Dùng văn chương để tải đạo, nghĩa là để tuyên truyền, giáo dục đạo lí, đạo đức phong kiến không phải là quan niệm mới nhưng ở Việt Nam thời trung đại, có lẽ chưa có ngòi bút nào ý thức và thực hiện một cách triệt để, sâu sắc như Nguyễn Đình Chiểu. Những nhân vật chính diện trong sáng tác của ông đều là sự hình tượng hóa một quan niệm, một phẩm chất đạo đức nào đó của Nho giáo. Và nếu nhân vật phản diện trong sáng tác của cụ đồ Lục tỉnh hiện lên như những gương xấu để răn đời thì nhân vật chính diện trong sáng tác của ông lại được tạo dựng như những gương sáng để làm mẫu cho người đời noi theo.
Cho nên, mở đầu Truyện Lục Vân Tiên, nhà thơ đã tuyên ngôn về quan điểm đạo đức: “Trai thời trung hiếu làm đầu / Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Trong truyện thơ này, cặp đôi Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga được xây dựng như những tấm gương về trung, hiếu, tiết nghĩa. Chỉ xét riêng đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, ta cũng có đủ chứng lí để biện minh cho điều này.
Đoạn trích nằm ở phần đầu tác phẩm. Lục Vân Tiên quê ở Đông Thành, chàng là kết quả do cha mẹ “tu nhân tích đức sớm sinh con hiền”. Lục Vân Tiên từng “theo thày nấu sử xôi kinh” trở thành người tài kiêm văn võ. Nghe tin triều đình mở khoa thi, Vân Tiên từ giã thầy xuống núi ứng thí mong đem tài ra giúp đời. Trên đường về thăm nhà, gặp cảnh bọn cướp Phong Lai hoành hành, hại dân, Vân Tiên bèn “nổi giận lôi đình”. Mặc cho những người dân chạy nạn khuyên chàng tìm đường tránh cướp, Lục Vân Tiên vẫn quyết đem sở học của mình ra trừ bạo cứu người. Đánh tan bọn cướp, chàng cứu được Kiều Nguyệt Nga.
Để ca ngợi trí dũng của Lục Vân Tiên, trước đó, tác giả tạo dựng cảnh rất nhiều nạn dân chạy trốn, chỉ riêng chàng là ngược dòng người nhớn nhác ấy để tìm đến bọn cướp. Trong cảnh đối đầu ấy, một bên là bọn lục lâm thảo khấu có đám lâu la đông như “lũ kiến chòm ong”, có đầy đủ khí giới, lại có tướng cướp Phong Lai hung ác mà “người đều sợ nó có tài khôn đương”; trong khi đó, chàng thư sinh họ Lục chỉ đơn độc có một mình, trong tay không có khí giới phải “bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô”. Tuy nhiên, Lục Vân Tiên vẫn đầy tự tin xung trận. Những chi tiết như “bẻ cây làm gậy” và “nhằm làng xông vô” diễn tả hành động vô cùng dứt khoát, nhanh nhẹn, thể hiện sự nóng lòng cứu người của chàng. Đứng trước bọn cướp hung dữ, chàng kết tội và cảnh tỉnh chúng “chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”. Nhân vật của Đồ Chiểu là vậy, thấy việc bất bình, hại đến dân là ra tay nghĩa hiệp. Mười bốn câu thơ tả cuộc đương đầu với bọn cướp là ngắn trong tương quan với cả sự kiện mà thực chất, cảnh đánh cướp cũng chỉ được tả trực tiếp trong một cặp lục bát: “Vân Tiên tả đột hữu xông / Khác nào Triệu Tử mở vòng Đương Dang”. Trong cặp lục bát này, thành ngữ “tả đột hữu xông” đã tái hiện khí thế dũng mãnh, dứt khoát của chàng. Trận đánh được ví như Triệu Tử Long (danh tướng thời Tam quốc) một thương một ngựa xông xáo giữa trùng điệp quân tướng của Tào Tháo trong trận Tràng Bản. Thêm nữa, cách miêu tả ngắn gọn như vậy tạo được cảm giác trận đánh diễn ra rất nhanh. Dường như người ta còn bàng hoàng chưa hết lo sợ cho tính mạng của chàng thư sinh họ Lục thì cục diện đã thay đổi:
Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Sau khi đánh cướp, Lục Vân Tiên lại được khắc họa với những vẻ đẹp khác của tâm hồn, chí khí. Khi nghe Kim Liên khẩn khoản “cúi đầu tôi lạy cứu cô tôi cùng”, Vân Tiên đã “động lòng” từ tâm. Chàng đề nghị nàng “khoan khoan ngồi đó chớ ra” vì sự khác nhau về danh phận (nàng là phận gái ta là phận trai) rồi ân cần hỏi han. Có thể ngày nay, ta cho rằng, hành động của chàng là biểu hiện của sự phân biệt nam - nữ, là sự lạc hậu của một quan niệm lễ giáo nhưng ở thời của Nguyễn Đình Chiểu, đó là biểu hiện của lòng khiêm tốn, bao dung. Chàng đánh cướp cứu người nhưng không hề tỏ ra cao ngạo với người mang ơn. Hơn nữa, con người vừa thể hiện “sức địch muôn người” ấy lại không phải là hạng võ biền chỉ có vũ dũng, chàng còn là môn đồ của cửa Khổng sân Trình với cách nói và cử chỉ lịch thiệp, nho nhã. Trong tay chẳng có tiền của gì đáng giá, Nguyệt Nga ngỏ ý muốn mời Lục Vân Tiên về Hà Khê - nơi cha nàng làm tri phủ để trả ơn. Lúc này, nếu chàng theo Nguyệt Nga về Hà Khê thì không chỉ có bạc vàng mà chàng còn có cả cơ hội về đường công danh vì cha nàng đang là tri phủ. Tuy nhiên, Vân Tiên mặc dù khát khao ứng thí để lập công danh nhưng chàng vẫn không màng đến danh lợi nhờ vào ban phát. Chàng thẳng thắn bày tỏ: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn / Nay đà rõ đặng nguồn cơn / Nào ai tính thiệt so hơn làm gì”. Hơn thế nữa, Lục Vân Tiên còn chứng tỏ mình là một trang nam tử đầy nhiệt huyết giúp đời: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi / Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”. Đó là quan niệm, là phương châm sống của chàng. Nói câu ấy, chứng tỏ Lục Vân Tiên không chỉ thấm nhuần đạo lí sống của người quân tử được ghi trong sách vở thánh hiền (Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã - Thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là người có dũng khí) mà chàng còn tự tin ý thức được mình là bậc anh hùng. Như vậy, chàng thư sinh họ Lục khiêm nhường nhưng cũng đầy tự tin bước vào đời và chính nét tính cách đáng trọng ấy đã khiến Nguyệt Nga cảm ân đức mà tự nguyện gắn bó với chàng.
