Nước Nam đẹp
nhất nàng Kiều….
Với những ai từng
đọc Truyện Kiều, có lẽ sẽ không thể quên những nét họa dù thoáng qua của tác
gia Nguyễn Du nhưng nàng Kiều vẫn hiện ra với bức chân dung về người con gái
tài sắc vẹn toàn. Vẻ đẹp ấy không chỉ ở dung nhan hay tài năng thiên bẩm mà còn
bừng sáng ở cốt cách và tấm lòng người thiếu nữ. Ông hết sức nâng niu, đề cao vẻ
đẹp và tài năng của người phụ nữ:
Kiều càng sắc
sảo mặn mà,
So bề tài sắc
lại là phần hơn.
Làn thu thủy,
nét xuân sơn,
Hoa ghen
thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Một hai
nghiên nước nghiên thành
Sắc đành
đòi một tài đành hoạ hai.
Thông minh
vốn sẵn tính trời,
Pha nghề
thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương
làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng
ăn đứt hồ cầm một trương.
Khúc nhà
tay lựa nên chương,
Một thiên bạc
mệnh lại càng não nhân.
Chỗ tài tình của
Nguyễn Du là, khi ông tả người, tả vẻ ngoài của con người nhưng chính là ông tả
bản chất con người với những đặc sắc bên trong của nó và dự báo cả số phận mai
sau của họ. Để khắc hoạ vẻ đẹp của nhân vật lý tưởng, Nguyễn Du đã sử dụng bút
pháp ước lệ – lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm nổi bật vẻ đẹp của con người. Nhà
văn không miêu tả chi tiết cụ thể mà chủ yếu là tả để gợi.
Ta thấy có sự
khác biệt khi Nguyễn Du tả Thuý Vân và Thuý Kiều. Nguyễn Du không miêu tả ngay
Thúy Kiều mà nhận xét, đánh giá trong sự so sánh, đối chiếu với Thúy Vân:
Kiều càng sắc
sảo mặn mà
So bề tài sắc
lại là phần hơn.
Không cần phải tô vẽ nhiều, chỉ khắc họa hai
chi tiết thôi ta đã thấy hiện lên vẻ đẹp toàn thiện, toàn bích của Thúy Kiều.
Nàng có vẻ đẹp vô cùng sắc sảo và mặn mà. “Sắc sảo” ở đây là vẻ đẹp trí tuệ. “Mặn mà” lại
là vẻ đẹp ngoại hình đằm thắm. Nhan sắc của Thúy Kiều so với Thúy Vân rõ ràng
có thêm chiều sâu, quyến rũ. Vẻ đẹp nàng sắc cạnh, mạnh mẽ, tinh tế, chứa đầy
nghị lực, ai nhìn cũng yêu mến, ngay lập tức bị quyến rũ và chinh phục. Nàng sắc
sảo cả ở trí tuệ và mặn mà trong tâm hồn. Sắc tài hòa hợp làm nên vẻ đẹp trác
việt. Đã vậy, nhà thơ còn khẳng định sự vượt trội hơn hẳn của Kiều bằng những từ
ngữ chỉ mức độ như: “càng”, “hơn”. Ở đây, Nguyễn Du đã sử dụng nghệ thuật
đòn bẩy, miêu tả Thúy Vân trước, lấy Thúy Vân làm nền để trên đó vẻ đẹp Thúy Kiều
được tỏa sáng.
Nhan sắc của
Thúy Kiều được Nguyễn Du tái hiện:
Làn thu thủy
nét xuân sơn
Hoa ghen
thua thắm liễu hờn kém xanh.
