Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2020

Phân tích 2 khổ cuối bài thơ Ánh trăng


Trong thi ca xưa, hình ảnh vầng trăng thường gắn liền với những mộng mơ, qua đó thể hiện được sự tinh tế và nhạy cảm trong tâm hồn của người nghệ sĩ. Viết về ánh trăng- mảng đề tài tưởng như quá quen thuộc ấy, nhà thơ Nguyễn Duy không những không bị chìm khuất trong những cái bóng quá lớn của tác phẩm thành công trước đó mà lại thể hiện được những sáng tạo nghệ thuật độc đáo rất Nguyễn Duy. Không chỉ thể hiện được những cái mộng mơ thường thấy mà thông qua hình ảnh của ánh trăng nhà thơ đã gửi gắm được những tâm sự, cảm xúc thầm kín, bởi ánh trăng trong thơ ông đã trở thành biểu tượng của những kí ức đã qua, của những kỉ niệm khó quên trong cuộc đời. Tư tưởng, nội dung này được thể hiện chi tiết trong hai khổ thơ cuối:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng, là bể
như là sông, là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Bằng sự liên tưởng đầy độc đáo, Nguyễn Duy đã nói về những kí ức của một thời gian khổ nhưng đầy hào hùng thông qua hình ảnh ánh trăng.Hình ảnh vầng trăng là hình ảnh xuyên suốt bài thơ, tuy dung lượng bài thơ tương đối ngắn nhưng qua đó người đọc vẫn cảm nhận được những tình cảm, cảm xúc chân thành nhất của nhà thơ Nguyễn Duy với chính những kí ức đã qua của mình. Tuổi thơ người lính gắn bó với vầng trăng hồn nhiên, mộc mạc, ân tình. Ánh trăng sáng dệt nên kí ức bình dị, êm đềm. Khi vào chiến trường, vầng trăng cũng đồng hành cùng con người vào sinh ra tử. Tình cảm ấy thắm thiết và mặn nồng biết bao. Cảm ân vầng trăng đã soi sáng những bước đường, cùng chia ngọt sẻ bùi, tưới mát tâm hồn, con người tự nhắc lòng mình “không bao giờ quê” cái “vầng trăng tình nghĩa” ấy. Người đọc cũng tin là như thế.Thế nhưng, khi chiến tranh kết thúc, hoàn cảnh thay đổi, con người lao vào đời sống vật chất, tiện nghi, đã mau chóng quên đi vầng trăng năm xưa. Bất chợt, sự cố cúp điện xảy đến, ánh sáng của vầng trăng hiển thị, lạ lùng thay, con người nhận ra biết bao nhiêu điều vừa vui mừng, hoan hỉ, vừa đắng cay, tủi hổ mà bấy lâu không thể ngẫm tới.
Không còn gì ngăn cách, không còn một ranh giới rào cản nào nữa, người chiến sĩ xưa mới nhận ra trăng, một cách thình lình và đột ngột, như không hề ngờ tới, không hề nghĩ tới. Trăng vẫn tròn như những nghĩa tình vẫn đầy ắp không sứt mẻ, vẫn hiện diện bên cạnh nhân vật trữ tình như thuở ấu thơ, như thời chiến đấu; nhưng người đã không còn nhớ gì cả. Để khi gặp mặt, người lính cảm thấy ngỡ ngàng tột độ, và sau đó:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Vần thơ có cái gì đó khiến lòng người cảm động. Hai từ “mặt” trong cùng một dòng thơ: mặt người và mặt trăng, mặt đối mặt, lòng đối lòng. Bao cảm xúc bên trong nhân vật trữ tình lúc này cũng như cánh cửa sổ “bật tung” ra, trào dâng đến nỗi như “có cái gì rưng rưng”. Rưng rưng của những niềm thương nỗi nhớ, của những lãng quên lạnh nhạt với người bạn cố tri; của một lương tri đang thức tỉnh sau những ngày đắm chìm trong cõi u mê mộng mị; rưng rưng của nỗi ân hận ăn năn về thái độ của chính mình trong suốt thời gian qua. Một chút áy náy, một chút tiếc nuối, một chút xót xa đau lòng, tất cả đã làm nên cái “rưng rưng”, cái thổn thức trong sâu thẳm trái tim người lính. Và trong phút giây nhân vật trữ tình nhìn thẳng vào trăng_ biểu tượng đẹp đẽ của một thời xa vắng, nhìn thẳng vào tâm hồn của mình, bao kỉ niệm chợt ùa về chiếm trọn tâm tư. Kí ức về quãng đời ấu thơ trong sáng, về lúc chiến tranh máu lửa, về cái ngày xưa hồn hậu hiện lên rõ dần theo dòng cảm nhận trào dâng, “như là đồng là bể, như là sông là rừng”. Đồng, bể, sông, rừng, những hình ảnh gắn bó nơi khoảng trời kỉ niệm. Cấu trúc song hành của hai câu thơ, nhịp điệu dồn dập cùng biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ và liệt kê như muốn khắc họa rõ hơn kí ức về thời gian gắn bó chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng lớn lao sâu nặng, nghĩa tình, tri kỉ. Chính thứ ánh sáng dung dị đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính. Chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm như “có cái gì rưng rưng”, đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc. Đọc bốn câu thơ, ta thấy thương thay cho trăng và tiếc thay cho người chiến sĩ.
