Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

Phân tích khổ 2_3 bài thơ Viếng lăng Bác

Nếu phải tìm bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Bởi chỉ khi đến với văn chương, người nghệ sĩ mới được tự do để trái tim dẫn dắt, được thể hiện quan niệm của chính mình và rồi mang đến cho người đọc biết bao giai điệu cảm xúc với nhiều cung bậc. Và tác giả Viễn Phương đã để Bài thơ Viếng lăng Bác của mình là nốt ngân đầy sáng tạo tình cảm thiết tha, niềm khâm phục, ngưỡng vọng, biết ơn và ước nguyện của tác giả nói riêng và nhân dân miền Nam nói chung đối với Bác trong lần đầu tiên được ra viếng Bác. Đặc biệt ta có thể cảm nhận những dòng chữ đầy niềm xúc động dạt dào, mãnh liệt, tấm lòng thành kính biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi xót đau của một người con từ miền Nam ra viếng Bác lần đầu:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Sau ngày đất nước giải phóng, một năm sau, Viễn Phương và đoàn cán bộ miền Nam mới có dịp ra thủ đô Hà Nội viếng lăng Bác. Biết bao nhớ thương dồn nén bấy lâu khiến nhà thơ vô cùng xúc động khi đứng trước lăng Người. Đây là làn gặp gỡ đầu tiên giữa nhà thơ và vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Hoàn cảnh gặp gỡ quá đặc biệt càng khiến cho nhà thơ ngậm ngùi cảm thương. Từ hình ảnh hàng tre kiên trung bất khuất, nhà thơ cảm tưởng về Người với niềm kính trọng biết ơn vô hạn. 

Nếu như ở khổ thơ đầu, nhà thơ gợi nhắc tới bao phẩm chất tốt đẹp của dân tộc ta qua hình ảnh "hàng tre" thì đến khổ hai, nhà thơ tiếp tục thể hiện những xúc cảm của mình trước những đoàn người vào lăng viếng Bác. Lời thơ bỗng dạt dào cảm xúc tự hào, thành kính nhớ thương Bác:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…

Tấm lòng thành kính, biết ơn lãnh tụ được gói trọn trong hình ảnh ẩn dụ:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Câu thơ tạo hiệu ứng thẩm mĩ đặc biệt trước hết bởi sự kết hợp tài tình giữa hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi với nhau. Nếu "mặt trời đi qua trên lăng" là hình ảnh tả thực miêu tả bước dịch chuyển của mặt trời hàng ngày, hàng giờ gắn với bối cảnh không gian quen thuộc là "trên lăng" thì "mặt trời trong lăng" lại là ẩn dụ để chỉ Bác Hồ. Mặt trời thiên tạo gợi ra sự kì vĩ, vĩnh hằng, nguồn gốc của sự sống và là cái nôi đem lại ánh sáng cho con người. Bác Hồ cũng vậy. Bác Hồ là mặt trời. Bác đã mang ánh sáng cách mạng đến cho dân tộc. Bác đã dẫn lối, chỉ đường cho đất nước đi qua bao thăng trầm của lịch sử. Ánh sáng tư tưởng của Người xua tan đêm đen bao phủ dân tộc hàng nghìn năm. Tình yêu bao la từ trái tim ấm áp của Người có sức nóng, lan toả như tia nắng mặt trời.Bác là người cha già vĩ đại. Bác vĩnh hằng bởi Người luôn tồn tại trong trái tim nhân dân Việt Nam, dẫn lối cho sự nghiệp cách mạng giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Nhưng dường như chỉ ví Bác với mặt trời thôi thì chưa đủ, mà cần phải nhấn mạnh đặc tính nổi bật nhất của cái quầng sáng thiêng liêng ấy: “rất đỏ”. Nghệ thuật nhân hóa qua động từ "thấy" nhấn mạnh vầng thái dương vũ trụ chứng kiến "mặt trời trong lăng rất đỏ" với thái độ có phần ngưỡng mộ, trân trọng. Mặt trời Bác Hồ thì vĩnh cửu, trường tồn, mãi là nguồn sống, là ánh sáng soi đường cho dân tộc Việt Nam, mãi mãi đỏ thắm trong trái tim, tâm hồn mỗi người con đất Việt. Đặt mặt trời Bác sóng đôi và trường tồn cùng mặt trời thiên nhiên là sáng tạo riêng của Viễn Phương. Cách nói đó vừa ngợi ca sự vĩ đại, bất tử của Bác vừa thể hiện sự tôn kính, ngưỡng mộ, biết ơn đối với Bác.  Từ láy "ngày ngày" đứng ở đầu câu thơ vừa diễn tả sự bất biến của tự nhiên vừa góp phần bất tử hóa hình ảnh Bác Hồ trong lòng mọi người. Viễn Phương như đang nói hộ tấm lòng tôn kính của bao người đối với vị lãnh tụ mà cả cuộc đời:

