Là thi sĩ, ai chẳng muốn cất
ngòi bút ca ngợi cái đẹp, cái hữu tình, cái thơ mộng, nhưng hiện thực phơi bày
trước mắt là mũi dao oan nghiệt khiến trái tim đa cảm phải cất tiếng đau
thương. Trong ngàn vạn tiếng nấc nghẹn ngào về thân phận người phụ nữ, Truyện
Kiều bật lên như tiếng thét hoảng hốt, vô vọng giữa đêm trường phong kiến đầy
những tủi nhục, đắng cay. Tiếng thét đó chừng như kéo dài vô tận, phản ánh nỗi
đau thân phận người, nỗi đau thân phận nàng Kiều – người con gái tài hoa nhưng
bất hạnh. Ngòi bút điêu luyện của cụ Tiên Điền đã khéo léo mượn cảnh tả tình
tinh tế và ý nhị. Và đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích chính là dấu lặng trầm buồn
trong thiên bạc mệnh Kiều đã viết cho mình. Qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm của
chính nhân vật Nguyễn Du đã khắc họa một cách xúc động về nỗi nhớ người yêu, nhớ
bố mẹ của Thúy Kiều:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông
mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho
phai.
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Trong mười lăm năm trời vằng vặc
tha phương, không ít lần kiều bộc lộ nỗi nhớ thương về cha mẹ, tưởng nhớ người
yêu của mình mà mỗi niềm đau xót đều chân thành cảm động. Dưới ngòi bút trữ
tình tài hoa của Nguyễn Du luôn dõi đôi mắt tình đầy nhân hậu theo từng bước
chân luân lạc của đời Kiều. Thân gái một mình nơi đất khách quê người Kiều sống
ở lầu Ngưng Bích với tâm trạng cô đơn buồn tủi. Trước mắt nàng chỉ là một không
gian mênh mông với non xa trăng gần, với những cồn cát bụi bay mù mịt, còn thời
gian thì tuần hoàn khép kín không gian và thời gian ấy như giam hãm con người,
khiến nàng cảm thấy cô đơn buồn tủi đau đớn, tan nát cõi long. Tình cảm đối với
người thân lúc này cháy bỏng trong vết thương lòng rỉ máu.
Tâm cảnh rối bời, hoang mang,
tan vụn. Mối tình đầu vừa chớm nở đã vội tàn mà sao chữ tình kia cứ đeo đẳng
không sao đứt rời dù trước mắt nàng chỉ thấy cảnh mà vắng bóng người. Hình bóng
chàng Kim vẫn cứ hiện về trong ký ức:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông
mai chờ.
Nguyễn Du không dùng từ “nhớ”
để diễn tả tâm trạng Thuý Kiều mà lại là “tưởng”. Đây là nét rất độc
đáo, hàm súc. Chính từ “nhớ” không diễn đạt hết chữ tình Kiều dành cho
Trọng, bởi nhớ mong thì còn hy vọng gặp lại, còn “tưởng” thì chừng như
trong suy nghĩ của nàng thì đôi nhạn không mong có ngày tương phùng, không còn
kỳ vọng. Đó là nỗi nhớ trong hoài niệm, trong vô vọng. Câu thơ sáu tiếng mà có
đến bốn thanh trắc tạo âm hưởng nặng trĩu như tiếng nấc nghẹn ngào, thổn thức
đau thương. Từ “tưởng” còn là niềm tôn kính, bởi chính Kiều cảm nhận
mình là kẻ có lỗi trong tình yêu vô bờ mà Kim trọng dành cho nàng. Nàng mường
tượng mới hôm nào đây thôi cả hai cùng “dưới nguyệt chén đồng” thề thốt:
“Trăm ngăm tạc một chữ đồng đến xương”, giọt rượu giao thề hương vị vẫn
còn đọng trên bờ môi mà kẻ Liêu Dương, người Lâm Chuy xa xôi cách trở. Vầng
trăng kia vẫn còn, chén rượu thề nguyền chưa ráo mà nay tình duyên đã chia cắt
đột ngột. Câu thơ như có nhịp thổn thức của trái tim yêu thương đang rỉ máu.
Nhớ về Kim Trọng đau đớn hình
dung là cảnh ở Liêu Dương xa xôi cách trở, Kim Trọng không hề hay biết Kiều đã
bán mình chuộc cha mà vẫn hướng về Kiều chờ tin mà uổng công vô ích. Càng nhớ
chàng bao nhiêu thì Kiều càng thương cho số phận mình bấy nhiêu:
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Thương thân mình bơ vơ trên trời,
góc bể, càng nuối tiếc cho mối tình đầu. Âm điệu câu thơ kéo dài lê thê, nàng tự
nhủ với lòng “Tấm son gột rữa bao giờ cho phai”. Có thể hiểu “tấm son”
của Kiều đã bị hoen ố nàng không còn là một thiếu nữ phòng khuê, nhưng có thể
hiểu "tấm son"là tấm lòng chung thủy son sắc của nàng dành cho
Kim Trọng chẳng bao giờ nguôi ngoai. Lời thơ là lời độc thoại nội tâm. Thật vậy
! Suốt những năm tháng lưu lạc, Kiều không bao giờ nguôi thương nhớ Kim Trọng. Đặt
trong hoàn cảnh cô đơn Kiều đã tạm để tấm lòng mình lắng xuống và nhớ đến Kim
Trọng. Đó là sự vị tha và tấm lòng chung thủy của một người.
