Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

CÁCH VIẾT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TƯ TƯỞNG, ĐẠO LÍ


NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TƯ TƯỞNG, ĐẠO LÍ
I.         ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG VỀ MỘT TƯ TƯỞNG, ĐẠO LÍ.
-           Vấn đề nhận thức: lí tưởng, mục đích sống...
-           Vấn đề về đạo đức, tâm hồn, tính cách: lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng; tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ, cần cù, thái độ hòa nhã, khiêm tốn; thói ích kỉ, ba hoa, vụ lợi.
-           Vấn đề về các quan hệ gia đình: tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh em.
-           Vấn đề về các quan hệ xã hội: tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn.
-           Vấn đề về cách ứng xử, đối nhân xử thế của con người trong cuộc sống.
a.        Mở bài:
-           Dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận
-           Nêu tư tưởng đạo lý cần nghị luận ra
-           Khái quát vai trò của tư tưởng đạo lý cần nghị luận.
-           Trích dẫn ( nếu có)
b.        Thân bài:
1.        Giải thích tư tưởng, đạo lí cần nghị luận (...).
-Tùy theo yêu cầu đề bài có thể có những cách giải thích khác nhau:
+ Giải thích khái niệm, trên cơ sở đó khẳng định ý nghĩa, nghĩa vai trò tư tưởng đạo lý cần nghị luận.
+ Giải thích nghĩa đen của từ ngữ, rồi suy luận ra cả câu, trên cơ sở đó xác định ý nghĩa vai trò tư tưởng đạo lý cần nghị luận.
+ Giải thích mệnh đề, hình ảnh trong câu nói , trên cơ sở đó xác định nội dung, ý nghĩa vai trò tư tưởng đạo lý cần nghị luận.
2.        Biểu hiện
-           Đặc trưng tiêu biểu tư tưởng đạo lý cần nghị luận.
-           Dẫn chứng thực tế ( gương danh nhân, câu chuyện,..) của tư tưởng đạo lý cần nghị luận.
3.        Phân tích và chứng minh những mặt đúng của tư tưởng, đạo lí cần bàn luận (.)
Bản chất của thao tác này là giảng giải nghĩa lí của vấn đề được đặt ra để làm sáng tỏ tới cùng bản chất của vấn đề. Phần này thực chất là xác định ý nghĩa và vai trò tư tưởng đạo lý cần nghị luận trong cuộc sống. Cần trả lời các câu hỏi sau:
-           Vì sao phải có tư tưởng đạo lý cần nghị luận.?
-           Tư tưởng đạo lý cần nghị luận có giá trị gì? ( Lợi ích tư tưởng đạo lý cần nghị luận mang lại cho con người là gì?)
-           Nếu không có tư tưởng đạo lý cần nghị luận thì sao?
4.        Đánh giá, phê phán (bàn bạc, mở rộng, đề xuất ý kiến.):
-           Đánh giá vấn đề: Nêu ý nghĩa của vấn đề, mức độ đúng - sai, đóng góp - hạn chế của vấn đề.
-           Phê phán, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề đang bàn luận (...)
5.        Rút bài học nhận thức và hành động
-           Từ sự đánh giá trên, rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong học tập, trong hận thức cũng như trong tư tưởng, tình cảm, .
-           Bài học hành động :
-           Đề xuất phương châm đúng đắn cho bản thân (Thực chất trả lời câu hỏi: Phải làm gì? .
c.        Kết bài:
-           Khẳng định chung về tư tưởng, đạo lí đã bàn luận ở thân bài (.)
-           Lời nhắn gửi đến mọi người (.)
A.     Dạng 1. Tư tưởng, đạo lí được đặt trong một ý kiến, nhận định...
Đề. Em hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến sau: “Phẩm giá con người là những viên đá quý, viên đá đó còn lấp lánh đẹp đẽ hơn nếu được lồng vào cái giá khiêm tốn”.
a.                Mở bài:
- Khiêm tốn là đức tính, phẩm chất có ý nghĩa quan trọng khẳng định giá trị con người.
- Sự khiêm tốn làm phẩm giá con người trở nên cao quý hơn, toàn vẹn hơn.
- Trích dẫn câu nói
b.               Thân bài:
1.                Giải thích:
+ Phẩm giá con người: là phẩm chất tốt đẹp, cao quý của con người.
+ Viên đá quý: là hình ảnh gợi lên cái đẹp, sự trong sáng, luôn được trân trọng, nâng niu.