"Chỉ biết quên mình cho hết thảy

Như dòng sông chảy nặng phù sa."(Tố Hữu).

Độc đáo hơn, nhà thơ còn sáng tạo một hình ảnh khác để ca ngợi Bác.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân… 

Dòng người vào lăng như kéo dài vô tận. tuy đông nhưng tất cả đều thành kính và trang nghiêm, ai cũng một nỗi niềm bồi hồi khi đến lăng viếng Bác. Tác giả sử dụng từ " dòng người" chứ không phải là "đoàn người", "hàng người", điều đó có tác dụng gợi lên sự tiếp nối trải dài tới vô tận của những dòng người vào lăng. Cụm từ "đi trong thương nhớ" gợi tả tình yêu thương và nỗi nhớ mong của nhân dân dành cho Bác, bao trùm lên cả không gian và thời gian vô tận "ngày ngày". Điệp từ "ngày ngày" diễn tả vòng thời gian tuần hoàn liên tục, ngày nào cũng thế từng dòng người cứ lần lượt vào thăm viếng Bác. Dòng người ấy như đang "kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân", mỗi người là một bông hoa, cả đoàn người là một tràng hoa đẹp diệu kì kính dâng lên Người. Đó là đóa hoa của nỗi niềm biết ơn sâu sắc, thành kính phân ưu, tiếc thương vô hạn mà nhân dân ta kính gửi tới Bác Hồ. Dòng người được tác giả ví như “tràng hoa” là một ẩn dụ độc đáo. Nó còn có nghĩa tượng trưng: cuộc đời của họ đã nở hoa dưới ánh sáng của Bác, đó là hoa của chiến công, hoa của thành tích, hoa của lòng người. Mọi người từ khắp mọi miền Tổ quốc trở về đây như kết thành tràng hoa muốn sắc ngát hương kính dâng lên Bác. Những bông hoa tươi thắm đó đang đến nhũng gì tốt đẹp nhất. “dâng bảy mươi chín màu xuân”, hay chính là hình ảnh hoán dụ về con người đã sống bảy mươi chín đời người sống ngập tràn niềm hân hoan như ngày xuân. Hoán dụ "bảy mươi chín mùa xuân" để chỉ số tuổi của Bác, đồng thời cũng là hình ảnh ẩn dụ ngợi ca cuộc đời sống đẹp và trọn vẹn, cống hiến những gì tinh túy nhất cho dân tộc của Bác. Câu thơ nhẹ nhàng mà kết tinh bao cảm xúc biết ơn ấy như chạm vào trái tim của biết bao bạn đọc.Nhịp thơ chậm, hình ảnh ẩn dụ đẹp, sáng tạo, từ ngữ giàu tính tạo hình và biểu cảm, tác giả đã miêu tả nhưng dòng người vào lăng viếng Bác bằng tất cả lòng thành kính, biết ơn sâu sắc. Không một lời ngợi ca nhưng người đọc cảm nhận được lòng kính yêu vô hạn và sự tôn vinh tột đỉnh của nhà thơ dành cho lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc.

Bao tình cảm nhớ thương chất chứa bao lâu vỡ òa trào dâng thổn thức khi vào trong lăng gặp hình bóng của Người. Hình ảnh Bác nằm yên trong lăng được diễn tả một cách xúc động: 

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vãn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim.

