Thứ Năm, 7 tháng 4, 2022

Phân tích 2 khổ thơ đầu Sang thu và liên hệ Mùa xuân nho nhỏ

 

Cảm xúc về mùa từ lâu vẫn luôn được con người thể hiện ở nhiều lĩnh vực như hội họa, âm nhạc và cả trong những áng văn, thi phẩm. Trong dòng cảm xúc chung không ngừng chảy trôi ấy, Hữu Thỉnh đã chọn cho mình khoảnh khắc giao mùa “sang thu” đầy ấn tượng để viết nên tác phẩm cùng tên. Bài thơ “Sang thu” như một khúc nhạc du dương của đất trời trong hơi thở nhẹ nhàng của mùa thu đang đến. Vẻ đẹp mùa thu với chút lưu luyến, bâng khuâng nhưng đầy nhựa sống được tô vẽ qua từng ý thơ nhẹ  nhàng, đời thường nhưng rất đỗi tinh tế trong hai khổ đầu:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.

 

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

Mùa thu - mùa sắc vàng lá đổ, mùa nồng nàn hương hoa sữa, mùa của những xúc cảm tuyệt vời. Nhiều người từng ví mùa thu tựa như một cô gái thanh thuần, trong trẻo. Vẻ đẹp ấy thật riêng, không một mùa nào trong năm có thể so bì được. Nhưng có lẽ, ít ai cảm thức được vẻ đẹp còn ngất ngây hơn ở thời khắc giao mùa, khi đất trời chào tạm biệt mùa hạ, chuyển mình qua thu. Nhưng với Sang thu- Hữu Thỉnh như đắm chìm trong hương sắc giao thời. Thi phẩm dường như đã vỗ vào xúc cảm của xúc cảm của độc giả thật nhẹ nhàng.

Thiên nhiên mùa thú nơi miền quê Bắc Bộ được cảm nhận từ những điều vô hình. Bức tranh thiên nhiên đẹp ấy đã được người thi nhân cảm nhận phác họa một cách tinh tế và sinh động, giàu sức biểu cảm qua xúc giác, khứu giác và thị giác. Bước đi của mùa thu được tác giả bắt nhịp bằng những giác quan tinh nhạy của minhf. Những tín hiệu nhẹ nhàng khi đất trời giao mình chuyển mùa trong một không gian nên thơ nhẹ nhàng:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.

Trong cái chớm se lạnh của cơn gió mùa thu mà nhà thơ cảm nhận bằng xúc giác, khứu giác đã giúp ông cảm nhận được mùi hương đặc trưng của ổi – một thứ quà bình dị của thôn quê: hương ổi. Hương vị ấy đã “phả” ra rồi cứ thế nương dựa vào gió mà lan tỏa khắp cả không gian xung quanh mà trong không gian có cả sự hiện hữu của một tâm hồn rung cảm như Hữu Thỉnh. Hương ổi “phả” vào trong không gian bao la rộng lớn nhưng là một sự phảng phất dịu dàng, từ tốn chứ không hề vội vã, ồ ạt. Cứ như thế mà hương vị ấy lại thấm thật sâu, thật kĩ vào vạn vật và đến một thời điểm nào đó đã khiến con người rung động. Từ “phả” diễn tả dư vị nồng nàn, đậm đà đang lan tỏa trong gió. Chính làn gió se điển hình của tiết trời miền Bắc khi chuyển mùa đã mang hương ổi đi xa hòa quyện với không gian cùng đất trời. “Hương ổi” trong cảm nhận của tác giả là một sự bắt gặp tình cờ không báo trước. Thể hiện điều này, nhà thơ đã khéo léo sử dụng từ “bỗng”. Việc nhà thơ “nhận ra” hương vị diệu kì của loại trái cây đồng nội dường như không có sự chuẩn bị trước, cũng không phải là sự nỗ lực cố gắng để kiếm tìm và phát hiện ra. Có lẽ trong nhà thơ trong khoảnh khắc “nhận ra” ấy là một cảm giác thân quen, gần gũi, ngửi thấy hương ổi mà cứ như là được gặp lại cố nhân.

Cùng với “hương ổi”, “gió se”, cả sương khói mùa thu cũng hòa nhịp vào cuộc vận hành “sang thu”:

 Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.

