Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

DÀN Ý PHÂN TÍCH ÔNG HAI TRONG TRUYỆN NGẮN LÀNG CỦA KIM LÂN

DÀN Ý PHÂN TÍCH ÔNG HAI TRONG TRUYỆN NGẮN LÀNG CỦA KIM LÂN

A. Mở bài

- Kim Lân là nhà văn rất am hiểu cuộc sống của người nông dân ở nông thôn miền Bắc. Tất cả các truyện của ông đều xoay quanh cảnh ngộ và sinh hoạt của người nông dân.

- Truyện ngắn được viết năm 1948, là một trong số những truyện ngắn xuất sắc của thời kì kháng chiến chống Pháp.

- Nhân vật ông Hai là tiêu biểu cho hình ảnh người nông dân yêu nước trong thời kì kháng chiến.Tình yêu làng, yêu cách mạng tha thiết của ông Hai được thể hiện một cách chân thực, chất phác và giản đơn nhưng cũng đặc biệt thiêng liêng.

(Trong lời tự bạch của mình, Kim Lân nói rằng : “Nói đến tình yêu nước, nghe cảm thấy còn xa xôi, nhưng tình cảm đối với làng thì thật gần gũi, gắn bó. Đối với con người Việt Nam, làng xóm nuôi những con người lớn lên bằng cả vật chất cũng như đời sống tinh thần”. Chính tình yêu làng sâu sắc của bản thân Kim Lân đã lớn dần lên thành tình cảm cách mạng. Và truyện ngắn “Làng” chính là nơi nguồn tình cảm cao quý đó có dịp thăng hoa. Đến với tác phẩm, ta gặp một nhân cách nhân vật ông Hai giản dị bình thường như bao người khác nhưng tràn đầy tình yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến.)

B. Thân bài

1. Khái quát hoặc Tóm tắt

- Khái quát theo tình huống: Tình yêu làng của ông Hai được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, nó ngấm vào máu thịt trong ông. Tình yêu ấy có thể chia làm ba chặng chính: tình yêu làng khi ông Hai ở làng tản cư; tình yêu làng, yêu nước khi ông Hai nghe tin làng mình theo Việt gian; tình yêu làng, yêu nước khi ông nghe tin cải chính.

- Tóm tắt: Ông Hai là một nông dân ở làng Chợ Dầu. Ông rất yêu làng của mình với một tình cảm rất sâu sắc. Ông luôn hào hứng khi nói về tất cả những gì liên quan đến cái làng Chợ Dầu. Và một ngày, ông nghe tin làng theo giặc, ông đau đớn, tủi hổ không dám nhìn mặt ai, cũng không dám bước chân ra khỏi nhà mà chỉ tâm sự với đứa con nhỏ trong nhà về một niềm tin tuyệt đối vào cách mạng và Bác Hồ. Sau đó, tin làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính. Ông Hai mừng rỡ, hân hoan đi khắp nơi khoe về điều đó mặc dù nhà ông đã bị Tây đốt.

2. Phân tích

a. Hoàn cảnh đặc biệt của ông Hai

+ Xuất thân là một người nông dân quanh năm gắn bó với lũy tre làng, rất yêu làng.

+ Ông Hai hăng hái lao động cùng anh em giữ làng nhưng vì kháng chiến, ông Hai miễn cưỡng đi cùng vợ và gia đình đi tản cư.

b. Tình yêu làng của ông Hai cảnh sống tản cư xa làng

- Ở nơi tản cư:

+ Ông buồn chán, nhớ làng quê, sinh ra lầm lì cáu gắt. Ông luôn đau đáu về làng, luôn nhớ về cái “độ ấy”, cái lúc mà ông vui vẻ bên anh em bạn bè “cũng hát hỏng, cũng bông phèng, cũng đào cũng cuốc mê man suốt ngày” … Tâm trạng ông như trẻ ra cùng những nhớ nhung, hồi tưởng.

+ Ông Hai hay khoe làng. Đi đâu ông cũng kể về làng chợ Dầu của ông “một cách say mê và náo nức lạ thường”. Ông khoe cho thỏa cái miệng và nỗi nhớ trong lòng, hầu như không quan tâm người nghe có hưởng ứng câu chuyện của mình không.

