Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Muốn thành công, bạn không cần là người giỏi nhất. Hãy là người ham học hỏi nhất.


ĐỀ: Nêu suy nghĩ về ý kiến: “Muốn thành công, bạn không cần là người giỏi nhất. Hãy là người ham học hỏi nhất."
GỢI Ý
Bước vào thế kỉ XXI, đất nước ta đang trên đà hội nhập với sự phát triển của thế giới với rất nhiều cơ hội và thử thách. Mỗi con người chúng ta cùng với sự phát triển ấy cũng càng lúc càng trưởng thành hơn và từng bước khẳng định chính mình. Trên con đường đầy chông gai khó khăn ấy, mỗi người nên có riêng cho mình một triết lí sống phù hợp - chìa khóa để mở cánh cửa thành công. Và triết lí sống của người thành công là: “Muốn thành công, bạn không cần là người giỏi nhất. Hãy là người ham học hỏi nhất.”
Câu nói trên thực sự là một bài học, một lời khuyên cũng như lời động viên cần thiết, thiết thực nhất cho bản thân.Trong triết lí sống đã chọn, có lẽ “người giỏi nhất” có một khái niệm khá mơ hồ. Thực sự trên cuộc đời này có vô vàn điều mới lạ không phải ai cũng biết hết được. Có thể họ là “người giỏi” nhưng chưa chắc là “người giỏi nhất”. Họ có thể giỏi, am hiểu về một lĩnh vực nào đó, một khía cạnh nào đó. Nhưng “núi cao còn có núi cao hơn, trời rộng còn có trời rộng hơn”. Còn với “người ham học hỏi nhất”, họ không phải là người giỏi nhất nhưng lại là người mang trong mình ý chí cầu tiến, ham học hỏi, nỗ lực không ngừng, chăm chỉ trau dồi bản thân. Như vậy, để đạt đến thành công, tài năng chưa phải là điều quyết định tất cả mà tinh thần ý chí ham học hỏi, nỗ lực hết mình mới là yếu tố quan trọng nhất.
Chúng ta cần nhấn mạnh đến việc học hỏi. Học hỏi là gì? Học hỏi là tiếp thu tri thức của nhân loại từ sách vở, từ cuộc sống, từ những người xung quanh ta. Học hỏi là một quá trình lâu dài chứ không thể trong một thời gian ngắn, bởi vậy Bác Hồ đã từng nói đó là việc phải tiếp tục suốt đời, không ngừng nghỉ, không mệt mỏi. Cuộc sống ngày càng phát triển không ngừng và tri thức nhân loại thì vô tận và mỗi giây mỗi phút trôi qua là bao tri thức mới được ra đời, nếu không chịu học hỏi nâng cao tầm hiểu biết của mình thì sớm muộn gì cũng sẽ bị tụt hậu và bị đào thải khỏi cuộc sống hiện đại. Trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn rắc rối mà chúng ta gặp phải. Nhưng nếu chúng ta chăm chỉ học hỏi, tìm hiểu các khúc mắc, các vấn đề nan giải thì dù có khó khăn đến đâu, bạn vẫn giải quyết được.
Đừng cho rằng mình đã quá giỏi giang, kiến thức của mình đã đủ. Càng đừng ngại hỏi người khác, đừng bỏ lỡ cơ hội được hiểu biết nhiều hơn. Darwin là một nhà bác học nổi tiếng, khi về già vẫn chăm chỉ đọc sách trau dồi kiến thức. Con gái ông thấy lạ, thắc mắc tại sao cha đã lớn tuổi mà vẫn chăm chỉ học tập, ông trả lời: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Bài học rút ra: Thành công không chỉ dừng lại ở tố chất! Những người đã tài giỏi sao tiếp tục cố gắng? Người kém may mắn hơn ngại gì lời ra tiếng vào, sao không cho mình cơ hội được nỗ lực, cho mình cơ hội để thành công? Bạn có biết câu chuyện về Cụ Cụ Hoàng Ân, quê Bắc Giang, 74 tuổi vẫn thi vào viện Đại học Mở Hà Nội. Cụ cũng cho biết học luật với mục đích chính là giúp bà con ở quê đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người nông dân, hiểu luật để giúp những người nông dân nghèo đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp khi bị xâm phạm. Như vậy, thành công vẫn đợi và không chừa một ai nếu có sự nỗ lực nghiêm túc, đúng không?
Vậy mà nhiều thanh niên trẻ ngày nay lại chọn con đường sai cho tương lai, bỏ quên tinh thần ham học hỏi những điều kì thú của cuộc sống. Cũng cần nói về việc học hỏi thiếu chọn lọc - một sai lầm khá phổ biến của nhiều người. Đó là khi bạn tiếp nhận kiến thức một cách ồ ạt, quá nhiều nhưng nó vô ích, không giúp ích cho bạn, thậm chí là làm sai lệch suy nghĩ hành động của bạn. Đó không phải là cứ lên mạng, truy cập, đọc, nghe và xem nhiều... Hãy ghi nhớ và lưu tâm những điều thực sự bổ ích, có ý nghĩa. Đừng để chính bạn phải “chới với” trong biển kiến thức vô tận mà chưa chắc đã “thấm” lâu đến đâu!
Ý kiến tuy đề cao tinh thần ham học hỏi hết mình nhưng chúng ta vẫn không thể coi nhẹ tài năng, người giỏi. Bởi vì nếu năng lực quá kém cỏi thì có nỗ lực như thế nào, kết quả cũng hạn chế một phần nào đó. Mặt khác, cảnh báo cho những ai chỉ ỷ vào tài năng vốn có mà thiếu ý chí học hỏi rồi cũng sẽ thất bại. Người thực sự thông minh là người phải biết vận dụng lợi thế cá nhân kết hợp với cái tâm rộng mở, ham tìm tòi học hỏi để làm việc. Nhất định họ sẽ thành công vượt trội.
Nhưng trên hết, muốn đạt được ước mơ mục tiêu đặt ra, bạn phải là người có ý chí hiếu học. Không chỉ đơn thuần là kiến thức ở nhà trường, kiến thức trong sách vở, trên internet mà còn là kinh nghiệm, bài học quý từ cuộc sống và những người xung quanh. Cái gì cũng cần để học, cái gì cũng cần để được khám phá. Một lần nữa nhấn mạnh đó là tố chất quan trọng nhất để từ bước nhỏ đến bước lớn, thành công sẽ gõ cửa chính bạn. Đây là ý nghĩa sâu sắc nhất của triết lí sống trên muốn truyền tải đến tất cả mọi người.
Tóm lại, câu nói “Muốn thành công, bạn không cần là người giỏi nhất. Hãy là người ham học hỏi nhất” thực sự là một triết lí sống đầy tích cực, nhất là đối với thế hệ những người trẻ tuổi - những người có tố chất riêng, tài năng đáng quý nhưng đừng bao giờ quên đi tinh thần học hỏi, vươn lên cao hơn nữa.Cũng giống như việc “Bạn có thể là một ngôi sao trong sân khấu nhỏ, nhưng chưa chắc đã tỏa sáng ở một sân khấu lớn”, đừng thỏa mãn với chính mình ở hiện tại, hãy trang bị tinh thần rèn luyện bản thân hết mình. Ắt hẳn, với ý chí nỗ lực ấy, chúng ta, tôi và bạn không chỉ được người khác quý mến mà còn thành công trong công việc và cuộc sống hằng ngày.