Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013
Phân tích bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, càng ngày càng lớn dậy cao đẹp hơn, con người Việt Nam cũng lớn hơn lên, sức sống lại càng tràn trề mãnh liệt. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, nhân dân Việt Nam anh dũng đứng lên đáp lời kêu gọi của Bác Hồ. Ở đâu, chúng ta cũng gặp biết bao hình ảnh đẹp của con người Việt Nam mà đặc biệt là anh bộ đội trong thời kì chống Pháp. Bằng cảm xúc chân thành của tình đồng đội, bằng chất lãng mạn dạt dào bay bổng, Chính Hữu, nhà thơ quân đội, viết nhiều về người lính đã viết thêm bài thơ “Đồng chí” vào năm 1948, in trong tập “Đầu súng trăng treo” thật trữ tình sâu lắng. Đây là một bài thơ hay và dù đã trải qua sáu mươi năm, bài thơ không chỉ là người bạn tâm tình của thế hệ cầm súng chống Pháp, chống Mĩ mà còn trở thành lời ca tiếng hát của cả thế hệ hôm nay.
Cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi hội tụ của bao tấm lòng yêu nước, từ giã quê hương, hàng triệu người đã tình nguyện gia nhập bộ đội, chiến đấu cho một lí tưởng chung : độc lập, tự do của dân tộc.trong cuộc sống đầy gian khổ, hi sinh.
Những con người ấy, họ là ai ? Xuất thân từ đâu ? Bốn dòng thơ đầu đã nói những rõ đó là những người lính cách mạng. Họ là những người nông dân xuất thân từ những miền quê xa xôi đã tập hợp nhau lại thành đội ngũ :
“Quê hương anh nứơc mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau ”
Với giọng điệu nhỏ nhẹ thân tình, với hình ảnh sóng đôi, hai đại từ xưng hô “anh - tôi” làm cho người đọc hình dung hai người bạn - đồng đội, đang to nhỏ, tâm tình vào những giây phút ngắn ngủi sau chặng hành quân dài vất vả, sau trận đánh ác liệt, trong đêm rừng cùng nhau phục kích quân thù ... Lời tâm sự được diễn tả bằng hình ảnh đẹp, ấm cúng. Và điều làm mọi người dễ xích lại gần nhau là những câu chuyện về quê hương. “Quê hương anh “ và “làng tôi”, cách gọi chứa đựng bao tình cảm gắn bó thiết tha. Không nhắc đến một địa phương cụ thể nào, chỉ biết rằng “quê hương anh” là vùng “nước mặn đồng chua”. Câu thơ gợi nhiều hơn tả. Thành ngữ “nước mặn đồng chua” đi vào thơ thật tự nhiên, khiến người đọc liên tưởng đến một vùng quê quanh năm úng lụt, cơ cực, nghèo khó , còn “làng tôi” thì “đất cày lên sỏi đá” - vùng đất mà con ngưòi phải đổi bát mồ hôi lấy bát cơm. Cả hai vùng quê nghèo, lam lũ và cơ cực từ năm này qua năm khác, từ đời này qua đời khác. Ấy vậy mà khi xa quê, ai cũng quặn lòng. Vốn là một nhà thơ nặng nghĩa với làng quê Việt Nam nên giọng thơ của Chính Hữu có cảm xúc bồi hồi khó tả. Chỉ hai câu thơ mở đầu, tác giả đã gới thiệu rõ thành phần xuất thân của người chiến sĩ : họ là nông dân nghèo khổ. Theo tiếng gọi cứu nước thiêng liêng, họ tạm xa con trâu, mảnh ruộng, cầm súng giết giặc. Ra đi chiến đấu, mỗi người để lại sau lưng luỹ tre quen thuộc, mái tranh nghèo và những người thân yêu nhất nơi quê hương.
Có quyến luyến đấy, nhưng dứt khoát ra đi, bởi họ ra đi vì lí tưởng cách mạng, để rồi không hẹn mà họ lại gặp nhau, gắn bó với nhau qua từng kỉ niệm của ngày đầu gia nhập vào quân ngũ :
“Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi một hai”
(Hồng Nguyên)
Dần dần theo năm tháng, tình đồng đội biến thành tình đồng chí gắn bó thân thương:
“Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí ! “
Từ xa lạ trở thành thân quen thì đó là do sợi dây tình cảm giai cấp đã nối họ lại với nhau, bởi họ là những người nông dân nghèo khổ : “anh - nước mặn đồng chua” - “tôi - đất cày lên sỏi đá”. Dẫu xa lạ nhưng họ chiến đấu chung chiến hào. Nhà thơ đã dùng hình ảnh bình dị, gợi cảm “đầu sát bên đầu, súng bên súng” để diễn tả trọn vẹn tình đoàn kết, chan hoà, cùng nhau chia sẻ mọi gian khổ, hiểm nguy, vui buồn đời lính. “Súng” là nét thẳng cứng rắn, còn “đầu” là nét cong - đường nét của tình cảm. Cach diễn tả theo kiểu hỗ tương cùng với cách dùng động từ “sát” càng làm cho ý thơ gắn chặt với nhau như đôi bạn “tri kỉ ” bởi họ đã thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhau, nhất là trong những đêm mưa rừng, gió núi, giá lạnh tái tê, cùng nhau chăn chiếu. Tất cả tình cảm gắn bó dồn nén lại chỉ còn được diễn tả ngắn gọn qua hai tiếng “đồng chí”. Mạch cảm xúc dâng tràn, là tình cảm vút cao giữa những con người cùng chung một lí tưởng. Hai tiếng ấy lại nằm trong lời ca tiếng hát của các anh bộ đội : “Đồng chí ơi ! Người chiến sĩ giải phóng quân ...”
Từ “đồng chí” đứng riêng thành một câu thơ như nhấn mạnh, như cô đúc, như nén lại biết bao thiêng liêng , cao cả trong cái tình cảm mới mẻ này.” Đồng chí” - là từ giai cấp mà nên, từ lí tưởng mà có. “Đồng chí “ là soi vào nhau, hiểu nhau, anh hiểu tôi, tôi hiểu anh, hiểu đến nỗi lòng sâu kín của nhau. “Đồng chí!’’ tiếng gọi thân thương như một thứ âm thanh mầu nhiệm vun bồi thêm tình đoàn kết, tạo cho nhau sức mạnh để chiến thắng kẻ thù xâm lược.
Vì nghĩa vụ thiêng liêng, các chàng trai nông dân chỉ quen cày cuốc, ruộng vườn, nay quyết chí ra đi để cứu nước. Họ bỏ lại sau lưng tất cả :
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”
Trong thời loạn li, mang nặng trên vai nợ nước tình nhà, họ bước ra mặt trận. Hôm qua là nông dân, hôm nay đã là chiến sĩ. Những biểu tượng thân thương về hình bóng quê nhà được liệt kê khá đủ. Tình cảm quyến luyến giữa người đi, kẻ ở vẫn tồn đọng trong nỗi nhớ niềm thương. Thật thân thương gắn bó khi tác giả sử dụng bút pháp nhân hóa “giếng nứơc gốc đa nhớ người ra lính”. Người nhớ quê - quê nhớ người, lưu luyến mến thương, tình cảm chan hoà đó càng thúc giục người trai “ra lính” dẹp giặc trừ gian :
“Các anh đi, ngày ấy đã lâu rồi
Xóm làng tôi còn nhớ mãi
Buổi đoàn người trai trẻ đấu tranh”
hay
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy “
Thương nhớ quê nhà, đó là một thứ tình cảm đặc biệt thiêng liêng. Nhưng kẻ ra đi vẫn giữ chặt tay súng, cho dù khốn khó, bệnh tật cứ mãi rình rập đeo đuổi :
“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi”
Chiến đấu nơi rừng sâu, núi cao , bệnh tật cứ mãi đeo bám, “cơn ớn lạnh” rồi “sốt run người” luôn đe doạ tính mạng các anh. Những hình ảnh sóng đôi “anh - tôi” kèm theo những chi tiết đối ấy tạo sự cân xứng và nói rõ sự đồng cảm trong chiến đấu gian nguy. Khó khăn, gian khổ làm sao kể xiết :
“Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ”
(Tố Hữu)
Hay :
“Họ vẫn gầy vẫn ốm
Mắt vẫn lõm da vàng”
(Tố Hữu)
Nhưng chỉ có ý chí và lòng quyết tâm cao độ mới sang lấp được những ốm đau, bệnh tật mà thôi :