- Tình yêu Làng của ông gắn liền với yêu nước, yêu cách mạng:

+ Trước cách mạng, ông tự hào khoe làng giàu và đẹp với cái sinh phần của viên tổng đốc làng.

+ Sau cách mạng, ông chỉ nói về những buổi tập quân sự, những hào giao thông… Ông thường đến phòng thông tin nghe lỏm tin kháng chiến. Vì ở đây luôn có những niềm vui lớn, ông được nghe “tin những người tài giỏi” cứu nước. Cứ đến, ông lại náo nức, rạo rực và lại thêm tin tưởng đến thắng lợi. Vui mừng với những thắng lợi của quân và dân ta làm cho cuộc sống nơi quê người thật nhẹ nhàng, khoan khoái.

=> Ông Hai là người nông dân có tính tình vui vẻ, chất phác, có tấm lòng gắn bó với làng quê và cuộc kháng chiến.

c. Tâm trạng đau đớn, tủi hổ của ông Hai khi nghe tin làng theo giặc

* Khi vừa nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.

- Đang vui vẻ, phấn chấn vì nghe được nhiều tin ta thắng giặc trên tờ báo của phòng thông tin thì ông hay tin làng của ông theo giặc “Cổ ông lão nghẹn đắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tường như đến không thở được”.

+ Nghe tin, ông sững sờ và chết lặng. Ông cảm thấy xấu hổ vô cùng.

+ Câu hỏi “Sao bảo làng chợ Dầu tinh thần lắm cơ mà?” như một đòn giáng vào tâm hồn gần như tê dại của ông.

 + Từ niềm vui, niềm tin hi vọng, ông Hai rơi xuống vực thẳm đau buồn, xót xa, tuyệt vọng.

- Ông rơi vào trạng thái đau đớn, tủi hổ càng lúc càng nặng nề, cố ra vẻ bình thản để che giấu tâm trạng, nỗi tủi hổ:

+ “cúi gằm mặt xuống mà đi”, tai còn nghe văng vẳng tiếng chửi theo “…giống Việt gian bán nước”.

+ Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Thấy đám đông tụ tập nhắc tới hai chữ Cam nhông, Việt gian ông lại chột dạ.

+ Ông đau lắm, đến nỗi chẳng dám nhận mình là người làng Chợ Dầu dù ông rất tin tưởng ở những người đồng hương kháng chiến.

* Về đến nhà: Ông đã sụp đổ thật rồi. Lời nói của đám người tản cư lúc nãy cứ bám theo ông về tận nhà.

-  Ông nằm vật ra giường, nhìn đàn con mà tủi, “…nước mắt ông lão cứ giàn ra.”

- Ông tự hỏi và buồn thay cho số phận những đứa con của mình: “chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?”

+ Niềm tin, sự ngờ vực giằng xé mạnh trong tâm trạng ông Hai. Ông nghi ngờ tin đồn sai sự thật, điểm lại từng người một trong làng rồi lại căm giận,tức giận thầm chửi rủa đám người theo giặc:“chúng bay ăn cái miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.”.

-  Nỗi cay đắng tủi nhục, uất hận trước tin làng theo giặc được miêu tả chi tiết, sâu sắc qua hành động, thái độ, cử chỉ nhất là độc thoại nội tâm.

=> Kim Lâm đã diễn tả rất thành công về diễn biến tâm lí, đấu tranh gay gắt, dữ dội trong tâm trạng của ông Hai khiến ông rơi vào tình trạng đau xót tột cùng.

* Những ngày sau đó.

- Cái tin làng theo giặc cứ ám ảnh bám riết, khiến tâm tư ông nặng nề, day dứt, đau khổ. Suốt mấy ngày, ông chẳng dám đi đâu, chỉ quanh quẩn trong nhà.

+ Ông mặc cảm, thu mình trong nỗi đau xót, tủi hổ, trằn trọc không ngủ được, không muốn nói năng gì.

