Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

DÀN Ý PHÂN TÍCH VŨ NƯƠNG TRONG CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG CỦA NGUYỄN DỮ

DÀN Ý PHÂN TÍCH VŨ NƯƠNG TRONG CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG CỦA NGUYỄN DỮ

A. Mở bài

- Nguyễn Dữ là một trong những cây bút văn xuôi xuất sắc nhất của văn học trung đại Việt Nam thế kỉ XVI.

- Chuyện người con gái Nam Xương trích trong Truyền kì mạn lục là một trong những truyện tiêu biểu cho cảm hứng nhân văn của Nguyễn Dữ.

- Vũ Nương người con gái thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp, người vợ hiền con thảo nhưng bị hàm oan phải tự tử để bảo vệ danh tiết.

(Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội xưa là đề tài của rất nhiều các tác phẩm văn học trung đại và đó cũng là nguồn cảm hứng trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Dữ. Tên tuổi của ông gắn liền với tập truyện “Truyền kì mạn lục” được ví như “thiên cổ kỳ bút”, áng văn xuôi tự sự hay nhất nhì trong giai đoạn thế kỉ XVI. Mà tiêu biểu nhất là “Chuyện người con gái Nam Xương” với sự thành công khi khắc họa vẻ đẹp nhân cách nhân vật Vũ Nương thông qua bi kịch cuộc đời của chính người phụ nữ này.)

B. Thân bài

1. Khái quát

- Đọc “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ ta thương nàng Vũ Thị Thiết đã chịu đựng nỗi đau oan khuất.

- Hình ảnh nàng Vũ Nương là đại diện cho người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến có truyền thống tốt đẹp về đạo đức, phẩm chất nhưng vẫn phải chịu đau khổ số phận bất hạnh.

(Tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” dựa trên chuyện kể “Vợ chàng Trương” với nhân vật chính là Vũ Nương. Cô là một người phụ nữ đức hạnh, khao khát trong mình một cuộc sống yên bình, hạnh phúc nhưng lại bị lâm vào thảm kịch cuộc đời là người chồng nghi ngờ, vu oan là không giữ đạo làm vợ. Nàng đã tìm hết cách này đến cách khác để chứng minh, giãi bày nhưng tất cả vô nghĩa. Không còn cách nào khác, Vũ Nương đã chọn con đường tự kết liễu đời mình rửa oan cho chính mình. Nhân vật Vũ Nương giúp ta thấy được thân phận nhỏ bé nhiều bất hạnh không chỉ của Vũ Nương mà còn biết bao người phụ nữ trong xã hội phong kiến nam quyền nhiều bất công.)

2. Phân tích

a. Vũ Nương là người phụ nữ có nhiều phẩm chất tốt đẹp

- Trước khi lấy chồng: là một người con gái “tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp Vẻ đẹp chuẩn mực, người phụ nữ tài sắc vẹn toàn.

+ Chính vì đức hạnh Nàng được Trương Sinh cưới hỏi. Nàng được trân trọng không vì gia cảnh vẻ ngoài mà chính bởi phẩm chất của nàng.

*  Vũ Nương là người phụ nữ thuỷ chung, son sắt:

- Trong cuộc sống vợ chồng, biết Trương Sinh vốn có tính đa nghi, nên nàng luôn “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa” => một người vợ hiền thục, khôn khéo, nết na đúng mực.

- Khi chồng đi lính, Vũ Nương rót chén rượu đầy, dặn dò chồng những lời tình nghĩa, đằm thắm, thiết tha: “Chàng đi chuyến này, thiếp cũng chẳng dám mong được đeo ấn phong hầu, hay mặc áo gấm trở về quê, chỉ xin ngày chàng về mang theo được hai chữ bình yên, như thế là đủ rồi”.

+ Lời lẽ dịu dàng, ân cần nàng ước mong thật bình dị mong chồng bình yên => chứng tỏ nàng luôn coi trọng hạnh phúc gia đình.

