Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

Phân tích khổ 5-6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính


Thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống. Và có lẽ vì thế nên mỗi bài thơ đều mang đến sự đồng điệu giữa cảm xúc của người đọc, người nghe và tâm hồn thi sĩ của tác giả. Đặc biệt, những bài thơ gắn liền với hình ảnh người lính trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ lại càng khiến chúng ta thêm yêu cuộc sống chiến đấu gian khổ của dân tộc hơn. Phạm Tiến Duật – một nhà thơ trẻ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước cho ra đời “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” vào tháng 5.1969. Thời gian này là cột mốc đánh dấu cuộc kháng chiến của quân và dân ta đang trong thời khốc liệt nhất. Anh giải phóng quân bước vào chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ ra đi khi vai còn vươn cánh phượng hồng, lòng còn phơi phới tuổi thanh xuân. Những anh hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ấy chẳng màng đến tương lai đang rộng mở đón chào, đôi chân họ bị níu chặt nơi mặt trận vì hai từ “yêu nước”, với tinh thần lạc quan, ý chí quyết thắng giải phóng miền Nam cùng tình đồng đội đồng chí thắm thiết:
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đây
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Bài thơ làm hiện lên chiếc xe không kính đang vượt qua bom đạn băng băng tiến ra tiền phựơng. Một hình tượng thật độc đáo vì xưa nay ít có, ít thấy loại xe không kính qua lại trên mọi nẻo đường. Thế mà, trên con đường chiến lược Trường Sơn vẫn có loại xe như vậy, không phải đôi ba chiếc mà là hàng vạn chiếc xe “không kính” đang vượt qua mưa bom bão đạn, đi qua mọi địa hình: đèo cao, dốc thẳm, khe suối, ngầm sông; chạy trong mưa gió, đêm tối mịt mùng, để chở hàng, tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Hình tượng độc đáo vì chiếc xe mang sức mạnh thần kì của một dân tộc đang chiến đấu vì một quyết tâm sắt đá “xế dọc Trường Sơn di cứu nước”. Nó còn thể hiện cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt diễn ra trên mặt trận giao thông vận tải, trên con đường chiến lược Trường Sơn. Ở đây, con người và binh khí kĩ thuật mang tầm vóc kì vĩ sử thi hào hùng. Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật lên hình ảnh của những người lính lái xe cũng như tinh thần đồng đội, đồng chí đáng quý, thiêng liêng ở họ:
Cuộc sống của những người lính cũng vô cùng đơn giản, tự nhiên không hề câu lệ, hình thức. Không cần rửa tay, tranh thủ những giờ giải lao họ cùng nhau phì phèo châm điếu thuốc rồi nhìn nhau cười đầy vui vẻ về những mái đầu trắng xóa. Cuộc sống của những người lính gian khổ đấy nhưng chưa lúc nào thiếu đi tiếng cười, thiếu đi hơi ấm của tình đồng đội.
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Nhịp thơ lắng lại. Người chiến sĩ đang nói về đồng đội và cũng đang tự nói về mình. “Từ trong bom rơi” có nghĩa là từ trong ác liệt, từ trong cái chết trở về. Vượt qua tuyến lửa, bom rơi, những chiếc xe bỗng tụ nhau thành tiểu đội thật kỳ khôi, thú vị. Tiểu đội những chiếc xe không kính. Những con người yêu nước nồng nàn đã họp lại thành những tiểu đội, san sẻ cho nhau tình đồng chí, đồng đội gắn bó. Vẫn giọng thơ thật tự nhiên, gần với văn xuôi, Phạm Tiến Duật đã khắc hoạ tình cảm cao đẹp của người lính, của tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt tình lãng mạn. Nét duyên dáng của bài thơ là ở chỗ xe không có kính gặp nhiều khó khăn song đôi khi lại trở nên tiện lợi. Gặp bè bạn trên đường chiến đấu chỉ cần đưa tay qua cửa kính là có thể nắm được tay của đồng đội.Những con người đã qua