Nhà nghiên cứu Phạm Quỳnh từng khẳng
định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, còn nhà thơ Chế
Lan Viên lắng sâu và tinh tế khi cất lên lời thơ: “Nguyễn Du viết Kiều đất nước
hoá thành văn”. Bao thế kỉ qua, Truyện Kiều đã trở thành món ăn tinh thần không
thể thiếu với mỗi người dân Việt Nam. Những trang thơ có sức cuốn hút diệu kì.
vương vấn mãi tâm hồn ta, mang đến cho ta niềm cảm thương sâu sắc với “tấm
gương oan khổ” Thúý Kiều, đem lại cho ta những khoái cảm thẩm mĩ đặc biệt trước
những lời thơ như hoa, như gấm:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa
xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Khi gia đình gặp cơn hoạn nạn, Kiều
đã quyết định bán mình chuộc cha. Đời nàng rẽ lối, những nốt nhạc đầu tiên
trong “thiên bạc mệnh” đã ngân lên. Kiều bị Mã Giám Sinh, Tú Bà lừa gạt đẩy vào
lầu xanh. Đau đớn và tủi nhục, Kiều đã tự tử nhưng không thành. Sau đó Tú Bà
đành phải đưa Kiều ra sống ở lầu Ngưng Bích với lời hứa sẽ kén chồng cho nàng
vào nơi tử tế. Trong giờ phút bên ngoài tưởng như yên tĩnh này thì chính trong
lòng Kiều lại ngổn ngang trăm mối. Một nỗi buồn mênh mang đang choán ngợp tâm hồn
Kiều: rời xa người yêu, rời xa cha mẹ để rồi nhìn đâu nàng cũng thấy buồn. Nguyễn
Du đã chọn cách biểu hiện “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này” để thể hiện
tâm trạng Kiều.Tám câu thơ cuối trong đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích là những vần
thơ có sức ám ảnh nhất của đoạn trích, diễn tả thành công “nỗi lòng tê tái” của
Kiều trong những ngày đầu tiên của kiếp đoạn trường.
Chỉ với tám dòng lục bát, thiên tài họ
Nguyễn đã dựng nên bốn bức tranh tâm trạng đặc sắc. Mỗi bức là một ẩn dụ cho một
trạng thái tâm lí của Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Khởi đầu mỗi bức
là điệp từ liên hoàn “buồn trông”. Hai tiếng “buồn trông” được lặp lại bốn lần
trong đoạn trích, vừa như gói trọn tâm thế của Kiều “trước lầu Ngưng Hích”, vừa
tạo nhịp điệu đều đều, buồn thương cho đoạn thơ. Ở nơi “khoá xuân”, Kiều chỉ biết
lấy thiên nhiên làm điểm tựa, và từ điểm tựa đó nàng nhận thức về số kiếp của
mình. “Buồn trông” trở thành điệp khúc diễn tả nỗi buồn đang dâng lên lớp lớp
trong lòng Kiều. Cảnh vật thiên nhiên qua con mắt của Kiều gợi nỗi buồn da diết.
Bóng chiều u uất nhuộm tím cả bức
tranh. Không gian mênh mông, thời gian tàn tạ, khiến người đọc cảm nhận được nỗi
buồn sầu dâng lớp lớp trong lòng người con gái bơ vơ, lạc lõng nơi đất khách
quê người:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa
xa?
Tầm nhìn của nàng trước hết hướng ra
xa, vì nơi xa đó là nhà nàng, là nơi có những người thân yêu nhất. Không gian
xa rộng, quạnh hiu nơi cửa bể như càng làm nổi rõ hơn thân phận nhỏ bé, cô đơn
của Kiều. Không gian ấy cộng hưởng cùng thời gian “chiều hôm” - thời khắc gợi
nhớ, gợi buồn - khiến như thấm sâu hơn vào tâm hồn người con gái nơi xứ lạ nỗi
niềm xót xa. Giữa khung cảnh ấy, trái tim cô đơn, tâm hồn trống vắng cần lắm một
hơi ấm, một sự hiện diện của sự sống:Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
“Thuyền” chính là hình ảnh biểu tượng cho sự sống con người, là vật kết nối giữa
con người phương xa và gia đình, quê hương. Nó tựa như niềm hi vọng, niềm mong
mỏi trở về đoàn tụ với cha mẹ và các em mà Thúy Kiều từng đêm mong nhớ. Nhưng
càng hoài vọng càng thấy xa vời. Sức mạnh biểu đạt của từ láy “thấp thoáng”,
“xa xa”đã được Nguyễn Du khai thác triệt để. Nó vừa gợi tả bức tranh thiên
nhiên đơn điệu, buồn chán vừa ghi lại những cung bậc cảm xúc của người trước cảnh.