Gợi tả vẻ đẹp
của Kiều tác giả vẫn dùng những hình ảnh ước lệ, tượng trưng như “thu thủy” -
nước mùa thu, “xuân sơn” - núi mùa xuân. Vẫn lấy thiên nhiên như “hoa”, “liễu”
làm chuẩn mực để so sánh với vẻ đẹp của con người. Nhưng đặc biệt khi hoạ bức
chân dung Kiều, ngòi bút thiên tài chỉ tập trung vào đôi mắt và vẻ thanh tân,
tươi thắm. Hình ảnh “Làn thu thuỷ, nét xuân sơn” là hình ảnh mang tính ước
lệ, đồng thời cũng là hình ảnh ẩn dụ. Đôi mắt nàng Kiều được ví như làn nước
mùa thu long lanh, trong sáng. Ẩn dụ “làn thu thủy” vừa gợi tả vẻ đẹp
nhan sắc vừa toát lên sự tinh anh, trí tuệ. Hơn thế nữa, Nguyễn Du miêu tả ngoại
hình mà biểu đạt cả vẻ đẹp nội tâm. Vì, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, soi vào đôi
mắt như nước hồ thu ấy, ta có thể thấy tâm hồn nàng trong trẻo, thanh sạch biết
bao! Đôi mắt đẹp lại ẩn dưới nét mày thanh nhẹ, tươi non như sắc núi mùa xuân
thì càng thêm quyến rũ. Từ đôi mắt xanh trong ấy, ta cảm nhận Kiều đang dạt dào
sức sống thanh xuân và còn thấy được, độ sâu thẳm trong tâm hồn nàng. Từ những
dụng ý trên, Nguyễn Du đã có được mạch chuyển tiếp thật tài tình cho câu thơ
sau:
Hoa ghen
thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Đọc câu thơ
này ta thấy hơi rùng mình. Những từ ghen, hờn được tác giả nhân hoá để dùng cho
hoa và liễu là những loài đẹp nhất, dịu dàng, tươi thắm nhất thế mà phải thua
Thuý Kiều, vì vậy mà chúng đố kị, ghen ghét với nàng, Mượn cây lá thiên nhiên,
Nguyễn Du muốn dự báo và suy ngẫm về tương lai, cuộc đời Thuý Kiều: “Một vừa
hai phải ai ơi. Tài tình chi lắm cho trời đất ghen.” (ca dao). Đây được xem
như là một qui luật, định mệnh khắc nghiệt với con người, đặc biệt là người phụ
nữ: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.”
Thúy Kiều đã
vượt lên trên vẻ đẹp hoàn hảo của Thúy Vân, để trở thành cái đẹp tuyệt đích, có
một không hai! Như thế ta đã thấy rõ được tại sao khi tả Thuý Vân, Nguyễn Du tả
hết sức chi tiết, còn Thuý Kiều chỉ điểm qua từng chi tiết đặc biệt như đôi mắt
chẳng hạn. Vẻ đẹp của Thuý Kiều không thể tả rõ được, chỉ có thể hình dung đó
là một tuyệt thế giai nhân.
Một hai
nghiêng nước nghiêng thành.
Dùng ý thành
ngữ điển tích: “Nghiêng nước nghiêng thành”, Nguyễn Du nhấn mạnh hơn nữa
sắc đẹp có sức mê hoặc của nàng Kiều. Sắc đẹp đó có thể khiến người ta say mê đến
nỗi mất thành, mất nước. Vì vậy mà Nguyễn Du khẳng định lần nữa: Sắc đành
đòi một, tài đành hoạ hai. Câu thơ này muốn nói về sắc thì chỉ có một mình
Kiều là nhất, về tài thì may ra có người thứ hai.
Nàng Kiều của
Nguyễn Du không chỉ rạng rỡ về nhan sắc mà còn là người con gái có tài năng đạt
đến sự lí tưởng:
Thông minh
vốn sẵn tính trời
Pha nghề
thi hoạ đủ mùi ca ngâm
Cung thường
lầu bậc ngũ âm
Nghề riêng
ăn đứt hồ cầm một trương
Khúc nhà
tay lựa nên chương
Một thiên bạc
mệnh lại càng não nhân.