Nhà thơ vào lăng, được thấy Bác nằm trong giấc ngủ bình yên giữa một vầng sáng nhẹ nhẹ, dịu hiền. Ánh sáng ấy nơi Bác nằm được nhà thơ miêu tả như ánh sáng một vầng trăng dịu hiền:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Chỉ với hai dòng thơ đơn giản ấy nhưng nhà thơ đã làm hiện hữu trước mắt người đọc một khung cảnh và không khí trang nghiêm và yên tĩnh. Bên trong lăng, Bác xuất hiện trong hình ảnh đã yên giấc. Canh giấc cho Bác bỏ là “vầng trăng sáng dịu hiền”. Ngắm giấc ngủ bình yên ấy, đột nhiên ta cũng cảm thấy thư thái đến lạ thường. Cả cuộc đời Người đều dành hết cho dân cho nước, luôn hi sinh bản thân mình. Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu! Sau bao nhiêu năm đau đáu, khắc khoải vì nỗi đau của dân tộc, sau bao nhiêu năm “trằn trọc băn khoăn, giấc chẳng thành” vì dân tộc đang rên xiết trước gót giày xâm lược tàn bạo của bọn thực dân, đế quốc, đến cuối cùng, Bác bỏ có thể chợp mắt. Giấc ngủ bao năm chẳng vẹn tròn của Bác  càng trở nên đẹp đẽ, thiêng liêng hơn khi bên Bác là ánh trăng ngời sáng hiền hậu trên cao. Ánh sáng của những ngọn đèn mờ ảo trong lăng gợi nhà thơ liên tưởng thú vị. Tác giả thể hiện sự am hiểu của mình về sự liên tưởng kì lạ đó. Hình ảnh "vầng trăng sáng dịu hiền" đầy chất thơ, rất giàu sức gợi  làm ta liên tưởng đến tâm hồn cao đẹp, trong sáng và những vần thơ tràn ngập ánh trăng của Người. Qua những vần thơ về trăng của Bác, chúng ta thấy tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, chất nghệ sĩ trong con người Hồ Chí Minh.Trăng với Bác từng là người bạn tri âm, tri kỉ. Ánh trăng bát ngát đã cùng Bác nơi rừng núi: “Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”. Trăng đến tâm sự cùng người như người bạn thân: “Trăng vào của sổ đòi thơ”. Trăng đồng hành cùng Người trong những nhiệm vụ: “Khuya về bắt ngát trăng ngân đầy thuyền”. Trăng theo gót chân người nhà lao, trên chiến trận, giờ đây trăng cũng đến bên giấc ngủ của Người. Người bạn thủy chung ấy luôn ở cạnh Người, không bao giờ lìa xa.  Hiện tại trăng lại hóa thân thành người lính canh gác để Bác có thể yên tâm ngủ ngon để Bác không cảm thấy đơn độc. Cùng với mặt trời, hình ảnh vầng trăng đã hoàn thiện bức chân dung Hồ Chí Minh trong tâm khảm mỗi người: chói lóa, rực rỡ, trong sáng, thanh cao, hiền lương, thương mến. Đó cũng là biểu hiện vĩ đại, rực rỡ cao siêu của con người và sự nghiệp của Bác.

Tuy nhiên sự thật vẫn là việc thật, Bác đã đi vào cõi vĩnh hằng. Niềm xúc động thành kính và nỗi đau xót của nhà thơ đã được thể hiện rất chân thành và sâu sắc:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

