Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích sau:
[…] Cháu ở
đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào
việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu […]
Cháu lấy những con số, mỗi ngày báo về “nhà” bằng máy bộ đàm bốn giờ, mười một
giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng. Bản báo ấy trong ngành gọi là “ốp”. Công việc
nói chung dễ, chỉ cần chính xác. Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ
sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe
chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to
đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở
bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật
dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió giống những nhát chổi lớn muốn
quét đi tất cả, ném vứt lung tung … Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực
như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ được.
(Trích
Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, tập I)
Sau đó liên hệ
thực tế hay một tác phẩm khác để thấy rõ Vai trò của ý thức trách nhiệm trong
công việc.
Bài làm
Gấp lại truyện
ngắn “Lặng lẽ Sa pa ”của Nguyễn Thành Long lòng ta cứ xao xuyến vấn vương trước
vẻ đẹp của những con người ,trước những tình cảm chân thành, nồng hậu trong một
cuộc sống đầy tin yêu .Dù được miêu tả ít hay nhiều nhân vật nào của “Lặng lẽ
Sa Pa” cũng hiện lên với nét cao quí đáng khâm phục.Trong đó anh thanh niên làm
công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu đã để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng
khó phai mờ. Nguyễn Thành Long đã khắc họa thành công hình ảnh nhân vật anh
thanh niên với nhiều vẻ đẹp phẩm chất tốt đẹp mà nổi bật nhất là lòng yêu nghề
đến say mê, sự hết lòng với công việc thầm lặng nhưng có ích cho đất nước của
anh. Ta có thể cảm nhận được tình yêu, niềm tự hào về công việc của mình qua những
lời tâm sự của anh về công việc khoa học đơn điệu, tẻ nhạt đến mức nhàm chán của
mình.
Truyện ngắn “Lặng
lẽ Sa Pa” được tác giả công bố vào năm 1970 sau chuyến đi thực tế lên Lào Cai
trong mùa hè. Truyện có cốt truyện khá đơn giản, xoay quanh cuộc gặp gỡ bất ngờ,
ngắn ngủi giữa ba nhân vật là ông họa sĩ, cô kĩ sư trẻ và anh thanh niên làm
công tác khí tượng ở Sa Pa. Tuy nhiên, nhờ vào cuộc gặp gỡ đó mà anh thanh niên
– nhân vật chính của truyện đã để lại trong lòng những con người xa lạ những
suy nghĩ, cảm xúc thật trong sáng, đẹp đẽ. Nguyễn Thành Long không trực tiếp
nói về anh thanh niên, chỉ cho anh xuất hiện một cách bình thường như nhân vật
khác và qua cảm quan của tuyến nhân vật phụ để vẽ lên bức tranh tuyệt đẹp mà điểm
sáng là vẻ đẹp của người thanh niên.
Anh thanh niên
là một người lao động bình thường, anh không phải là người đặc biệt anh như bao
người khác, anh được giới thiệu: “hai bẩy tuổi tầm vóc nhỏ bé, khuôn mặt rạng
rỡ” cái tuổi sôi nổi, yêu đời và khát khao được cống hiến cho đời. Vốn dĩ ở
độ tuổi như anh, người ta sẽ thích một cuộc sống sắc màu, năng động, nhiều niềm
vui tại phố thị xa hoa, hoặc ít nhất là được ở gần gia đình, người thân. Anh
thanh niên lại đi ngược lại xu hướng đó, anh tìm về với nơi yên bình, xa cách
này, vừa cô đơn vừa buồn tẻ. Anh làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu.
Công việc mỗi ngày của anh là “ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo trấn động
mặt đất”. Nhằm dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày phục vụ sản xuất
và chiến đấu, Đó là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, kiên nhẫn và có tinh
thần trách nghiệm cao. Chính hoàn cảnh sống đặc biệt ấy lại là “chiếc đòn bẩy”
nâng tầm cho ý chí sắt đá, nghị lực phi thường của anh thanh niên được nổi bật
và neo giữ mãi trong trái tim người đọc. Anh cũng như các nhân vật trong truyện
đều có không có tên riêng, có lẽ đây không phải là điều quan trọng đáng nhớ vì
mỗi người trên đời này đều có thê giống như anh mà cái đáng nhớ là vẻ đẹp vốn
có trong anh.
