DÀN Ý PHÂN TÍCH BÉ THU TRONG ĐOẠN
TRÍCH CHIẾC LƯỢC NGÀ CỦA NGUYỄN QUANG SÁNG
A. Mở bài
- Nguyễn Quang Sáng là một trong những
nhà văn tiêu biểu của nền văn học cách mạng Việt Nam.
- Truyện ngắn Chiếc lược ngà được viết
năm 1966, kể về tình phụ tử vô cùng thiêng liêng và sâu sắc của cha con bé Thu
trong cảnh ngộ sinh li tử biệt của chiến tranh ác liệt.
- Nhân vật bé Thu là một nhân vật thú
vị, gần gũi và có những nét tính cách riêng: vừa ngây thơ, vừa giàu tình cảm
nhưng cũng kiên quyết mạnh mẽ.
(Chiến tranh từ bao đời nay luôn đồng
nghĩa với sự mất mát, chia ly, đau thương, đỗ vỡ, tàn phá, nước mắt… Cũng viết
về đề tài quen thuộc ấy. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng với truyện ngắn “Chiếc lược
ngà” không chỉ góp thêm một tiếng nói tố cáo tội ác của bọn xâm lược Mỹ mà còn
đem đến cho chúng ta sự rung động về một đề tài rất hạn hữu: tình cha con. Có
thể nói hình ảnh cô bé Thu hồn nhiên, ương bướng, ngang ngạnh, có tình yêu
thương cha sâu đậm, một nhân vật chính
trong tác phẩm, đã để lại nhiều thiện cảm trong lòng độc giả.)
B. Thân bài
1. Khái quát hoặc Tóm tắt
- Bé Thu sinh ra trong hoàn cảnh đất
nước có chiến tranh, sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương bao bọc của mẹ
nhưng lại thiếu đi bóng dáng của người cha. Cha bé Thu – ông Sáu đi chiến đấu từ
khi bé còn rất nhỏ, nên hình ảnh người ba trong bé vô cùng ít ỏi. Gia đình chỉ
cho bé xem hình ba mà thôi. Chính điều này đã gây ra những bi kịch giằng xé khi
ba cô bé trở về thăm nhà mấy ngày sau tám năm xa cách.
(Cốt truyện xoay quanh đời sống tình cảm
của gia đình người cán bộ cách mạng – ông Sáu. Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến. Từ
lúc ông Sáu đi kháng chiến, Thu chưa một lần gặp ba, mấy lần bà Sáu có lên cứ
thăm anh nhưng đường xa, lại nguy hiểm nên không thể mang con theo. Trong lòng
Thu luôn gìn giữ hình ảnh của cha như tấm hình má nó đưa nó và một lòng tin tưởng
và tự hào về ba nó lắm. Nhưng khi ông Sáu về phép Bé Thu không nhận ra cha. Bé Thu đối xử với
cha như người xa lạ, nhất định không gọi ông Sáu là ba. Đến khi nhận ra, tình cha con thức dậy mãnh liệt
trong lòng em thì cũng là lúc ông Sáu phải trở lại chiến khu. Và trong một trận càn, ồn hy sinh chưa kịp trao
cây lược tận tay cho con.)
2. Phân tích
- Qua lời người kể chuyện, ta thấy
hình ảnh “một đứa bé độ tám tuổi, cắt tóc ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ
đang chơi nhà chơi dưới bóng cây xoài trước sân nhà” là biểu hiện của nhân
vật bé Thu đáng yêu.
a. Sự ngạc nhiên và phản ứng là của bé Thu
khi được gặp lại cha
- Ông Sáu xuống bến xuồng, gọi con thì
Thu “tròn mắt nhìn”, cô bé thấy “lạ quá, chớp chớp mắt” như muốn
hỏi là ai. Nó nhìn ông Sáu bằng đôi mắt xa lạ.
- Rồi mặt tái đi, Thu vội vụt chạy và
kêu thét lên gọi má.
