Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

DÀN Ý PHÂN TÍCH ĐOẠN TRÍCH CHỊ EM THÚY KIỀU CỦA NGUYỄN DU

DÀN Ý PHÂN TÍCH ĐOẠN TRÍCH CHỊ EM THÚY KIỀU CỦA NGUYỄN DU

A. Mở bài

- Nguyễn Du là một đại thi hào lớn của dân tộc Việt Nam đã để lại những tác phẩm văn chương nghệ thuật độc đáo cho đời.

- Truyện Kiều là một kiệt tác của Nguyễn Du, giàu tính hiện thực, nhân đạo và mang nhiều giá trị nghệ thuật.

- Đoạn trích Chị em Thúy Kiều là một đoạn trích tiêu biểu khắc họa rõ nét vẻ đẹp tài sắc vẹn toàn của Thúy Vân, Thúy Kiều.

( Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc ta. Truyện kiều là kiệt tác của nguyễn Du và của nền thi ca cổ điển dân tộc, sáng ngời tinh thần nhân đạo. Cả trên phương diện nghệ thuật, áng thơ nảy là mẫu mực tuyệt vời về ngôn ngữ, về tả cảnh, tả người, tả tình, tự sư,v..v.. .đem lại cho nhân dân ta nhiều thú vị văn chương. Đoạn trích Chị em Thúy Kiều là một trong những đoạn tuyệt bút của thi hào Nguyễn Du. Mượn vật tả người, lấy ý họa hình quả thực là sức mạnh phi thường trong ngòi bút của thiên tài Nguyễn Du.)

B. Thân bài

1. Khái quát:

Với tấm lòng trân trọng ngợi ca, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp nghệ thuật ước lệ cổ điển, lấy những hình ảnh thiên nhiên để gợi, tả, khắc hoạ vẻ đẹp chị em Thuý Kiều thành những tuyệt sắc giai nhân.

(Đoạn thơ giới thiệu chị em Thúy Kiều là một trong những đoạn thơ hay nhất, đẹp nhất trong “Truyện Kiều”. Thúy Kiều là nhân vật trung tâm của truyện thơ, một thiếu nữ tài, sắc vẹn toàn đã được thi hào khắc họa một cách thần tình, mĩ lệ.)

2. Phân tích:

a. Bốn câu thơ đầu: Khái quát vẻ đẹp hai chị em Thúy Kiều

- Tác giả đã giới thiệu chung về vị thứ và vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều:

+ Kiều là chị, Vân là em

+ Tác giả dùng từ “tố nga” để khẳng định đây là hai cô gái đẹp.

+ “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”, bút phát ước lệ tượng trưng gợi lên dáng người mảnh dẻ, duyên dáng, tâm hồn trong trắng.

- Cả hai đều đẹp hoàn thiện, hoàn mỹ “mười phân vẹn mười”, nhưng mỗi người mang một nét đẹp riêng “Mỗi người mỗi vẻ”

b. Bốn câu tiếp theo: Gợi tả vẻ đẹp Thúy Vân

- “Vân xem trang trọng khác vời” đã khái quát đặc điểm của nhân vật. Hai chữ “trang trọng” gợi vẻ đẹp cao sang, quý phái.

- Bằng bút pháp ước lệ và biện pháp liệt kê, so sánh, nhân hóa đều nhằm thể hiện vẻ đẹp phúc hậu mà quý phái của người thiếu nữ.

+ Một Thúy Vân với gương mặt đầy đặn dịu nhẹ như trăng rằm, lông mày sắc nét đậm như con ngài, miệng cười tươi thắm như hoa, giọng nói trong như ngọc, mái tóc mềm mượt hơn mây, làn da trắng hơn tuyết.

+ Từng đường nét, đặc điểm của tướng mạo Thúy Vân làm toát lên vẻ đẹp phúc hậu và quý phái. Vẻ đẹp của Vân thường có sự êm đềm, hòa hợp với xung quanh

- Hai chữ “thua”, “nhường” biểu hiện sự hài lòng không ghen ghét, điều này dự báo nàng sẽ có một cuộc sống bình lặng, suôn sẻ không gặp sóng gió.

c. 12 câu tiếp: Gợi tả vẻ đẹp tài sắc vẹn toàn của Thúy Kiều

* Vẻ đẹp ngoại hình của Kiều:

- Nguyễn Du đã tả Vân trước tả Kiều để làm nổi bật vẻ đẹp cùng tài năng của Kiều (nghệ thuật đòn bẩy, so sánh: "càng, lại"): Trên cái nền vẻ đẹp của Thúy Vân, Thúy Kiều tỏa hiện với vẻ đẹp lộng lẫy có thể khiến cho thành nghiêng nước đổ. Kiều đẹp cả sắc lẫn tài, đó là vẻ đẹp của tuyệt thế giai nhân.