Thông qua lời
giới thiệu của người lái xe anh thanh niên sống ở “đỉnh Yên Sơn, cao hai
nghìn sáu trăm mét” và “làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu”, và khi
nghe lời tâm sự của anh kể về công việc làm của mình cho ông họa sĩ già
và cô kỹ sư nông nghiệp trẻ, ta có thể thấy nhân vật anh thanh niên trong truyện
có hoàn cảnh sống và làm việc thật đặc biệt. Anh sống một mình trên núi cao,
quanh năm suốt tháng làm việc với cây và mây núi ở Sa Pa. Công việc của anh là
làm khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Công việc hằng ngày của anh thanh niên lặp
đi lặp lại tựa một vòng tròn không có hồi kết. Anh làm bạn với đủ loại máy đo
mưa, máy nhật quang ký đo ánh sáng mặt trời, cái máy đo gió và cái máy đo chấn
động của vỏ trái đất. Một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và đúng giờ. Nhiệm
vụ của anh là đo gió, đo mưa, đo gió, đo chấn động mặt đất và dự báo thời tiết
hằng ngày phục vụ cho công việc chiến đấu và sản xuất. Anh lấy những con số,
mỗi ngày báo về “nhà” bằng báo bộ đàm bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối và một
giờ sáng. Công việc của một người đòi hỏi tính chính xác, tỉ mỉ và tinh thần
trách nhiệm cao. Anh thanh niên bảo “công việc nói chung dễ” nhưng những gì anh
chia sẻ về công việc của mình với ông họa sĩ và cô kĩ sư mới thấy nó gian khổ
và thử thách sức chịu đựng và tinh thần chiến thắng bản thân của con người đến
như thế nào.
Công việc anh
thanh niên đặc biệt nhiều thử thách nhất là lúc ghi báo về những con số lúc một
giờ sáng trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt. Hãy nghe anh tâm sự: "Rét,
bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng
hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn
thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như
chỉ chực mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị
chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi muốn quét đi tất cả, ném vứt
lung tung… Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở
vào, không thể nào ngủ lại được". Những lời kể chân thực của anh thanh
niên giúp người đọc cảm nhận được những gian khổ mà anh phải trải qua. Dưới cái
trời lạnh buốt giá nơi núi rừng Tây Bắc, người ta sẽ chẳng muốn làm gì, chỉ muốn
cuộn trong chăn ấm. Thế mà, có những người vẫn lặng lẽ, chống chọi với cái lạnh
giá ấy, với mưa gió, sấm chớp đùng đùng hết mình vì công việc, không nề hà,
than vãn. Đọc những dòng tâm sự ta càng thêm khâm phục, yêu mến anh hơn.
Ngoài khó khăn
được anh nói đến trong lời tâm sự , hoàn cảnh sống và làm việc của nhân vật còn
có điều đặc biệt là: Anh thanh niên mới có hai mươi bảy tuổi, cái tuổi đang hừng
hực sức sống và sự bay nhảy. Thế mà, anh đã sống một mình trong suốt bốn năm
trên đỉnh Yên Sơn. Trong bốn năm đó, ông họa sĩ và cô gái trẻ là đoàn khách thứ
hai đến thăm nhà anh. Như vậy, cái gian khổ nhất đối với anh là phải vượt qua sự
cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng chỉ có một mình trên đỉnh núi cao không một
bóng người. Thử tưởng tượng phải làm việc quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh
núi cao không một bóng người rồi những lúc thấy nản lòng, buồn tủi lại không có
một ai để chia sớt, san sẻ, động viên. Ta thấy đó quả thật là một công việc
không hề “dễ” như anh nói. Phải bản lĩnh, đam mê và yêu nghề đến đâu, một người
trẻ tuổi như anh mới chấp nhận sống và làm việc ở nơi “khỉ ho cò gáy” này. Và Anh
thanh niên đã vượt qua tất cả bằng ý chí, nghị lực và những suy nghĩ rất đẹp.
