Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

DÀN Ý PHÂN TÍCH BÀI THƠ ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ CỦA HUY CẬN

DÀN Ý  PHÂN TÍCH BÀI THƠ ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ CỦA HUY CẬN

A. MỞ BÀI

- Huy Cận nổi tiếng trong phong trào thơ mới, có nhiều tác phẩm hay để lại cho nền thi ca Việt Nam. Ông hay viết về thiên nhiên và vũ trụ. Trước cách mạng thơ ông phảng phất buồn nhưng sau cách mạng hồn thơ Huy Cận trở nên ấm nóng, tươi vui

- “Đoàn thuyền đánh cá” là bài thơ tiêu biểu của ông, phản ánh không khí lao động sôi nổi của nhân dân miền Bắc trong xây dựng hòa bình.

- Bài thơ là khúc tráng ca ca ngợi tinh thần lao động phấn khởi và hăng say của những người dân chài trên vùng biển quê hương.

(Nhắc đến Huy Cận, người ta liên tưởng ngay đến nhà thơ của vũ trụ, của thiên nhiên. Thơ của ông trước Cách mạng tháng tám thướng thấm đẫm nỗi buồn. Sau những ngày hòa bình được lặp lại trên miền Bắc, cũng cảm hứng lãng mạn nhưng thơ của Huy Cận không xa rời với thực tế mà gắn liền với cuộc sống hiện thực. Cái nhìn của thi sĩ về thiên nhiên bỗng trở nên ấm áp và tràn đầy niềm tin yêu vào con người. “Đoàn thuyền đánh cá” được viết năm 1958 nhân chuyến đi thực tế ở Hồng Gai là một bằng chứng.Bài thơ đã khắc họa cảnh tượng đoàn thuyền đánh cá làm việc cật lực trong đêm tối để từ đó tác giả kín đáo bộc lộ thái độ ngợi ca sự giàu đẹp của biển quê hương và vẻ đẹp của những người lao động mới.)

B. THÂN BÀI

1. Khái quát:

- Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá viết về vùng biển Quảng Ninh vào năm 1958 – thời kì miền Bắc giành được độc lập, tập trung xây dựng kinh tế.

- Bài thơ trở thành khúc tráng ca khi nhịp điệu cộng với sự xuất hiện nhiều từ “hát” giống như khúc ca hào hùng về lao động.

- Cảm hứng trữ tình được diễn tả theo mạch thời gian: hoàng hôn - đêm trăng - bình minh. Cảnh bình minh như một biểu tượng mang ý nghĩa: một thời đại huy hoàng đang mở ra phía trước, cuộc sống cần lao của nhân dân ta đang nở hoa.

(Có thể nói khung cảnh miền Bắc đang cuộn chảy theo dòng thác xây dựng chủ nghĩa xã hội và hình ảnh những con người lao động mới là nguồn cảm hứng dạt dào trong những sáng tác của thi sĩ Huy Cận.Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá là khúc tráng ca khi nhịp điệu cộng với sự xuất hiện nhiều từ “hát” giống như khúc ca hào hùng về lao động. Bài thơ đã qua việc khắc họa sự giàu đẹp của biển quê hương và cảnh tượng đoàn thuyền đánh cá làm việc cật lực trong đêm tối.)

2. Phân tích:

a. Khổ 1: Con người hăng say, miệt mài lao động không quản ngày đêm làm giàu cho quê hương, đất nước

- Thời gian lao động đặc biệt, không gian thiên nhiên hùng vĩ. (2 câu thơ đầu)

+ Thời gian: Hoàng hôn. Sự vận động của thời gian được diễn tả qua các động từ "xuống biển", "cài then", "sập cửa".

+ Cảnh biển vào đêm đẹp, kì vĩ, tráng lệ như thần thoại đồng thời gợi được sự thân quen gần gũi như ngôi nhà đối với người dân chài lưới.

_ Phép so sánh “mặt trời xuống biển” ví như “hòn lửa” cho thấy màu sắc đỏ rực và hình dạng tròn đầy của mặt trời. Gợi nên một bức tranh thiên nhiên kì vĩ, tráng lệ.

+ Nhà thơ liên tưởng vũ trụ như ngôi nhà lớn với màn đêm là cánh cửa còn sóng biển là then cài. Bóng đêm "sập cửa"gợi khoảnh khắc ánh ngày vụt tắt và màn đêm bất ngờ buông xuống, bao trùm lên tất cả.

 Không gian hùng vĩ, có chút bí ẩn của đêm tối. Vũ trụ rộng lớn, mênh mông, kì vĩ mà vẫn gắn gũi, ấm áp như ngôi nhà của con người vậy!

