Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

Cảm nhận của em về nhân vật ông Hai trong đoạn đấu tranh nội tâm của ông Hai khi bị mụ chủ nhà đuổi gia đình ông đi khỏi làng. Liên hệ với hình ảnh người lính trong bài “Đồng chí” của Chính Hữu để thấy được vẻ đẹp của con người Việt Nam trong những năm chống Pháp. Hoặc liên hệ tình yêu quê hương đất nước trong hoàn cảnh hiện nay?

 

Mụ chủ đi rồi, bà Hai và con bé lớn nước mắt ròng ròng, lẳng lặng gánh hàng ra quán. Vợ chồng cũng chẳng dám nói với nhau câu gì.

Ông Hai ngồi lặng trên một góc giường. Bao nhiêu ý nghĩ đen tối, ghê rợn, nối tiếp bời bời trong đầu óc ông lão. Biết đem nhau đi đâu bây giờ? Biết đâu người ta chứa bố con ông mà đi bây giờ?…

Thật là tuyệt đường sinh sống! Mà không một gì cái đất Thắng này. Ở Đài, ở Nhã Nam, ở Bố Hạ, Cao Thượng… đâu đâu có người Chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi. Mà cho dẫu vì chính sách Cụ Hồ người ta chẳng đuổi đi nữa, thì mình cũng chẳng còn mặt mũi nào đi đến đâu.

“Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây…”, cái câu nói của người đàn bà tản cư hôm trước lại dội lên trong tâm trí ông.

Hay là quay về làng?...

Vừa chớm nghĩ như vậy, lập tức ông lão phản đối ngay. Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ…

Nước mắt ông giàn ra. Về làng tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây. Ông lão nghĩ ngay đến mấy thằng kì lí chuyên môn khua khoét ngày trước lại ra vào hống hách ở trong cái đình. Và cái đình lại như của riêng chúng nó, lại thâm nghiêm ghê gớm, chứa toàn những sự ức hiếp, đè nén. Ngày ngày chúng dong ra, dong vào, đánh tổ tôm mà bàn tư việc làng với nhau ở trong ấy. Những hạng khố rách áo ôm như ông có đi qua cũng chỉ dám liếc trộm vào, rồi cắm đầu xuống mà lủi đi. Anh nào ho he, hóc hách một tí thì chúng nó tìm hết cách để hại, cất phần ruộng, truất ngôi, trừ ngoại, tống ra khỏi làng…

Ông Hai nghĩ rợn cả người. Cả cuộc đời đen tối, lầm than cũ nổi lên trong ý nghĩ ông. Ông không thể về cái làng ấy được nữa. Về bây giờ ra ông chịu mất hết à?

Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.

( Trích Làng”- Kim Lân)

Bài làm

Từ rất lâu, “quê hương” đã trở thành tiếng gọi thân thương. Đó là đề tài lớn, vượt cả không gian lẫn thời gian để đến với bao triệu tâm hồn yêu văn chương. Quê hương ấp ủ những hình ảnh gắn liền với tuổi thơ đầy ước vọng: là cánh diều no gió vươn cao, là biển lúa vàng óng ánh, là mái đình rêu phong, là hồ sen thơm ngát buổi trưa hè. Khi viết về tình yêu làng xóm, quê hương, nền văn học đương đại cũng không thể nào không nhắc đến Kim Lân – một nhà văn trọn đời gắn tâm hồn chân tình và mộc mạc của mình với làng quê. Tâm hồn ấy được thể hiện sâu sắc qua nhân vật ông Hai trong tác phẩm Làng của tác giả. Tình yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến hài hòa, nồng thắm được đặc biệt thể hiện trong đoạn đối tranh nội tâm của ông Hai khi bị mụ chủ nhà đuổi gia đình ông đi khỏi làng.

Truyện ngắn “Làng” được Kim Lân viết vào đầu những năm chống Pháp. Tác phẩm gợi nhiều suy nghĩ cho người đọc về những thay đổi trong nhận thức và tình cảm của người nông dân. Trong thời kì này thì người dân nghe theo chính sách của chính phủ: kêu gọi nhân dân ta tản cư, những người dân ở vùng địch tạm chiếm đi lên vùng chiến khu để chúng ta cùng kháng chiến lâu dài. Tác phẩm nói về nỗi nhớ quê hương – nhớ làng Dầu của nhân vật ông Hai khi đi tản cư. Qua đó, cũng gián tiếp thể hiện tình yêu làng, yêu quê hương đất nước của ông Hai cũng như những người nông dân xưa. Đồng thời, nhà văn cũng ca ngợi tình cảm gắn bó sâu sắc của ông Hai với làng Dầu và ngợi ca tình yêu quê hương của những người nông dân Việt Nam.

