Đã thành đồng chí chung câu quân hành.
(Tố Hữu)
Trải qua ba mươi năm chiến tranh vệ
quốc vĩ đại, dân tộc ta đã làm nên kỳ tích hào hùng: đánh thắng thực dân Pháp
và đế quốc Mỹ. Có thể nói, nhân vật trung tâm của thời đại đã làm nên huyền thoại,
đó là anh bộ đội Cụ Hồ. Hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ đã trở thành cảm hứng đẹp
trong thơ ca hiện đại. Trong số những bài thơ viết về đề tài này phải kể đến Bài
thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Phạm Tiến Duật đã cảm nhận
sâu sắc cuộc sống người chiến sĩ lái xe trên con đường Trường Sơn lịch sử trong
những năm kháng Mĩ hào hung. Trên con đường Trường Sơn huyết mạch và nổi tiếng
với tên gọi “đường mòn Hồ Chí Minh”, những chiếc xe thuộc đơn vị vận tải lao
nhanh ra chiến trường. Nhà thơ viết về những chiếc xe và những chiến sĩ lái xe
với phong cách thật độc đáo:
Không có kính không phải vì xe không
có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi...
Ung dung buồng lải ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào
tim.
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.
"Bài thơ về tiểu đội xe không
kính” của Phạm Tiến Duật đã ghi dấu vẻ đẹp người lính là vẻ đẹp ở tư thế của
người ra trận đầy khốc liệt trộn không lẫn của tuyến đường vận tải có một không
hai trên thế giới, với một khí phách lái xe bất chấp mọi bom đạn nắng mưa, gió
bụi, đói ăn, đói ngủ. Bài thơ khắc hoạ nổi bật hình ảnh những người lính lái xe
ở Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, với tư thế hiên
ngang, tinh thần dũng cảm, thái độ bất chấp khó khăn coi thường gian khổ hiểm
nguy, niềm lạc quan sôi nổi của tuổi trẻ và ý chí chiến đấu giải phóng miền
Nam, trái tim yêu nước nồng nhiệt của tuổi trẻ thời chống Mĩ. Vẻ đẹp độc đáo được
thể hiện rất hay và độc đáo.
Nguồn cảm hứng của bài thơ bắt nguồn
từ hiện thực “chiếc xe không có kính” và càng bất ngờ, gây ấn tượng mạnh mẽ vì
không chỉ một chiếc xe thôi mà là cả một “tiểu đội xe không kính”. Hình ảnh những
chiếc xe đó được nhấn mạnh:
Không có kính không phải vì xe không
có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi...
Câu thơ thoạt nghe như lời kể lể, giải
bày. Với ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, giống như một lời nói của người chiến sĩ kể
lể chiếc xe yêu quý mà mình đang sử dụng. Xe vốn thường có kính và chiếc xe có
kính là chuyện bình thường, không có gì đáng nói, đáng quan tâm. Chi tiết tả thực
“không có kính” mới gây sự chú ý, bất ngờ và là một thực tế có sức khơi
gợi mạch thơ. Nếu vế đầu của câu thơ có tính chất phủ định thì vế sau của câu
thơ lại nhằm khẳng định, nhấn mạnh “không phải vì xe không có kính”. À, thì ra
trước kia chiếc xe vẫn nguyên vẹn, lành lặn với các bộ phận đấy chứ. Vậy tại
sao lại có sự không bình thường đó, vì sao cả một “tiểu đội xe không kính”? Nhà
thơ vào tư thế, vị trí của người chiến sĩ lái xe để trả lời: Bom giật, bom
rung kính vỡ đi rồi… Thì ra lí do, nguyên nhân cũng tại chiến tranh mà ra cả.
Điệp ngữ “bom” kết hợp với các động từ “giật, rung” đã tái hiện lại
không khí, tính chất khốc liệt, gay go của cuộc chiến đấu giữa ta và giặc, phơi
bày và tố cáo bản chất hung bạo, ngông cuồng của quân giặc. “Mưa bom, bão đạn”
của chúng dội xuống đường Trường Sơn thật dữ dội, ác liệt. Bọn chúng định dùng
sức mạnh với các vũ khí hiện đại dể chặn đường tiếp tế, tiến công của ta, làm
lung lay ý chí, tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ. Sức ép của bom đạn khi
nổ, những mảnh bom, đạn trúng vào khiến “kính vỡ đi rồi”. Lời thơ vẫn nhẹ
nhàng thể hiện sự bình thản của người cầm lái. Trong hoàn cảnh chiến tranh,các
người lính lái xe vẫn lái những chiếc xe thiếu kính chắn gió ra trận. Dẫu chiến
tranh tàn bạo,trong hai câu thơ vẫn không có một từ,một âm thanh,ẩn ý nào nói
lên nỗi khiếp sợ,cay đắng.Người chiến sĩ nhắc đến chiến tranh như một yếu tố
ngoại cảnh,một thách thức để chủ yếu là nói đến thái độ của mình.