+ Khiêm tốn: là sự kính nhường, có ý thức và thái độ đúng mực trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình hơn người.
+ “viên đá đó còn lấp lánh đẹp đẽ hơn nếu được lồng vào cái giá khiêm tốn: Phẩm giá của con người càng đẹp hơn, càng tỏa sáng và có giá trị hơn khi những phẩm giá ấy được gắn liền với lòng khiêm tốn
=> Câu nói khẳng định, sự khiêm tốn làm phẩm giá con người trở nên cao quý hơn, toàn vẹn hơn. Là đức tính tốt mà mỗi người cần trau dồi, rèn luyện.
2.                Biểu hiện: Tính khiêm tốn được thể hiện ở một số phương diện sau:
+ Trong quá trình nhận thức của mỗi cá nhân khi suy đoán hay trình bày một vấn đề nào đó trước đám đông.
+ Thể hiện trong cách phát ngôn: sử dụng từ ngữ giản dị, dễ hiểu, có sức tác động đến lòng người, không “đao to búa lớn” hay “cao siêu huyền bí”.
+ Thái độ ứng xử của mỗi người: luôn nghiêm khắc với mình, rộng lượng với người, luôn “kính trên nhường dưới”
3.                Phân tích, chứng minh vấn đề:
-           Mỗi người sinh ra đều nỗ lực hoàn thiện phẩm giá của bản thân. Khiêm tốn là đức tính, phẩm chất có ý nghĩa quan trọng khẳng định giá trị con người. Đó thái độ không tự đề cao mình, đánh giá đúng mực về khả năng của bản thân, luôn tích cực học hỏi người khác.
-           Ý nghĩa của tính khiêm tốn:
+ Sự khiêm nhường trong cuộc sống giúp chúng ta có thể hài hòa trong mọi mối quan hệ, thân thiện trong giao tiếp
+ Khi biết khiêm nhường, không tự mãn với những gì mình có, không kiêu căng trước những thành công đạt được, nhìn nhận đúng khả năng của bản thân chúng ta sẽ có động lực để vượt qua những trở ngại thực hiện những hoài bão, ước mơ. Trên hành trình bước đến thành công, người khiêm nhường học hỏi được nhiều điều hữu ích, mở mang thêm hiểu biết, hoàn thiện bản thân nhiều hơn.
-           Khiêm tốn là đức tính quý nhưng cũng không nên khiêm nhường thái quá mà trở nên nhút nhát, thụ động, hèn yếu.
4.                Phê phán:
-           Bên cạnh đó có những người chưa ý thức hết giá trị của tính khiêm tốn luôn tự cao, tự mãn, kiêu căng, khoe khoang. Những người đó sẽ chỉ nhận lại sự xa lánh của mọi người; tầm nhìn cũng hạn hẹp dần, vì “điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta không biết mênh mông như đại dương”.
5.                Bài học nhận thức và hành động:
-           Khiêm tốn thể hiện sự trưởng thành của một con người: “Chùm lúa chín sẽ cúi đầu, quả táo chín sẽ đỏ mặt”, nó đã nhắc nhở chúng ta rằng, thành công nhờ đức tính khiêm tốn”
-           Để có thể trở thành một người biết khiêm tốn chúng ta cần nỗ lực rèn luyện hàng ngày, tự tu dưỡng chính mình để ngày một hoàn thiện về mọi mặt.
c.                Kết bài:
-           Câu nói giản dị nhưng đã nêu lên một bài học thấm thía với cuộc đời mỗi chúng ta.
-           Mỗi người hãy nỗ lực hoàn thiện phẩm giá của bản thân nhất là phải khiêm tốn.
Đề. Em hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của mình về về vai trò của tinh thần học hỏi trong bối cảnh của sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế - xã hội hiện nay.
a.                Mở bài:
-           Việc học là việc cả đời của mỗi con người, bởi vì kiến thức xã hội là vô cùng vô tận.
-           Để thành công, chúng ta phải không ngừng học hỏi, phải dựa vào tài năng của mình mà nâng cao tầm hiểu biết.
- Trong bối cảnh của sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế - xã hội hiện nay thì vai trò của tinh thần học hỏi càng quan trọng.
b.               Thân bài:
1.                Giải thích:
- Học hỏi là quá trình tiếp thu tri thức từ sách vở, từ cuộc sống, từ các mối quan hệ, từ những người xung quanh. Quá trình học hỏi diễn ra lâu dài, bền bỉ.
