Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2020

Nỗi nhớ của Kiều ở lầu Ngưng Bích


Là thi sĩ, ai chẳng muốn cất ngòi bút ca ngợi cái đẹp, cái hữu tình, cái thơ mộng, nhưng hiện thực phơi bày trước mắt là mũi dao oan nghiệt khiến trái tim đa cảm phải cất tiếng đau thương. Trong ngàn vạn tiếng nấc nghẹn ngào về thân phận người phụ nữ, Truyện Kiều bật lên như tiếng thét hoảng hốt, vô vọng giữa đêm trường phong kiến đầy những tủi nhục, đắng cay. Tiếng thét đó chừng như kéo dài vô tận, phản ánh nỗi đau thân phận người, nỗi đau thân phận nàng Kiều – người con gái tài hoa nhưng bất hạnh. Ngòi bút điêu luyện của cụ Tiên Điền đã khéo léo mượn cảnh tả tình tinh tế và ý nhị. Và đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích chính là đoạn thơ độc đáo, dấu lặng trầm buồn trong thiên bạc mệnh Kiều đã viết cho mình. Từng dòng cảm xúc của Thúy Kiều qua cách chuyển tải của nhà thơ khiến độc giả không khỏi xúc động, bùi ngùi. Khi mà trong đoạn trích này, Kiều hoài niệm và nhớ thương cho hai chữ hiếu – tình:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng.
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm thân gột rửa bao giờ cho phai.
Xót người tựa cửa ôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.”
Dưới ngòi bút trữ tình tài hoa của Nguyễn Du luôn dõi đôi mắt tình đầy nhân hậu theo từng bước chân luân lạc của đời Kiều. Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích được đánh giá là một thành công nhất. Kiều bị Tú Bà giam lỏng vào lầu Ngưng Bích và bắt đầu như âm mưu “thuần phục” nàng. Tại lầu Ngưng Bích, nhìn cảnh vật đượm nỗi ưu sầu với vẻ non xa, tấm trăng gần, cồn cát bụi bay mờ mịt, thời gian, không gian trôi qua vô hình vô định như chính cuộc đời nàng. Tình cảm đối với người thân lúc này cháy bỏng trong vết thương lòng rỉ máu. Trong tâm trạng cô đơn, buồn tủi nơi đất khách quê người, Kiều tìm về với những người thân của mình. Nỗi nhớ người yêu, nhớ cha mẹ được Nguvễn Du miêu tả rất xúc động trong những lời độc thoại nội tâm của nhân vật.
Nỗi nhớ thương được chia đều: bốn câu đầu dành cho người yêu, bốn câu sau dành cho cha mẹ. Khi để cho Thúy Kiều nhớ đến Kim Trọng trước nỗi nhớ về cha mẹ, Nguyễn Du đã cho thấy sự kế thừa đầy sáng tạo với cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện”. Trong tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả đã để Kiều nhớ về cha mẹ trước và Nguyễn Du đã thay đổi một cách sáng tạo. Nói sáng tạo là vì dù sao đi nữa chữ hiếu với cha mẹ, nàng phần nào đã thể hiện thông qua quyết định bán mình để đổi lấy sự bình yên cho gia đình…Còn với Kim Trọng, nàng vẫn chưa một lần nói lời tạ từ nên Kiều vô cùng đau xót về điều đó. Không chỉ vậy, khi để cho Kiều hướng nỗi nhớ về Kim Trọng, dường như nhà thơ như muốn thể hiện tâm tư trĩu nặng của nàng Kiều khi đã không giữ trọn lời thề về nghĩa tình trăm năm vàng đá cùng chàng Kim.
Chắc rằng nỗi nhớ với chàng Kim được nói đến trước vì đây là nỗi nhớ nồng nàn và sâu thẳm nhất. Nỗi nhớ đó được xoáy sâu và đêm thề nguyền dưới ánh trăng và nỗi đau cũng trào lên từ đó:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng.
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm thân gột rửa bao giờ cho phai. “
Lời thơ như chứa đựng nhịp thổn thức của một trái tim yêu đương đang chảy máu! Nỗi nhớ của Kiều thật tha thiết, mãnh liệt! Chắc vì thế mà tác giả lại không dùng từ nhớ mà lại dùng từ “tưởng”? “Tưởng” có nghĩa là nhớ nhung, hồi tưởng, vừa là nhớ, vừa là hình dung, tưởng tượng ra người mình yêu. Nàng nhớ lại đêm thề nguyền, khi hai người “đinh ninh hai miệng một lời song song” đồng thanh, đồng lòng thề ước sống bên nhau trọn đời trọn kiếp. Trong quan niệm của người xưa, lời thề nguyền trước trời đất là điều thiêng liêng và cao cả vô cùng. Kiều nhớ về “chén đồng” tức cũng đang thể hiện sự dằn vặt vì không thể cùng người thương thực hiện được lời thề ước ngày xưa. Nàng nhớ về lời hẹn ước cũng là cách mà Kiều bộc lộ sự đau đớn cho cảnh ngộ ngang trái của mình. Mới ngày nào nàng cùng với chàng Kim nặng lời ước hẹn trăm năm mà bỗng dưng, nay trở thành kẻ phụ bạc, lỗi hẹn với chàng. Chén rượu thề nguyền vẫn còn chưa ráo, vầng trăng vằng vặc giữa trời chứng giám lời thề nguyền vẫn còn kia, vậy mà bây giờ mỗi người mỗi ngả. Nhớ về quá khứ, Kiều tưởng tượng ra cảnh chàng Kim đang ngày đêm chờ mong tin mình một cách đau khổ và tuyệt vọng.
Rồi bất chợt Kiều liên tưởng đên thân phận “Bên trời góc bể bơ vơ” của mình và tự dằn vặt: “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.” Từ láy “bơ vơ” như khắc sâu hơn sự đơn côi vào thân phận. Kiều nuối tiếc mối tình đầu trong trắng của mình, nàng thấm thía tình cảnh cô đơn của mình, và cũng hơn ai hết, nàng hiểu rằng sẽ không bao giờ có thể gột rửa được “tấm son”. “Tấm son” ấy có lẽ là tấm lòng son sắt, thủy chung của nàng Kiều vẫn một lòng một dạ thủy chung hướng về chàng Kim không bao giờ thay đổi. “Tấm son” ấy cũng có thể là tấm lòng son nhưng bị những kẻ đê hèn như Tú Bà, Mã Giám Sinh vùi dập làm cho hoen ố, tủi nhục, không biết phải làm sao và làm thế nào mới gột rữa hết nỗi đớn đau mà nàng phải dày vò, chịu đựng. Bi kịch tình yêu gắn liền với nỗi đau về nhân phẩm. Ký ức ngày xưa bị chôn vùi trong thực tại phũ phàng. Nàng gửi đến chàng Kim lời tâm sự của mình từ phương xa, rằng tấm lòng nhớ thương Kim Trọng nàng vẫn không lúc nào nguôi quên. Và thực sự, bóng chàng Kim cũng sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí Kiều trong suốt mười lăm năm lưu lạc.
Nhớ người yêu, Kiều càng xót xa nghĩ đến cha mẹ. Mặc dầu nàng đã liều đem tấc cỏ, quyết đền ba xuân, cứu được cha và em thoát khỏi vòng tù tội, nhưng nghĩ về cha mẹ, bao trùm trong nàng là một nỗi xót xa lo lắng:
“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.”
Nhớ về cha mẹ, nàng thấy “xót” khi tưởng tượng ở chốn quê nhà, hình bóng tội nghiệp của cha mẹ, khi sáng sớm, lúc chiều hôm tựa cửa ngóng tin con, hay mong chờ con đến đỡ đần. Nàng xót thương da diết và day dứt khôn nguôi vì không biết giờ đây ai là người chăm sốc cha mẹ khi thời tiết đổi thay, xót xa vì khi cha mẹ ngày một già yếu mà bản thân không thể “quạt nồng ấp lạnh”, phụng dưỡng song thân. Tác giả đã sử dụng các thành ngữ “rày trông mai chờ”, “quạt nồng ấp lạnh”, “cách mấy nắng mưa”, điển cố “Sân Lai, gốc tử” để nối lên sự cách trở tàn phá của thời gian cùng tâm trạng nhớ thương, lo lắng, tấm lòng hiếu thảo của Kiều dành cho cha mẹ. Dù hoàn cảnh ra sao nàng luôn nhớ nhung sâu nặng cũng như những băn khoăn, trăn trở của Kiều khi nghĩ đến cha mẹ, nghĩ đến bổn phận làm con của mình. Kiều đã nhận hết những thiệt thòi về mình nhưng lại luôn cảm thấy sự hi sinh của mình chẳng hề thấm tháp gì với công ơn “chín chữ cao sâu”  của cha mẹ. Những suy nghĩ, tâm trạng đó càng chứng tỏ Kiều là một người con rất mực hiếu thảo.
Kiều mang vẻ đẹp thật đáng quý. Trong cảnh ngộ bị giam hãm ở lầu Ngưng Bích, Kiều là người đáng được dành sự cảm thương thế nhưng nàng đã không màng tới tình cảnh ngang trái của bản thân để nhớ về Kim Trọng và nghĩ về mẹ cha. Kiều không chỉ là một người con gái thủy chung nghĩa tình trong tình yêu mà còn là một người con có tấm lòng hiếu thảo đáng quý vô cùng.
Miêu tả khách quan tâm trạng của nhân vật Thúy Kiều bằng nghệ thuật độc thoại nội tâm, Nguyễn Du đã bước qua hàng rào tư tưởng phong kiến: đặt chữ tình trước chữ hiếu để khắc họa chính xác, chân thật tâm lý nhân vật. Qua đây cũng thấy được tấm lòng trân trọng vẻ đẹp phẩm chất con người, đặc biệt là người phụ nữ của thi nhân – một trong những biểu hiện cho cảm hứng nhân đạo trong sáng tác của Nguyễn Du.
Dẫu thời gian có trôi qua… tiếng thơ Nguyễn Du vẫn vang vọng từ quá khứ vào hiện tại vả cả tương lai.
“Tiếng thơ ai động đất trời,
Nghe như non nước vọng lơi ngàn thu.”         (Tố Hữu)