Đối lập với thực tế khó khăn, khắc
nghiệt về điều kiện bởi những chiếc xe bị hư hại là thái độ của người chiến sĩ
lái xe:
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Những câu thơ nhanh gấp mà vẫn nhịp
nhàng như bánh xe đang lăn trên đường. Hoàn cảnh chiến trường đối lập với lại tư
thế của người chiến sĩ. Chiến trường “Bom giật,bom rung” dội xuống ác liệt,hiểm
nguy mà anh lính vẫn “ung dung” ngồi đúng vị trí trong “buồng lái”
đưa xe vượt Trường Sơn”. Câu thơ như bật ra từ trái tim người chiến sĩ lái xe
sau tay lái. Từ “ung dung” đặt trong
phép đảo ngữ diễn tả thái độ tự tin, bình tĩnh, không một chút nao núng, run sợ
của người chiến sĩ. Bất chấp mọi trở ngại, gian khổ, mặc kệ những hiểm nguy,
người lính vẫn vững vàng ngồi vào buồng lái để làm nhiệm vụ. Thái độ đó xuất
phát từ phẩm chất gan dạ, anh hùng. Từ chiếc xe không kính người chiến sĩ đã
quan sát cảnh vật bên ngoài: Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng. Câu thơ viết
theo nhịp 2-2-2 thật cân đối. Nó thể hiện sự nhịp nhàng, thăng bằng của chiếc
xe dang lăn bánh và nhất là thái độ tự tin, bình tĩnh của người cầm lái. Điệp
ngữ “nhìn” đã nhấn mạnh, khắc sâu vẻ đẹp từ cách quan sát của người chiến
sĩ. Một vẻ đẹp xuất phát từ tâm. hồn, tấm lòng của anh. Cách nhìn chăm chú đó
biểu lộ niềm yêu thương của anh với
thiên nhiên, cuộc sống và sự quyết tâm, vững vàng trong nhiệm vụ. Anh “nhìn
đất” để thêm gắn bó yêu thương con đường Trường Sơn hào hùng, thân thuộc, để
dẫn đưa chiếc xe đi an toàn, mau đến đích. Anh “nhìn trời” để tâm hồn
thêm lạc quan, bay bổng, thêm tin tưởng vào tương lai. Anh “nhìn thẳng”
là nhìn về phía trước, nhìn vào con đường trước mặt cần vượt qua, nhìn vào nhiệm
vụ đầy gian khổ, thử thách của mình để thêm cương quyết, tích cực mà sẵn sàng đối
phó, đương đầu với bao hiểm nguy, gian khổ. Bởi thế, mặc cho bom đạn gào thét,
anh vẫn cứ tiến lên. Anh chiến sĩ lái xe thật dũng cảm, hào hùng biết bao!
Chiếc xe không còn bộ phận nào che chắn
nên giờ đây người chiến sĩ đã tiếp xúc trực tiếp với bên ngoài khi chiếc xe lao
đi:
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào
tim.
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.
Những câu thơ rất thực, thực đến từng
chi tiết. Những câu thơ chân thực, sống động, đây ấn tượng như chính nhà thơ
đang cầm vô lăng mà lái. Đoạn thơ đã diễn tả về tốc độ chiếc xe đang lao nhanh
với cảm giác mạnh, đột ngột bởi xe không có kính chắn gió nhưng vô cùng lãng mạn.
khiến người đọc hình dung được rõ ràng những ấn tượng, cảm giác như chính mình
đang ngồi trên chiếc xe không kính đó. Cảm giác của người chiến sĩ về cơn gió
là cảm giác trực diện. Anh không chỉ cảm thấy cơn gió vào “xoa” mắt đắng
mà đã nhìn thấy cơn gió vô hình. Cơn gió dường như cũng chẳng vô tình, gió đã
vào “xoa” mắt đắng để làm giảm bớt vị đắng, sự khó chịu nơi mắt bởi những ngày
đêm thức trắng để lái xẹ không ngừng nghỉ. Cảm giác ấy càng phát triển mạnh mẽ
hơn khi anh “nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim”. Sự liên tưởng thật
đẹp và độc đáo khi chiếc xe lao tới, con đường đã chạy ngược về phía người lái.