Khéo trách người sao quá vội vàng
Bỏ lại bao kỉ niệm quá khứ.
Khéo trách người sao quá phũ phàng
Lãng quên những yêu thương tình tự.
 Nhân vật trữ tình đã có biết bao lần có thể hội ngộ cùng trăng, nhưng người đều bỏ lỡ dịp đó. Người đã xem trăng như người dưng, và giờ là lúc người bị cắn rứt lương tâm tột độ. Nói sao hết nỗi mừng vui xúc động pha cả sự xót xa ngậm ngùi, ân hận của một con người đã bấy lâu nay sống vô tâm, hờ hững, lãng quên quá khữ, bạn bè, đồng đội thì nay tìm lại được chính mình, tìm lại được những gì mà một thời mình đã từng coi là thiêng liêng cao đẹp, là suốt đời “ngỡ không bao giờ quên”.
Trong giây phút được sống lại những năm tháng tươi đẹp của quá khứ xa xưa, thấy được sự vô tâm hờ hững, sự đổi thay của chính mình thì cũng là lúc con người nhận ra:
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
“Trăng cứ tròn vành vạch” vẫn đẹp một cách viên mãn tròn đầy, vẫn ngày ngày âm thầm lặng lẽ toả sáng, làm đẹp cuộc đời mặc cho con người cứ “vô tình” hờ hững. Trăng vẫn tròn như tình nghĩa trọn vẹn thủy chung son sắt, nhân hậu của đất nước, cuộc đời, trái ngược với cái hờ hững của kẻ sống bạc bẽo. Trăng không lên tiếng trách móc mà im lặng, chẳng giận dỗi “người vô tình”. “Ánh trăng im phăng phắc” là hình ảnh nhân hoá khiến cho ánh trăng giống như một con người bao dung, độ lượng không hề hờn dỗi trách móc trước sự đổi thay của lòng dạ con người. Tuy vậy, người lính vẫn không tránh khỏi bản án lương tâm, không tránh khỏi ám ảnh bởi ánh nhìn im lặng đầy vẻ trách cứ. Trăng độ lượng, khoan dung, nhưng chính cái khoan dung ấy của trăng lại khiến lòng người nhói đau hơn bao giờ hết. Sự im lặng mạnh mẽ ấy đủ sức thức tỉnh lương tâm con người vốn đã ngập ngụa trong đời sống tiện nghi. Nó đủ khiến con người giật mình nhận ra sự thay đổi của bản thân mình, mình đã đánh mất chính mình, đánh mất những gì tốt đẹp trong con người mình mà mình không hề hay biết. Giật mình đồng nghĩa với việc thức tỉnh, nhưng không phải sự thức tỉnh nhẹ nhàng mà lại vô cùng dữ dội. Cả bài thơ như lắng đọng trong từ “giật mình”, và tâm trạng giật mình đó cũng chính là cái kết của bài thơ, của một câu chuyện đời đầy ý nghĩa. Bài học tình nghĩa về tri ân quá khứ dẫ được viết ra, nhưng con người đã phải trả cái giá quá đắt để học nó. Người ta không thể nào mải chìm đắm trong quá khứ mà tiến lên, nhưng cũng không thể nào tiến lên mà không có bước đệm của quá khứ. Trân trọng, khắc ghi, tri ân kỉ niệm. Luôn nhớ, yêu thương, không quên ngày đã qua. Một triết lý sống giản đơn nhưng sâu sắc: tình người.
Cái giật mình của nhà thơ Nguyễn Duy thật đáng trân trọng, đó là cái giật mình của ý thức, của trách nhiệm khiến cho chúng ta cảm động. Tự hỏi trong chúng ta hôm nay có ai dám chắc rằng mình chưa bao giờ lãng quên những điều mà chúng ta cho là trân quý nhất, và khi nhận thức được sự lãng quên ấy thay vì chấp nhận cho qua, tự an ủi rằng “À, thì ra mình đã quên” mà có mấy ai ý thức được sâu sắc sự vô tình của mình được như Nguyễn Duy. Do vậy, nếu như không nhận ra kịp thời, không có những cái giật mình thức tỉnh thì biết đâu đấy chúng ta cũng xe đánh mất chính mình.
Bài thơ có sự kết hợp hài hoà giữa tự sự và trữ tình; giọng thơ tâm tình, suy tư trầm lắng; ngôn ngữ thơ giàu tính triết lí. Nhà thơ đã rất thành công hình tượng ánh trăng, hình tượng thơ đa nghĩa tượng trưng cho cái đẹp của thiện nhiên, của sự sống, sự thanh cao trong sáng thuần khiết, vẻ đẹp tâm hồn của con người; quá khứ tươi đẹp, những năm tháng chiến tranh gian khổ thắm đượm nghĩa tình đồng đội đồi chí, tình quân dân cá nước.
Bài thơ Ánh trăng không chỉ là tâm sự riêng của nhà thơ Nguyễn Duy, mà đây còn là bài thơ giúp cho người đọc tự soi chiếu được chính mình. Cuộc sống của con người luôn chảy trôi vô tình, đừng vì quá đắm mình trong cuộc sống thực tại mà lãng quên đi những kí ức đã qua, đó là những kí ức mà chúng ta đã từng trải qua, nó góp phần làm nên con người của thực tại, vì vậy hãy trân trọng để nó luôn sống động trong tâm hồn của mỗi chúng ta.