- Tinh thần ham học hỏi là luôn tìm tòi, mày mò và nghiên cứu. Căn bản là phải biết lắng nghe và áp dụng những điều học được vào thực tế.
=> Không ngừng học hỏi là con đường dẫn đến thành công. Cuộc sống ngày càng phát triển nếu không chịu học hỏi nâng cao tầm hiểu biết của mình thì sớm muộn gì cũng sẽ bị tụt hậu và bị đào thải khỏi cuộc sống hiện đại.
2.                Biểu hiện:
- Bác Hồ là một tấm gương sáng ngời của một người học hỏi không ngừng. Bác học ngoại ngữ, học viết báo, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Người biết và sử dụng thông thạo trên mười ngoại ngữ nhờ tự học chứ không qua một trường đào tạo chính quy nào. Người học ở sách báo, đồng nghiệp, bạn bè, nhân dân.
3.                Phân tích, chứng minh vấn đề:
- Đời sống xã hội, nền kinh tế hiện nay đều đang trong quá trình tăng trưởng mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội và cũng nhiều thách thức. Tinh thần học hỏi có vai trò vô cùng quan trọng, cần thiết, giúp mỗi người thích nghi với sự phát triển của xã hội, tận dụng cơ hội để phát triển cá nhân cũng như góp phần vào sự ổn định và phồn thịnh của cộng đồng.
- Học sẽ mang lại những thay đổi to lớn cho cuộc đời mỗi con người và có thể là cả thế giới.
+ Tinh thần học hỏi giúp người học làm chủ kiến thức, không chỉ nắm bắt tri thức ở mức tái hiện, thông hiểu mà còn vận dụng những tri thức đó vào cuộc sống.
+ Giúp con người trở nên năng động, sáng tạo, không ỷ lại, không phụ thuộc vào người khác. Từ đó biết tự bổ sung những khiếm khuyết của mình để tự hoàn thiện bản thân .
-           Học phải đi đôi với hỏi để biến tri thức thực sự thành của mình chứ không phải chỉ là sự tiếp nhận thụ động. "Học đi đôi với hành"
-           Nếu không chịu học hỏi thì sớm muộn cũng sẽ tụt hậu và bị đào thải khỏi xã hội hiện đại.
4.                Phê phán:
-           Chúng ta cần phê phán những người có tư tưởng sai lệch, những thành phần không thấy được tầm quan trọng của việc học dẫn đến không có tinh thần chủ động học tập, luôn ỷ lại, ù lì, lười nhác, không có ý chí, nghị lực, học tới đâu hay tới đó.
5.                Bài học nhận thức và hành động:
-           Mỗi chúng cần ý thức được vai trò, ý nghĩa quan trọng của việc học, từ đó nâng cao tinh thần học hỏi.
-           Bản thân mỗi con người cần có ý chí, nghị lực, chủ động, tích cực, sáng tạo, độc lập trong học tập. Khi tiếp nhận một tri thức mới, chúng ta cần tích cực tư duy, suy nghĩ để nắm bắt tri thức sâu hơn, vững vàng hơn.
c.                Kết bài:
-           Tinh thần học hỏi luôn có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với mọi thời đại, đặc biệt là trong thời kì công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay.
Đề. Truyện kể rằng, tại Viện Nghiên Cứu Cao Cấp Princeton, Einstein ra đề thi cho sinh viên. Một anh phụ giáo hớt hải chạy đến báo ông biết: “Thưa giáo sư, đề thi năm nay giống y như năm trước, chắc là giáo sư quên không để ý". Einstein mỉm cười: “Đề thi thì giống nhưng đáp số thì đã khác!” (Alber Einstein - tudiendanhngon.vn)
Câu trả lời của Einstein đã gợi cho em suy nghĩ gì?
a.                Mở bài:
-           Sáng tạo là yếu tố quyết định trực tiếp tới thành công của con người thời nay. Bởi là nó cách duy nhất, tốt nhất để giúp con người vượt qua những ràng buộc của hoàn cảnh để vươn lên và đạt được những mục đích và đạt đến thành công.
-           Tóm tắt câu chuyện.
b.               Thân bài:
1.        Giải thích Ý nghĩa của câu chuyện:
-           Lời thông báo của anh phụ giáo: “Thưa giáo sư, đề thi năm nay giống y như năm trước, chắc là giáo sư quên không để ý” nhằm nhắc Einstein về sai sót của mình và đổi đề mới.
-           Nhưng Einstein mỉm cười “Đề thi thì giống nhưng đáp số thì đã khác!” đã cho thấy dù đề thi quen nhưng cái ông cần ở sinh viên là những cách giải mới.