Cánh buồm thấp thoáng, lúc ẩn lúc hiện nơi cửa bể chiều hôm. Sự xuất hiện mờ ảo
của cánh buồm không làm cho khung cảnh thêm thân mật, ấm áp mà càng gợi sầu, gợi
cảm giác cô liêu cho con người. Dõi theo cánh buồm trên biển xa mờ mịt, Thúy Kiều
như muốn theo về với gia đình.Nguyễn Du đã khéo léo diễn tả tâm trạng chán chường,
bất lực của Thúy Kiều trước nghịch cảnh.
Không tìm thấy sự sẻ chia từ nơi cửa
biển xa xăm, Kiều hướng tầm mắt về “ngọn nước” gần mình hơn:
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Cảnh vật được nhìn bằng ánh mắt sầu
não đến ghê gớm. Dưới ngọn thác ần ần từ trên cao đổ xuống, cánh hoa trôi chao
đảo, cứ dập dềnh, quẩn quanh, không biết trôi về đâu. Cánh hoa trôi man mác
trên ngọn nước mới sa gợi thân phận nhỏ bé, mỏng manh, lênh đênh trôi dạt trên
dòng đời vô định không biết đi đâu về đâu. Câu hỏi tu từ như xoáy vào tâm hồn
người đọc. Càng nghĩ càng thêm đáng sợ.Thân phận cánh hoa hay chính là những
trăn trở, xót xa cho số kiếp mỏng manh, phiêu bạt của Kiều? Lỡ sa bước vào cạm
bẫy cuộc đời giả trá Kiều nào có hay. Để đến nỗi giờ đây nàng cũng không biết đời
mình sẽ đi đâu về đâu. Rồi phận gái long đong, tuổi xuân cao quý cũng sẽ bị cuộc
đời vùi dập tan tành mà thôi. Hai tiếng “về đâu” cuối câu thơ với thanh không
càng tạo cảm giác xa vắng, vô định, như tương hợp với tâm thế hiện thời của Kiều.
Tìm đến với thiên nhiên đó mong sao vơi bớt mối sầu chất chứa trong lòng nhưng
càng nhìn cảnh, tâm trạng lại càng rối bời. Dựng nên bức tranh này, Nguyễn Du
muốn nói với chúng ta rằng Kiều đang rất boan khoăn và lo lắng cho tương lai của
mình. Đó là một tương lai vô định, càng nghĩ ngợi càng thấy mờ mịt.
Dường như nước gợi lên sự lạnh lẽo, bất
định, chảy trôi nên Kiều tìm về với bờ cỏ xanh, với mặt đất: Buồn trông nội
cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Nhưng cỏ cũng mang tâm trạng buồn
thương của người: “rầu rầu”. Đâu còn là “cỏ non” xanh tận chân trời trong tiết
thanh minh khi Kiều còn sống những ngày tháng “Êm đềm trướng rủ màn che”. Cảnh
nơi xứ lạ như thấu cảm nỗi niềm của Kiều nên nhuốm màu tâm tư của kiếp người
phiêu bạt. Nỗi “rầu rầu” ấy tràn ngập, lan toả khắp không gian. Cái nhìn bao quát từ “chân mây” xa xăm đến “mặt
đất” gần gũi, tất cả đều “một màu xanh xanh”. Màu cỏ héo úa như sắp tàn lụi như
sắp từ biệt vũ trụ, kết thúc cuộc đời ngắn ngủi. Màu xanh của không gian nơi lầu
Ngưng Bích là màu xanh gợi buồn. Nỗi buồn của người pha vào cảnh vật, mang theo
bao tái tê. Không gian trở nên rợn ngợp, cô liêu. Sự vắng lặng bao trùm cảnh vật
càng tô đậm tiếng lòng thổn thức của người trong cảnh. Màu cỏ hay cũng chính là
tâm hồn của Thúy Kiều đang héo úa, heo hắt, rệu rã trước cuộc đời.