+ Nàng cảm thông trước những nỗi vất vả gian lao mà chồng sẽ phải chịu đựng khi chinh chiến.

+ Qua lời nói dịu dàng, nàng cũng bộc lộ nỗi khắc khoải nhớ chồng của mình.

=> Trái tim ấy giàu lòng yêu thương, biết chịu đựng những thử thách, biết đợi chờ để yên lòng người đi xa, thật đáng trân trọng biết bao!

- Khi xa chồng, Vũ Nương ngày ngày đợi chờ, ngóng trông đến thổn thức. Mỗi lần thấy "bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi" nàng lại cảm thấy "thổn thức tâm tình", nhớ thương chồng nơi biên ải xã xôi. Nỗi nhớ thương dài theo năm tháng, nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được.

+ Giữ trọn tấm lòng thủy chung, son sắt. Ba năm chia cắt thì nàng luôn giữ gìn một tiết, không màng “tô son điểm phấn”.

=> Tâm trạng cô đơn, khắc khoải, nỗi nhớ thương da diết

=> Thể hiện tâm trạng ấy, Nguyễn Dữ vừa cảm thông với nỗi đau khổ của Vũ Nương, vừa ca ngợi tấm lòng thủy chung, thương nhớ đợi chờ chồng của nàng.

- Khi hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ: ra sức cứu vãn, hàn gắn

+ Nàng đau khổ, khóc lóc bày tỏ nỗi oan với chồng nhưng chồng vẫn không nghe còn mắng nhiếc, đánh và đuổi nàng đi. Nàng ra sức giữ gìn, hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ.

+ Không thể thanh minh được, nàng tìm đến cái chết để tỏ bày nỗi oan ức của mình.

- Khi sống dưới thủy cung: vẫn không nguôi nỗi thương nhớ chồng con.

+ Ở thuỷ cung, nàng vẫn nhớ quê hương, có ngày tất phải tìm về.

+ Tìm về là để giải bày nỗi oan với chồng, với mọi người.

+ Nhưng nàng không thể trở về với nhân gian được nữa.

=> Nàng thực sự rất trân trọng hạnh phúc gia đình mà mình có và khát khát hướng tới hạnh phúc gia đình ấm êm.

* Vũ Nương còn là người con dâu hiếu thảo, một người mẹ đảm đang, yêu thương con hết mực

- Trong ba năm chồng đi lính, một mình nàng nuôi dạy con thơ, phụng dưỡng mẹ chồng.

+ Tuy tác giả không miêu tả trực tiếp nhưng ta có thể hiểu được Vũ Nương đã vất vả thế nào khi một mình quán xuyến mọi việc trong gia đình.

+ Tuy vất vả cực nhọc là thế nhưng nàng vẫn chưa bao giờ oán than một lần.

- Với mẹ chồng, nàng là một cô con dâu hiếu thảo:

+ Khi bà ốm nàng đã thuốc thang lễ bái thần phật và lấy những lời khôn khéo để khuyên răn để bà vơi bớt nỗi nhớ thương con.

+ Đến khi bà mất, nàng đã hết lời thương xót, ma chay tế lễ cẩn trọng hệt như với cha mẹ đẻ của mình.

+ Lời trăng trối của người mẹ trước lúc chết thể hiện sự yêu thương, trân trọng đối với con dâu: "Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ".

- Với con thơ, nàng hết sức yêu thương, chăm chút:

+ Chi tiết nàng chỉ bóng mình trên vách và bảo đó là cha Đản cũng xuất phát từ tấm lòng của người mẹ, để con trai mình bớt đi cảm giác thiếu vắng tình cảm của người cha.

=> Nguyễn Dữ đã dành cho nhân vật một thái độ yêu mến, trân trọng qua từng trang truyện, từ đó khắc họa thành công hình tượng người phụ nữ với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp.

b. Số phận oan nghiệt, bất hạnh:

- Là nạn nhân của chế độ nam quyền, một xã hội mà hôn nhân không có tình yêu và tự do: Trương Sinh xin mẹ trăm lạng vàng để cưới Vũ Nương.