Sự tin tưởng phù hợp với tấm lòng của người lái xe, đó là tấm lòng nhiệt tình,
hăng say trong nhiệm vụ. Trái tim người chiến sĩ luôn dạt dào tình yêu Tổ quốc
quê hương mà cụ thể là con đường thân thuộc gần gũi, con đường hứng chịu bao đạn
bom, máu lửa. Chiếc xe vẫn lao nhanh, tiến lên vì người lính biết rõ mục đích,
lí tưởng công việc cao cả của mình là cống hiến, hoạt động vĩ ai? Để làm gì? Cuộc
chiến đấu thật lắm hiểm nguy, thử thách nhưng tâm hồn người chiến sĩ vẫn luôn
lãng mạn, bay bổng khi anh quan sát từ chiếc xe không kính để thấy “sao trời,
cánh chim”... Có lẽ, tâm hồn anh phải hân hoan, phơi phới yêu đời nên mới
có được cảm nhận “... như sa, như ùa vào buồng lái”. Nếu điệp ngữ “nhìn
thấy” diễn tả thái độ quan sát chủ động của người chiến sĩ đối với cảnh vật
thì động từ “thấy” lại nhấn mạnh đến sự xuất hiện bất ngờ, mau lẹ “đột
ngột” của cánh chim đêm. Cách nhìn ấy thật tinh tế và lạc quan. Một ánh
sao, một cánh chim lạc đàn cũng làm anh chú ý, xao xuyến. Nhịp thơ trở nên
nhanh gấp, sôi nổi thể hiện tâm hồn yêu đời, yêu thiên nhiên, sự lạc quan của
người chiến sĩ. Đó cũng chính là thái độ chung của người chiến sĩ Giải phóng
quân thời chống Mĩ. Như một nhà thơ đã từng viết:
Cuộc đời vẫn đẹp sao
Tình yếu vẫn đẹp sao
Dù đạn bom man rợ thét gào
Dù thân thể thiện nhiên mang đầy
thương tích.
Bao khó khăn thử thách nhưng người
lính lái xe vẫn không run sợ, hoảng hốt. Bởi các anh vẫn quyết tâm vượt qua
gian khổ, để hoàn thành nhiệm vụ lớn lao.
Cội nguồn sức mạnh, nghị lực nơi người
chiến sĩ là do mục đích, lí tưởng cao cả “vì Miền Nam thân yêu”. Giọng điệu bài
thơ vừa ngang tàng lại vừa rất vui tươi, sôi nổi thể hiện thái độ quyết tâm
trong nhiệm vụ, thách thức trước gian khổ. Lời thơ có chỗ nhẹ nhàng, cân đối
như chiếc xe vẫn đang tiến tới, có chỗ gợi cảm, trong sáng như văng vẳng tiếng
cười, tiếng hát. Tất cả đã khắc họa hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân thời
chống Mĩ dũng cảm, kiên cường, bất khuất mà cũng rất lãng mạn, trẻ trung, bình
dị.
Bài thơ về tiểu đội xe không kính thật
là một bài thơ hay, đặc sắc của Phạm Tiến Duật. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà
thơ đã đặt tên cho tác phẩm là “Bài thơ về...”. Chất thơ tỏa ra từ thực tế cuộc
chiến dấu, từ niềm vui của người chiến sĩ trong thời đại chống Mĩ. Chất thơ
toát ra từ sự giản dị, đơn sơ của ngôn từ, sự sáng tạo bất ngờ của các chi tiết,
hình ảnh và sự uyển chuyển, linh hoạt của nhạc điệu... đã khắc họa đậm nét hình
ảnh anh lính Cụ Hồ.
Tháng năm trôi qua, bài thơ vẫn có sức truyền
cảm mạnh mẽ đối với mỗi người chúng ta ngày nay. Cám ơn nhà thơ đã giúp người đọc
cảm nhận sâu sắc về những người chiến sĩ của một thời gian khổ mà hào hùng, đã
quên mình để chiến đấu, hi sinh cho dân tộc, đất nước. Phải sống sao cho xứng
đáng để không hổ thẹn với cha anh, không phụ lòng của thế hệ cha anh, đó là tâm
niệm của chúng ta khi thưởng thức bài thơ độc đáo này.