=> Câu trả lời của Einstein đã khẳng định: Con người phải không ngừng tìm tòi sáng tạo để hoàn thiện vì mọi đích đến đều có lối đi của riêng mình.
2.        Biểu hiện:
-           Không có sáng tạo, liệu những con người như Edison, Picasso, Mark Zukerberg... có ghi được tên tuổi mình vào lịch sử nhân loại; chúng ta có có được những kiệt tác nghệ thuật để chiêm ngưỡng, những đồ vật, ứng dụng tiện ích để sử dụng hay không?
-           Chỉ với chiếc kẹp giấy đơn giản, bạn đã có thể làm được giá treo dây điện thoại vừa tiện lợi, vừa rất gọn gàng
-           Bạn cảm thấy khó chịu vì bị đổ sữa ra hoài, hãy thử đổi cách cầm bình, như thế là ok rồi!
3.        Phân tích, chứng minh:
-           Sáng tạo là tìm ra những thứ mới mẻ mà trước đó con người chưa tìm ra, là làm nên những điều mới mẻ mà trước đó con người chưa làm được. Đó có thể là việc tạo nên một ý tưởng đột phá trong công việc hoặc từ ý tưởng đó phát triển thành những sản phẩm thực tế, hiện hữu. Một sự sáng tạo thành công là khi sáng tạo đó được đưa vào thực tế, ý tưởng được sử dụng trong công việc. Khi sáng tạo đạt đến mức độ cao nhất, nó được hiện thực hóa thành những phát minh khoa học, những bằng sáng chế có giá trị của những nhà phát minh.
-           Con người phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo bởi khả năng sáng tạo có vai trò rất quan trọng trong sự tồn tại, phát triển của con người và xã hội:
+ Sự tìm tòi, sáng tạo cho thấy khả năng về trí tuệ con người là không có giới hạn, rất đáng khâm phục. Con người khi biết tìm tòi, sáng tạo sẽ vận động suy nghĩ một cách tích cực, không dựa vào những điều có sẵn mà bỏ quên những năng lực tiềm ẩn hoàn toàn có thể phát huy của bản thân và sẽ thành công hơn trong cuộc sống.
+ Sự tìm tòi sáng tạo của mỗi con người còn giúp xã hội phát triển theo đúng quy luật vận động của nó, không chỉ dừng lại ở những điều đã có từ trước. Đồng thời đưa nền văn minh nhân loại tiến lên, giúp đất nước ngày càng giàu mạnh.
-           Nếu không tìm tòi, sáng tạo: con người thụ động, rập khuôn, máy móc, không phát huy được cá tính sáng tạo của mình, không phát huy được những giá trị tự thân vì thế xã hội cũng trở nên trì trệ, lạc hậu, cuộc sống trở nên nghèo nàn.
4.        Phê phán:
-           Sáng tạo không phải là điều dễ dàng, có được một sáng tạo có giá trị, có thể ứng dụng trong thực tế lại càng khó. Do vậy con người phải không ngừng sáng tạo và không thể mong muốn sự sáng tạo ngay lập tức có hiệu quả.
-           Cần phê phán một số quan điểm sai lầm về khả năng sáng tạo: sáng tạo là chuyện dễ dàng, sáng tạo chỉ có ở tuổi trẻ, chỉ cần sáng tạo là có thể thành công. Phê phán những người không chịu tìm tòi sáng tạo và những kẻ tạo ra những sản phẩm sáng tạo với mục đích xấu xa, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của nhân loại.
5. Bài học nhân thức và hành động:
-           Mỗi người cần ý thức được tầm quan trọng của việc không ngừng tìm tòi sáng tạo, tìm ra một lối đi riêng, luôn biết làm mới bản thân, làm mới những suy nghĩ theo lối mòn. Khơi dậy khả năng sáng tạo của bản thân bằng cách không ngừng học hỏi, luôn lao động chăm chỉ và tích cực ngẫm nghĩ, dành thời gian cho sự sáng tạo, tìm đến những không gian sáng tạo và người giàu tính sáng tạo.
-           Bên cạnh sự tìm tòi sáng tạo, mỗi người cũng cần phát triển những phẩm chất khác
c.                Kết bài:
-           Hãy đánh thức khả năng sáng tạo bằng những suy nghĩ, hành động cụ thể. Có như vậy, chúng ta mới có thể sống một cuộc đời có ý nghĩa, phát triển khả năng của chính mình cũng như đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước.