Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

Phân tích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga



Nguyễn Đình Chiểu được biết đến như một nhà văn và cũng là nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Thơ văn của ông không có sự chau chuốt, cầu kì về câu từ mà lại rất mộc mạc, dân dã gắn liền với đời sống của người dân Nam Bộ. Nếu đại thi hào Nguyễn Du nổi tiếng với kiệt tác “Truyện Kiều” được đón nhận bởi câu từ mượt mà, giàu giá trị nội dung cũng như tư tưởng thì văn chương của cụ Đồ Chiểu lại thâm nhập vào chiều sâu đời sống và trở thành một phần không thể thiếu của người dân Nam bộ. “Lục Vân Tiên” của cụ Đồ Chiều đã quen thuộc như những bài đồng dao dân gian. Tác phẩm nổi tiếng bởi chính chất mộc mạc và gần gũi ấy. Trích đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga đã phần nào cho thấy đặc trưng trong thơ văn của tác giả.
Với Nguyễn Đình Chiểu, nhân nghĩa là đạo đức nhân dân, là căn cốt, gốc rễ để trau dồi rèn giũa con người. Vì vậy, vào đầu tác phẩm – ở đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – nhà thơ đã hào hứng giới thiệu hai con người trẻ tuổi, biết hướng theo lòng nhân, biết hành động theo việc nghĩa. Cặp đôi Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga được xây dựng như những tấm gương về trung, hiếu, tiết nghĩa.
Lục Vân Tiên mang vẻ đẹp dũng cảm vì chính nghĩa. Trước hết là Lục Vân Tiên – chàng trai dũng cảm, có lòng “nhân” sẵn sàng làm việc “nghĩa”. Vân Tiên vốn con nhà thương dân, nhưng học giỏi, văn võ kiêm toàn. Chàng đang háo hức trên con đường lên kinh ứng thí. Vậy mà gặp cướp. Không phải chúng gây sự với chàng, mà chúng đang quấy nhiễu nhân dân.
Để ca ngợi trí dũng của Lục Vân Tiên, tác giả tạo dựng trước mắt chàng, một nghịch cảnh: dân thì “than khóc tưng bừng, đều đem nhau chạy vào rừng lên non”, bọn cướp đông như “lũ kiến chòm ong”, có đầy đủ khí giới thì “xuống thôn hương, thấy con gái tốt qua đường bắt đi”. Trong cảnh đối đầu ấy chỉ riêng chàng là ngược dòng người nhớn nhác ấy để tìm đến bọn cướp. Vậy là, sau một lời hứa ngắn gọn: “Tôi xin ra sức anh hào”, chàng trai Lục Vân Tiên chỉ đơn độc có một mình, trong tay không có khí giới nhanh nhẹn “ghé lại bên đàng, bẻ cây làm gậy”, xông thẳng vào giữa bọn cướp:
Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy, tìm đàng chạy vô.
Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ!
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”
Tuy yếu thế nhưng Lục Vân Tiên vẫn đầy tự tin xung trận. Những chi tiết như “bẻ cây làm gậy”“nhằm làng xông vô” diễn tả hành động vô cùng dứt khoát, nhanh nhẹn, thể hiện sự nóng lòng cứu người của chàng. Chàng không hề suy nghĩ, tính toán thiệt mất khi can dự vào việc diệt trừ mối nguy hại bảo vệ người dân. Đứng trước bọn cướp hung dữ, chàng kết tội và cảnh tỉnh chúng “chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”. Lời nói của Lục Vân Tiên là hướng đến chỉ trích, phê phán lũ giặc cướp nhưng cũng là tuyên ngôn sống đầy cao đẹp của chàng, sống là phải hướng đến bảo vệ cuộc sống của những người dân lành, chứ không phải mang đến những đau khổ cho họ.  Và những hành động bạo tàn, “hồ đồ” chàng càng không cho phép nó xâm hại đến những con người lương thiện ấy. Vân Tiên không chỉ là một con người có tình thương với con người, mang trong mình tinh thần chính nghĩa cao đẹp.  