+ Đây là một phản ứng rất bình thường
hợp lí vì Thu cũng chưa hề biết mặt cha ngoài đời ra sao.
+ Và người đàn ông xa lạ này lại có vết
thẹo dài đỏ ửng. Vết sẹo ấy vô tình làm khuôn mặt ông Sáu trông rất đáng sợ và
dữ tợn.
=> Ngay phút đầu tiên, bé Thu đã
không công nhận ông Sáu là cha. Hẳn là người đọc cũng sẽ đồng cảm với bé Thu bởi
em chỉ là một đứa trẻ chỉ bảy, tám tuổi chưa hiểu sự khốc liệt của đời sống chiến
tranh thời ấy.
b. Tình yêu thương của bé Thu dành cho
người cha qua ảnh.
- Trong ba ngày ở nhà, ông Sáu luôn
tìm cách bù đắp cho con thì bé Thu:
+ Thu cố ý đối xử lạnh nhạt và xa lánh
ông Sáu.
+ kiên quyết không gọi ông Sáu là
“ba”, cô bé chỉ muốn dành tiếng “ba” cho người cha trong bức ảnh kia.
+ má bắt kêu ba vô ăn cơm, dọa đánh để
cô bé gọi ba một tiếng, Thu vẫn chỉ nói trống không "vô ăn cơm! cơm
chín rồi", "con kêu rồi mà người ta không nghe".
+ ngay cả khi bị đặt vào một hoàn cảnh
khó khăn để buộc Thu gọi ông Sáu một tiếng ba là chắt nước nồi cơm to đang sôi,
Thu cũng lại nói trống không "cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái".
=> Cách nói này khiến ta nghĩ đây
là một cô bé thiếu lễ phép có lí do khiến ta thông cảm. Đó là bé Thu bướng bỉnh,
muốn dành riêng tiếng “ba” thiêng liêng cho một người cha duy nhất mà
thôi.
+ hành động của bé Thu lấy vá múc từng
vá nước đổ ra ngoài, khi mà ông Sáu phớt lờ đi lời nói trổng đã cho thấy tính
cách mạnh mẽ, bướng bỉnh của cô bé này.
+ Sự bướng bỉnh và ương ngạnh của bé
Thu ngày càng tiếp tục khi nó hất văng cái trứng cá ra khỏi chén cơm.
Hành động đó như muốn từ chối, phủ nhận hết sự quan tâm, chăm sóc của ông Sáu.
- Thu không tin ông Sáu là ba chỉ vì vết
sẹo làm cho anh khác với người trong hình mà em đã được biết. Quả thật, chiến
tranh không những làm biến dạng con người mà còn gây ra những cảnh ngộ éo le,
những nỗi đau gia đình chua xót.
=> Ta vừa thương vừa cảm phục vì bé
Thu thiếu thốn tình cảm của cha từ nhỏ nhưng vẫn giữ trọn một tình thương sâu sắc
nhất dành cho người cha duy nhất trong tấm ảnh.
c. Cuộc chia tay và tình cảm của Thu
dành cho ông Sáu
- Nghe lời giải thích của ngoại về “vết
thẹo” trên khuôn mặt của cha khiến bé Thu không ngủ được,cả đêm, bé Thu
nằm trằn trọc, thao thức, trở mình qua lại. Có vẻ như, cô bé đang hối hận về
việc đối xử tệ với cha mình trong những ngày qua.
- Sáng về nhà, cùng lúc ông Sáu lên đường
trở lại chiến khu. Nó đứng ở góc nhà, tựa cửa, đôi mắt buồn. Nó nhìn ba từ xa với
“ánh mắt xa xăm, mông lung” như đang chờ đợi, đang muốn bộc lộ tình cảm
dữ dội, mãnh liệt. … Đâu rồi sự ương
ngạnh, bướng bỉnh mà thay vào đó là ánh mắt ánh lên sự hồn nhiên của trẻ thơ.