 Bác Hồ không còn là một người lãnh đạo, người chỉ huy xa cách mà Bác đã trở thành một người cha, một người thân ruột thịt rất đỗi gần gũi mà thân thương. Sự xúc động về tình cảm thân thuộc mà Bác mang lại đã có lúc từng khiến nhà thơ Tố Hữu thốt lên thành lời: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế – Ôm cả non sông mọi kiếp người”. “Mọi kiếp người” từ các cháu thiếu nhi đến các cụ ông cụ bà già, từ anh phụ tá đến người làm nhà bếp, từ chú quân nhân đến người công nhân… Bác đều dành tình yêu cho tất cả. Bác đã ra đi, nhưng những kỉ niệm cũng như hình ảnh về Bác ắt hẳn sẽ không còn hề phai mờ, nhạt nhòa trong tâm trí của mỗi người. Cùng với thời gian, những điều này sẽ tồn tại mãi mãi như “trời xanh” và như những gì đã, đang và sẽ còn mãi trên đời.  Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh” khẳng định Bác còn sống mãi trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Sự nghiệp và tư tưởng của Người trường tồn mãi với thời gian, năm tháng như bầu trời xanh của vũ trụ, của tự nhiên. Bác sẽ luôn ở lại trong trái tim yêu thương, trong nỗi lòng tưởng nhớ của muôn người.

Dù nhận thức được như thế nhưng lí trí không điều khiển được cảm xúc, tình cảm xót thương không chấp nhận sự mất mát, ra đi mãi mãi của Người. Nỗi đau được nhà thơ biểu hiện rất cụ thể, trực tiếp: "Mà sao nghe nhói ở trong tim!". Đó là nỗi đau oà ra từ đáy sâu của trái tim. Tác giả cố gắng nỗ lực nhưng những đau đớn, xót xa ấy lại cứ tuôn trào, chảy trôi. Cảm giác “nhói trong tim” vừa gợi ý rất thực tế, nhưng lại cũng vừa biểu lộ nỗi xót xa, thương tiếc đầy tôn kính. Chỉ với một từ “nhói” mà bao nhiêu cảm xúc dồn nén, kìm giữ như vỡ ra. Cấu trúc tương phản " Vẫn… mà" kết hợp với dấu chấm than ở cuối khổ thơ đã diễn tả tình cảm thật chân thành, xót xa, đau đớn vô hạn trong đáy sâu tâm hồn của một đứa con xa nhà, nay trở về chịu tang cha. Đứng trước di hài của cha mà nước mắt không ngừng rơi. Đây cũng là cảm xúc chung của biết bao nhiêu người con khi Bác đã về với thế giới người hiền năm xưa: "Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa" (Bác ơi! - Tố Hữu).  Bác mất rồi! Bác không thể gặp mặt với những đứa con miền Nam mà Người hằng chờ mong. Bác đã dành cả cuộc đời mình vì nước, vì dân. Mọi cảm xúc không để ngăn lại được khi người con miền Nam được đứng trước Bác. Muôn đời này Bác vẫn ở trong tim những người con đất Việt. Nhưng qua đó, tác giả cũng gửi một lời nhắn nhủ đến người ở lại là dù Bác  đã ra đi nhưng những hình ảnh về Bác  sẽ vẫn vĩnh cửu như “trời xanh là mãi mãi”.

Với thể thơ tự do, bố cục tự nhiên, đơn giản theo diễn biến cảm xúc và suy nghĩ; giọng thơ trang nghiêm sâu lắng pha lẫn niềm xót xa tự hào; những hình ảnh thơ độc đáo, kết hợp hình ảnh thực, hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng, bài thơ Viếng lắng Bác của Viễn Phương đã thể hiện những xúc động tràn đầy và lớn lao khi viếng lăng Bác, những suy ngẫm sâu sắc về Bác cũng như những tình cảm thành kính dành cho Bác.

Viếng lăng Bác của Viễn Phương là một đóng góp quý báu vào kho tàng thi ca viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại kính yêu của dân tộc. Bài thơ là tấm lòng thành kính, yêu thương, tự hào của Viễn Phương, của nhân dân cả nước dành cho Bác Hồ kính yêu. Đó cũng là truyền thống uống nước nhớ nguồn, là lối sống thủy chung, ân tình, ân nghĩa rất đáng trân trọng và gìn giữ. Và người đọc cũng nhận thức ra một điều cần phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với sự phát triển của non sông, đất nước, làm cho đất nước Việt Nam có thể "sáng vai với các cường quốc năm châu".