Tên tướng cướp “mặt đỏ phừng phừng”, dữ tợn như một con ác thú, “truyền quân bốn phía bủa vây bịt bùng”. Lực lượng thật là quá chênh lệch. Bên kia là cả lũ lâu la đông như ong, như kiến. Bên này chỉ duy có một chàng trai dũng cảm với lời hứa chân thành “Cứu người ra khỏi lao đao buổi này”, với vũ khí giản dị “cây gậy bên đàng”. Vậy mà, chàng không chút nao núng:
Vân Tiên tả đột hữu xông
Khác nào Triệu Tử mở vòng Dương Đang.
Nhà thơ không tả tỉ mỉ trận giao chiến mà chỉ kể ngắn gọn bằng mấy dòng thơ, một câu so sánh và dăm ba từ đặc sắc “tả đột hữu xông” đã tái hiện khí thế dũng mãnh, dứt khoát của chàng. Trận đánh được ví như Triệu Tử Long (danh tướng thời Tam quốc) một thương một ngựa xông xáo giữa trùng điệp quân tướng của Tào Tháo trong trận Tràng Bản. Ngày xưa Triệu Tử Long chiến đấu vì ngôi vua nhà Hán, vì bảo vệ ấu chúa A Đẩu, dầu sao vẫn là nghĩa vụ của một bầy tôi trung thành. Còn ngày nay, Lục Vân Tiên chiến đấu vì người dân gặp nạn, cứu dân, trừ ác, xuất phát từ lòng nhân. Giản dị, vô tư mà trong sáng cao đẹp biết bao. Cuộc chiến đấu của chàng y như trận đánh của Thạch Sanh, diệt đại bàng cứu nàng công chúa. Sức mạnh của chàng trai ấy chính là sức mạnh của nhân dân, của điều thiện.
Thêm nữa, cách miêu tả ngắn gọn bằng cặp lục bát tạo được cảm giác trận đánh diễn ra rất nhanh. Dường như người ta còn bàng hoàng chưa hết lo sợ cho tính mạng của chàng thư sinh họ Lục thì cục diện đã thay đổi:
 Lâu la bốn phía vỡ tan
Đều quăng gươm giáo, tìm đàng chạy ngay
Phong Lai trở chẳng kịp tay
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong…
Đối với những tên cướp ngày Lục Vân Tiên tuyệt đối không khoan nhượng,lời nói và hành động đều hết sức quyết liệt.Đây là sự trừng phạt thích đáng cho những kẻ lấy việc hại người làm niềm vui, làm mục đích kiếm sống. Mười bốn câu thơ tả cuộc đương đầu với bọn cướp là ngắn với lời thơ chân chất, có chỗ thô mộc. Chân thật và mộc mạc như vậy, nhưng cảm hứng của tác giả vẫn bay bổng, mộng mơ. Ngỡ như người thi sĩ mù ấy kể chuyện vừa rung đùi thích thú, gửi tới bạn đọc một lẽ phải nhãn tiền: người có lòng nhân, biết làm việc thiện sẽ thắng còn kẻ độc ác bất nhân sẽ thảm bại như thế tất. Xuất phát từ lòng nhân, Lục Vân Tiên đã làm được một việc “nghĩa”, một việc xứng đáng được gọi là anh hùng.
Lục Vân Tiên còn mang vẻ đẹp của tinh thần trượng nghĩa. Chàng tự nguyện dân thân vào vòng nguy hiểm, chiến đấu hết mình, thắng lợi rực rỡ… tất cả đều vì nhân nghĩa, nên sau thắng lợi, Lục Vân Tiên không chút kiêu ngạo. Trái lại, chàng thật khiêm nhường, chính trực. Chàng ân cần thăm hỏi người gặp nạn, lời lẽ hết sức chân tình, thiết tha:
Dẹp rồi lũ kiến chòm ong,
Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe này?”
