DÀN Ý PHÂN TÍCH ĐOẠN
TRÍCH CẢNH NGÀY XUÂN CỦA NGUYỄN DU
A. Mở bài
- Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc
Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn
chương đồ sộ, trong đó, tiêu biểu nhất là "Truyện Kiều".
- Đoạn trích Cảnh ngày xuân là một
trong những đoạn trích thể hiện năng lực miêu tả thiên nhiên tài tình của Nguyễn
Du.
(Nói đến Truyện Kiều người ta thường
hay đề cập đến Nguyễn Du ở khía cạnh là một nhà nhân đạo lớn mang trong mình một
tình yêu thương con người bao la, rộng lớn, biết đồng cảm xót xa trước những khổ
đau bất hạnh của người khác. Nhất là đối với cuộc đời của những người phụ nữ
tài hoa mà bất hạnh trong xã hội cũ. Nhưng nói đến Nguyễn Du, người ta không thể
không bàn đến những thành công đặc sắc của ông về nghệ thuật miêu tả thiên
nhiên, cảnh vật, con người vô cùng nên thơ, sống động, đa dạng, một tài năng
nghệ thuật miêu tả bậc thầy xưa nay hiếm có. Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” là một
đoạn thơ tiêu biểu cho tài năng hơn người ấy.)
B. Thân bài
1. Khái quát
Khung cảnh ngày xuân với những đường
nét thanh tao, bức tranh sinh hoạt của con người trong tiết thanh minh cùng với
khung cảnh một buổi chiều tàn được tái hiện tinh tế và có hồn trong bức tranh
thiên nhiên ngày xuân của Nguyễn Du.
( Nhắc đến những đoạn thơ tả cảnh tuyệt
bút, đoạn trích “Cảnh ngày xuân” là một ví dụ tiêu biểu cho thấy biệt tài vẽ
tranh bằng chữ của đại thi hào Nguyễn Du. Với đoạn trích này, nhà thơ đã khắc họa
nên một bức tranh về khung cảnh ngày xuân với những nét đẹp vô cùng tươi mới và
tràn đầy sức sống. Khung cảnh
ngày xuân với những đường nét thanh tao, bức tranh sinh hoạt của con người
trong tiết thanh minh cùng với khung cảnh một buổi chiều tàn được tái hiện tinh
tế và có hồn trong bức tranh thiên nhiên ngày xuân của Nguyễn Du.)
2. Phân tích
a. 4 câu đầu: Bức tranh xuân đầy sức sống
- Hai câu thơ đầu vừa nói đến thời
gian, vừa gợi được không gian:
+ Cách nói "con én đưa
thoi", “đã ngoài" cho thấy sự trôi chảy nhanh chóng của thời
gian. Thời gian của mùa xuân thấm thoắt trôi mau, đã bước sang tháng ba.
- Không gian khoáng đạt và đậm chất xuân được
gợi lên qua những cánh én chao lượn rộn ràng, ánh sáng trong veo, không gian
trong trẻo tràn ngập ánh nắng - “thiều
quang".
+ Thiều quang là ánh sáng đẹp. Mùa
xuân gồm có ba tháng tức là có chín mươi ngày. Chín mươi ngày xuân là chín mươi
ngày ánh sáng đẹp đẽ bao trùm lên không gian cảnh vật.
- Hai câu sau miêu tả bức tranh xuân
tuyệt mĩ. Cảnh vật đơn giản với cỏ xanh, hoa trắng nhưng hiện lên không gian
khoáng đạt, rộng lớn, tươi đẹp
+ “Cỏ non xanh tận chân trời”: Cỏ
non xanh tươi mơn mởn, trải dài đến tận chân trời xa xôi vô tận.Gam màu xanh chủ
đạo, tạo nên một không gian bao la, bát ngát khoáng đạt tươi mới, tràn đầy sức
sống.
+ “Cành lê trắng điểm một vài bông
hoa”: Hình ảnh hoa lê gợi lên sự mới mẻ, tinh khôi, thanh khiết kết tinh của
đất trời được điểm xuyết trong không gian.
_ Màu trắng của cành lê dường như nổi
bật hơn giữa nền trời xanh biêng biếc. Cái màu trắng tinh khiết ấy tập trung mọi
sự chú ý, làm xao động lòng người.
_ Cách diễn đạt thật sáng tạo - đảo trật
tự cú pháp “trắng điểm một vài bông hoa” gợi sức sống của mùa xuân đang
trỗi dậy, trong từng ngọn cỏ, từng bông hoa mới.
b. 8 câu tiếp: Khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh
- Lời giới thiệu (2 câu thơ đầu): Nghệ
thuật tiểu đổi cùng việc tách từ "lễ hội" làm đôi tả hai hoạt
động cùng diễn ra trong ngày hội xuân: lễ tảo mộ và hội đạp thanh.
+ Lễ là để tri ân tổ tiên
+ Hội là dịp những người trẻ tuổi đi
du xuân, thưởng thức vẻ đẹp của mùa xuân.
- Buổi lễ hội tưng bừng, tấp nập
(4 câu tiếp)
+ Các từ ghép hai âm tiết: "gần
xa", "yến anh", "chị em" cùng các từ láy "sắm
sửa", "nô nức", "dập dìu"...thể hiện tâm trạng náo
nức, tươi vui, sự rộn ràng trong lòng người du xuân.
+ Hình ảnh ẩn dụ "nô nức yến
anh"vừa gợi hình ảnh từng đoàn người nhộn nhịp chơi xuân vừa gợi những
xôn xao chuyện trò, gặp gỡ; những háo hức, tình tứ của những đôi lứa uyên ương.
