Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013
Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long
Văn học Việt Nam 1945 – 1975 đã gắn bó mật thiết với vận mệnh đất nước, sáng tạo nhiều hình tượng cao đẹp về con người Việt Nam trong lao động và chiến đấu. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long là một tác phẩm điển hình cho văn học thời kì này. Nhân vật anh thanh niên với lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, sự cởi mở, chân thành và khiêm tốn, chính là hình ảnh tiêu biểu cho những con người lao động thời kỳ đồi mới.
Những truyện ngắn và kí của Nguyễn Thành Long thường là sự chắt lọc của cuộc sống hiện thực sôi động diễn ra hằng ngày trên đất nước ta, kèm theo những ẩn ý sâu sắc. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” trong tập “Giữa trong xanh” (1972) cũng là một tác phẩm như thế. Truyện là kết quả của chuyến đi Lào Cai mùa hè năm 1970 của tác giả, kể về cuộc gặp gỡ ngắn ngủi mà thân tình giữa những con người xa lạ nơi đỉnh Yên Sơn heo hút, mây mù gió tuyết. Trong đó nổi bật và đáng nhớ nhất chính là nhân vật anh thanh niên, tiêu biểu cho những con người lao động đang âm thầm, lặng lẽ cống hiến, xây dựng xã hội, đất nước.
Nói đến người thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa”, không thể không nói đến tinh thần trách nhiệm của anh. Anh ý thức được đầy đủ và sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của công việc mình đang làm. “Dãy núi này có một ảnh hưởng quyết định đối với miền Bắc nước ta. Cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu.” Chính vì hiểu được điều đó, anh luôn có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Anh biết quên mình, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. “Gian khó nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là chưa đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới.” Trong những đêm mưa tuyết, lạnh giá như vậy, ai cũng muốn chui vào tấm chăn ấm áp nằm ngủ tới tận sáng. Anh thanh niên cũng vậy, nhưng không vì thế mà anh bỏ mặc công việc, bỏ quên tinh thần trách nhiệm của mình. Lương tâm anh không cho phép điều đó. Dù công việc có khó khăn đến mấy, anh vẫn hoàn thành đầy đủ.
Bên cạnh đó, anh thanh niên còn rất yêu nghề và gắn bó với công việc. Anh chấp nhận sự cô đơn trên đỉnh núi và cho rằng “làm khí tượng, được ở cao thế mới là lí tưởng chứ”. Và trong chính hoàn cảnh sống một mình ấy, anh đã có những suy ngẫm thật đúng, thật giản dị mà sâu sắc về cuộc sống, về công việc. Có lẽ đây là những tâm sự chân thành nhất của anh, được đúc kết trong cái vắng vẻ, lặng im trên 2000m trên mực nước biển. “Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ vào nghề này, cháu không nghĩ như vậy được nữa. Vả, khi ta làm bạn, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được. Huống chi công việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất.” Với anh, công việc là nguồn vui, là bạn bè, là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Chính công việc đã xua đi sự cô đơn trong lòng anh, tiếp thêm cho anh sự lạc quan và tình yêu cuộc sống.
Chính vì lòng yêu nghề ấy, anh rất tự hào về nghề nghiệp của mình. Anh thấy vô cùng sung sướng và hạnh phúc khi được biết “nhờ cháu có góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mỹ trên cầu Hàm Rồng”. Làm sao có thể tả được những cảm xúc dạt dào trong lòng anh khi được biết về kết quả lao động của mình, rằng mình đã làm được một việc có ích cho đất nước. Chỉ cần như vậy thôi cũng có thể khiến anh thanh niên, và cả những con người lao động chân chính khác, hạnh phúc đến khôn tả. Anh chính là hình tượng tiêu biểu cho những người lao động thời kì đổi mới, dám sống hết mình vì lý tưởng và lặng lẽ, âm thầm cống hiến tất cả cho đất nước.
Không chỉ nhiệt tình với công việc, anh thanh niên còn rất trân trọng tình cảm của mọi người. Lúc đầu mới nhận việc, anh “chưa quen, thèm người quá”. Chính điều bình thường ấy lại cho thấy nét đẹp trong tính cách của anh. Con người ai cũng sợ sự cô độc, muốn được giao tiếp vì đó là món ăn tinh thần không thể thiếu. “Còn người thì ai mà chả “thèm” hả bác ? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc ?” Đó không phải là nỗi nhớ phồn hoa đô hội tầm thường, xoành xĩnh, mà là mong muốn chính đáng của con người được sống giữa cộng đồng. Sự “thèm người” của anh là điều tự nhiên, cho thấy anh rất quý trọng tình cảm của mọi người. Anh luôn sẵn lòng mời khách đến thăm nhà. Thậm chí, anh còn đếm từng phút được gặp gỡ và nói chuyện với mọi người. Bởi vì với anh, những lúc được gần người như thế được đáng quý trong cuộc sống một mình giữa mây mù và bão tuyết.