Màn sương được nhân hóa trở nên có hồn, tinh tế đầy sinh động. Động từ “chùng chình” gợi tả làn sương nhẹ nhàng mỏng manh e ấp như nàng thiếu nữ đôi mươi xao xuyến trước những rung động. Hai tiếng “chùng chình” trong câu thơ trên đã diễn tả được tư thế nấn ná, chần chừ của làn sương khi di chuyển trong không gian của xóm làng. Sương qua ngõ chùng chình – Ngõ ở đây vừa mang ý hiện thực là ngõ nhỏ nơi thôn xóm lại như là ẩn dụ với cửa ngõ của thời gian đang từ từ bước qua ranh giới giữa hạ và thu.Tất cả những hình ảnh của thiên nhiên tạo vật như bắt cầu cho sự xuất hiện của bóng dáng mùa thu. Mùa thu tuy được xác nhận tưởng như mơ hồ với từ “hình như”. Nhưng thật ra, nó cũng đã ngầm khẳng định cho việc thu đã có những bước đi đầu tiên mà không còn nghi ngờ gì nữa. Giờ đây trong mỗi phút giây đã có sự chuyển đổi, thay cho cảm giác nóng nực của mùa hè là sự khoan khoái dễ chịu của ngày thu. Lời reo vui:"Hình như thu đã về"  cũng thì thầm nhỏ nhẹ, bâng khuâng vang lên trong lòng Hữu Thỉnh như bước đi của mùa thu. Bằng tất cả các giác quan: khứu giác, xúc giác và thị giác, nhà thơ cảm nhận những nét đặc trưng của mùa thu đều hiện diện. Có “hương ổi”, “gió se” và “sương”. Mùa thu đã về trên quê hương. Thu đến nhẹ nhàng quá, mơ hồ quá.

Thu sang với những hình ảnh quen thuộc tiếp tục được nhà thơ phát hiện trong những dòng thơ tiếp theo. Nếu như ở khổ đầu không gian bị bó hẹp, thì đến đây không gian đã rộng mở hơn, từ tầm cao cũng như tầm xa:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Các hình ảnh của thiên nhiên trong thời điểm này là dấu hiệu khó có thể chối bỏ nó thuộc sở hữu của mùa thu.Các từ láy “dềnh dàng” “vội vã” đã phần nào thể hiện sinh động nhịp thở của đất trời khi sang thu. Mùa thu đến cũng là lúc mùa lũ đã thôi làm khó làm dễ cuộc sống của muôn người, muôn vật. Vậy nên dòng sông trong ở thời điểm này cũng trở nên hiền hòa, dễ chịu mà “dềnh dàng” trong nhịp chảy của chính mình. Dòng sông cũng dùng dằng và ngập ngừng níu kéo nhịp thở của mùa hạ. Ngược lại với sự dềnh dàng từ từ của dòng sông lại là sự vội vã của những cánh chim trời. Hẳn là đàn chim đã bắt đầu cảm nhận được chút se lạnh của tiết trời. Phải chăng để chuẩn bị cho những ngày đông sắp tới mà trong mùa thu bản lề này, “chim bắt đầu vội vã” để làm tổ và dự trữ thức ăn. Tất cả những sự hiện hữu của thiên nhiên ở thời điểm này đã khẳng định cho sự xuất hiện của khung cảnh mùa thu. Nghệ thuật đăng đối vô cùng điêu luyện của tác giả đã giúp cho hình ảnh thơ trở nên giàu chất tạo hình, đẹp hơn và thơ mộng hơn.

Thế nhưng, khi sắc thu, hương thu và cảnh thu đang làm chủ vũ trụ thì đất trời dường như vẫn còn vấn vương mùa hạ mến thương để dành chỗ cho “đám mây mùa hạ”. Ấy thế mà, dù có vấn vương đến ra sao, tiếc nuối đến nhường nào, mây hạ vẫn không thể níu kéo mùa hạ mãi hoài nên vì vậy, nó đành “vắt nửa mình sang thu”. Trong cái “vắt mình” ấy có thoáng tiếc nuối, buồn bã nhưng cũng chứa đựng sự phấn khởi, hân hoan của một tâm thế đón chào cái mới mẻ, bình yên. Hành động được nhân hóa này mang ý diễn tả sự vận động của thời gian. Không gian thơ cũng như trở nên rộng mở hơn, bao la hơn với hình ảnh đầy chất tạo hình này. Phút giao mùa thật nhẹ nhàng biết bao!

Không chỉ đến khổ thơ này, tác giả mới sử dụng những từ ngữ ẩn chứa tâm ý của con người như “dềnh dàng”, “chùng chình”, “vắt mình”. Mà ngay từ khổ thơ đầu tiên qua các từ ngữ “chùng chình”, “phả”, nhà thơ như cũng muốn thể hiện bóng dáng của con người trong hoàn cảnh tạo vật thay đổi trạng thái, bước vào thời điểm giao mùa. Có vẻ như, cùng với thiên nhiên, tâm trạng con người cũng không nằm ngoài sự vận động về trạng thái hiện hữu. Cũng vì thế mà theo dòng cảm xúc hòa cùng thiên nhiên giao mùa.

