn Du là ở chỗ chỉ nhân tả vẻ đẹp của Kiều mà đã gợi ra được một phần cuộc đởi ô trọc, nhỏ nhen sẵn sàng vùi dập cuộc đời một trang tuyệt sắc giai nhân.
Nguyễn Du đã nhấn mạnh “Một hai nghiêng nước nghiêng thành”. Tác giả đã sử dụng điển tích, mượn ý thơ của Lý Diên Niên đời Hán Vũ Đế (Trung quốc):
“Nhất cố khuynh nhân thành,
Tái cố khuynh nhân quốc.”
(Quay lại một lần tướng giữ thành mất thành, quay lại lần nữa nhà vua mất nước). Câu thơ làm ta liên tưởng đến nụ cười của Bao Tự, cái liếc mắt của Điêu Thuyền, một chút nũng nịu của Dương Quí Phi, cái nhăn mặt của Tây Thi, hay nét u buồn của Chiêu Quân… - những người đẹp đã từng làm xiêu đổ bao thành trì và triều đại phong kiến Trung quốc. Tác giả ngầm so sánh Kiều như một trang quốc sắc thiên hương, một sắc đẹp có một không hai. Nhưng nàng đẹp đến nỗi thiên nhiên phải hờn ghen. Đoạn thơ đã phảng phất dự cảm về cuộc đời đầy sóng gió bất trắc của nàng Kiều.             
Tạo hoá ban cho nàng không chỉ là sắc đẹp mà còn tài năng hơn người:
Thông minh vốn sẵn tính trời,                                   
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm.”
          Nàng có đủ phẩm chất, tài năng của một nghệ sĩ: Thơ ca, hội hoạ, âm nhạc nàng đều tỏ ra tài hoa rất mực. Nàng có một năng lực cảm nhận nghệ thuật tinh tế, cho thấy một tâm hồn mẫn cảm, phong phú. Nhưng có lẽ nổi bật nhất là ngón đàn:
                    “Cung thương làu bậc ngũ âm,                                   
          Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.”                 
Tiếng đàn ấy như phát ra từ chính con tim đa sầu đa cảm, và nó gắn với số phận đời nàng. Như một sự xui khiến của số phận, khúc nhạc nàng chọn cho riêng mình là khúc “bạc mệnh”:                                    
   “Khúc nhà tay lựa nên chương,                                    
          Một thiên bậc mệnh lại càng não nhân.”
           Âm điệu câu thơ như chùng xuống, như nghẹn đắng theo cung đàn. Một linh cảm về kiếp đoạn trường. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ lại để cô gái xuân xanh vừa chớm lại gieo cung bạc mệnh. Chừng như trong sâu thẳm tâm hồn, thiên tài Nguyễn Du đã cảm nhận, đã dự báo những nỗi bất hạnh sẽ phủ xuống đời nàng.
        Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng chưa thoát khỏi thuyết “thiên mệnh”: “tài mệnh tương đố”, “tài tử đa cùng, hồng nhan đa truân”. Cuộc đời mỗi người đều do số phận an bài, mệnh trời là một thế lực vạn năng “Cho hay muôn sự tại trời”, “Chữ tài liền với chữ tai một vần”.  Kiều đẹp quá, tài năng quá nên không tránh khỏi “hồng nhan bạc phận”. Thế nhưng, nếu chỉ thế thì Truyện Kiều cũng không thể trở thành tuyệt tác. Chính tấm lòng nhân hậu, chính trái tim yêu thương, trân trọng con người, nhà thơ đã phản ánh “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” để phơi bày hiện thực xã hội tàn ác bất nhân, thế lực đồng tiền và quyền lực bọn quan lại đã vùi dập, chà đạp lên ước mơ về hạnh phúc của con người, đã đẩy một nhân cách cao đẹp, một trang tuyệt sắc giai nhân vào vũng bùn tăm tối của cuộc đời.                     
Khép lại đoạn trích Chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du đã tô thêm về cuộc sống và đức hạnh của hai chị em:                          
“Êm đềm trướng rủ màn che,                                        
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.”
Những thành ngữ “trướng rủ màn che” diễn tả cuộc sống khuôn phép, êm ấm hạnh phúc của hai cô gái con nhà tử tế, được giáo dục hẳn hoi. Một lần nữa Nguyễn Du đã khẳng định nhân cách và phong thái của hai chị em.
Khổ thơ cuối đã khép lại và hoàn chỉnh hai bức chân dung tuyệt tác của Thuý Vân và Thuý Kiều. Qua đó, người ngắm tranh không chỉ thấy được chân dung nhân vật mà còn nhìn thấy bức tranh thói đời ghét thương, đố kị. Không chỉ thấy được ngoại hình nhân vật mà còn thấy được tâm hồn tính cách của nhân vật, và dự báo cả về tương lai, số phận của nhân vật. Nguyễn Du đã đẩy nghệ thuật tả người đạt đến đỉnh cao của văn học trung đại.
Đoàn Ngọc Phương (GV THCS Ngô Quyền, Tân Bình)