Tương xứng với Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga được khắc họa như một trang thục nữ. Trong đoạn trích này, Nguyễn Đình Chiểu mượn lời bộc bạch của nàng để giới thiệu về gia thế của nhân vật. Theo lời tự giới thiệu, ta biết được nàng thuộc dòng dõi trâm anh, quê ở Quận Tây Xuyên, “cha làm tri phủ ở miền Hà Khê”. Qua những lời đối thoại với Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga hiện lên là cô gái thùy mị, nết na, hiếu nghĩa. Cho dù đường xa, nhưng vì ý cha muốn đưa nàng đến Hà Khê để “định bề nghi gia” thì nàng “ví dầu ngàn dặm đường xa cũng đành”. Kiều Nguyệt Nga là người trọng danh tiết, nàng hiểu rằng nếu không được Lục Vân Tiên cứu thì “tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi”. Nàng còn là người trọng ân nghĩa. Trong hoàn cảnh “của tiền chẳng có bạc vàng cũng không”, nàng đã khẩn khoản “xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa” và mời chàng về Hà Khê để đền ơn. Cũng qua ngôn ngữ, Kiều Nguyệt Nga hiện lên là cô gái có học, thông hiểu đạo lí, dịu dàng, mực thước, khiêm nhường. Chính những phẩm chất cao đẹp của nàng đã có sức lay động mãnh liệt đối với Lục Vân Tiên.
Về nghệ thuật, Truyện Lục Vân Tiên nói chung và đoạn trích này nói riêng không có được ngôn ngữ mượt mà, uyên bác như Truyện Kiều của Nguyễn Du nhưng chính cái vẻ mộc mạc, đậm chất Nam Bộ lại là thế mạnh của Nguyễn Đình Chiểu. Điều này có nguồn gốc từ bản thân con người của cụ Đồ. Đồ Chiểu là một nhà Nho được nuôi dưỡng trong cội nguồn văn hóa Nam Bộ. Mặt khác, mục đích sáng tác của ông là để truyền tải đạo lí, đạo đức cho con người quê hương. Vì thế, phương thức hợp lí nhất để tác động đến tâm tư, nhận thức của họ là dùng ngôn ngữ mộc mạc để “diễn ca” những vấn đề đạo lí. Phương thức nghệ thuật này thích hợp để tạo ra những mẫu hình người quân tử, thục nữ vừa thấu hiểu đạo lí lại vừa mang tính cách đặc trưng Nam Bộ: bộc trực, khẳng khái. Lục Vân Tiên thấy cướp hại dân thì không đắn đo mà ngay lập tức “bẻ cây làm gậy” cứu dân, rồi khi được hứa trả ơn cũng chỉ cười một cách vô tư và chối từ sự trả ơn. Cũng bằng thứ ngôn ngữ mộc mạc Nam Bộ, các nhân vật của Nguyễn Đình Chiểu tuy không được khắc họa bởi cá tính sắc nhọn hay chiều sâu nội tâm nhưng lại hiện lên chân thực, gần gũi. Đồng thời, những điển tích, điển cố, những tư tưởng đạo lí vốn trừu tượng cũng được diễn đạt một cách giản dị, sống thực.
Ngày nay, điều kiện thưởng thức nghệ thuật phong phú, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật thay đổi so với thời Nguyễn Đình Chiểu sống và tác phẩm của ông có thể yếu thế hơn trong việc thu hút công chúng. Tuy nhiên, ngôn ngữ và nhân vật của ông sẽ mãi là những ký ức về một thời mà người Nam Bộ thường dùng các tích cải lương, các tích truyện từ Truyện Lục Vân Tiên để phục vụ nhu cầu tinh thần trong quá trình khai khẩn đất Nam Bộ. Đã từng có một thời Truyện Lục Vân Tiên được người ta say mê hát, kể trong những sinh hoạt cộng đồng.
Hà Thanh Tâm
THCS Trần Nguyên Hãn, Tp Bắc Giang