- “Kiều càng sắc sảo mặn mà”: khái quát đặc điểm của nhân vật. Nàng không những tuyệt đỉnh về nhan sắc mà còn sắc sảo về trí tuệ, mặn mà về tâm hồn.

- Hình ảnh ước lệ “thu thủy” gợi tả đôi mắt Kiều đẹp trong như nước mùa thu, “xuân sơn” gợi lên đôi lông mày thanh tú trên khuôn mặt trẻ trung

+ Đôi mắt ấy của Kiều chính là cửa sổ tâm hồn, thể hiện sự tinh anh của tâm hồn, trí tuệ.

+ Chỉ đặc tả đôi mắt, đôi mày nhưng hiện lên một khuôn mặt của một trang giai nhân tuyệt mỹ.

- Nghệ thuật nhân hóa (hoa ghen – liễu hờn) kết hợp với nghệ thuật nói quá (thành ngữ: Nghiêng nước nghiêng thành) vừa có tác dụng gợi tả vẻ đẹp sắc nước hương trời của Kiều vừa dự báo cuộc đời chông gai của Kiều.

* Kiều không chỉ rạng rỡ về nhan sắc mà còn là người con gái có tài năng đạt đến sự lí tưởng:

- Nguyễn Du nhấn mạnh vào sự tài năng của Thúy Kiều: Kiều thông minh và đa tài

+ Trí tuệ của nàng Kiều là trời cho, thiên bẩm. Vừa sở hữu vẻ đẹp trác việt, vừa thông minh tuyệt đỉnh, quả thực người như thế xưa nay hiếm lắm.

+ “Thi họa đủ mùi ca ngâm” là làm thơ, vẽ tranh, đàn hát Thúy Kiều đều rất mực tài hoa. Người con gái lý tưởng trong xã hội phong kiến.

+ “ăn đứt” hơn hẳn người khác là tài đàn.Tài đàn của Kiều đã trở thành năng khiếu, sở trường. “Làu bậc ngũ âm” là sự điêu luyện trong kĩ thuật chơi đàn.

+ “Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”: Kiều còn giỏi sáng tác, khúc bạc mệnh của Kiều phải chăng chính là tiếng lòng, là trái tim đa cảm của Kiều.

 => Vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp sắc - tài - tình. Cả sắc và tài của Kiều đều đạt đến độ tuyệt mĩ nhưng chính tài, sắc ấy đã ngầm dự báo một tương lai không yên ổn.

d. 4 câu cuối: Nhận xét chung về cuộc sống của hai chị em

- “Phong lưu rất mực hồng quần”: Gợi hoàn cảnh sống của hai chị em thúy Kiều, họ sống trong phong lưu của một gia đình gia giáo

- Hai chị em luôn sống theo khuôn phép, đức hạnh, theo đúng khuôn khổ của lễ giáo phong kiến. Tuy cả hai đều “đến tuần cập kê” nhưng vẫn “êm đềm trướng rủ màn che- tường đông ong bướm đi về mặc ai

3. Đánh giá

Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp ước lệ cổ điển, từ ngữ trau chuốt, gợi tả, gợi cảm cùng các thủ pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, điển cố đẹp hòa cùng với ngòi bút miêu tả chấm phá tài ba để xây dựng vẻ đẹp khuynh thành đảo quốc của hai chị em Kiều. Dựng lại bức chân dung mang tính cách số phận của hai người với tấm lòng trân trọng, mến mộ.

(Sự kết hợp tài tình bút pháp ước lệ tượng trưng, sử dụng sáng tạo các biện phép tu từ, nhất là phép ẩn dụ, so sánh, lớp ngôn ngữ thơ tinh luyện, hàm súc, hình tượng gợi cảm vẽ nên bức chân dung của bậc tuyệt thế giai nhân bằng thơ sáng giá nhất trong nền văn học cổ nước nhà. Xưa nay, chưa từng có người đẹp như thế.)

C. Kết bài

- Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” đã phần nào cho thấy sự biểu hiện của cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du khi đã thể hiện thái độ trân trọng, đề cao những giá trị của người phụ nữ.

- Vẻ đẹp về nhan sắc, phẩm hạnh và tài năng của họ thông qua cách thể hiện của Nguyễn Du đã giúp họ trở thành những hình tượng lí tưởng và hoàn hảo trong trái tim người đọc bao thế hệ.

(Với cái tài cùng cái tâm bao la của mình, đại thi hào Nguyễn Du đã khắc họa chân dung cũng như tài năng của hai chị em Kiều một cách thật tài tình. Từ việc tái hiện một cách đặc sắc vẻ đẹp của hai chị em Kiều, Nguyễn Du cũng dự cảm về cuộc đời và số phận của hai chị em, đặc biệt là hình tượng Thúy Kiều. Vẻ đẹp về nhan sắc, phẩm hạnh và tài năng của họ thông qua cách thể hiện của Nguyễn Du đã giúp họ trở thành những hình tượng lí tưởng và hoàn hảo trong trái tim người đọc bao thế hệ.)