Nghe cô hầu Kim Liên than thở như vẫn hoảng sợ, Vân Tiên động lòng thương, an ủi: “Ta đã trừ dòng lâu la”. Rồi ôn tồn, chàng thăm hỏi ngọn ngành từ tên tuổi, họ, gia cảnh, đến quê hương, nguyên cớ gặp nạn của hai cô gái. Và phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên cũng tiếp tục được bộc lộ khi Kiều Nguyệt Nga có ý định bước ra khỏi kiệu để cúi lạy Lục Vân Tiên vì công cứu mạng thì chàng nhất quyết không chịu nhận:
Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai.
Trong lời chàng, có ý còn lạc hậu, ảnh hưởng quan niệm phong kiến “nam nữ thụ thụ bất thân” song tất cả đều chân thành, dung dị rất đáng mến. Lục Vân Tiên là một con người trọng đạo lí, cũng như những khuôn phép trong xã hội xưa. Có thể ngày nay, ta cho rằng, hành động của chàng là biểu hiện của sự phân biệt nam – nữ, là sự lạc hậu của một quan niệm lễ giáo nhưng ở thời của Nguyễn Đình Chiểu, đó là biểu hiện của lòng khiêm tốn, bao dung. Mục đích của Lục Vân Tiên không chỉ vì lễ tiết mà chàng cũng không muốn nhận sự báo đáp của Kiều Nguyệt Nga, bởi hành động cứu giúp của chàng là xuất phát từ tấm lòng chứ không phải vì mục đích vụ lợi gì.
Đáng mến, đáng phục hơn nữa là sau khi nghe cô tiểu thư Kiều Nguyệt Nga – nạn nhân được chàng cứu giúp – kể lể than thở, ca ngợi và tha thiết muốn báo ân, thì “Vân Tiên nghe nói liền cười”. “Cái cười ấy đáng yêu, đáng kính làm sao. Một là cái cười của anh hùng quân tử, hai là cái cười của anh con trai, ba là cái cười quần chúng rộng lượng, đều ở trên môi Lục Vân Tiên.” (Xuân Diệu – Đọc thơ văn Nguyễn Đình Chiểu). Sau nụ cười đáng yêu ấy là lời thơ, cũng rất đáng yêu càng làm cho con người chàng trở nên đáng trân trọng hơn:
Làm ơn há dễ trông người trả ơn
Nay đà rõ đặng nguồn cơn
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì?
Đúng là giọng nói, cách nói của chàng trai Nam Bộ, nôm na, giản dị biết bao! Nó cất lên từ một cõi lòng chất phác, một quan niệm nhân sinh rất hào hiệp, vô tư. Chàng khẳng định việc mình làm là hoàn toàn “tự nguyện”. Làm việc “ơn nghĩa” thì không nên đợi trả ơn, tính hơn thiệt, lời lãi… vì “ơn nghĩa” là lẽ thông thường của người sống có văn hóa, lấy chữ nhân, lòng nhân làm động cơ, làm mục đích cho mọi hành động. Chàng đã hành động vì lòng nhân, vì nghĩa lớn, trừ kẻ ác, bảo vệ người lương thiện. Chàng chỉ mong Kiều Nguyệt Nga – cũng như mọi người “rõ đặng nguồn cơn” – nghĩa là hiểu rõ, cảm thông với hành động của chàng.
Lục Vân Tiên còn chứng tỏ mình là một trang nam tử đầy nhiệt huyết giúp đời. Đó là quan niệm, là phương châm sống của chàng:
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.