Chỉ cần nghe lời
tâm sự đó thôi ta đã thấy được anh say mê, yêu nghề đến mức nào, công việc là
niềm vui, niềm hạnh phúc và là sự sống của anh, anh không thể sống khi thiếu
công việc cũng như người ta không thể sống khi thiếu khí trời. Một mình sống
trên đỉnh Yên Sơn, không có ai đôn đốc, kiểm tra nhưng anh vẫn vượt qua hoàn cảnh làm việc một
cách nghiêm túc, tự giác với tinh thần trách nhiệm cao. Dù thời tiết khắc nghiệt
mùa đông giá rét mà anh đều thức dậy thắp đèn đi “ốp” đúng giờ. Ngày nào cũng vậy
anh làm việc một cách đều đặn, chính xác 4 lần trong ngày, âm thầm, bền bỉ
trong nhiều năm trời. Công việc thực sự là một nguồn vui, một người bạn trong
cuộc sống của anh. Anh thanh niên đặt hết tình cảm và cuộc sống trong công việc
đang làm. Anh hiểu được chân lý của cuộc sống, anh có một quan niệm vô cùng đẹp,
rằng mình là một mảnh ghép trong vô số mảnh ghép khác, chỉ khi hoàn thành tốt
nhiệm vụ của mình thì mới hoàn thành những nhiệm vụ lớn. Với anh sống là làm việc,
làm việc là yêu nước. Đó là ý thức trách nhiệm cao cả của anh trong công việc
hành ngày và trong thực hiện nhiệm vụ đối với tổ quốc. Tinh thần thái độ làm việc
của anh thật nghiêm túc, chính xác, khoa học và nó đã trở thành phong cách sống
của anh. Anh là người rất có nguyên tắc và ý thức sống. Không phải vì sống một
mình không ai lui tới nên anh buông thả bản thân. Một phong cách sống khiến mọi
người phải nể trọng
Sự cô độc cùng
với áp lực công việc, cái đó có thể giết chết con người bằng bệnh trầm cảm, tự
kỉ nhưng anh thanh niên đã chiến thắng tất cả để giữ được một trái tim ấm áp, một
tinh thần lạc quan, yêu đời. Anh triết lí về công việc của mình: “khi ta làm
việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?”. Khó khăn đến mấy cũng không cản được ý chí
trong anh.
Anh thấy được
công việc thầm lặng của mình có ích cho cuộc sống, cho mọi người. Anh đã thấy
mình “thật hạnh phúc” khi được biết một lần do phát hiện kịp thời một
đám mây khô mà anh đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta bắn rơi nhiều
máy bay Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng. Trái tim của anh luôn rạo rực một ngọn lửa
khát vọng, khát vọng được sống đẹp, sống có ý nghĩa, sống có ích cho đất nước,
cho mọi người. Hạnh phúc của người con trai ấy chẳng phải là ái tình tuổi trẻ,
được giàu sang hay quyền lực. Hạnh phúc với anh là được làm việc, được cống hiến
cho đất nước. Hạnh phúc khi ấy đã vượt ra ngoài biên giới của nó, không chỉ bó
hẹp trong từng cá nhân mà lan tỏa đến những người khác, có ý nghĩa với nhiều
người. Phải chăng một trong số những ẩn ý của tác giả qua việc không đặt tên
riêng cho nhân vật chính mà lại gọi anh là “anh thanh niên” bởi anh đại diện
cho tầng lớp các bạn trẻ đang ngân vang giai điệu bất diệt của lí tưởng sống
cao cả, lao động quên mình vì Tổ quốc. Anh là đại diện tiêu biểu cho thanh niên
Việt Nam, hăng say làm việc, hết mình cống hiến cho dân tộc, cho đất nước.