- Khi ông Sáu buồn rầu quay lại nhìn
nó nói: “Ba đi nghe con” thì nó bất ngờ lao đến thét lên: Ba, a...
a...ba! "Tiếng kêu của nó như tiếng xể, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi
người, nghe thật xót xa”
+ Tiếng "ba" đó như
khiến người đọc nghẹn đắng ở cổ họng, cho một tình yêu bền bỉ và sâu nặng.
+ Nó
muốn cho ba hiểu là nó yêu thương ba biết nhường nào.
- Cùng đó là hành động “nó chạy
thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa
nói trong tiếng khóc: -Ba! Không cho ba đi nữa!Ba ở nhà với con!”. “Nó
hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc,hôn cổ, hôn vai, và hôn cả vết thẹo dài bên má
của ba nó nữa”
+ Cách thể hiện tình cảm một cách mãnh
liệt, mạnh mẽ, cuống quýt, hối hả và có xen lẫn phần hối hận.
+ Đó cũng chính là lời xin lỗi muộn
màng, sự cảm thông chia sẻ nỗi đau, nỗi tổn thương mà cha nó phải gánh chịu.
=> Bé Thu đã để lại ấn tượng trong
lòng người đọc không chỉ ở tình yêu thương cha sâu sắc mà còn là sự thông minh,
lém lỉnh có phần hơi bướng bỉnh.
3. Đánh giá
- Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện
độc đáo, ngôn ngữ nhân vật đặc sắc.Ngôn ngữ văn xuôi giàu tình cảm, khả năng
miêu tả tâm lí tinh tế, chính xác, bắt nguồn từ một tâm hồn nhạy cảm và tấm
lòng yêu thương, trân trọng con người.
- Đặc biệt, nhà văn đã xây dựng một
tình huống truyện rất éo le, bất ngờ mà tự nhiên, cảm động; qua đó, phần nào
nói lên sự ác nghiệt của chiến tranh.
(Truyện lôi cuốn độc giả, bởi nghệ thuật
kể chuyện của nhà văn. Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng được một cốt truyện khá chặt
chẽ, có những tình huống bất ngờ nhưng hợp lý: bé Thu không nhận ra ông Sáu vì
khi về thăm nhà rồi lại biểu lộ tình cảm nồng nhiệt, đầy xúc động với người cha
trong lúc chia tay.Sự bất ngờ càng gây hứng thú cho người đọc khi hiểu được
tính hợp lý của các sự việc tưởng chừng mâu thuẫn. Ngoài ra nghệ thuật miêu tả
tâm lý trẻ thơ cũng rất độc đáo. Một bé Thu bướng bỉnh, cá tính nhưng lại giàu
tình thương với cha mình.)
C. Kết bài
- Qua truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng thể
hiện được sâu sắc tư tưởng, chủ đề của tác phẩm, đó là sự khẳng định ngợi ca
tình phụ tử thiêng liêng như một giá trị nhân văn sâu sắc. Tình cảm ấy là cội
nguồn, sức mạnh vượt lên sự hủy diệt tàn bạo của chiến tranh.
(Câu chuyện kết thúc nhưng trái tim
người đọc mãi còn thao thức. Cuộc chiến còn kéo dài, Thu sẽ phải tiếp tục chiến
đấu. Ông Sáu đã nằm lại với đất và ngọn lửa hận thù trong bé Thu vẫn còn rực
cháy. Kẻ thù tàn bạo có thể giết chết người em yêu quý nhất nhưng không thể nào
hủy diệt được tình yêu thương mà em đã tha thiết dành tặng cho cha. Qua đó, tác giả cũng muốn nhắn gửi đến người đọc
hãy trân quý những người thân yêu, hãy trân trọng tình cảm gia đình bởi đó
chính là “điểm tựa” tinh thần vững chắc giúp ta luôn vững vàng trong cuộc sống.)