Hai trong truyện ngắn là một người rất yêu và tự hào về làng chợ Dầu của mình. Do chiến tranh khói lửa cũng như hoàn cảnh gia đình mà ông Hai phải dời làng di cư. Ở nơi tản cư với hoàn cảnh bó buộc, ông Hai luôn nhớ mong về làng. Ngày nọ nghe được tin làng chợ Dầu “Việt gian theo Tây” – Đó là tin dữ đến bất ngờ khiến ông da mặt “tê rân rân” rồi “cổ họng nghẹn đắng hẳn lại” “lặng người đi” cúi gằm mặt mà đi về. Về nhà ông Hai nằm vật ra không dám đi đâu, lo lắng hoang mang, ai nói gì cũng tưởng họ như nói về làng của mình. Khi chủ nhà có ý định đuổi ông đi nơi khác, ông chớm có ý định quay về làng như rồi “làng thì yêu thật, nhưng làng theo tây mất rồi thì phải thù”. Ông Hai không biết tâm sự cùng ai, đành tâm sự với đứa nhỏ một lòng ủng hộ cụ Hồ. Khi được cải chính làng chợ Dầu không theo Tây, ông vui sướng đi khoe với tất cả mọi người cùng với việc mình bị Tây nhốt. Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn làng cho thấy vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của những người nông dân chất phát luôn hết lòng yêu quê hương. Tình yêu làng yêu nước sâu đậm được tác giả khắc họa sâu sắc trong cuộc đấu tranh nội tâm của ông Hai khi bị mụ chủ nhà đuổi gia đình ông đi khỏi làng.

 Cũng như bao người nông dân khác ông Hai cũng yêu làng và luôn tự hào về làng chợ Dầu. Nhất là khi phải xa làng đi tản cư thì tình yêu ấy lại càng tha thiết. Lúc nào ông cũng nhớ làng, luôn theo dõi tin tức về làng. Tình yêu làng như hơi thở máu thịt của ông. Nhưng rồi cái tin làng theo giặc nó làm cho ông đau khổ vì làng. Ông sống không bằng chết, lúc nào cũng dằn vặt lo lắng. Bao nhiêu niềm tự hào về làng như sụp đổ trong tâm hồn người nông dân rất mực yêu làng quê ấy. Nhất là từ lúc mụ chủ nhà đánh tiếng đuổi gia đình ông đi ông thực sự rơi vào bế tắc tuyệt vọng.

Nghe những lời nói đầy cay nghiệt của mụ chủ nhà, ông Hai lo lắng về tương lai của mình và những đứa nhỏ: “bao nhiêu ý nghĩ đen tối, ghê rợn, nối tiếp bời bời trong đầu óc ông lão. Biết đem nhau đi đâu bây giờ? Biết đâu người ta chứa bố con ông mà đi bây giờ”. Ông bắt đầu phân vân, trăn trở giữa việc về làng hay không về làng. Chính trong lúc đau đớn tuyệt vọng ấy đã đẩy ông vào tình huống là phải lựa chọn: quê hương hay Tổ quốc? Quê hương – làng chợ Dầu của ông đáng yêu đáng tự hào lắm. Nhưng giờ đây nó làm cho ông phải tủi nhục chỉ nghĩ đến nó là lòng ông đắng ngắt. Tâm trạng giằng xé đau khổ cho thấy ông yêu Làng và quan trọng hơn là ông yêu cái tinh thần kháng chiến của Làng. Khi Làng theo giặc thì vẻ đẹp của làng vẫn còn nhưng vẻ đẹp kháng chiến thì không còn nữa. Và lúc này đây ông mới thấy tủi nhục, xót xa vì cái vẻ đẹp kháng chiến mất đi. Tình cảm đó mới đáng trân trọng làm sao. Một người ngần này tuổi như ông mà đau đớn, nước mắt chảy vì danh dự của mình và danh dự của làng. Làng chính là danh dự của ông. Làng đánh mất danh dự rồi ông còn dám nhìn ai. Làng chính là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn. Con người ta có ai cũng có một quê hương để trở về, một nơi để nương tựa. Trong hoàn cảnh này ông Hai đáng thương biết bao nhiêu. Giờ đây đến quê hương cũng không thể trở về.

