Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Vẻ đẹp tinh thần của người Việt Nam trong khổ cuối của bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật) và đoạn hai của bài thơ Nói với con (Y Phương).




“Việt Nam, Người là ai mà trở thành nhân loại?
Người là ai mà sức mạnh thần kì”
Những con người Việt Nam vừa bình thường giản dị nhưng lại có vẻ đẹp, tầm vóc phi thường đã đi vào thơ ca như thế. Văn học đã sáng tạo nhiều hình tượng cao đẹp về con người Việt Nam thuộc nhiều tầng lớp, thế hệ trong chiến đấu, lao động, sinh hoạt, trong mối quan hệ, gắn bó với cộng đồng.Thơ ca đã biểu hiện vẻ đẹp tâm hồn và những khát vọng tinh thần của người Việt Nam. Để rồi mỗi lần đọc lại tôi không khỏi ngỡ ngàng vì người dân mình đẹp quá, dũng cảm; và lòng tôi được như sống lại những ngày còn chiến tranh bom đạn ấy.
"Nói với con" của Y Phương ; "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật làm hiện lên một tập thể anh hùng đang ngày đêm chiến đấu kẻ thù và xây dựng với để giữ từng tấc đất, ngôi nhà cho quê hương, đất nước và xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp hơn . Hai nhà văn đã khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của con người Việt Nam trong chiến tranh cũng như trong lao động. Hình ảnh những người lính lái xe và  những người dân tộc miền núi sáng lên mốt vẻ đẹp phẩm chất lạ thường. Họ là kết tinh của vẻ đẹp dân tộc, sức sống dân tộc. Những con người yêu nước thiết tha, quên mình vì tổ quốc ấy lại rất đỗi giản dị, sáng trong.
Người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ oai hùng đã tự nguyện cống hiến và hi sinh cho đất nước ; giàu nhiệt huyết, niềm tin và khát vọng ; vượt qua hiểm nguy, gian khổ để giải phóng quê hương . “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”  của Phạm Tiến Duật đã ghi dấu vẻ đẹp đó qua hình ảnh người lính với vẻ đẹp ở tư thế của người ra trận đầy khốc liệt trộn không lẫn của tuyến đường vận tải có một không hai trên thế giới. Bài thơ khắc hoạ nổi bật hình ảnh những người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, với tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm, thái độ bất chấp khó khăn coi thường gian khổ hiểm nguy, niềm lạc quan sôi nổi của tuổi trẻ và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam, trái tim yêu nước nồng nhiệt của tuổi trẻ thời chống Mĩ. Vẻ đẹp độc đáo được thể hiện rất hay trong khổ cuối bài thơ của bài thơ:
Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước .
Xe vẫn chạy vì miền nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Giọng thơ mộc mạc, mà nhạc điệu hình ảnh rất đẹp, rất thơ, cảm hứng và suy tưởng vừa bay bổng vừa sâu sắc để hoàn thiện bức chân dung tuyệt vời của những chiến sĩ vận tải Trường Sơn. Bốn dòng thơ dựng hai hình ảnh đối lập đầy kịch tính, bất ngờ thú vị làm nổi bật sự khốc liệt trong chiến tranh nhưng cũng làm nổi bật ý chí chiến đấu, quyết tâm sắt đá, tình cảm sâu đậm với miền Nam ruột thịt. Đó là sự thống nhất giữa hai sự vật tưởng như tương phản gợi ấn tượng về chất thơ lãng mạn và sự trần trụi khốc liệt. Những chiếc xe bị bom đạn Mỹ làm cho biến dạng trơ trụi, trụi trần ”Không có kính rồi xe không đèn- không có mui xe, thùng xe có xước” Nhưng điều kì lạ là những chiếc xe trụi trần ấy vẫn chạy, vẫn băng ra tiền tuyến. Tác giả lại một làn nữa lí giải bất ngờ và rất chí lí: “chỉ cần trong xe có một trái tim” Trái tim người lính cách mạng- trái tim của lòng quả cảm.
Hai câu thơ :
Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước .
Lột tả dồn dập những mất mát, khó khăn do quân địch gieo xuống, do đường trường gây ra: những chiếc xe bị hư hỏng nhiều hơn “không kính, không mui, không đèn, thùng xe có xước...” và biết bao chiến sĩ đã dũng cảm hi sinh. Điệp ngữ “không có” nhắc lại ba lần như nhân lên nhiều lần thử thách khốc liệt. Hai dòng thơ ngắt làm bốn  khúc như những chặng gập ghềnh, khúc khuỷu đầy chông gai, bom đạn.... Ấy vậy mà những chiếc xe như những chiến sĩ kiên cường vượt lên trên bom đạn, hăm hở lao ra tiền tuyến với một tình cảm thiêng liêng:
“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
 Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Hai câu thơ đã khắc đậm hình ảnh đẹp đẽ của người chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn . Âm điệu đối chọi mà trôi chảy, êm ru. Hình ảnh đậm nét. Đoàn xe đã chiến thắng, vượt lên bom đạn, hăm hở tiến ra phía trước, hướng ra tiền tuyến lớn với một tình cảm thiêng liêng “vì Miền Nam”, vì cuộc chiến đấu giành độc lập thống nhất đất nước đang vẫy gọi. Công cuộc giành độc lập tự do của nửa nước vẫn phải tiếp tục. Dùng hình ảnh tương phản đối lập, câu thơ không chỉ nêu bật được sự ngoan cường, dũng cảm, vượt lên trên gian khổ, ác liệt mà còn nêu bật được ý chí chiến đấu giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Hơn thế hình ảnh hoán dụ “một trái tim” là hình ảnh đẹp nhất của bài thơ .Hình ảnh trái tim là một hình ảnh hoán dụ tuyệt đẹp gợi ra biết bao ý nghĩa. Trái tim là hình ảnh hội tụ vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất của người chiến sĩ lái xe. Trái tim nồng cháy một lẽ sống cao đẹp và thiêng liêng: tất cả vì Miền Nam thân yêu, trái tim chứa đựng bản lĩnh hiên ngang, lòng dũng cảm tuyệt vời. Trái tim mang tinh thần lạc quan và một niềm tin mãnh liệt vào ngày thống nhất Bắc Nam.  Hình ảnh này kết hợp cùng kết cấu câu “vẫn  - chỉ cần” đã lý giải về sức mạnh vượt khó, khẳng định hơn tinh thần hiên ngang bất khuất, sự lạc quan tự tin trong cuộc chiến của người lính lái xe. Ẩn sau ý nghĩa trái tim cầm lái, câu thơ còn muốn hướng người đọc về một chân lí của thời đại chúng ta: sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là vũ khí, là công cụ... mà là con người- con người mang trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí kiên cường dũng cảm, niềm lạc quan và một niềm tin vững chắc.
  Người lính trong thơ Phạm Tiến Duật đi vào cuộc chiến đấu với tất cả tính chất chủ động, tự tin của những người có lý tưởng cao đẹp, có sức mạnh và tiềm lực nên họ rất dũng cảm và mang những nét thanh thản, vui tươi. Hình ảnh những người lính ấy trở nên bất tử và đẹp rực rỡ. Dù lớp bụi thời gian có phủ đầy những trang sách và những đổi mới của cuộc sống làm biến chuyển đi tất cả, nhưng hình ảnh những anh lính cụ Hồ, các anh chiến sĩ Trường Sơn vẫn sống mãi trong lòng mọi người với một niềm cảm xúc trào dâng mạnh mẽ.
Còn Ý Phương  mượn lời tâm sự của người cha với con với cách diễn đạt mộc mạc, thô sơ, bằng những hình ảnh cụ thể mà giàu sức khái quát ở khổ hai bài thơ đã thể hiện một cách độc đáo  hình ảnh người Việt Nam trong cuộc sống đời thường cần cù, nhẫn nại, gắn bó với cộng đồng ; giàu tình nghĩa, ý chí, nghị lực ; vượt qua gian nan, thử thách để xây dựng quê hương.
  “ Người đồng mình “( cách người cha gọi người dân vùng mình )- Đó là những con người giàu ý chí, nghị lực, luôn luôn vượt lên mọi khó khăn thử thách với bao nỗi buồn, niềm vui của cuộc đời.