- Trong không gian đó, con người hiện lên với vẻ đẹp yêu đời, khỏe khoắn, hăng say. (2 câu thơ sau)

+ Người dân chài ra khơi theo một tập thể- “Đoàn thuyền” - một sức mạnh mới của cuộc đời đổi thay.

+ Từ "lại” trong ý thơ "lại ra khơi" đã gợi ra vòng tuần hoàn trong hoạt động của những người dân biển, gợi nhịp sống thanh bình của quê hương, đất nước.

+ Sự kết hợp giữa "câu hát""gió khơi" đã tạo nên sức mạnh lớn đưa con thuyền mạnh mẽ vượt sóng ra khơi. Cảnh ra khơi đánh cá với khí thế phơi phới và niềm vui đang chinh phục biển cả.

+ Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “câu hát căng buồm” tái hiện vẻ đẹp tâm hồn và niềm vui trong lao động của người dân chài. Biểu trưng cho tâm hồn lạc quan, niềm vui và sức mạnh của con người lao động.

Dù đối mặt với màn đêm, biển cả rộng lớn nhưng ngư dân vẫn ca hát, hào hứng ra khơi, thể hiện sự hi vọng vào một chuyến ra khơi bội thu.

b. Khổ 2: Câu hát phấn khởi, say mê với công việc với niềm hi vọng đánh nhiều cá và sự tự hào về sự giàu có của biển.

- Liệt kê hình ảnh các loài cá: “Cá bạc, cá thu” gợi sự giàu có, trù phú của biển cả. Biển Đông có rất nhiều cá và đang chờ mọi người tới khai thác.

- So sánh “Cá thu biển đông như đoàn thoi” – từng đàn cá lao trên mặt biển như đoàn thoi mang ánh sáng lấp lánh dệt muôn luồng sáng trên tấm thảm biển.

- Ẩn dụ, nhân hóa “đêm ngày dệt biển” tạo ra nhiều sắc màu chuyển động, tràn ngập niềm say mê, phấn khởi trước sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng cho người dân chài.

- Tiếng hát gọi cá vào đầy trìu mến “Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!" vừa là lời gọi vừa là niềm mong ước đánh được nhiều cá, thể hiện niềm hăng say lao động và tấm lòng trân trọng biển cả của những người con đất biển!

- Từ “ta” diễn tả tâm thế tự hào trước biển cả bao la.

- Vần "ơi" kết hợp với dấu chấm cảm ở câu thơ cuối khiến cho hình ảnh của những đàn cá hiện lên thật sinh động, thật gần gũi, thân thiết với con người.

=> Cảnh ra khơi huy hoàng đầy khí thế đầy hứa hẹn.

c. Khổ 3: Cảnh đánh cá trên biển trong đêm trăng với niềm vui phấn khởi của con người lao động thật hào hùng, mạnh mẽ và đầy chất thơ, chất họa. Người dân ra khơi với tư thế tầm vóc lớn lao.

- Sự hình dung và tưởng tượng bay bổng: người lái thì là gió trời; cánh buồm thì là vầng trăng và con thuyền đang bay giữa không trung (lướt giữa mây cao) có thể chạm vào mây trời. Hình ảnh con thuyền đánh cá hiện lên thật đẹp, thật độc đáo, mang tầm vóc vũ trụ như. Thiên nhiên hòa hợp cùng con người lao động.

- Chữ “lướt” đặc tả đoàn thuyền ra khơi với vận tốc nhanh.

- Nhịp thơ hối hả, lôi cuốn.Các động từ được sử dụng dày đặc: “lái - lướt - đậu - dò - dàn đan - vây giăng” có tác dụng diễn tả hành động đánh cá rất nhanh, rất khẩn trương của những đoàn thuyền đánh cá trên biển.

- Không khí lao động đang trở nên hứng khởi “Ra đậu dặm xa dò bụng biển”- mặc đêm tối, mặc gió khơi người dân chài vẫn ra khơi dò luồng cá trong lòng biển.

- Hình ảnh: “dàn đan thế trận” là một hình ảnh ẩn dụ cho hành động đánh cá của ngư dân. Đánh cá nhưng cũng cần phải bày binh bố trận, có chiến thuật, chiến lược thì mới có thể bắt được nhiều tôm cá.

- Những hình ảnh “dò bụng biển, dàn đan thế trận” như chứa đựng tất cả sự vất vả, hiểm nguy của những con người gắn bó cuộc đời mình với ngư trường với biển cả.