Trong lúc bế tắc này ông đã thoáng nghĩ đến làng là chốn dung thân cho gia đình ông. Trong ông đang có cuộc giằng co dữ dội: Về làng thì sẽ chung cảnh việt gian, phải phản bội lại cách mạng vì “cả làng chúng nó Việt gian theo Tây…” còn không về thì khó có thể sinh sống ở đây bởi những lời dị nghị của mọi người. Chỉ mới hôm trước về làng là khao khát là mong ước cháy bỏng của ông thế mà bây giờ ông thấy rợn cả người. Làng ông đáng tự hào là thế, mà giờ lại theo Tây. Ông phải thế nào đây? Giờ đây, làng Chợ Dầu của ông theo Việt gian, tức là hại nước, hại cách mạng thì không thế yêu làng như xưa được nữa. “Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến bỏ Cụ Hồ.”. Thì ra ông yêu Làng tha thiết ngoài cái tình yêu cố hữu thì đó chính là tinh thần kháng chiến, vì cụ Hồ. Vì làng có những con người có tinh thần kháng chiến, chống giặc nên ông càng yêu, càng nhớ làng, nhớ những công việc làm kháng chiến, đắp ụ, xây hầm.. Tình yêu làng trong ông rất mãnh liệt, nhưng làng phải gắn với nước.

 Dù đau xót tưởng chừng như bế tắc nhưng trong cõi sâu của tấm lòng người nông dân ấy vẫn hướng về cuộc kháng chiến vẫn tin ở điều tốt đẹp cho nên ông quyết định: Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Đau khổ tột cùng khi nghe tin làng mình theo giặc nhưng tấm lòng thủy chung, son sắt với cuộc kháng chiến thì vẫn không hề thay đổi. Một thái độ dứt khoát, một tình yêu mạnh mẽ nhưng không mù quáng. Niềm đau, sự oán trách cũng như thái độ kiên quyết... tất cả, tất cả đều là biểu hiện sống động nhất của tình yêu nước trong ông Hai. Lúc này là chuẩn mực cho tình yêu và niền tự hào về quê hương đối với ông hai lúc này là cuộc kháng chiến mà cả dân tộc đang hướng về. nhất là Bác Hồ - linh hồn của cuộc kháng chiến. Đó là biểu hiện vẻ đẹp trong tâm hồn của con người Việt Nam, khi cần họ sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư để hướng tới tình cảm chung của cả cộng đồng.

Ông Hai đã trải qua những vui buồn đau khổ những tự hào chua chát những tuyệt vọng và hi vọng. Đứng giữa sự lựa chọn khó khăn ông đã bày tỏ rõ tấm lòng mình. Rõ ràng tình yêu nước rộng lớn đã bao trùm lên tình cảm làng quê. àtình quê và lòng yêu nước của người nông dân ấy sâu nặng biết bao. Đặt nhân vật vào tình huống gay cấn này để thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người nông dân như ông Hai thật

Để xây dựng thành công nhân vật ông Hai với nhiều phẩm chất đáng quý nhà văn Kim Lân đã vận dụng nghệ thuật kể chuyện đặc sắc. Tình huống truyện gay cấn giúp cho nhân vật được thể hiện sinh độngthế giới nội tâm phong phú. Nét tạo hình và miêu tả tâm lí qua lời nói cử chỉ và nhất là miêu tả nội tâm nhân vật được xây dựng một cách đặc sắc. Tác giả để nhân vật yêu làng, làm bước đòn bẩy để bật lên tinh thần yêu nước mạnh mẽ, nồng nàn. Nghệ thuật đòn bẩy đã được cài sẵn khéo léo cộng với cách dẫn dắt câu chuyện tự nhiên, giọng văn mộc mạc giản dị phù hợp với tính cách của người nông dân chất phác thật thà mà giàu tình cảm như ông Hai.đã tạo nên nét nghệ thuật hấp dẫn cho tác phẩm. Đi từ cách nghĩ đến hành động, những màn đánh vào tâm lí người đọc qua những lời lẽ của nhân vật làm cho tác phẩm dễ hiểu và dễ đồng cảm nơi độc giả. Khi đọc Làng, ít nhiều sẽ có người tin rằng đó phải là một nhân vật ông Hai đời thường bước vào trang văn của Kim Lân không phải là truyện ở dạng hư cấu.

Liên hệ:

  1. Liên hệ thơ

Ông Hai tiêu biểu cho cho hình ảnh người nông dân Việt Nam sau Cách mạng luôn có ý thức giác ngộ cao, tha thiết yêu quê hương Tổ quốc. Ông Hai khiến người đọc liên tưởng đến nhân vật người lính trong bài “Đồng chí” của Chính Hữu.