- Ông Hai có một cuộc xung đột nội tâm dữ dội để đi đến quyết định: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.”. Với ông, bây giờ mà về làng là chịu kham theo giặc, là rời bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ, và với ông là không thể được.

+ Tình yêu nước rộng lớn bao trùm lên tình yêu làng, dù xác định như thế nhưng trong lòng ông vẫn chan chứa nỗi xót xa, tủi hổ.

+ Ông Hai tiếp tục rơi vào bế tắc, tuyệt vọng khi mụ chủ nhà nói xỉa, đánh tiếng hòng ý muốn đuổi gia đình ông đi.

- Ông Hai tâm sự cùng với đứa con nhỏ thể hiện tấm lòng bền chặt, sâu sắc gắn bó giũa ông với quê hương, đất nước, với kháng chiến và cụ Hồ.

+ Nói với con, nhưng thực chất ông nói với lòng mình, tự giãi bày, tự minh oan.

+ Lời tâm sự như một lời thề, khẳng định sắt đá tình yêu làng, yêu nước sâu nặng, bền vững của ông Hai.

Qua diễn biến tâm lí giằng xé của ông Hai, ta nhận thấy tình yêu sâu đậm của ông dành cho quê hương làng chợ Dầu, cho cách mạng và Bác Hồ.

d. Tâm trạng ông Hai khi nghe tin cải chính.

Khi ông chủ tịch làng đến thông báo tin cải chính:

   + Ông phấn khởi đem quà về cho các con

   + Ông vui mừng đến độ đi từng nhà, gặp từng người chỉ thông báo nhà mình bị giặc đốt cháy sạch: “Tây nó đốt nhà tôi rồi… đốt nhẵn!”

   + Ông lại kể cho mọi người nghe về trận chống càn quét ở làng chợ Dầu với niềm tự hào.

Sự hào hứng, hân hoan ấy đã thể hiện được tinh thần yêu nước của ông Hai, một tình cảm chân thành của người nông dân chất phác, một người yêu làng, yêu nước, yêu cách mạng.

3. Đánh giá

- Nhà văn Kim Lân đã xây dựng tình huống truyện vô cùng đặc biệt, mỗi tình huống đều khắc họa được diễn biến tâm lý của nhân vật một cách chân thực.

- Ông miêu tả cụ thể diễn biến tâm lý của nhân vật qua những đoạn độc thoại nội tâm, những hành động giàu cảm xúc.

- Ngôn ngữ nhân vật vừa mang đặc trưng vùng miền, vừa mang đậm tính thuần phác, đôn hậu chung của người nông dân.

(Kim Lân đã cô cùng thành công khi khai thác diễn biến tâm lí nhân vật theo nhiều chiều sâu khác nhau, đặt vào những tình huống mâu thuẫn một cách ăn ý. Điều này giúp thể hiện tâm trạng nhân vật một cách tự nhiên, tài tình mà lại rất hợp lý qua biểu hiện, ngôn ngữ đối thoại, hành vi cử chỉ cũng như những dòng suy nghĩ độc thoại nội tâm. Cách dùng ngôn ngữ đậm chất dân gian, lời ăn tiếng nói của người nông dân.)

C. Kết bài

- Nhân vật ông Hai là một bức chân dung sống động, riêng biệt về người nông dân Việt Nam những ngày đầu kháng chiến: bình dị nhưng có lòng yêu làng, yêu nước chân thành, sâu nặng, cao quý.

- Truyện ngắn Làng của Kim Lân có nội dung truyện gần gũi, đơn giản nhưng thể hiện được những ý nghĩa to lớn, sâu sắc.

(Qua nhân vật ông Hai, sự khám phá chiều sâu tâm trạng và tâm lí nhân vật được Kim Lân nâng lên một tầm mới. Tác giả đã gửi lại sau “Làng” một tình yêu, một niềm tin vào người nông dân Việt Nam trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp lắm gian lao mà nghĩa tình, đằm thắm. Những con người giản dị chất phác nhưng có đức tin mãnh liệt về đảng về Cụ Hồ. Nó trở thành những tấm gương sáng trong kháng chiến để độc giả thêm quý mến và ngưỡng mộ.)