Đọc tác phẩm, ta dễ dàng nhận thấy anh thanh niên là người rất cởi mở, chân thành. “Anh con trai, rất tự nhiên như với một người bạn đã quen thân, trao bó hoa đã cắt cho người con gái”. Hành động ấy có thể được hiểu theo nhiều nghĩa, nhưng ở đây, đó là lòng hiếu khách, là tình cảm của anh thanh niên với những người đã chịu khó lên thăm anh. Anh cũng không hề tỏ ra câu nệ, khách sáo. Dường như cái vắng vẻ chon von của Yên Sơn đã giúp anh thấm thía ý nghĩa của tình cảm giữa người với người.“Tôi cắt thêm mấy cành nữa. Rồi cô muốn lấy bao nhiêu nữa, tùy ý. Cô cứ cắt một bó rõ to vào. Có thể cắt hết, nếu cô thích.” Một cách tự nhiên, vô tư và không ngại ngần gì cả, “người con trai nói to những điều đáng lẽ người ta chỉ nghĩ, và cũng là những điều người ta ít nghĩ”. Điều đó thật đáng quý và đáng yêu biết chừng nào ! Ngoài ra, anh còn chu đáo, biết quan tâm đến mọi người. Anh nhớ vợ bác lái xe bị ốm và gửi cho bác gái củ tam thất để bồi bổ. Khi ông họa sĩ và cô kĩ sư ra về, anh gửi tặng họ một làn trứng để ăn đường. Những hành động nhỏ ấy đã chứng tỏ tình cảm của anh với tất cả mọi người, dù có lẽ anh chỉ gặp họ có một lần ngắn ngủi. Nó càng làm ta thêm yêu, thêm quý người thanh niên đáng mến ấy.
Ngoài những nét đẹp rất đáng yêu ấy, anh thanh niên còn rất khiêm tốn. Anh không muốn ông họa sĩ vẽ mình vì “cho là mình không xứng đáng với thử thách ấy”. Anh giới thiệu với ông họa sĩ những người khác đáng để cho ông vẽ hơn như “ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa”, “đồng chí nghiên cứu khoa học ở cơ quan cháu”,… Anh không hề có ý khoe khoang thành tích hay kể khổ. Thế giới của anh là công việc, “cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách”. Sống trên “đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn bốn trăm mét”, “bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”, anh vẫn có cách làm đẹp cuộc sống của mình : nuôi gà, trồng rau,… Anh không bao giờ cảm thấy buồn tẻ vì luôn có sách làm bạn, những trang sách ấy soi rọi vào cuộc đời anh. Cách sống ấy khiến ta liên tưởng tới những bậc hiền triết đời xưa sống thanh cao mà giản dị. Nhưng anh thanh niên của chúng ta không phải là một ẩn sĩ không màng thế sự. Anh sống và cống hiến cho sự nghiệp chung một cách khiêm tốn, không vụ lợi chút gì.
Có thể nói nhân vật anh thanh niên là một trong những nhân vật thành công nhất của Nguyễn Thành Long. Cốt truyện được xây dựng khá đơn giản nhưng hợp lí. Dù chỉ tập trung vào ba mươi phút gặp gỡ tình cờ ngắn ngủi, nhà văn đã nêu bật lên những nét đẹp đáng quý nhất của anh – yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm, yêu quý mọi người, cởi mở, chân thành và khiêm tốn. Tạo ra tình huống ấy, tác giả đã để cho nhân vật chính hiện lên qua suy nghĩ và ấn tượng của các nhân vật khác, từ đó khai thác được hết những nét tính cách đẹp của anh. Ngoài ra, nhà văn đã kết hợp tự sự với trữ tình và những ý kiến bình luận, giúp nâng cao ý nghĩa cũng như làm nổi bật chiều sâu của nhân vật. Qua đó, Nguyễn Thành Long muốn gửi gắm tới chúng ta : “Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đén chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.”
Bằng việc xây dựng tình huống hợp lí, kết hợp tự sự, trữ tình với bình luận, Nguyễn Thành Long đã khắc họa thành công nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” – tiêu biểu cho những con người bình thường đang âm thầm, lặng lẽ cống hiến cho đất nước. Đặt trong vẻ đẹp lặng lẽ của Sa Pa, bên cạnh những con người như ông họa sĩ già, bác lái xe, cô kỹ sư, vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của anh càng sâu sắc và lắng đọng hơn. Không cần phải hô hào, hứa hẹn những điều to tát rồi không làm được, chỉ cần như anh thanh niên, như nhà thơ Thanh Hải là đủ :
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”