+ Biện pháp so sánh "Ngựa xe
như nước áo quẩn như nêm" tái hiện sự đông đúc, từng đoàn người chen
vai thích cánh đi chơi xuân. Cho ta cảm nhận được niềm vui ngày hội đang lan tỏa,
bao trùm lên khắp nhân gian.
=> Không khí mùa xuân lễ hội tươi
vui, nhộn nhịp, căng tràn nhựa sống, làm ta ngây ngất đắm say trước hương xuân,
hương tình nồng nàn phơi phới như giăng mắc, lan tỏa đâu đây.
-
Khoảng lặng của lễ hội
+ Là giây phút con người thăm viếng, sửa
sang quét tước phấn mộ người thân, đốt tiền giấy gợi một truyền thống đẹp trong
đạo lí của dân tộc: uống ước nhớ nguồn và gợi lối sống ân tình, trân trọng,
biết ơn quá khứ.
_ Từ láy “ngổn ngang” gợi lên
hình ảnh những nấm mồ nằm bơ vơ, trơ trọi, rải rải đây đó khắp nơi làm cho
không gian có gì đó lạnh lùng tê tái.
_ Hình
ảnh “Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay” gợi lên hình ảnh những người
còn sống đang đốt giấy tiền vàng bạc để tỏ lòng thương tiếc cho người thân.
=> Nguyễn Du đã khắc họa thành công
một truyền thống văn hóa lễ hội xa xưa. Đó
là một nét đẹp trong đời sống tâm linh, văn hóa của người Việt thuở xa xưa.
c. 6 câu cuối: Cảnh chị em Kiều du xuân trở về
- Bức tranh mùa xuân trong buổi chiều
tà vẫn rất đẹp, rất êm đềm nhưng đã thấm đẫm tâm trạng của con người.
- “Tà tà bóng ngả về tây”: gợi
khoản thời gian buổi chiều, gợi sự vắng lặng. “Tà tà” gợi ra những ánh nắng
nhè nhẹ đang lả lướt buông về phía cuối phương trời xa.
- “Chị em thơ thẩn dan tay ra về”:
Hội vui kết thúc, con người “thơ thẩn” quay trở về. Hai chữ “thơ thẩn”
bộc lộ trạng thái bần thần, nuối tiếc, lạc lõng, bơ vơ của chị em Kiều khi ra về.
- Các hình ảnh Ngọn tiểu khê
đang in những bóng dài lên cung đường; dòng nước quẩn quanh uốn
khúc, róc rách; dịp cầu cuối ghềnh bắc ngang,… như đang ánh lên một nỗi
bâng khuâng, nuối tiếc, tiếng nấc rủ rỉ, trơ trọi, vướng mắc đến nao lòng.
- Nhiều từ láy được sử dụng: “thanh
thanh”, “nao nao”, “nho nhỏ”: không chỉ gợi cảnh sắc mà còn gợi tâm trạng
con người, đó là nét buồn thương, nuối tiếc.
- Các cảnh vật được soi chiếu dưới ống
kính từ gần đến xa, từ nhỏ bé đến to lớn như đang cố níu lại, cố tận hương nốt
những dư vị ngọt ngào, đẹp đẽ cuối cùng còn sót lại.
⇒
Cảnh và người như giao hòa vào nhau, nâng đỡ nhau, tô điểm nhau làm nên một bức
tranh cuối ngày thật đẹp. Bức tranh
xuân chứa chan tình người, hương xuân ấm áp, gợi lên trong lòng người biết bao
rung cảm, khát khao giao hòa.
3. Đánh giá
- Nhịp thơ như dòng trôi nhẹ nhàng, lững
lờ với các thanh trắc đan xen, nối nhau liên tiếp.
- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình cổ điển
đặc sắc. Tất cả đã vẽ nên một bức tranh ánh chiều chan chứa màu sắc; âm thanh;
và cả hồn người lay động.
(Thông qua việc kết hợp kể, tả và gợi,
nhà thơ không chỉ phác họa bức tranh cảnh vật mà còn khắc họa ít nhiều bức
tranh tâm cảnh. Nguyễn Du nói đến mùa xuân, nói đến không khí lễ hội và đồng thời
cũng đã gợi lên tinh thần, tâm trạng bịn rịn, tiếc nuối, thơ thẩn, nao nao của
con người khi tham gia lễ hội ấy. Nội dung ấy đã được chuyển tải thành công còn
nhờ vào nghệ thuật sử dụng từ ngữ (đặc biệt là từ láy) và cách xây dựng bố cục
ba phần rõ rệt với cao trào là không khí tấp nập của ngày hội.)
C. Kết bài
Cảnh ngày xuân đã giúp ta thấy được
ngòi bút tài hoa của đại thi hào khi miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên. Tác giả dựng
lên bức tranh ngày xuân rạo rực với không khí lễ hội đầy vui tươi. Từ đó cũng
cho thấy tâm hồn nhạy cảm và đầy tinh tế của những con người trẻ tuổi mà ở đây
là Thúy Kiều.
(Cảnh mùa xuân hiện lên qua đoạn thơ
là một khung cảnh rất êm đềm, tươi sáng, cảnh sắc thiên nhiên đất trời hòa hợp
tươi đẹp với cuộc sống và lòng người. Cảnh thiên nhiên ấy dù được miêu tả có
tính chất ước lệ nhưng vẫn là cảnh sắc thân thương của dân tộc, của đất nước.
Đoạn thơ cũng là bức tranh thiên nhiên lễ hội, mùa xuân tươi đẹp trong sáng, là
một trong những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp nhất trong “Truyện Kiều” của
Nguyễn Du.)