 Với nhiều hình ảnh đẹp, tinh tế và giàu sức tạo hình, cảnh vật như trở nên vừa hư vừa thực, rất nên thơ và giàu sức tưởng tượng độc đáo. Ngôn ngữ dung dị, đầy trong sáng và giàu sức biểu đạt đã diễn tả sinh động sự biến chuyển của đất trời khi sang thu. Nhà thơ Hữu Thỉnh hẳn phải là người có tâm hồn tinh tế cùng với tình yêu tha thiết với thiên nhiên và đất nước mới có thể sáng tạo nên những vần thơ đặc sắc này. Ngòi bút tài năng này đã khiến chúng ta không thể không cảm phục.

Hữu Thỉnh  mang đến bức tranh thiên nhiên cái dân dã, mộc mạc, đẩy rung cảm và thân quen của một tầm hổn nhạy cảm, một trái tim tha thiết yêu thiên nhiên thì Thanh Hải cho ta cảm nhận cái rộn ràng, say mê trong niềm cảm hứng bất tận với cảnh sắc quê hương:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

Mùa xuân – mùa khởi đầu cho một năm mới trong vũ trụ tuần hoàn. Trong bức tranh Mùa xuân nho nhỏ, nhà thơ Thanh Hải đã mang đến cho  mọi người một cảm nhận về bức tranh xuân với đầy đủ sắc, thanh tươi mới và tràn đầy hứng khởi. Là dòng sông trải rộng như tấm gương khổng lồ phản chiếu sắc xanh từ bầu trời cao rộng, là màu tím của lục bình đang nhẹ nhàng trôi trên dòng nước, đâu đó là sắc xanh non mới trổ của cành lộc trên lưng người chiến sĩ ra trận hay những nương mạ đang bừng tỉnh vươn cao những trồi lá. Một bức tranh với những gam màu sáng, làm sống dậy một không khí vui tươi trong những ngày đất nước vào xuân. Trong không gian cao rộng, thoáng đãng ấy là tiếng chim báo hiệu xuân về, một thanh âm trong trẻo, vang rộn khắp đất trời. Và trong khoảnh khắc tuyệt đẹp ấy, tác đã đã hòa mình cùng thiên nhiên, đưa bàn tay để đón lấy “giọt long lanh” của đất trời. Đó có thể là giọt sương lấp lánh sớm mai hay giọt nắng xuân khẽ rơi bên thầm, nhưng theo mạch cảm xúc bài thơ có thể hiểu là giọt âm thanh đổ hồi của con chim chiền chiện. Hình ảnh có tính chất tượng trưng “tôi đưa tay tôi hứng” là thái độ yêu thương, trân trọng của nhà thơ trước vả đẹp của đất trời. Nghệ thuật ví ngầm, chuyển đổi cảm giác quả đã đạt tới mức tinh tế đáng khâm phục. Chắc hẳn trong lòng thi sĩ đang dạt dào tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu cuộc đời. Có thể nói, bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp và tràn đầy sức sống.

Với cách biểu đạt nhẹ nhàng, tinh tế hai bài thơ đã thể hiện cái đẹp nồng thắn, mê say của cảnh sắc thiện nhiên đất trời. Mỗi nhà thơ có cảm nhận riêng về cảnh sắc thiên nhiên, những chiêm nghiệm, những suy nghĩ về cuộc đời, về con người, tình người trong cuộc sống nhưng thật cảm động và kính phục biết bao khi đọc những vần thơ đầy xúc động với hình ảnh thiên nhiên gợi lên thật đẹp. Ở đó, thiên nhiên vừa tươi đẹp, tràn trào sức sống vừa chứa đựng tâm tư, suy nghiệm của con người về cuộc đời , về lẽ sống. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người cũng luôn tìm kiếm một tiếng nói chung với thiên nhiên để tìm kiếm một sự hợp nhất viên mãn nhất. Đó là niềm vui, là hạnh phúc, là lối sống đẹp mà con người luôn hướng tới. Cùng với một tầm hổn nhạy cảm, một trái tim tha thiết yêu thiên nhiên trải ra trên từng nét chữ, Thanh Hải và Hữu Thỉnh đã tặng cho người đọc cái rộn ràng của sắc xuân cùng với một chút lắng đọng thật êm khi thu đến. Dẫu hai ngòi bút nghệ thuật khắc họa hai đường nét đặc sắc khác nhau nhưng đâu đó ta vẫn thấy ngân vang lên yêu thiên nhiên nồng nàn say đắm, tầm hổn thi sĩ luôn lạc quan và say sưa trong niềm cảm hứng bất tận với cảnh sắc quê hương.

Hai bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Sang thu cùng với hai hồn thơ – Thanh Hải, Hữu Thỉnh – để lại trong lòng bao thế hệ bạn đọc những cảm xúc sâu lắng, khó phai mờ và vẫn sẽ tiếp tục trường tồn cùng với những bước đi lên của đất nước, gợi nhắc cho những thế hệ trẻ tình yêu quê hương đất nước, niềm khát khao được sống, được cống hiến cho đất nước, cho dù đó là những cống hiến giản dị, nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa.