Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020

Phân tích 4 câu đầu đoạn trích Cảnh ngày xuân


Nguyễn Du không chỉ là bậc thầy về ngôn ngữ trong việc miêu tả tâm lý nhân vật mà còn là “họa sĩ” vẽ tranh bằng chữ. Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” trích Truyện Kiều là một ví dụ điển hình. Người đọc phải khâm phục và ngưỡng mộ khả năng quan sát cũng như những nét vẽ tài hoa của Nguyễn Du. Một vẻ đẹp thanh xuân, một niềm vui xôn xao, náo nức cứ dâng lên, cứ lan tỏa, rồi lắng dịu mãi trong lòng ta khi đọc đoạn thơ này. Bức tranh ngày xuân hiện lên với những nét đẹp tươi mới, tràn đầy sức sống nhất.
Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chin chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh rợn chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Có thể nói mùa xuân là đề tài bất tận trong thi ca, khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ. Mỗi người có một cảm nhận riêng về mùa xuân. Đối với Nguyễn Du, mùa xuân gắn với cảnh vật và con người, với những ngày lễ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bao trùm lên cả đoạn thơ này là một bức tranh thiên nhiên đẹp, hữu tình. Tác giả sử dụng chất liệu ngôn ngữ đẹp như tranh, sự mượt mà của câu chữ đã tạo nên sự mượt mà của cảnh sắc thiên nhiên khi xuân về. Đó là một bức tranh mùa xuân xinh đẹp, thanh khiết như một cô thiếu nữ tuổi vừa chớm nở đang e ấp trong nắng gió của cuộc đời.
Phong cảnh thiên nhiên với những nét đặc sắc của mùa xuân cùng bút pháp cổ điển cảnh thiên nhiên gợi lên theo trình tự thời gian, bút pháp chấm phá ước lệ. Tác giả thể hiện cảm nhận về sự chảy trôi của thời gian cũng như sự nuối tiếc khi những khoảnh khắc tươi đẹp trôi qua nhanh chóng:
Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chin chục đã ngoài sáu mươi.
Một không gian đầy chất thơ, thi vị và hữu tình biết bao nhiêu. Sự rộng lớn của đất trời khi mùa xuân về được diễn tả một cách tinh tế và tràn ngập niềm vui. Cảnh ngày xuân được hiện lên với hình ảnh con én đưa thoi. Cánh én chính là báo hiệu cho mùa xuân về, một mùa gợi lên sự ấm áp, sự sống căng đầy và niềm vui trọn vẹn. Với từ ngữ “đưa thoi” vừa gợi lên khung cảnh bầu trời tràn ngập cánh én, vừa diễn tả sự trôi đi quá nhanh của thời gian. Chúng ta thường nói nhanh như thoi, vậy ở câu thơ này én bay như thoi hay ngày xuân trôi đi cũng như thoi đưa, cũng nhanh như vậy. Sau cánh én "đưa thoi" là ánh xuân, là "thiều quang" của mùa xuân khi "chín chục đã ngoài sáu mươi". Mùa xuân đã bước sang tháng ba rồi. Thời gian ấy làm cho con người ta thấy vấn vương, tiếc nuối khi sắp kết thúc một mùa xuân. “Thiều quang” là chỉ ánh sáng của mùa xuân, nó không chói chang như mùa hạ hay yếu ớt của mùa đông mà nó là ánh sáng ấm áp, mang đến sức sống cho muôn loài. Ba tháng mùa xuân thì giờ đây đã trôi đi hai tháng, chín chục ngày xuân giờ đã qua hơn sáu mươi ngày. Như vậy thời gian của ngày xuân không còn là bao! Có phải chăng ý niệm về thời gian của Nguyễn Du có phần giống với Xuân Diệu, thời gian trôi đi nhanh, mùa xuân và tuổi trẻ cũng trở nên chông chênh hơn. Đồng nghĩa với thời gian trôi đi, tuổi trẻ trôi đi thì đời người bỗng nhiên ngắn lại. Nhưng chính cái cách đếm thời gian ấy, người đọc hiểu rằng có một sự ngầm nuối tiếc ở đây.
Vậy, cảnh ngày xuân có gì mà nhà thơ lại nuối tiếc. Chúng ta phải đọc những câu thơ tiếp theo để biết cảnh xuân trong thơ Nguyễn Du độc đáo ra sao:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
   Chỉ với hai nét vẽ Nguyễn Du như vẽ lên trang giấy một bức tranh thiên nhiên mùa xuân đẹp tuyệt vời. Nghệ thuật điểm xuyết chấm phá đã được sử dụng dứt điểm, khiến cho câu thơ trở nên mềm mại và căng tràn sức sống hơn. Hai dòng thơ như vẽ ra trước mắt người đọc một bức hoạ bằng ngôn từ về cảnh sắc mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống, vẫn là sắc xanh làm nền cho bức tranh xuân, nhưng không phải là sắc xanh của sông xuân, trời xuân mà là sắc xanh của “cỏ non”.Tính từ “non” thật giàu sức gợi, nó không chỉ gợi ra màu sắc mà còn gợi lên cả sức sống của cỏ đang ở độ non tơ nhất. “Cỏ non” là tín hiệu của mùa xuân, của sức xuân đang căng tràn. Câu thơ với những vần bằng êm ả gợi hình ảnh cỏ xuân như đang kết dệt thành một tấm thảm xanh mềm mại trải dài mênh mang vô tận khắp không gian, cỏ ở mặt đất. cỏ ở chân trời xa… Chỉ với một nét phác độc đáo của thi nhân, “cỏ non” đã lan toả nhuộm xanh cả lời thơ. Và trên nền xanh ấy, thi hào tiếp tục điểm xuyết thêm màu trắng tinh khiết của những đoá hoa lê nở lác đác đang toả hương thơm ngát. Đại thi hào đã vận dụng sáng tạo những vần thơ cổ Trung Hoa: Phương thảo liên thiên bích / Lê chi sổ điểm hoa. Vẫn là cỏ, là trời, là cành lê nhưng dưới nét bút bậc thầy của Nguyễn Du với hai chữ “trắng điểm” – nhãn tự của câu thơ đầy độc đáo, tinh tế, giàu chất tạo hình, đã gợi lên được cả một vẻ đẹp thanh tao, trang nhã, tinh khôi của thiên nhiên hoa cỏ. Sáng tạo độc đáo của thi nhân khiến cho bức tranh xuân trở nên sinh động, trẻ trung, tràn đầy sức sống, tươi non, xanh tươi như vừa mới bắt đầu, như còn e ấp, nhưng đã ẩn dâu đó sự trào dâng mãnh liệt lan xa tới tận chân trời. Bức tranh được miêu tả ở trạng thái tĩnh nhưng dường như vẫn đang có sự vận động rất tinh tế. Đọc câu thơ, ta như say bởi cảnh sắc mùa xuân đẹp quá, trong trẻo quá… Bằng nghệ thuật phối màu, dựng cảnh tinh tế, nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện, chỉ với hai cảu thơ, đại thi hào đã phác họa nên một bức tranh xuân thơ mộng với đủ màu sắc, đường nét, hình khối. Ẩn sau những nét vẽ ấy dường như là nhịp đập thổn thức của trái tim người nghệ sĩ yêu thiên nhiên đang lắng nghe những bước đi uyển chuyển của Nàng Xuân…
  Có thể nói với chỉ 4 câu thơ này, Nguyễn Du như người họa sĩ tài hoa vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, có sự giao thoa và hòa quyện giữa đất và trời. Không khí mùa xuân, hương sắc mùa xuân và cả ý vị mùa xuân cứ thế tràn ra trong từng câu thơ đẹp như vậy.
Đoạn thơ là một bức họa về mùa xuân tuyệt đẹp được vẽ bằng lời, thể hiện được tài năng tả cảnh đặc sắc của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Có thể nói dù cảnh trong thơ Nguyễn Du buồn hay vui thì vẫn mang phong vị riêng của nhà thơ. Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” là một ví dụ điển hình như thế. Bức tranh ngày xuân vui tươi, rộn rang, náo nức và có chút buồn phiền được Nguyễn Du khắc họa thành công với sự cảm nhận tinh tế cũng như sự tài hoa trong cách dụng công xây dựng ngôn ngữ.