Kiều cảm thấy cần một tiếng vọng của
sự sống con người nhưng đáp lại nàng chỉ có những thanh âm hào hùng của thiên
nhiên:
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh.
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Hình ảnh “gió cuốn mặt duềnh” và âm
thanh ầm ầm của tiếng sóng “kêu quanh ghế ngồi” gợi tâm trạng lo sợ, hãi hùng của
Thúy Kiều. Nó như báo trước những trắc trở, như vẽ ra con đường gian nan mà
nàng sẽ phải đi qua. Chỉ ngay sau lúc này, dông bão của số phận sẽ nổi lên, xô
đẩy, vùi dập cuộc đời Kiều. Âm thanh của tiếng sóng ầm ầm như tiếng gào thét của
lòng người trong cảnh ngộ bẽ bàng, tê tái. Nàng hoàng toàn tuyệt vọng trước
dòng đời khắc nghiệt. Nàng cầu cứu trăm phương nhưng bất lực.Tầm nhìn của Kiều
hướng từ xa về gần, từ cao đến thấp, mong mỏi kiếm tìm một sự đáp vọng. Thanh
âm duy nhất đáp lại nàng là tiếng sóng "ầm ầm” “kêu quanh ghế ngồi”. Nó
không làm cho không gian vang động hơn mà càng khắc sâu thêm tâm trạng đau đớn
lẫn dự cảm lo âu về tương lai của Kiều. Kiều hoảng loại, mất phương hướng. Xót
xa biết bao, đớn đau biết bao! Chỉ có thiên nhiên bên nàng, sẻ chia “tấm lòng’'
với nàng. Đó chính là thời khắc Kiều thấm thía nhất nỗi niềm tự thương thân.
Độc đáo hơn, khi những bức tranh tâm
trạng được cụ Nguyễn Du sắp xếp theo trình tự tăng tiến. Từ cảm giác hoang mang
trước của biển, đến suy nghĩ về tương lai vô định, nổi trôi của kiếp đời con
gái. Sau đó là sự tuyệt vọng trước nghịch cảnh bế tắc, tối tăm. Cuối cùng, nàng
rơi vào trạng thái hoang tưởng, tột cùng đau đớn và sợ hãi. Bằng nghệ thuật ẩn
dụ, hệ thống câu hỏi tu từ, các từ láy “thấp thoáng”, “xa xa”, “man mác”, “rầu
rầu”, “xanh xanh”, “ầm ầm”… góp phần làm nổi bật nỗi buồn nhiều bề trong tâm trạng
Kiều.
Tác giả lấy ngoại cảnh để bộc lộ tâm
cảnh. Cảnh được miêu tả từ xa đến gần. Màu sắc từ nhạt đến đậm. Âm thanh từ
tĩnh đến động. Nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu, kinh sợ, dồn đến cơn
bão táp của nội tâm, cực điểm của cảm xúc trong lòng Kiều. Toàn là hình ảnh về
sự vô định. Sự vật mong manh, dạt trôi. Lòng người chao đảo nghiêng đổ dữ dội.
Thơ ca chỉ tìm được bến neo đậu nơi
lòng người khi đó là tiếng lòng tha thiết, được tạo tác bởi tài năng nghệ thuật
chân chính. Đoạn thơ này của Nguyễn Du đã làm được điều đó. Nó không chỉ khắc họa
thành công nỗi lòng xót xa, tâm trạng bẽ bàng của Kiều mà còn cho ta thấy nghệ
thuật tả cảnh ngụ tình bậc thầy của đại thi hào dân tộc. Âm hưởng cùa những câu
thơ này đã, đang và sẽ vang đọng mãi trong tâm trí người đọc.