Người
ta vẫn thường nói trăng là nàng thơ, là người bạn tri âm tri kỷ của biết bao hồn
thơ. Nhưng dưới mỗi một ngòi bút trăng lại mang những vẻ đẹp khác nhau, có khi
là người bạn tri kỉ cùng nâng chén rượu làm vơi nỗi cô đơn trong câu thơ của Lí
Bạch, có khi mang vẻ đẹp kì dị, ma quái đầy ấn tượng trong thơ Hàn Mặc Tử, rồi
có khi trở thành người bạn đồng hành trong suốt những đêm dài chiến đấu của chiến
sĩ bộ đội ta và trôi nổi đến trang thơ của Chính Hữu. Còn đến với “Ánh trăng” của
Nguyễn Duy trăng trở thành hình tượng nghệ thuật gửi gắm những thông điệp ý
nghĩa về nhân sinh. Ánh trăng là một trong những bài thơ đặc sắc nhất trong sự
nghiệp sáng tác của Nguyễn Duy, bài thơ gợi nhắc về những ân tình thủy chung
trong quá khứ, từ đó thể hiện được những bài học triết lí sâu sắc. Bài thơ là
những dòng cảm xúc về cuộc hành trình và sự gắn bó của người lính với vầng
trăng, từ khi còn thơ bé đến khi kết thúc cuộc chiến tranh gian khổ khốc liệt:
Hồi
nhỏ sống với đồng
với
sông rồi với bể
hồi
chiến tranh ở rừng
vầng
trăng thành tri kỉ
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Nếu
ai đã từng biết tới Nguyễn Duy thì hẳn không quên được những tác phẩm đặc sắc của
ông như Đò Lèn, Tre Việt Nam, ... Chúng đều là những tác phẩm thấm đẫm cái hồn
của ca dao, tục ngữ, của những áng văn thơ dân gian Việt Nam. Thơ ông luôn đi
tìm lại, khai thác sâu thêm những cái nền nã, cái vốn có tình nghĩa lâu đời của
người Việt. Chính thế, người ta mới được biết tới Ánh trăng. Một vầng trăng tri
kỉ của con người, một vầng trăng tình nghĩa bao năm tháng và một vầng trăng thức
tỉnh cái lương tâm ta. Tác phẩm là lời nói thức tỉnh mỗi con người chúng ta, đừng
bao giờ vì những thứ hào nhoáng, mới mẻ mà quên đi quá khứ của mình.
Mở
đầu những trang thơ, người ta thấy xuất hiện trong thơ Nguyễn Duy một vầng
trăng sáng tỏa. Vầng trăng ấy chứa chan những kí ức của tuổi thơ, của những
ngày gian khổ chiến tranh:
Hồi
nhỏ sống với đồng
với
sông rồi với bể
hồi
chiến tranh ở rừng
vầng
trăng thành tri kỉ
Dường
như trong kí ức tuổi thơ của mỗi người, ai cũng có những kỉ niệm gần gũi với vầng
trăng. Từ “Hồi” biểu thị thời gian trong quá khứ. Trong khoảng thời gian
ấy con người đã có những phút giây sống chan hòa với thiên nhiên. Các hình ảnh
lớn dần “đồng, sông, bể” mang nhiều ý nghĩa đặc biệt khác nhau, nhưng có
một điểm chung là đều mang nét hồn nhiền trong trẻo của thời trẻ con vô tư.
Cánh đồng lúa, hay cỏ hoa, lúc nào cũng ngập tràn nắng gió, ngập tràn những tâm
tư dịu dàng, ngập tràn cái thanh bình, hạnh phúc. “Sông” dạt dào chảy,
nước sông trong vắt “soi tóc những hàng tre”, soi bóng cả cái tâm hồn ngây thơ,
đong đầy biết bao ước mơ trẻ nhỏ. “Bể” hiền hậu nhưng cũng hung hăng,
mang theo bao con sóng vỗ bờ, mang theo bao hoài bão của tuổi hồng mộng mơ. Và “đồng,
sông, bể” đã gắn bó với nhân vật trữ tình, một cách thắm thiết, như người bạn
thuở ấu thơ thân thương gần gũi. Từ “với” được lặp lại ba lần càng tô đậm
thêm sự kết nối con người với những tươi đẹp tuổi thơ, với vầng trăng dung dị của
quá khứ. Thật là một kí ức tuổi thơ khó có thể quên. Trăng, ngay từ khi còn thơ
bé con người đã gắn bó và coi trăng như người bạn tri kỉ – người bạn thiên
nhiên thân thiết.
Bức
tranh không gian về thiên nhiên đằm thắm ấy đã kéo theo sự vận động của thời
gian, mang vầng trăng tròn đầy thời ấu thơ đi qua quãng đời chiến đấu của người
lính:
hồi
chiến tranh ở rừng
vầng
trăng thành tri kỉ
Cụm
từ “hồi chiến tranh” mở ra cho câu chuyện một khoảng không gian mới. Cậu bé năm
xưa giờ đây đã trở thành một người lính sống xa quê hương, đi tham gia chiến đấu
trong rừng sâu. Lúc này đây, vầng trăng xưa kia lại xuất hiện và trở thành một
người bạn “tri kỉ” “tình nghĩa”. Biện pháp nhân hóa đã được sử dụng để biến
trăng thành “tri kỷ”, thành người bạn chí cốt lúc nào cũng hiểu hết về nhau.
Hành quân giữa đêm, trên những nẻo đường chông gai ra mặt trận, những phiên gác
giữa rừng khuya lạnh lẽo, những tối nằm yên giấc dưới màn trời đen đặc, người
lính đều có vầng trang bên cạnh. Trăng ở bên, bầu bạn, cùng cảm nhận cái giá buốt
nơi “Rừng hoang sương muối” (“Đồng chí”), cùng trải qua bao gian khổ của cuộc sống
chiến đấu, cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ; cùng hân hoan trong niềm
vui thắng trận, cung xao xuyến, bốn chồn, khắc khoải mỗi khi người lính nhớ
nhà, nhớ quê. Trăng đến với con người bằng dáng vẻ hoang sơ, mộc mạc, bằng những
tình cảm chân thành sâu sắc nhất. Trăng là vẻ đẹp tượng trưng của thiên nhiên,
nên vầng trăng đã trở thành người bạn tri kỉ, gắn bó với người lính trong những
năm tháng từ thuở ấu thơ ở quê nhà đến hồi chiến tranh sống ở rừng.
Vầng
trăng vẫn tròn đầy dù trải qua bao mưa bom bão đạn, vẫn sáng trong dù đã trải
qua thời gian khó khăn nhất, tối tăm nhất. Vầng trăng ngày ấy mới đẹp làm sao! Lúc
ấy, con người sống thật giản dị, hòa mình với thiên nhiên:
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa
Phép
liên tưởng đầy tính nghệ thuật “trần trụi với thiên nhiên” cho ta thấy
rõ hơn vẻ đôn hậu hiền hòa của ánh trăng. Đó cũng chính là hình ảnh con người
lúc bây giờ: không giả tạo, giả dối, không lọc lừa nhỏ nhen, không có những
toan tính thiệt hơn, những đố kị ghen ghét. Trong sáng vô tư như tuổi thơ, chân
thành và thật thà như nhiệt huyết sục sôi của người lính trẻ. Cách so sánh
trăng với vẻ hồn nhiên như cây cỏ của nhà thơ Nguyễn Duy đã đem lại cho ta ấn
tượng đó về ánh trăng quá khứ. “Cây cỏ”những sự vật tưởng chừng vô tri
giác nhưng lại mang một hàm ý lớn lao: cây cỏ tạo ra dưỡng khí giúp ích cho đời,
sống cuộc sống hồn nhiên, không chen lấn giành giật với đời, không nghi kị xảo
trá mà tự nhiên, chan hòa với mọi người mọi vật. Vầng trăng của ngày ấy thật tự
nhiên, không giấu, không che đậy, gần gũi hoang sơ như dáng vóc mộc mạc của người
lính, tỏa sáng vằng vặc, đẹp đến nỗi nhân vật trữ tính – người lính đã phải nói
rằng:
ngỡ
không bao giờ quên
cái
vầng trăng tình nghĩa
Từ “ngỡ” ở đây không dưng lại làm ta hình dung
rõ cái mầm mống, cái dự báo của sự lãng quên. Lãng quên cái vầng trăng tròn ắp
đầy tình nghĩa, hoang sơ mộc mạc như cây cỏ, chân chất đôn hậu như người chiến
sĩ đã trải lòng mình ra với thiên nhiên. Đoạn thơ cũng diễn tả một cách rõ nét
những nỗi đau trong lòng con người: Lúc nào cũng nghĩ là mình sẽ nhớ, cũng
khăng khăng sẽ khắc sâu vào tâm tưởng nhưng rồi tự bao giờ, ta đã không thể
cùng ánh trăng tình nghĩa kia đi trọn kiếp người được nữa. Bởi vì nó đã bị ta bỏ
lại đằng sau, cùng với những kỉ niệm đáng nhớ của một thời xưa cũ ấy ta đã
quên. Ý thơ lay động tâm hồn, thức tỉnh lương tâm những kẻ vô tình, gợi nhắc về
cái “vầng trăng tình nghĩa”. Trăng
chính là hình ảnh biểu tượng cho một thời quá khứ hào hùng tươi đẹp, trong sáng
mà đầy nghĩa tình.
Chiếc
thuyền mang bao kỉ niệm gắn bó đã lùi xa vào quá khứ, theo dòng chảy bất tận của
thời gian. Theo dòng chảy đó, chiến tranh cũng đã kết thúc, và người lính ngày
xưa trở về, nhưng không phải là về nơi “đồng, sông, bể” dung dị và thân thương,
mà là trở về chốn phồn hoa đô hội, chốn thị thành tấp nập đông vui.
