Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022

Tình tri kỉ, tình đồng chí của người lính trong : Quê hương anh nước mặn...Đồng chí! _ Liên hệ tình bạn đẹp

 Cảm nhận những kỉ niệm đẹp ấm áp tình tri kỉ, tình đồng chí của một thời gian lao trong đoạn thơ sau:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

Đồng chí!

(Đồng chí- Chính Hữu)

Sau đó, liên hệ với một tác phẩm khác hay thực tế cuộc sống để làm nổi bật vẻ đẹp của tình bạn, tình đồng chí.

Bài làm

“Đồng chí!” Hai tiếng gọi nghe sao thân thương bình dị mà yêu mến đến vậy. Tình đồng chí là thứ tình cảm vừa thân quen vừa mới lạ trong cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Cảm nhận được sự sâu nặng trong tình cảm của những anh bộ đội cụ Hồ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Chính Hữu, một chiến sĩ – một nhà thơ đã xúc động viết lên tác phẩm Đồng chí. Đồng chí của Chính Hữu là một trong những tác phẩm ra đời sớm nhất, tiêu biểu và thành công nhất viết về tình cảm của những người lính Cụ Hồ. Bằng chính sự trải nghiệm của người trong cuộc với những rung động mới mẻ và sâu lắng về tình đồng chí đồng đội, nhà thơ Chính Hữu đã diễn tả một cách sâu sắc tình đồng chí gắn bó thiêng liêng của anh bộ đội thời kháng chiến gian khổ. Sự gắn kết trọn vẹn giữa những người lính đang ngày đêm chiến đấu quên mình vào sinh ra tử được thể hiện thật cảm xúc trong các vần thơ sau:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

Đồng chí!

“Đồng chí” được Chính Hữu sáng tác năm 1948, sau khi tham gia chiến dịch Việt Bắc Thu- Đông( 1947)- thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ Đồng chí như một định nghĩa bằng thơ về hai chữ “Đồng chí" là bài ca về tình đồng chí của những người lính cách mạng. Chính Hữu đã dẫn độc giả vào bức tranh hiện thực nơi núi rừng biên thuỳ nhưng mà thấm đẫm tình đồng đội đồng chí bằng thứ văn giản dị, mộc mạc. Tác giả đã thổi hồn vào bài thơ tình đồng đội tri âm, keo sơn và gắn bó, biến thành một âm vang bất tử trong tâm hồn những người lính cũng như con người Việt Nam. Phải chăng, chất lính đã thấm dần vào chất thơ, sự mộc mạc đã hòa dần vào cái thi vị của thơ ca hình thành những vần thơ nhẹ nhõm và đầy xúc cảm?

Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp gian khó, hình ảnh những người lính, những anh quân nhân biến thành niềm tin yêu và kì vọng của cả dân tộc. Họ là những người dân cày nghèo vì tình yêu quê hương tổ quốc nhưng bỏ cuốc thuổng, ruộng vườn để đứng lên đấu tranh:

Quê hương anh đất mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

Kết cấu sóng đôi, đối ứng  với những ngôn từ thật bình dị trình bày tình cảm của những người lính.  Anh và tôi”, hai người bạn mới quen, đều xuất thân từ những vùng quê nghèo nàn. Anh ra đi từ vùng “nước mặn đồng chua” (nơi đồng bằng chiêm trũng đất bị nhiễm mặn, nhiễm phèn), tôi đi từ miền “đất cày lên sỏi đá” (là vùng đất trung du cằn cỗi khô hạn, đất đai bạc màu khó canh tác). Dẫu hai miền quê xa nhau, ở hai phương trời khác biệt như thế, nhưng đều có điểm chung ở cái nghèo khổ, không nhận được sự ưu ái của mẹ thiên nhiên. Là những nơi mà nói như Chế Lan Viên từng nói “đất không nuôi nổi người, người không nuôi nổi đất”. Và chính điều đó cho thấy họ phải sống một cuộc sống lầm lũi, nghèo khó quanh năm, một cuộc sống bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, quanh quẩn trong những cái mảnh vườn mảnh ruộng sau lũy tre làng khiến cho ta không khỏi thấm thía, xót xa.  Và phải chăng chính cái xuất thân ấy khiến cho họ có sự đồng cảm với nhau, và rồi từ sự đồng cảm ấy mới nảy sinh tình đồng chí. Ngoài ra tác giả còn gợi lên không khí cách mạng của thời đại. Một thời đại mà cả nước ra trận, cả nước hi sinh cái riêng tư của mình cho cái lợi ích chung của toàn dân tộc. Và trong không khí ấy ta còn thấy cuộc đổi đời vĩ đại của giai cấp nông dân, lần đầu tiên trong lịch sử họ đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời mình. Mà nói như Nguyễn Đình Thi:

Ôm đất nước những người áo vải

Đã đứng lên thành những anh hùng.