- Là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa:

+ Nàng lấy Trương Sinh, cuộc sống vợ chồng hạnh phúc kéo dài chưa được bao lâu thì chàng phải đi lính để lại mình Vũ Nương với mẹ già và đứa con còn chưa ra đời.

+ Suốt ba năm, nàng phải gánh vác trọng trách gia đình thay chồng.

+ Chiến tranh đã làm xa cách, tạo điều kiện cho sự hiểu lầm nảy sinh. Đó cũng là ngòi nổ cho thói hay ghen, đa nghi của Trương Sinh nảy nở, phát triển, dẫn đến cái chết oan uổng của Vũ Nương.

- Đỉnh điểm của bi kịch là khi gia đình tan vỡ, Vũ Nương phải tìm đến cái chết:

+ Nghe lời ngây thơ của con trẻ, Trương sinh đã nghi oan cho vợ, mắng nhiếc, đánh đuổi nàng đi bất chấp lời van xin khóc lóc của nàng và lời biện bạch của hàng xóm.

- Bế tắc, Vũ Nương đã phải tìm đến cái chết để giải nỗi oan ức, bảo toàn danh dự của mình.

- Cái kết thúc tưởng là có hậu nhưng thực chất chỉ đậm tô thêm tính chất bi kịch của cuộc đời Vũ Nương. Giây phút trở về, nàng vẫn phải trở về chốn thủy cung, gia đình li tán. Hạnh phúc lớn nhất đời người đàn bà ấy là được sum họp bên chồng bên con nhưng cuối cùng vẫn không đạt được.

=> Cuộc đời của Vũ Nương chính là tiếng nói tố cáo xã hội phong kiến bất công phi lí đương thời chà đạp lên hạnh phúc của con người.

3. Đánh giá

- Nghệ thuật kể truyện độc đáo, xen lẫn giữa hiện thực và kì ảo, giữa tình tiết đời thường với sự sáng tạo của nhà văn. Cách dẫn dắt khéo léo, tăng tính bi kịch, lời thoại và lời tự bạch khắc họa sâu thêm tính cách nhân vật, các yếu tố kì ảo, kết hợp tự sự với trữ tình.

- Nguyễn Dữ đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Vũ Nương – người đại diện cho bi kịch bất hạnh của người phụ nữ.

(Bằng nghệ thuật kể truyện độc đáo, xen lẫn giữa hiện thực và kì ảo, giữa tình tiết đời thường với sự sáng tạo của nhà văn, Nguyễn Dữ đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Vũ Nương – người đại diện cho bi kịch bất hạnh của người phụ nữ. Thông qua số phận cuộc đời đầy nước mắt của nàng, nhà văn đã mạnh dạn lên án, tố cáo một xã hội bạo tàn, phi nhân, tồn tại với rất nhiều những bất công ngang trái, dồn đẩy người phụ nữ vào đường cùng không lối thoát. Đồng thời qua câu chuyện, nhà văn đã lên tiếng đòi lại sự công bằng, hạnh phúc cho những người phụ nữ đương thời, khẳng định, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp vốn có của họ.)

C. Kết bài

- Vũ Nương tiêu biểu cho số phận bi thảm của người phụ nữ trong xã hội cũ. Nhân vật Vũ Nương để lại trong lòng người đọc nỗi cảm thương sâu sắc.

- Thông điệp, ý nghĩa, giá trị của truyện và hình tượng Vũ Nương mãi mãi còn vang vọng đến ngày hôm nay và mãi mãi mai sau.

(Tác phẩm đã kết thúc nhưng vẫn để lại cho người đọc nhiều suy nghĩ. Có lẽ tất cả chúng ta đều tiếc nuối đau xót cho Vũ Nương người con gái với tấm lòng trinh bạch nhưng lại bất lực trước xã hội đầy định kiến. Chuyện người con gái Nam Xương đã để lại nhiều nghĩ suy, day dứt, đầy thương cảm cho thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.)