=> Ngư dân làm việc với tinh thần dũng cảm, hăng say và trí tuệ nghề nghiệp với một tâm hồn phơi phới của người làm chủ thiên nhiên, vũ trụ.

d. Khổ 4: Bức tranh lao động được tô điểm bằng vẻ đẹp của thiên nhiên. Cái nhìn của nhà thơ đối với biển cả và cá cũng có nhiều sáng tạo bất ngờ và độc đáo:

- Nhà thơ đã liệt kê những loài cá quý của biển: cá nhụ, cá chim, cá đé cho thấy sự phong phú và quý giá của biển.

- Nhân hóa “Cái đuôi em quẫy” kết hợp với các tính từ chỉ màu sắc: lấp lánh, đen hồng, vàng chóe làm cho lời thơ thêm sinh động, góp phần làm cho biển thơ mộng vô cùng.

- Cái “quẫy đuôi” làm cho bức tranh thật sinh động. Biển về đêm không tĩnh lặng mà tràn ngập sức sống, tràn ngập sắc màu.

- Nhà thơ gọi cá bằng một cách gọi rất dịu dàng- “em” ẩn chứa sự yêu mến với cá và biển cả quê hương. Cá không còn là đối tượng để đánh bắt mà là đối tượng để con người chinh phục.

- Cảnh đẹp không chỉ ở màu sắc, ánh sáng mà còn có âm thanh của tiếng sóng, tiếng thở:

+ Hình ảnh nhân hóa vô cùng độc đáo “Đêm thở sao lùa nước Hạ Long”: Màn đêm trước biển như một sinh mệnh. Biển trở nên xinh đẹp, lôi cuốn...

Phải có đôi mắt tinh tế, ánh nhìn sâu đậm, Huy Cận mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, của biển trời Việt Nam.

e. Khổ 5: Tinh thần lao động hăng say và lòng biết ơn biển.

- Đại từ “ta” một lần nữa lại vang lên đầy tự hào kiêu hãnh.

- “Ta hát bài ca gọi cá vào”: Người dân chài đã biến công việc nặng nhọc thành bài ca vui tươi. Tiếng hát của ngư dân trở thành giai điệu lao động đầy lạc quan, yêu đời. Bút pháp lãng mạn khi miêu tả giúp cho công việc đánh cá đêm trở nên thơ mộng.

-  Nghệ thuật nhân hóa "gõ thuyền" như phụ họa trong giai điệu câu hát, thiên nhiên cùng với con người gõ nhịp tình yêu cuộc sống - nhiệt tình lao động xây dựng cuộc sống.

- Nghệ thuật nhân hóa kết hợp so sánh “biển cho ta cá như lòng mẹ…” thể hiện nguồn tài nguyên vô tận của thiên nhiên Việt Nam - biển Đông Việt Nam.

+ Biển - người mẹ vĩ đại, đã nuôi lớn những ngư dân bằng chất mặn mà của muối, của cá tôm... Biển rất ân tình.

+ So sánh biển với lòng mẹ để nói lên lòng tự hào của dân chài đối với biển quê hương.

=> Câu thơ là khúc tâm tình thiết tha với biển thân yêu, là lời cảm ơn biển, biển vừa bao la mà lại trĩu nặng yêu thương.

g. Khổ 6: Cảnh thu hoạch cá với tiếng hát niềm vui thắng lợi

- Giờ đây đêm đã tàn “sao mờ”, ánh sao đêm báo hiệu cho trời sắp sáng. Không gian và thời gian ấy như thôi thúc người lao động làm việc nhanh gấp cho “kịp trời sáng”.

- Cảnh kéo lưới được miêu tả đầy ấn tượng. Những cánh tay rắn chắc kéo lưới "xoăn tay". "Kéo xoăn tay" là một hình ảnh đặc tả động tác kéo lưới rất căng, khỏe và đẹp,thái độ làm việc cật lực của những người ngư dân.

- "Chùm cá nặng" là một hình ảnh ẩn dụ gợi tả niềm vui tươi, sảng khoái được mùa cá. Khoang thuyền đầy ắp cá.

- Những “vẩy bạc đuôi vàng” của cá tô điểm cho cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, góp ánh sáng cho buổi rạng đông đồng thời cũng biểu hiện tâm hồn tạng rỡ hân hoan của con người của biển. Sắc cá dưới ánh trăng và sắc cá dưới ánh rạng đông đều được miêu tả thật tuyệt đẹp.

- Nhịp thơ nhanh gọn, tác giả đã khắc họa rõ những thao tác nhịp nhàng, thành thạo.

- Màu “nắng hồng” chính là vẻ đẹp của bầu trời hay đó là màu hồng của một ngày mới, một cuộc đời mới.

