Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

DÀN Ý PHÂN TÍCH PHƯƠNG ĐỊNH TRONG TRUYỆN NGẮN NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI LÊ MINH KHUÊ

DÀN Ý PHÂN TÍCH PHƯƠNG ĐỊNH TRONG TRUYỆN NGẮN NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI LÊ MINH KHUÊ

A. Mở bài

- Lê Minh Khuê nhà văn nữ chuyên viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ nơi tuyến đường Trường Sơn trong những năm chống Mĩ.

- Những ngôi sao xa xôi nổi bật hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn - gan góc, quả cảm, lạc quan, yêu đời, có tinh thần trách nhiệm cao.

- Phương Định - nhân vật chính và cũng là người kể chuyện - đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi lòng quả cảm, không sợ hi sinh mất mát, một lòng một dạ vì tổ quốc quyết tử.

(Lê Minh Khuê được đánh giá là cây bút độc đáo với những tác phẩm truyện ngắn. Ngòi bút của nhà văn luôn hướng về cuộc sống chiến đấu trong bom đạn của tuổi trẻ trong thời kỳ bấy giờ, đặc biệt là những người anh hùng thầm lặng trên tuyến đường Trường Sơn. Những ngôi sao xa xôi cũng là một trong những tác phẩm điển hình của nhà văn về đề tài này. Tác phẩm ngợi ca tinh thần dũng cảm của những cô gái thanh niên xung phong – tiêu biểu cho thế hệ trẻ trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ đầy bom đạn, đồng thời cũng thể hiện vẻ đẹp trong sáng cùng với tình đồng đội thắm thiết của những cô gái trẻ, điển hình là nhân vật Phương Định.)

B. Thân bài

1. Khái quát hoặc Tóm tắt

- Tác phẩm nói về 3 cô gái thanh niên xung phong ở tổ trinh sát mặt đường là Phương Định, Nho và chị Thao, với nhiệm vụ chính là phá bom, công việc vô cùng gian nan, vất vả, nhưng ở các cô gái vẫn hiện lên vẻ đẹp của người thanh niên trẻ nhiệt huyết, lạc quan và yêu đời.

- Tác phẩm ca ngợi những con người đã đóng góp thầm lặng vào cuộc kháng chiến của dân tộc, đồng thời cũng đề cao tinh thần đồng đội, tinh thần yêu nước.

(Truyện kể về nhóm nữ trinh sát mặt đường gồm Thao, Nho và Phương Định. Công việc của họ cực kỳ nguy hiểm và có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Đó là quan sát máy bay thả bom của giặc, đo đất đá, san lấp hố bom, kiểm tra những quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc nguy hiểm là thế nhưng họ vẫn luôn yêu đời, hồn nhiên, thích ca hát, tâm hồn mơ mộng, đặc biệt là nhân vật Phương Định. Họ luôn gắn bó, yêu thương nhau như chị em dù cho tính nết mỗi người mỗi khác. Cơn mưa đá ở cuối chuyện để lại trong lòng Phương Định bao xuyến xao, hoài niệm.)

2. Phân tích

a. Hoàn cảnh sống và chiến đấu

- Phương Định cùng Nho và Thao – những cô gái thanh niên xung phong sống trên cao điểm giữa mênh mông khói bụi Trường Sơn và bom đạn hủy diệt của kẻ thù.

+ với những chi tiết “đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh, chỉ có những thân cây bị tước khô cháy”. Chỉ rõ hiện thực chiến tranh không có màu xanh của sự sống và chỉ thấy thần chết luôn rình rập đã nói lên hoàn cảnh sống và chiến đấu của những cô gái khốc liệt đến nhường nào.

- Công việc của chị và đồng đội trong tổ trinh sát mặt đường là “đo khối lượng đất lấp và hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom” để bảo vệ con đường cho những đoàn xe băng về phía trước, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Công việc thật vinh quang nhưng cũng đầy hi sinh gian khổ. Nhưng chính hoàn cảnh gian khó, hiểm nguy này đã làm sáng lên những phẩm chất đáng quý của chị.

b. Vẻ đẹp của nhân vật Phương Định: Ở Phương Định – cô gái ấy đã ngời sáng lên vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cũng như vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

* Lí tưởng sống cao đẹp, tinh thần dũng cảm, không sợ gian khổ, hi sinh:

- Xuất thân là cô gái Hà Thành không quen làm nhiệm vụ ở chiến trường nhưng Phương Định lại xung phong sống và làm việc ở cao điểm giữa vùng trọng tuyến trên tuyến đường Trường Sơn.

-  Công việc phá bom đầy nguy hiểm và phải luôn đối mặt với thần chết được cô kể với giọng điệu bình thản, pha sự hóm hỉnh: “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần”. Thật là biết đùa trước gian khó.

+ Hi sinh mất mát của bản thân cũng được Phương Định coi hết sức nhẹ nhàng: “Tôi bây giờ vẫn còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi. Tất nhiên Tôi không vào viện quân y”.

+ Cuộc sống nơi chiến trường cũng hết sức gian khổ, khó khăn thiếu thốn đủ bề nhưng họ không hề than trách mà luôn sẵn lòng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

- Cô đã quen với công việc và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, hành động phá bom thuần thục, chuẩn xác. Tâm lí Phương Định trong một lần phá bom được miêu tả rất cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác.

+ Không khí chứa đầy sự căng thẳng, khung cảnh chiến trường tàn khốc nhưng Phương Định lại có những tâm lý rất lạc quan và đầy nữ tính của con gái: “Tôi đến gần quả bom… tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đường hoàng mà bước tới”.

+ Sự bình tĩnh tự tin với hành động dứt khoát, nhanh gọn khi phá bom: Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành.”