Với sáu câu
thơ ngắn gọn, Nguyễn Du đã có thể giải thích ý tài đành hoạ hai. Đã vốn được trời
ban cho một trí tuệ thông minh, sáng suốt lại có ý chí học hỏi, luyện tập thì tất
nhiên là khó có người vượt qua nổi. Thuý Kiều giỏi mọi lĩnh vực: hội hoạ,
thơ ca, ca ngâm,... nhưng lĩnh vực tài nhất và cũng là hợp với người con
gái dịu dàng, xinh đẹp như Kiều nhất là âm nhạc. Đây là sở trường hơn người của
Thuý Kiều.Tác giả đặc tả tài đàn là sở trường, năng khiếu; thông thạo âm luật “cung
thương lầu bậc ngũ âm”; các loại nhạc khí nàng cũng chơi hết sức diêu luyện,
tinh tường. “Làu bậc ngũ âm” là sự điêu luyện trong kĩ thuật chơi đàn.
Tiếng đàn của nàng Kiều không chỉ ngân lên những âm thanh huyền diệu mà còn nức
nở nhiều cung bậc cảm xúc. Mỗi nốt nhạc rung lên là mỗi tiếng ai oán, não nùng,
khổ đau, sầu thảm.
Không chỉ vậy,
nàng còn giỏi sáng tác nhạc. Cung đàn Bạc mệnh của Kiều là tiếng lòng của một
trái tim đa sầu đa cảm:
Khúc nhà
tay lựa nên chương
Một thiên bạc
mệnh lại càng não nhân.
Có thể soạn được
riêng cho mình một bản nhạc “bạc mệnh” là một bằng chứng cho cái tài về
đàn ca đó của Kiều. Ở xã hội phong kiến, nơi mà người phụ nữ không có cơ hội thể
hiện trí tuệ của mình, thế mà Thuý Kiều lại thể hiện được, đó là chuyện hiếm có
vô cùng. Cái khúc nhạc bạc mệnh mà Kiều tạo ra khiến ai nghe đều não lòng, sầu
khổ là cái thể hiện rõ ràng nhất. Ngoài ra, nó càng thể hiện sự hoà hợp giữa
tâm hồn nàng và âm nhạc, một tâm hồn đa cảm và những khúc nhạc buồn. Tài đàn có
sức chinh phục tuyệt đối của Kiều dựa trên sự rung cảm có tính sáng tạo của người
nghệ sĩ đứng trước mọi tình huống của cảnh giới và tâm giới!
Tả tài, Nguyễn
Du thể hiện được cả cái tình của Kiều. Chân dung Thuý Kiều là bức chân dung
mang tính cách và số phận. Vẻ đẹp khi cho tạo hoá phải ghen ghét, các vẻ đẹp
khác phải đố kị, tài hoa trí tuệ thiên bẩm “lai bậc” đủ mùi, cả cái tâm hồn đa
sầu đa cảm khiến Kiều không thể tránh khỏi định mệnh nghiệt ngã, số phận éo le,
gian khổ bởi “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. “Trời xanh quen thói mà hồng
đánh ghen”. Cuộc đời Kiều hẳn là cuộc đời hồng nhan bạc mệnh.
Trong đoạn
trích “Chị em Thuý Kiều”, Nguyễn Du sử dụng những hình ảnh đẹp nhất, những ngôn
từ hoa mĩ nhất để miêu tả vẻ đẹp con người, phù hợp với cảm hứng ngưỡng mộ, ngợi
ca giá trị con người. Tác giả còn dư cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh của Kiều.
Đó chính là cảm hứng nhân văn cao cả của Nguyễn Du xuất phát từ lòng đồng cảm
sâu sắc với mọi người.
Dồn hết tâm lực
vào tác phẩm, khắc họa cực điểm sắc đẹp và tài năng của nhân vật, phải chăng,
thiên tài Nguyễn Du muốn ca ngợi cái đẹp hoàn hảo của nhân dân, cái số phận bi
thương của người phụ nữ, cái khắc nghiệt của tạo hóa. Con người dẫu xinh đẹp và
tài năng đến mấy cũng không thể thoát khỏi cái định mệnh mà tạo hóa đã an bài. Ẩn
sau cái định mệnh là bóng dáng của chế độ phong kiến bất công, tàn bạo, đã chà
đạp lên nhân phẩm và quyền sống của con người, đẩy họ vào bước đường cùng không
lối thoát.