Chưa vơi nỗi nhớ người yêu, tâm
can Kiều lại càng chồng chất nỗi nhớ thương cha mẹ. Quá khứ cứ hiện về choáng
ngộp tâm tư, nàng lại xót cho cha mẹ tuổi già bóng xế.
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Nhớ tới Kim Trọng nàng “tưởng"
thì nhớ tới cha mẹ nàng "xót". Kiều xót xa khi bố mẹ đã già yếu
mà ngày ngày vẫn tựa cửa ngóng tin con, nàng còn xót xa bởi mình không tự tay
chăm sóc được cha mẹ và hiện thời ai là người chăm nom. Thành ngữ “quạt nồng
ấp lạnh " và điển cố "sân lai, gốc tử" đều nói lên
tâm trạng nhớ thương tấm lòng hiếu thảo của Kiều. Nhớ về cha mẹ còn tưởng tượng
ra cảnh giờ đây quê nhà đã đổi thay, mà sự đổi thay khiến nàng lo lắng nhất là
“Có khi gốc tử đã vừa người ôm"nghĩa là cha mẹ mỗi ngày thêm một
già yếu nàng thì chẳng thể nào chăm sóc. Cụm từ "cách mấy nắng mưa"
vừa nói được thời gian xa cách qua bao mùa mưa nắng vừa nói lên sự tàn phá của
tự nhiên, của nắng mưa đối với con người và cảnh vật, lần nào nhớ về cha mẹ Kiều
cũng "nhớ ơn chín chữ cao sâu"và luôn ân hận day dứt vì đã phụ
công sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ. Nỗi nhớ của nàng được gửi gắm vào chiều
dài thời gian, chiều sâu không gian bởi vậy mà càng thêm sâu xa. Hiếu thảo đến
thế thì còn gì bằng. Trong đời, Kiều luôn nghĩ đến người trước khi nghĩ đến
mình, đó là lòng nhân ái cao đẹp, là phẩm hạnh người phụ nữ Việt Nam. Nơi đất
khách quê người, mang thân phận cánh “hoa trôi man mác” trong dòng đời
bão nổi, thế mà trong trái tim bao dung kia luôn nghĩ đến cha mẹ già giờ ai
chăm sóc, giờ đang mòn mõi tin con. Chỉ mới đây thôi mà nàng tưởng như xa xôi lắm
cho nỗi nhớ chất chồng.
Đến đây ta hiểu tại sao trong nỗi
nhớ thương Kiều lại nhớ Kim Trọng trước cha mẹ sau, phải chăng trong hai chữ
tình - chữ hiếu nàng đã tạm yên với chữ hiếu bởi khi bán mình chuộc cha Kiều đã
phần nào đền đáp được công ơn sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ. Còn với Kim Trọng
trước khi về Liêu dương chịu tang chú, chàng đã kỳ vọng vào Kiều bao nhiêu.
Giữ vàng giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chân mây với trời.
Vậy là giờ đây, tấm thân Kiều đã
bị hoen ố, nàng đã phụ bạc chàng Kim vì thế nàng luôn ân hận, day dứt như một kẻ
phụ tình. Nỗi đau ấy cứ xé tâm can nàng khiến nàng luôn nhớ đến Kim Trọng, nhớ
người yêu trước nhớ cha mẹ sau, điều đó hoàn toàn phù hợp với quy luật tâm lý của
Kiều. Đồng thời thể hiện sự tinh tế trong ngòi bút miêu tả tâm lý của Kiều. Đồng
thời thể hiện sự tinh tế trong ngòi bút miêu tả tâm lý của Nguyễn Du. Điều đáng
lưu ý là dù trong hoàn cảnh cô đơn ở lầu Ngưng Bích Kiều là người đáng thương
nhất nhưng trái tim Kiều đầy yêu thương nhân hậu vị tha. Nàng là người tình thủy
chung, là người con rất mực hiếu thảo, thật đáng trân trọng biết bao.
Nguyễn Du bằng cái tài và cái
tâm của mình đã dệt nên một bức tranh tâm trạng đầy xúc động. Qua đó, ta cảm nhận
được tâm trạng của Kiều ở lầu Ngưng Bích trong giây phút đau đớn này. Dù trong
những giây phút bế tắc của cuộc đời Kiều vẫn nghĩ về gia đình về chàng Kim. Và
càng thêm cảm thông cho cảnh ngộ éo le của Kiều.
Thân phận người phụ nữ vốn mỏng
manh cần được bảo vệ, chở che nhưng trong xã hội phong kiến đau đớn thay, thân
phận ấy lại bị cuộc đời vùi dập. Kể cả Thúy Kiều – người con gái tài sắc vẹn
toàn ấy cũng không thể thoát khỏi sự trớ trêu xoay vần của con tạo. Cuộc đời của
Kiều luôn lẩn quẩn trong vòng xoáy của cuộc đời, chìm đắm trong nỗi buồn sầu tủi
miên man. Tâm trạng của Kiều ở lầu Ngưng Bích chính là khi bi kịch ấy được đẩy
lên đến đỉnh điểm về số phận của nàng Kiều tài hoa mà truân chuyên. Nguyễn Du
dường như đã đi đến tận cùng biện chứng tâm hồn, tỏ ra thấu hiểu con người khi
ông chỉ bằng ngôn ngữ đã làm hiển thị được nỗi lòng và tâm tư của Thúy Kiều. Đoạn
trích xứng đáng là một trong những đoạn thơ thành công nhất và khẳng định tài
năng thi ca cùng tấm lòng nhân đạo của đại thi hào Nguyễn Du.