Rạng đông đến không chỉ từ mặt trời mà còn từ thành quả lao động của con người. Đồng thời cũng biểu hiện tâm hồn tạng rỡ hân hoan của con người của biển.

h. Khổ 7: Đoàn thuyền trở về trong buổi bình minh đẹp trời, con người lại trở về trong tiếng hát, trong khung cảnh buồm căng gió lộng - tiếng hát thắng lợi hân hoan.

- Tác giả sử dụng “với” (Câu hát căng buồm với gió khơi) miêu tả niềm vui phơi phới của hững người dân chài trở về trên những con thuyền đầy ắp cá. Câu hát lúc trở về say sưa hơn bao giờ hết, vì một đêm lao động vất vả đã được đề đáp một cách xứng đáng

- Hình ảnh nhân hóa: con thuyền thành một sinh thể sống chạy đua được với thời gian gợi cả thiên nhiên và con người đều hân hoan đón chào ngày mới.

+ Tác giả miêu tả “đoàn thuyền” cũng chính là con người đang khẩn trương “chạy đua cùng mặt trời”, tranh chấp với thời gian để tạo ra thành quả lao động xây dựng cuộc sống mới.

- Cảnh “mặt trời đội biển nhô màu mới” thật hùng vĩ.

+ Hình ảnh “đội biển” là một nét sáng tạo độc đáo. Hình ảnh “màu mới” của không gian cũng gợi cho ta nhiều liên tưởng. Cái “mới” đâu chỉ của thời gian mà cái mới trong cuộc đời lao động, lao động cho chính bản thân mình, cho tập thể, vì thế trong câu thơ niềm vui cứ dâng đầy.

- Câu thơ "Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi” là một câu thơ hay. Câu thơ vừa tả cảnh biển tráng lệ lúc rạng đông, vừa cảm xúc, suy nghĩ về mùa cá đẹp, về cuộc sống tương lai.

- Từ láy “huy hoàng” gợi ánh sáng huy hoàng của niềm vui niềm tin vào một cuộc đời tốt đẹp.

Vẻ đẹp của con người, thiên nhiên hòa hợp nhuần nhuyễn thành vẻ đẹp thực sự tráng lệ.

3. Đánh giá

- Thành công của bài thơ: hình ảnh thơ đẹp, xây dựng bằng sự liên tưởng phong phú, âm hưởng mạnh mẽ, bút pháp lãng mạn xen hiện thực

-Tác giả sử dụng màu sắc kết hợp với cách vận dụng các thủ pháp nghệ thuật như ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá …đã làm nên bức tranh thiên nhiên và lao động thật tráng lệ.

- Bài thơ là khúc hát ngợi ca con người lao động trên biển đồng thời là niềm say mê tự hào của con người làm chủ quê hương.

(Các khổ thơ đã kết thúc, câu hát cũng không còn nhưng vương vấn trong tâm trí độc giả vẫn là hình ảnh vùng biển quê hương giàu đẹp và dáng vẻ những con người lao động hiên ngang, dũng cảm. Đọc bài thơ, ta tự hào hơn về một vùng biển VN giàu đẹp, con người VN dũng cảm, lạc quan trong xây dựng đất nước. Cảm hứng lãng mạn của nhà thơ kết hợp với hiện thực của thời kì đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc nước ta đã tạo nên một tứ thơ hay, độc đáo. “Đoàn thuyền đánh cá” đúng là một khúc tráng ca trên mặt biển của những con người lao động mới.)

C. KẾT BÀI

- Nói rằng lao động là niềm-vui sáng tạo. Nói rằng biển quê ta giàu đẹp. Nói rằng khi người lao động làm chủ cuộc đời thì mới có ấm no hạnh phúc. Cả ba điều ấy, Huy Cận đã nói được rất hay trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”.

- Bài thơ đã truyền cho người đọc một niềm tin và sức sống mới, giúp ta thêm yêu những người lao động, những người cần cù, dũng cảm và tự hào hơn về quê hương mình.

(Bài thơ đã khép lại nhưng ta vẫn như còn nghe thấy tiếng sóng biển và cả tiếng lòng của thi sĩ. Chính nghệ thuật rất riêng của thi sĩ đã tạc vào lòng người đọc một ấn tượng không bao giờ phai nhòa. Đất nước ta hôm nay vẫn đang trên đà phát triển, mong ước được so sánh với các cường quốc năm châu, thiết nghĩ những bài tráng ca đề cao vẻ đẹp của con người lao động và tinh thần hăng say, nhiệt tình sản xuất luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu của bao người dân VN. Một lần nữa, xin cám ơn ông, ngòi bút tuyệt tài Huy Cận.)