                                 “ Cao đo nỗi buồn - Xa nuôi chí lớn”.
Nhà thơ lấy sự từng trải để đo chiều cao; lấy ý chí để đánh giá sự bền vững. Hai câu thơ bốn chữ đăng đối như một câu tục ngữ đúc kết một  thái độ, một  phương châm ứng xử cao quý, thể hiện một bản lĩnh sống đẹp của người dân tộc Tày.
Người đồng mình còn sống thuỷ chung tràn đầy niềm tin:
                            “Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
                              Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
                              Sống trong thung không chê thung nghèo đói
                              Sống như sông, như suối
                              Lên thác xuống ghềnh
                              Không lo cực nhọc”.
Giọng điệu tâm tình của đoạn thơ đã gieo vào lòng người đọc những cảm xúc tha thiết. Người đồng mình không bao giờ sợ gian khổ, sợ nghèo đói. Sự chấp nhận và đương đầu với gian khổ được thể hiện trong các điệp ngữ “ không chê, không lo” .Các hình ảnh ẩn dụ, so sánh,  thành ngữ dân gian “Lên thác xuống ghềnh” kết hợp các điệp từ “sống” vang lên, đoạn thơ đã khảng định một tâm thế, một bản lĩnh sống, một dáng đứng của người đồng mình và đó cũng là điều mà người cha hy vọng con hãy sống sao cho xứng đáng với quê hương.
  Phẩm chất cao đẹp của người đồng mình còn được nhà thơ thể hiện bằng cách nói rất cụ thể của bà con dân tộc Tày, không hề biết nói hay, nói khéo:
                         “ Người đồng mình thô sơ da thịt
                            Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”.
Đó là vẻ đẹp của tâm hồn cao thượng, của nhân cách làm người được diễn tả qua cách nói tương phản đối lập giữa hình thức và phẩm chất bên trong. Dù mộc mạc, giản dị như cây cỏ thì cũng không được sống tầm thương mà phải ngẩng cao đầu.
  Chính vẻ đẹp ấy mà người đồng mình sống rất thuỷ chung, nhân hậu:
                       “ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
                         Còn quê hương thì làm phong tục”.
Người đồng mình kiên trì, bền bỉ trong công cuộc lao động để vun đắp, xây dựng xóm làng, biết dệt lên những phong tục để tôn vinh quê hương. Với cách nói cụ thể “ đục đá kê cao quê hương” - Nhà thơ đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ thật độc đáo để ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của họ như cần cù, chăm chỉ, chịu khó và ý thức tự tôn dân tộc, ý thức bảo vệ cội nguồn.
Có thể nói người cha đã nói với con tất cả những gì tốt đẹp nhất của con người quê hương – Cái nôi đã sinh ra con, nuôi con lớn khôn và trưởng thành. Một lần nữa quê hương hiện lên như nguồn tiếp sức nhưng không phải là vỗ về, âu yếm giống như thời thơ bé mà giờ đây là lời nhắc nhở con ngẩng cao đầu mà đi.
Hai tác phẩm đi vào những khía cạnh khác nhau của đời sống, nhân vật hiện lên từ những khung cảnh, hoàn cảnh khác nhau và bút pháp khắc hoạ cũng mang tính độc đáo, cá biệt nhưng đều góp phần vào tiếng nói chung của dân tộc, tiếng nói phám phá ngợi ca vẻ đẹp của con người Việt .
Năm tháng trôi đi và lịch sử không ngừng biết động, "Nói với con" của Y Phương ; "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật mãi là những bông hoa không tuổi tựa mùa xuân không ngày tháng. Vẻ đẹp của con người Việt Nam đã làm nên cái hồn của cả dân tộc và góp phần làm cho tác phẩm sống mãi với thời gian.Chúng ta không khỏi tự hào, xúc động về những năm tháng đất nước mình đã đi qua, về vẻ đẹp muôn đời của con người đất Việt. Và ta mãi cất lên những bài ca không bao giờ quên - bài ca viết về quê hương, viết về con người bởi tự hào biết mấy hai tiếng: Việt Nam.