Từ những vùng quê nghèo khổ ấy, họ tạm biệt người thân, tạm biệt xóm làng, tạm biệt những bãi mía, bờ dâu, những thảm cỏ xanh mướt màu, họ ra đi chiến đấu để tìm lại, giành lại linh hồn cho Tố quốc:

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Hai câu thơ thể hiện rất rõ sự biến đổi của tình đồng chí. Không hẹn đợi, chẳng thân quen, thậm chí còn xa cách quá chừng mà bỗng nhiên trở thành gần gũi. Là bởi vì họ cùng bước vào ngày hội của non sông. Chính cuộc kháng chiến vĩ đại, chính cái lí tưởng cách mạng, cái đồng lòng về tình yêu nước, lại thêm sự cảm thông về cảnh ngộ xuất thân như nhau đã gắn kết những con người xa lạ lại với nhau.

Nếu ở trên kia là sự xa cách

“Quê hương anh…

Làng tôi…”

yhì ở đây là sự sóng đôi với nhau “anh với tôi” rồi “đôi” thể hiện sự gắn bó khó có thể tách rời. Đó là cái bước ngoặt “quen nhau”. Họ không cần ai hô gọi cũng chẳng cần ai khích lệ, không cần lập công danh để lại tiếng thơm cho đời. Điều họ cần chỉ đơn giản là bảo vệ độc lập đất nước, bảo vệ cuộc sống hoà bình ấm no cho mọi người. Họ đều là những người nông dân mặc áo lính ra đi từ các làng quê nghèo vừa được Cách mạng giải phóng và giờ đây gắn bó thắm thiết vì mục đích của cuộc chiến đấu. Họ đã đứng lên cùng nhau chung tay dốc hết sức mình để bảo vệ đất nước. Dù biết sẽ có hi sinh có mất mát nhưng họ vẫn quyết định vùng lên. Đó là một tinh thần một nghĩa cử cao đẹp, vì nghĩa lớn mà quên đi bản thân. Tôi và anh tuy đến từ những nơi khác nhau nhưng chính tình yêu nước đã gắn kết chúng ta lại với nhau.Sự gắn bó trong quân đội cách mạng giữa những người nông dân “tứ xứ” này cũng được Hồng Nguyên thể hiện một cách hồn nhiên trong phần mở đầu bài Nhớ:

Lũ chúng tôi.

Bọn người tứ xứ

Gặp nhau hồi chưa biết chữ

Quen nhau từ buổi một, hai

Súng bắn chưa quen.

Quân sự mươi bài

Lòng vẫn cười vui kháng chiến…

Họ đến với cách mạng cũng vì lí tưởng muốn dâng hiến cho đời. Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Chung một khát vọng, chung một lí tưởng, chung một niềm tin và khi chiến đấu, họ lại kề vai sát cánh chung một chiến hào...

Súng bên súng đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

Đồng chí!...

Lời thơ như nhanh hơn, nhịp thơ dồn dập hơn, câu thơ cũng trở nên gần gũi hơn. Một loạt từ ngữ liệt kê với nghệ thuật điệp ngữ tài tình, tạo âm điệu khỏe khoắn, nhấn mạnh sự gắn kết, cùng chung lí tưởng, cùng chung nhiệm vụ. Hình ảnh “súng bên súng đầu sát bên đầu” gợi ra nhiều liên tưởng. Cách nói hàm súc đầy hình tượng ấy đã diễn tả chân thành tình cảm của những người lính. Súng biểu tượng cho nhiệm vụ chiến đấu chống kẻ thù bảo vệ đất nước. “Súng bên súng” là những ngày kề vai sát cánh cùng nhau chiến đấu.  Đầu biểu tượng cho lí tưởng, suy nghĩ họ chung nhau cuộc đời quân ngũ.  Đầu sát bên đầu” là một hình ảnh diễn tả ý hợp tâm đầu của đôi bạn tri kỷ. Những người lính đã biết hi sinh cái riêng vì cái chung. Họ chiến đấu và hi sinh cho một lý tưởng cao quý – đó là chiến đấu và hi sinh cho hòa bình độc lập đất nước. Họ chiến đấu hôm nay có thể ngã xuống ngày mai nhưng điều quan trọng là thế hệ con cháu mai sau sẽ được hưởng hòa bình hạnh phúc. Hình ảnh vừa tả thực những người lính kề vai chiến đấu, gợi ra hình ảnh một đoàn quân đồng cam cộng khổ, cùng chung chí hướng nối tiếp nhau chiến đấu vì ngày mai.

Họ mệt nhọc trong nhiệm vụ chiến đấu tranh nhưng mà họ tự hòa trong khí thế mạnh mẽ của niềm tin. Chính những đồng nhất tưởng chừng bé bỏng này lại là sợi dây tình cảm thâm thúy nhất gắn kết người lính cách mệnh dẫu trong gian nan mặt trận tàn khốc:

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ

Tấm chăn mỏng mà ấm áp biết bao tình cảm tâm giao của những người chiến sĩ – những người vào sinh ra tử có nhau. Đêm rét chung chăn là cách nói giản dị, hình ảnh chân thực, thật cảm động và đầy ắp kỉ niệm. Ta thấy sự sẻ chia ấm áp trong cuộc đời quân ngũ. Thiết nghĩ rằng tấm chăn bộ đội bạc màu sương gió ấy, khó có thể chống lại được cái giá rét nơi núi rừng, song chính cái cử chỉ đêm rét chung chăn đã mang đến hơi ấm. Hạnh phúc là được nằm trong tấm chăn ấm ấy. Nhưng người chiến sĩ không ích kỉ độc chiếm làm của riêng mà họ chia sẻ cho nhau.  Bởi lẽ rằng, cái ấm áp đó không phải nơi tấm chăn nữa, mà nó tỏa ra từ tình cảm, từ sự sẻ chia của những người lính. Dường như giữa họ không còn khoảng cách. Để rồi từ đôi người xa lạ rồi thân quen mà đã biến thành đôi tri kỉ. Hai từ “ tri kỉ ” chỉ dành cho những người bạn tâm giao – thực sự đồng cảm nhau. Và tình cảm đồng chí ở đây chính là như vậy. Mọi khoảng cách không còn và tạo nên tình đồng chí cứ lớn dần, sâu nặng theo thời gian.

Bài thơ ngắt nhịp đột ngột, âm điệu hơi trầm và cái âm vang lạ lùng cũng làm cho tình đồng chí đẹp hơn, cao quý hơn. Đến đây nhà thơ hạ xuống một dòng thơ đặc biệt với hai tiếng:

Đồng chí!...

Câu thơ chỉ có hai tiếng nhưng âm điệu lạ lùng đã tạo nên một nốt nhạc trầm ấm, thân thương trong lòng người đọc. Câu thơ ngắn, hình thức cảm thán vang lên như một phát hiện, một lời khẳng định sự kết tinh tình cảm giữa những người lính. Trong muôn vàn nốt nhạc của tình cảm con người phải chăng tình đồng chí là cái cung bậc cao đẹp nhất, lí tưởng nhất. Đồng chí hai tiếng ấy nghe vừa quen vừa lạ, vừa cất lên đã nghe rung động xốn xang. Tình đồng chí ở đây vừa là tình chiến đấu, vừa là tình thân - cả hai đều máu thịt. Từ đồng chí đứng tách thành một dòng vang lên như một nốt nhấn cảm động đến nao lòng. Đó vừa là tên gọi, tiếng gọi quan hệ của của người cùng chung đội ngũ. Tiếng gọi sâu thẳm, thiêng liêng, cảm động không diễn tả hết bằng lời. Nhịp thở của bài thơ như nhẹ nhàng hơn, hơi thơ của bài thơ cũng như mảnh mai hơn. Dường như Chính Hữu đã thổi vào linh hồn của bài thơ tình đồng chí keo sơn, gắn bó và một âm vang bất diệt làm cho bài thơ mãi trở thành một phần đẹp nhất trong thơ Chính Hữu. Vì thế, chúng ta thêm hiểu vì sao Chính Hữu lại đặt tên bài thơ của mình là Đồng chí mà không lấy một cái tên khác, chẳng hạn “đồng đội”. Quả thật, chữ “đồng chí” hàm nghĩa rất cao và sâu. Nghĩa đồng chí, một mặt là cơ sở, là nền tảng; mặt khác, cũng là cốt lõi, là bản chất của tình đồng đội.

Quả thật, bài thơ là một xúc cảm thiêng liêng, là một tình yêu rộng lớn, trong cái lớn lao nhất của đời người. Gặp nhau trên cùng một con đường Cách mạng, tình đồng chí như được thắt chặt hơn bằng một sợi dây yêu thương vô hình. Bài thơ Đồng chí với ngôn ngữ chân thực, hình ảnh lãng mạn, nụ cười ngạo nghễ của các chiến sĩ đã lay động biết bao trái tim con người. Lời thơ giản dị kết hợp với những hình ảnh quen thuộc đã góp phần tạo nên sự thành công cho bài thơ. Ngoài ra thể thơ tự do đã phát huy hết hiệu quả diễn đả khiến mạch cảm xúc tự do tuôn chảy như một dòng thác không bị bó buộc bởi câu chữ. trong bài thơ làm nổi bật hình ảnh người anh hùng bộ đội cụ Hồ giản dị chân thực mà vô cùng cao đẹp.

 

"Tình bạn" - hai chữ ấy thật thiêng liêng và quý giá. Trong mỗi chúng ta ai cũng phải có người bạn thân mến của mình. Trong tình bạn, chúng ta sẽ được sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống, chúng ta sẽ được học hỏi kinh nghiệm quý báu của nhau làm cuộc đời này càng trở nên tươi đẹp. Nếu không có bạn thì vô tình chúng ta đã tự tách mình ra ngoài xã hội. Nghĩa là ta sẽ trở thành "một, ốc đảo đơn độc giữa đại dương bao la", mà hệ quả của sự tách biệt ấy sẽ vô cùng tai hại. Bên cạnh gia đình, tình yêu, thì tình bạn chân thành là chỗ dựa vững chắc cho mỗi người trong cuộc sống. Người bạn thật sự là người biết khích lệ, động viên khi ta đang vươn lên, biết mừng vui khi ta hạnh phúc, biết bật khóc sẻ chia khi ta đau buồn, biết tìm đến ta khi ta cô đơn. Nếu cuộc đời khắc nghiệt khiến ước mơ, niềm tin của ta trong vùng giông bão thì bờ vai của một người bạn luôn là chỗ dựa an toàn cho ta. Những người bạn thật sự sống dựa vào nhau bằng niềm tin mạnh mẽ nhất. Chính niềm tin ấy khiến chúng ta có thể chia sẻ cùng nhau cả những điều tốt đẹp lẫn khó khăn nhất trong đời bằng nụ cười.Chúng ta sẽ bị tụt hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai và cuộc đời của chúng ta. Thực tế đã chứng minh, những người thành công trên con đường sự nghiệp bên cạnh đều có những bạn bè tốt. Bất kì một người nào muốn đi đến thành công cần tạo lập mối quan hệ bạn bè tốt đẹp nhằm biến cái nhỏ thành cái lớn, biến cái ít thành nhiều. Tình bạn cao đẹp xuất phát từ sự chân thành nên muốn trở thành một người bạn chân chính ta cần đối xử với bạn bè với tất cả tấm lòng. Khi bạn bè gặp khó khăn hãy ta chân thành giúp đỡ. Khi bạn bè gặp hoạn nạn hãy chân thành sẻ chia. Không nên đòi hỏi quá nhiều trong tình bạn vì  Trong cuộc sống nên cho đi để nhận lại. Hãy yêu mến và trân trọng những người bạn quanh mình để xây dựng cho mình một tình bạn đẹp, yếu tố quan trọng của một cuộc sống hạnh phúc.

 

Tình bạn là tài sản tinh thần vô giá, là người bạn đồng hành cùng ta vượt qua khó khăn, dìu ta đứng lên sau vấp ngã. Mỗi người chỉ có một cuộc đời, cuộc đời có thêm ý nghĩa bằng những tình bạn chân thành, sâu sắc. Những người lính trong bài thơ Đồng chí là tiêu biểu cho những gì đẹp nhất trong tình bạn. Chính tình đồng đội tri kỷ ấy đã trở thành “điểm tựa tinh thần”, là nơi dựa vững chắc, là sức mạnh to lớn để những người dân chiến sĩ vượt qua mọi gian nguy tạo nên bao chiến thắng viết lên những bản anh hùng ca Việt Bắc, Biên giới, Hoà Bình, Tây Bắc….Chiến tranh trôi qua, hòa bình này đã được lập lại nhưng những năm tháng gian khổ mà hào hùng đó vẫn mãi là một chương quan trọng trong cuốn sách với những trang sử vàng vẻ vang của dân tộc. Ta lại càng ý thức hơn nữa lòng biết ơn dành cho các anh bộ đội cụ Hồ đã đổ bao xương máu để đất nước giang sơn được như ngày hôm nay.