thử thách trên con đường đi tới bỗng trở thành bạn bè và cái “bắt tay qua cửa kính vỡ rồi “mới thật tự hào, sảng khoái biết bao! “Từ trong bom rơi”, từ trong ác liệt mà có thể nắm được tay của đồng đội – điều đó quả thật đầy ý nghĩa. Chính những ô cửa kính vỡ ấy đã khiến cho họ thấy gần nhau hơn, khiến cái bắt tay ấy càng thêm chặt hơn và khi ấy tình đồng đội lại càng thắm thiết hơn. Cái bắt tay qua ô cửa kính vỡ như sự chia sẻ, như trao nhau niềm tin chiến thắng của những người lính Trường Sơn. Đó là sự mừng vui, là chúc mừng nhau hoàn thành nhiệm vụ,cũng là niềm tin, niềm tự hào của người chiến thắng. Phạm Tiến Duật đã xây dựng một tứ thơ thật độc đáo. Chiếc kính vỡ là tượng trưng cho cuộc chiến tranh khốc liệt, là gian khó, thử thách. Thế nhưng vượt qua những khó khăn đó, cái bắt tay siết chặt như trao nhau niềm tin tất thắng. Đó là một vẻ đẹp đầy chất lãng mạn của chủ nghĩa anh hùng ca cách mạng. Nếu như trong bài thơ “Đồng chí”, Chính Hữu đã từng viết: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” để nói về sự cảm thông, san sẻ của những người cùng chung hoàn cảnh xuất thân, cùng chung mục đích, lý tưởng thì ở “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, Phạm Tiến Duật đã xây dựng một cái bắt tay với tất cả lòng nhiệt huyết của những người lính thời chống Mỹ – những người đã giác ngộ lý tưởng cộng sản. Với tuổi trẻ ngang tàng, sôi nổi, đầy nhiệt tình mà không kém phần kiêu hùng, họ đã trao cho nhau tất cả niềm tin… rằng một ngày mai bình minh sẽ ló dạng ở miền Nam, rằng một ngày mai nước nhà sẽ Bắc Nam sum họp… Những người chiến sĩ lái xe dũng cảm vẫn làm tròn nhiệm vụ của mình với tinh thần vì miền Nam ruột thịt. Giọng thơ trẻ trung pha lẫn chút ngang tàng của người lính. Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:
“Mưa bom bão đạn, lòng thanh thản
Nhạt muối với cơm, miệng vẫn cười.”
Tình đồng chí, đồng đội còn được thể hiện một cách ấm áp, giản dị qua những giờ phút sinh hoạt của họ:
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi lại đi trời xanh thêm.
Bếp Hoàng Cầm là loại bếp dã chiến, khi nấu khói lan trên mặt đất nên kẻ thù không thể phát hiện ra được. Hình ảnh “dựng giữa trời” như một sự thách thức đầy trí tuệ. Trong chiến tranh giặc Mỹ đã dùng đủ mọi phương tiện hiện đại để tiêu diệt sự sống của bộ đội. Có thể chỉ từ một đám lửa nhỏ, một vệt khói cũng đủ để giặc oanh kích dữ dội. Nhưng chiếc bếp Hoàng Cầm vẫn dựng lên hiên ngang giữa trời. Đó là sự hiên ngang, kiêu hãnh về trí tuệ của bộ đội ta với bọn giặc xâm lược. Vẫn nét bút tinh nghịch, tươi trẻ, hồn nhiên, những người lính cùng chung bát đũa để thắt thêm tình đồng chí gắn bó khăng khít. Một chữ “chung” rất hay gợi tả gia tài người lính, tấm lòng, tình cảm của người lính. Tiểu đội xe không kính đã trở thành một tiểu gia đình chan chứa tình thương. Phạm Tiến Duật đã phát hiện được độ sâu sắc trong tình đồng đội. Trong quân ngũ, tình đồng đội là tình cảm gia đình, ruột thịt, là tình cảm thật đặc biệt, là sự hòa quyện của tình đồng chí, tình người và tình thương yêu giai cấp. Ta lại nhớ đến truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê cũng kể về tình đồng đội mà thắm thiết hơn cả tình chị em của ba cô thanh niên xung phong và những cảm xúc rất riêng của họ. Ta lại nhớ đến các cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc. Họ như thể chị em sinh ra từ một người mẹ. Sống cùng và chết cũng không lìa xa. Có thể nói trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, Phạm Tiến Duật đã có sự phát hiện thật mới mẻ về tình cảm của người lính, của một thế hệ người Việt Nam, với đời sống tình cảm biết bao mới lạ và sâu sắc.