“Lấy ý chí thắng thiên nhiên
Gặp đau ốm chẳng thuốc men cũng lành”
(Hồng Chương)
Thiếu thốn vật chất cũng là trở ngại đáng kể của đời lính. Nhà thơ diễn đạt :
“Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
Sự thiếu thốn vật chất đơn giản thô sơ trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp không sao tránh khỏi. Nhà thơ liệt kê những thiếu thốn của đời lính rất thực “áo rách, quần vá, không giày”, những quân trang tơi tả, vì các anh phải lặn lội nơi chiến trường. Đằng sau vật chất nhàu nát đó là tinh thần kiên định : đoàn kết trừ giặc cho dân. Hình ảnh “tay nắm lấy bàn tay” có nhiều ý nghĩa : sự đoàn kết gắn bó để chiến đấu, sự cảm mến nỗi khốn khổ của nhau. Đó là những sức mạnh và vẻ đẹp bình dị của anh bộ đội:
“Bắt tay qua cửa kinh vỡ rồi”
(Phạm Tiến Duật)
Cái bắt tay qua “cửa kính vỡ rồi” hay “tay nắm lấy bàn tay” thật đầy ý nghĩa. Đó là cái ấm áp tình đồng chí, đồng đội thương yêu gắn bó, gian khổ có nhau, sống chết có nhau. Tình thương ấy là biểu hiện của tình đồng chí và là sức mạnh quý giá để tạo nên chiến thắng :
“Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”
(Tố Hữu)
Hay :
“Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng
Quờ chân nhau tìm hơi ấm đêm mưa”
Cuối bài thơ xuất hiện hình ảnh bay bổng chất lãng mạn :
“Đêm nay rừng haong sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
Cuộc hành quân vào một đêm giá rét, nơi “rừng hoang” giăng giăng “sương muối” lạnh giá tái tê, các anh cùng sát cánh bên nhau, tay súng bên nhau để “chờ giặc tới”. Bài thơ thiên về khai thác nội tâm, tình cảm người lính. Vẻ đẹp của “Đồng chí” là vẻ đẹp của đời sống tâm hồn người lính mà nơi phát ra vầng ánh sáng lung lính nhất là mối tình đồng độ, đồng chí hoà quyện với tình giai cấp. Hình ảnh “đầu súng trăng treo” nâng vẻ đẹp người lính lên đến đỉnh cao khái quát trong đó có sự hài hoà giữa hiện thực và lãng mạn đồng thơì mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. “Đầu súng trăng treo” vừa có cái lạnh của “rừng hoang sương muối” vừa có cái trong trẻo tuyệt vời của lí tưởng và vừa có cái ấm áp nồng hậu của tình người. “Súng” tượng trưng cho thực tại chiến đấu và “trăng” tượng trưng cho sự thanh bình trong mơ ước của người lính. Giữa đêm khuya lạnh trong rừng, các anh đang làm bạn với : khẩu súng - vầng trăng. Trăng soi sáng từng bước chân kẻ thù để các anh tiêu diệt dù :
“Đêm mưa rình giặc, ta thao thức
Mùa lại mùa qua, rét nhức xương”
Chiến đấu gian khổ là vậy đó !
Đánh giặc giữ nước vốn là truyền thống lâu đời của dân tộc. Nhưng người lính hôm nay ra đi đánh giặc lại đến với nhau trong một tình cảm thật mới mẻ, in rõ dấu ấn thời đai : tình đồng chí thiêng liêng mà cội nguồn sâu xa của nó là tình giai cấp gắn bó. Từ cuộc đời thật, những người lính thời chống Pháp bước vào trong thơ và toả sáng một vẻ đẹp mới : vẻ đẹp truyền thống thời đại. Đó là vẻ đẹp của sức sống mãnh liệt dồi dào tình đồng đội, đồng chí. Sức sống ấy không gì dập tắt nổi để thế hệ chúng ta hôm nay lại càng tự hào hơn về vẻ đẹp của người lính năm xưa. Họ đã làm nên trường ca anh hùng của một Điện Biên Phủ lẫy lừng,
Bài thơ nâng cao thêm trong ta niềm tự hào về một quá khứ hào hùng, về một thời chống Pháp oanh liệt và luôn sáng mãi hình ảnh những con người vì lí tưởng để lại tiếp tục vào thơ với những hình tượng cao đẹp khó quên :
“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh núi cheo leo
Núi không đè nổ vài vươn tới
Lá nguỵ trang reo với gió đèo”
(Tố Hữu)
(Nguồn: Sưu tầm)