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Câu thơ đột ngột quay trở về thực tại, dứt khỏi
khoảng không kí ức của nhân vật trữ tình. Bao khó khăn gian khổ của cuộc sống
chiến đấu nay đã trở thành dĩ vãng, còn cái tình cảm gắn kết xưa kia giờ nay đã
đi về đâu? Câu thơ “Từ hồi về thành phố” đã ghi nhận sự chuyển biến
nhanh chóng của thời gian. Ở cái thực tại
không xa ấy, nhân vật trữ tình bắt đầu quen với những thuận lợi vật chất, những
“ánh điện cửa gương” bóng loáng giả tạo. Hình ảnh ẩn dụ đối lập giữa “vầng
trăng tình nghĩa” mộc mạc, hiền hòa với “ánh điện cửa gương” tuy có
sáng hơn ánh trăng thật, nhưng thứ ánh sáng nhân tạo đó không thể nào bằng được
cái ánh sáng nghĩa tình mà trăng đem lại. Biện pháp liệt kê “ánh điện, cửa
gương” như cũng đồng thời liệt kê ra cái tiện nghi đủ đầy vật chất xuất hiện
trong đời sống người lính, bên cạnh những bộn bề lo toan của cuộc sống thường
ngày. Và mới thật bạc bẽo làm sao, cái đủ đầy vật chất, cái ngổn ngang bận bịu
của sự đời đã lấn át đi nhu cầu đủ đầy về mặt tinh thần, về tình cảm son sắt từng
một thời được coi như máu thịt của người lính. Vầng trăng bây giờ đối với anh
lính năm xưa giờ chỉ là dĩ vãng, dĩ vãng nhạt nhòa của quãng thời gian xa xôi
nào đó. Cái bóng của sự xa hoa đã che lấp đi “vầng trăng tình nghĩa”,
vòng xoay của thời gian đã thay đổi cả bản chất, tâm hồn con người. Để rồi giờ
đây, khi mà anh lính năm xưa bị che mắt bởi những phồn vinh thành thị, người đã
không thể thấy được sự hiện diện của trăng, dù trăng vẫn đều đặn “đi qua
ngõ”. Trăng vẫn tồn tại, vẫn thủy chung, tròn đầy, sáng vằng vặc, không
thay đổi nhưng thật đau xót làm sao, lòng người đã lại đổi thay, không còn đủ
sáng để hòa nhịp tâm hồn cùng trăng, không còn đủ yêu thương để gắn bó với những
ân tình quá khứ. Đối với người lính lúc này, trăng chẳng khác gì “người dưng
qua đường”, hờ hững, lạnh nhạt, không đáng để bận tâm. Trăng được nhân hóa,
đi qua ngõ mà như người dưng. Một hình ảnh đối lập tinh tế mang nặng màu chua
xót: “ngỡ không bao giờ quên” – “như người dưng qua đường”. Một sự đổi
thay quá là phù phàng của con người. Tình cảm là thứ dễ bị chia lìa đến thế
sao, lòng người dễ dàng phôi pha chỉ bởi những phù phiếm vật chất đến thế sao?
Thái
độ dửng dưng lạnh lùng, thờ ơ của người lính với vầng trăng thật đáng trách biết
bao. Trong cuộc sống con người rất dễ bị cuốn vào nhịp sống hối hả, tấp nập của
cuộc sống mà vô tình quên đi những thứ bình dị nhưng đã đi sâu vào trong tiềm
thức, đã xây kết thành những kỉ niệm vững chắc mà ta không bao giờ quên. Sự
lãng quên ấy không đáng trách nhưng quay lưng lại với kí ức, với những kỉ niệm
thì đó là những hành động thật đáng trách, thật đáng lên án.Bởi thế người đời
vẫn thường nhắc nhau: “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”. Vì thế, ánh trăng của Nguyễn
Duy là một thứ vầng trăng mang đầy tính nhân văn, nhân bản sâu sắc. Nó trở
thành một bài học không chỉ dành riêng cho những người lính mà còn có ý nghĩa với
tất cả mọi người, mọi thời đại để rồi từ đó, tự mỗi người trong mỗi chúng ta sẽ
tự đối diện với chính mình, với quá khứ xem mình đã sống ra sao, như thế nào...
Bài
thơ Ánh trăng không chỉ là tâm sự riêng của nhà thơ Nguyễn Duy, mà đây còn là
bài thơ giúp cho người đọc tự soi chiếu được chính mình. Cuộc sống của con người
luôn chảy trôi vô tình, đừng vì quá đắm mình trong cuộc sống thực tại mà lãng
quên đi những kí ức đã qua, đó là những kí ức mà chúng ta đã từng trải qua, nó
góp phần làm nên con người của thực tại, vì vậy hãy trân trọng để nó luôn sống
động trong tâm hồn của mỗi chúng ta.
Nguồn:ST&