Nói câu ấy, chứng tỏ Lục Vân Tiên không chỉ thấm nhuần đạo lí sống của người quân tử được ghi trong sách vở thánh hiền (Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã – Thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là người có dũng khí) mà chàng còn tự tin ý thức được mình là bậc anh hùng. Lời của Vân Tiên chắc nịch, vừa để đối chứng, phê phán những kẻ tầm thường, vừa khẳng định việc là đúng đắn, là tất yếu, hiển nhiên, thuộc căn cốt, gốc rễ trong lẽ sống của mình. Đó là lẽ sống của biết bao hiền nhân, quân tử ngày xưa, bao con người chân chính ngày nay. Lời chàng, nhân cách của chàng, gợi lời Từ Hải, nhân cách của Từ Hải trong Truyện Kiều:
“Anh hùng tiếng đã gọi rằng
 Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”.
Như vậy, Lục Vân Tiên là một chàng trai dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài, tiêu biểu cho những chàng trai Nam bộ hảo hán của một thời. Chàng thư sinh họ Lục khiêm nhường nhưng cũng đầy tự tin bước vào đời và chính nét tính cách đáng trọng ấy đã khiến Nguyệt Nga cảm ân đức mà tự nguyện gắn bó với chàng.
Tương xứng với Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga được khắc họa như một trang thục nữ. Trong đoạn trích này, Nguyễn Đình Chiểu mượn lời bộc bạch của nàng để giới thiệu về gia thế của nhân vật. Theo lời tự giới thiệu, ta biết được nàng thuộc dòng dõi trâm anh, quê ở Quận Tây Xuyên, “cha làm tri phủ ở miền Hà Khê”:
Thưa rằng: “Tôi Kiều Nguyệt Nga,
Con này tỳ tất tên là Kim Liên.
Quê nhà ở quận Tây Xuyên,
Cha làm tri phủ ở miền Hà Khê.
Sai quân đem bức thư về,
Rước tôi qua đó định bề nghi gia.
Làm con đâu dám cãi cha,
Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành!
Qua những lời đối thoại với Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga hiện lên là cô gái thùy mị, nết na, hiếu nghĩa. nàng là một người có học thức, lời ăn tiếng nói nhã nhặn, dịu dàng, kể lể sự tình của mình. Cách "thưa rằng" của nàng đầy chuẩn mực, tôn trọng, thể hiện con nhà gia giáo có học thức hết mực đoan trang, dịu dàng. Nàng còn là một người con gái có hiếu, luôn vâng lời cha " làm con đâu dám cãi cha". Cho dù đường xa, nhưng vì ý cha muốn đưa nàng đến Hà Khê để “định bề nghi gia” thì nàng “ví dầu ngàn dặm đường xa cũng đành”.  Như vậy, ta có thể thấy, hình tượng Kiều Nguyệt Nga có thể coi là một hình mẫu lí tưởng của người con gái trong xã hội phong kiến xưa, nết na, hiền thục, có học thức và cũng là một người con có hiếu.
Kiều Nguyệt Nga là người trọng danh tiết trọng tình nghĩa. Nàng không phải là một cô gái mang ơn cho có, lời nói của nàng đầy chân tình chứ không hề sáo rỗng. Nàng tha thiết muốn đề ơn đáp nghĩa cho Lục Vân Tiên, đấy là biểu hiện của một con người đầy nhân nghĩa, luôn đề cao đạo lí “đền ơn đáp nghĩa” đối với ân nhân của mình. Kiều Nguyệt Nga muốn thực tâm bày tỏ tấm lòng sâu sắc của mình qua hai lần mong muốn được đền ơn:
Lâm nguy chẳng gặp phải giải nguy
Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi
Trước xe quân tử tạm ngồi
Ngõ cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa…
Nói “tiết trăm năm” là nói việc trọng của cả một đời người. Với nàng, Lục Vân Tiên không chỉ cứu mạng mà còn cứu cả cuộc đời trinh bạch trong trắng của nàng. Danh tiết của một người con gái, điều mà với một cô gái nó còn quan trọng hơn cả tính mạng. “Lạy rồi sẽ thưa” cũng được xem như một thái độ kính nể, đầy thiêng liêng trong quan hệ của con người. Đó là đạo lí làm người cao thượng, có ơn nhất định phải báo đền. Cách trình bày tâm tư và nguyện vọng của Kiều Nguyệt Nga cũng rất rõ ràng và khúc chiết, lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục nhằm muốn lục Vân Tiên nhận lời thỉnh cầu để cho nàng làm tròn đạo nghĩa:
Gặp đây đương lúc giữa đàng
Của tiền chẳng cỏ, bạc vàng cũng không.