+ Trong giây phút căng thẳng chờ đợi tiếng nổ của quả bom. Phương Định có nghĩ đến cái chết nhưng là “một cái chết mờ nhạt, không cụ thể”, còn cái chính vẫn là: “liệu mìn có nổ, bom có nổ không?”. Đây là một trách nhiệm rất cao trong công việc, là lòng dũng cảm vô song.

=> Chính những phút giây ấy đã làm con người đẹp đẽ lạ thường. Nó làm nổi bật những phẩm chất tốt đẹp của người lính, lòng quả cảm, tinh thần yêu nước nồng nàn, ý thức trách nhiệm đối với công việc, với đồng đội.

* Phương Định còn là một cô gái trẻ có tinh thần lạc quan, yêu đời

- Cô sống đời thường với nụ cười hồn nhiên, tươi tắn, với những lời ca câu hát mượt mà, trong trẻo, với những suy nghĩ, những ước mơ lãng mạn, bay bổng.

+ Sau những giây phút căng thẳng ở cao điểm, xong việc là thích nằm dài trên nền ẩm, lười biếng nheo mắt nghe ca nhạc từ cái đài bán dẫn nhỏ, có thể nghe, có thể nghĩ ngợi lung tung…

+ Phương Định mê hát và thích nhiều bài hát. Phương Định còn bịa ra lời mà hát, ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát. Tiếng hát của Phương Định mang lý tưởng sống, khát khao về quê hương về tình yêu tuổi trẻ, khát vọng sự thanh bình…

-  Phương Định là một cô gái xinh đẹp, đoan trang, đài các và có một chút gì đó rất kiêu kì, rất đặc trưng của người con gái Hà Nội.

+ Cô cũng luôn ý thức về vẻ đẹp của bản thân mình và tự nhận mình là một “cô gái khá” với “hai bím tóc dày tương đối mềm”, “cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”, “đôi mắt nâu dài” và “có cái nhìn sao mà xa xăm”

+ Phương Định rất nhạy cảm. Biết mình đẹp cô thích ngắm mình trong gương, có chút kiêu ngầm khi biết mình được các anh pháo thủ và lái xe thăm hỏi.

- Chỉ một cơn mưa đá mà bao ngột ngạt, căng thẳng, hiểm nguy của chiến trường tan biến, để nhường chỗ cho niềm vui con trẻ òa nở. Những hồi ức ấy đã trở thành điểm tựa tinh thần, là nơi dựa vững chắc, để tiếp thêm sức mạnh cho cô thanh niên xung phong đi qua những thử thách, những hiểm nguy của cuộc sống nơi chiến trường.

* Tình đồng chí, đồng đội nồng ấm:

- Cô luôn yêu thương trìu mến và quan tâm đến đồng đội. Cô, Nho và chị Thao như chị em ruột thịt với biết bao tình cảm, với sự gắn bó yêu thương.

+ Cô lo lắng sốt ruột cho chị Thao và Nho lên cao điểm đi làm nhiệm vụ chưa về.

+ Cô nhận ra nét đẹp ở những người bạn nơi chiến tuyến, như Nho có vẻ đẹp dễ thương “nhẹ, mát như một que kem trắng”, như chị Thao sợ máu và vắt nhưng khi chiến đấu lại rất dũng cảm

+  Cô còn hiểu và đồng cảm với tâm trạng của chị Thao khi nho bị thương.

+ Khi Nho bị thương, Phương Định đã rửa cho Nho bằng nước đun sôi, tiêm cho em và chăm sóc em như một người y tá thành thục mọi thao tác và hết lòng vì công việc.

- Cô dành tình yêu và niềm cảm phục cho tất cả những chiến sĩ mà cô gặp ngày đêm trên con đường ra mặt trận. Với cô “những người đẹp nhất, thông minh, cam đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ”.

3. Đánh giá:

- Chọn được những phương thức trần thuật hợp lí khi nhà văn đặt điểm nhìn vào nhân vật chính của mình để nhân vật tự kể chuyện. Nhờ vậy, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật – tâm lí Phương Định đạt đến độ tinh tế nhất.

- Ngôn ngữ trần thuật qua nhân vật chính làm cho tác phẩm có giọng điệu, ngôn ngữ tự nhiên gần với khẩu ngữ, trẻ trung, nữ tính.

- Tất cả góp phần tạo nên một nhân vật chính- một Phương Định thật như ở ngoài đời và một Phương Định rất Hà Nội.

(Nghệ thuật trần thuật theo ngôi thứ nhất làm cho câu chuyện trở nên chân thật, sống động đến từng chi tiết. Nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lý nhân vật sắc sảo, vốn sống sự am hiểu sâu sắc của tác giả về cuộc sống của những người lính ở chiến trường. Hình ảnh nhân vật Phương Định là đại diện sinh động cho tuổi trẻ Việt Nam yêu nước. Lê Minh Khuê đã khắc họa thành công hình ảnh người nữ thanh niên xung phong giàu lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hi sinh mình vì nghĩa lớn.)

3. Kết bài:

- Truyện "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê đã làm sống lại trong lòng ta hình ảnh tuyệt đẹp và những chiến công phi thường của tổ trinh sát mặt đường, của Định, Nho, của chị Thao, của hàng ngàn, hàng vạn cô thanh niên xung phong thời chống Mĩ.

(Chiến tranh đã lùi xa, nhưng khi đọc lại tác phẩm Những ngôi sao xa xôi, người đọc như được sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc. Nhân vật Phương Định mang những nét đẹp tiêu biểu cho biết bao chàng trai và cô gái thanh niên xung phong trong những năm tháng chống Mỹ oanh liệt. Nhân vật Phương Định và các cô thanh niên xung phong đã tiếp thêm cho ta sức mạnh và động lực để viết tiếp nên những nét son trong trang sử của thời đại mình.)