Với cách xây dựng
tình huống truyện hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên, kết hợp độc đáo giữa tự sự,
trữ tình với bình luận, tác phẩm như dòng suối tĩnh lặng, nhẹ nhàng chảy trôi
vào đời, đi qua những ngõ ngách trong trái tim người đọc và cứ thế lắng đọng
nơi sâu thẳm cõi lòng. Ngòi bút tinh tế, giàu chất thơ của Nguyễn Thành Long
như giúp người đọc đắm chìm vào từng lời văn, ngây ngất trong chất men say trữ
tình lãng mạn của một thiên nhiên nên thơ đến những con người làm việc lặng lẽ,
quên mình vì Tổ quốc. Sa Pa không chỉ là sự yên tĩnh, bên dưới sự yên tĩnh ấy,
người ta làm việc, hi sinh và mơ ước. Ở đó, vẻ đẹp của anh thanh niên trong Lặng
lẽ Sa Pa khiến người ta rung động và sống mãi trong tiềm thức người độc giả.
Cuộc sống của
anh đẹp như một bài ca. Và bài ca ấy đã thôi thúc thế hệ thanh niên Việt Nam hôm
nay cần dũng cảm lên đường, sống và cống hiến hết mình vì non sông, đất nước. Các
bạn trẻ cần hiểu được tầm quan trọng của lao động trong cuộc sống. Trong cuộc sống,
ai cũng phải làm việc, phải lao động để nuôi sống bản thân và góp phần xây dựng
gia đình, xã hội. Mức độ ý thức trách nhiệm của một người quyết định mức độ
thái độ của người đó làm việc, đồng thời cũng quyết định thành tích công việc của
người đó. Khi có được ý thức trách nhiệm cao trong công việc, con người ta có
thể học được từ công việc nhiều kiến thức mới, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm
và cũng từ đó tìm thấy niềm vui. Khi coi công việc là bạn, là nguồn vui thì
công việc sẽ trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả. Khi làm việc là lúc ta tự rèn luận
các kĩ năng, do vậy công việc giúp ta hoàn thiện và phát triển bản thân. Lời
tâm sự của anh thanh niên gián tiếp phê phán những người coi công việc là gánh
nặng, những người lười nhác…Bản thân mỗi người chúng ta cần có thái độ yêu lao
động, coi lao động là niềm vui, niềm hạnh phúc. Lao động là sự sống, là vẻ
vang. Lười biếng lao động, thiếu ý thức trách nhiệm trong công việc là điều thật
đáng xấu hổ. Với học sinh,khi còn ngồi trên ghế nhà trường, người có tinh thần
trách nhiệm là người luôn cố gắng, nỗ lực học tập; chấp hành nghiêm các quy định
của nhà trường; yêu thương và giúp đỡ bạn bè, nghe lời thầy cô, hiếu thảo với
ông bà cha mẹ… Có trách nhiệm trong công việc đang làm và tình yêu đối với tổ
quốc.
Mỗi tác phẩm văn
học không chỉ thốt lên nỗi niềm của tác
giả mà còn khơi gợi nỗi lòng của người đọc. “Lặng lẽ SaPa” vừa vẽ nên một bức
tranh thơ mộng, lãng mạn nhưng vô cùng chân thực về vẻ đẹp một miền sơn cước, ẩn
hiện trong đó là nét đẹp của người thanh niên với lý tưởng sống vô cùng tốt đẹp.
Truyện ngắn còn để lại cho độc giả những thanh âm vang vọng mãi về sau. Đó là
thanh âm nhắc nhở thanh, thiếu niên và người lao động sống phải có lý tưởng, có
ước mơ, dám cống hiến, dám chịu trách nhiệm và giữ nét đẹp giản dị, chân thật
nhất trong tim mình.