 Bài thơ vẫn tiếp tục tô đậm vẻ đẹp của tâm hồn biết yêu thương, mộng mơ, tâm hồn qua thử thách vẫn tươi xanh non mướt qua hai câu thơ:
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi lại đi trời xanh thêm.
Họ nghỉ ngơi trong chốc lát trên chiếc võng mắc chông chênh. Từ láy “chông chênh” gợi hình gợi cả tính cách trẻ trung, ngang tàng của người lính. Chữ “chông chênh” vừa nói cái không chắc của thế mắc võng, vừa toát lên cái thi vị, tinh nghịch pha chút mạo hiểm rất quen thuộc của kẻ đưa võng. Sinh hoạt của người lính với cái ăn, cái ngủ được nhà thơ Phạm Tiến Duật miêu tả qua hai hình ảnh “bếp Hoàng Cầm” và “võng mắc chông chênh” thật độc đáo. Phải sống trong hiện thực cuộc chiến đấu đó, Phạm Tiến Duật mới có thể viết được những vần thơ đẹp đến thế. Thật khó khăn, gian khổ nhưng những người lính nghĩ về nó thật cảm động: “nghĩa là gia đình đấy”. Một khái niệm mới, dù xa nhà đi vào cuộc chiến đấu tử sinh, nhưng người lính vẫn ấm áp mái ấm gia đình, đó là tình đồng đội. Giọng điệu thơ dung dị, thanh thản mà mạnh mẽ như tính cách ngang tàng, ngạo nghễ bất chấp hiểm nguy của chiến tranh. Ngồi bên nhau trong phút chốc, họ lại tiếp tục lên đường theo tiếng gọi của quê hương, của miền Nam thân yêu:
“Lại đi, lại đi trời xanh thêm.”
Trời xanh thêm vì lòng người đang xanh màu xanh hi vọng về bốn chữ “độc lập, tự do”. Điệp ngữ “lại đi” vừa tạo nhạc điệu cho câu thơ vừa nhấn mạnh mệnh lệnh thôi thúc với nhiệm vụ đang chờ phía trước. Nhịp thơ 2/2/3 kết hợp điệp ngữ“lại đi” tựa như nhịp bước hành quân của người chiến sĩ, khó khăn không nản, hi sinh không sờn, những chiếc xe vẫn cứ chạy bon bon ra tiền tuyến. Câu thơ tạo âm điệu câu thơ như tiếng kèn xung trận vì miền Nam thân yêu. Câu thơ gợi ra sự liên tưởng trong lòng người đọc, ta có cảm giác rằng mỗi đoạn đường xe đi qua như mở thêm một khoảng trời hạnh phúc, bình yên. Và mơ ước nữa chứ! Rất nhiều lần trời xanh hiện ra trong mưa bom ở bài thơ này. Tâm hồn người lính sao mà tươi xanh đến thế! Với nghệ thuật ẩn dụ “trời xanh thêm” nói về ngày chiến thắng đã gần kề thôi thúc mọi người tiếp bước lên đường. Xuyên suốt toàn bộ bài thơ là hình ảnh những chiếc xe không có kính vẫn băng ra chiến trường và đằng sau tay lái là hình ảnh người chiến sĩ lái xe ung dung, bất chấp, lạc quan.
Có thể nhận ra được rõ nét tình cảm gắn bó của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn – con đường huyền thoại trong lịch sử dân tộc- chính là ở lối viết dễ hiểu, linh hoạt trong việc vận dụng các biện pháp nghệ thuật của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Hình ảnh của họ vẫn luôn sống mãi cùng thời gian và khát vọng xây dựng bảo vệ Tổ quốc của bao thê hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Bài thơ đã khép nhưng đâu đây bên tai ta vẫn tiếng xe chạy, vẫn hiển hiện những tiếng cười “ha ha” của những người lính lái xe can trường. Đơn sơ thế thôi nhưng là những trang hào hùng, là hình ảnh lí tưởng có sức vẫy gọi. Thế hệ nào cũng có những trách nhiệm, những xứ mệnh, những vinh quang và thách thức của mình. Bước chân sang thế kỉ XXI, trận đánh của mỗi người trẻ tuổi chúng ta hoàn toàn khác. Nhưng những gì hào hùng, thật hấp dẫn ở người lính lái xe, ở thế hệ cha ông vẫn luôn là sự khích lệ, là sự nêu gương để chúng ta gắng sức.