Tưởng câu báo đức thù công
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.
Đạo đức là chữ “ân”, chữ “nghĩa”. Do đó, sau những phút ngần ngại mở đầu, nàng thẳng thắn bày tỏ ý nguyện đền đáp công lao cứu mạng của Lục Vân Tiên. Thái độ và lời nói của nàng có gì như lúng túng, ngượng ngập nhưng chất phác và chân thành, như nhà thơ Xuân Diệu đã từng nhận xét “thánh thót bên tai giọng nói của cô gái miền Nam”. Nguyệt Nga nhắc đến “của tiền, vàng bạc” nhằm giãi bày sự thiếu hụt về vật chất. Lại nói “báo đức thù công” – đền đáp ơn đức, công lao. Rồi than thở “Lấy chi cho phỉ tấm lòng…” để giãi bày sự lúng túng về tinh thần, những xúc động có thật của một tâm hồn trong trắng. Nàng ý thức sâu sắc rằng không bạc vàng nào có thể xứng với ân nghĩa kia, qua đó cho nàng là người rất coi trọng tình nghĩa. Sau đó, nàng lại cố mời Vân Tiên về nhà mình để tạ ơn. Nhưng chàng từ chối. Nàng băn khoăn day dứt không nguôi. Cách trả ơn của Kiều Nguyệt Nga ở đây không chỉ bộc lộ ở tấm lòng chân thành của người mang ơn, mà còn nói lên quan niệm trả ơn của nhân dân ta: không chỉ bằng lời cảm ơn suông, mà còn bằng vật chất cụ thể, bởi chỉ có như vậy mới chứng tỏ được tấm lòng chân thành của mình đối với ân nhân. Như thế ngay phút gặp gỡ ban đầu với Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga đã tỏ rõ một tâm hồn trung hậu và nết na. Tâm hồn ấy bắt nguồn từ đâu, nếu không phải từ đạo lí nhân nghĩa của nhân dân ta, nhất là nhân dân Nam bộ quê hương Nguyễn Đình Chiểu. Kiều Nguyệt Nga là kết tinh cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ truyền thống. Nàng không chỉ gia giáo, nết na, có học thức mà còn rất đằm thắm, nghĩa tình.
Ta thấy yêu thích Lục Vân Tiên không phải vì văn chương chải chuốt, nghĩa lí thâm trầm như “Truyện Kiều” mà trước hết vì phẩm chất tốt đẹp của hai con người, vì tấm lòng nhân nghĩa dung dị của nhà thơ, sau nữa là vì nghệ thuật ngôn từ, giọng điệu phóng khoáng ở mỗi trang thơ. Tất cả những nét riêng, những vẻ đẹp ấy của tác phẩm phù hợp với phong cách sống, với ước mơ, khát vọng giản dị mà trong sáng, cao cả của nhân dân.
Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga xây dựng thành công hai nhân vật đại diện cho những vẻ đẹp chuẩn mực của xã hội. Tất cả vẻ đẹp nhân vật, những khát vọng ông gửi gắm đều phù hợp với phong cách sống, với mơ ước giản dị mà đẹp đẽ của nhân dân ta. Đoạn trích "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" là một đoạn trích hay, độc đáo, có thể coi đây là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa và những đạo đức đáng quí, tốt đẹp ở đời. Thể hiện niềm ước mơ của tác giả, của nhân dân về khát vọng hành đạo, giúp đời, hướng tới lẽ công bằng, cái thiện, cái đẹp sẽ luôn chiến thắng cái xấu, cái ác...