Người lính trong bài thơ của Chính Hữu đều là người lính nông dân lần đầu khoác áo lính. Các anh đến từ những miền quê nghèo. Khi Tổ quốc cần các anh sẵn sàng hi sinh tình nhà lên đường cứu nước. Rời xa gia đình quê hương, các anh lại được sống trong tình đồng đội. Đó là động lực mạnh mẽ để những người lính hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.

Do viết ở hai thể loại khác nhau một tác phẩm là thơ một tác phẩm là truyện. Cho nên cách thể hiện nhân vật cũng khác nhau. Kim Lân thì kể chuyện bằng cách tạo tình huống đặc sắc, còn Chính Hữu lại sử dụng nhiều hình ảnh thơ chân thực hàm súc.

Tuy khác nhau trong cách thể hiện nhưng cả hai tác giả đều làm nổi bật những nét đẹp của con người Việt Nam cụ thể là những người nông dân trong thời kì chống Pháp với lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc sâu nặng. Người lính “Đồng chí” yêu nước bằng cách trực tiếp chiến đấu trên mặt trận còn ông Hai hi sinh lặng thầm nơi hậu phương đế góp phần vào thắng lơi của kháng chiến. Chính tình cảm sâu nặng ấy mà dù có phải xa làng quê yêu dấu  thì họ cũng sẵn sàng hi sinh tất cả. Qua đó mà cả hai tác giả muốn ca ngợi tầng lớp người nông dân dù ở tiền tuyến hay hậu phương cũng là tầng lớp góp phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đến thắng lợi. Tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc là những cảm xúc chủ đạo trong các sáng tác thời kì này. Chính vì thế hai tác phẩm nàylà tiêu biểu cho nền văn học chống Pháp.

Làng của Kim Lân và Đòng chí của Chính Hữu đã xây dựng thành công hình ảnh những con người Việt Nam kiên cường, bất khuất với một tinh yêu quê hương đất nước tha thiết, sâu nặng. Bên cạnh hình ảnh những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên mặt trận còn có những con người hi sinh lặng thầm nơi hậu phương đế góp phần vào thắng lơi của kháng chiến. Đó là những người nông dân có lòng yêu nước thiết tha, bình dị, sâu sắc. Tình yêu làng, yêu nước, hòa quyện trong tâm hồn người nông dân hay trong ý chí người nông dân ra trận mộc mạc, chất phác thật đẹp biết bao. Làng của Kim Lân và Đồng chí của Chính Hữu là những bài ca về tình yêu quê hương đất nước mà những người  nông dân Việt Nam, là những thanh âm trong trẻo, réo rắt nhất, để lại bao dư âm lắng đọng trong lòng độc giả.

  1. Liên hệ thực tế

Đất nước ngày nay đã thanh bình, đang từng ngày dựng xây và phát triển. Lòng yêu nước gắn liền với ước mong cống hiến, làm nhiều việc có ích cho quê hương, đất nước mình… Tùy theo sức của mình và từng hoàn cảnh khác nhau mà mỗi người có những đóng góp khác nhau: là bác nông dân chăm chỉ, cần mẫn trên những cánh đồng mang lại mùa màng bội thu; là nhà khoa học say mê nghiên cứu tìm ra những hướng đi mới cho nền kinh tế đất nước, là các cầu thủ bóng đá U23 Việt Nam đi vào lịch sử là những anh hùng sân cỏ, mang niềm tự hào vinh quang về cho dân tộc để biết bao người thấy yêu thương, thấy vẻ vang…. Với các bạn học sinh, chúng ta cần cố gắng, nỗ lực rèn luyện để phát triển bản thân, không ngừng học hỏi để tích lũy tri thức làm hành trang trong cuộc sống, đưa đất nước phát triển nhanh kịp cùng các cường quốc năm châu. Không chỉ vậy, chúng ta cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội như các hoạt động tình nguyện trồng cây xanh nhằm bảo vệ môi trường, giữ gìn đường phố sạch sẽ, kêu gọi mọi người tham gia giao thông an toàn… đó cũng là biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước.

Hiện nay, thế giới ngày càng phát triển và các quốc gia tiến gần lại nhau hơn. Những cám dỗ từ trò chơi trực tuyến hay thần tượng âm nhạc xứ Hàn, khiến cho tình yêu quê hương đất nước của nhiều bạn trẻ đang đân bị phai mờ. Họ bỏ bê học hành, lao vào những thú vui vô bổ, quên đi trách nhiệm với quê hương, đất nước mình. Điều đó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về một đất nước có rất nhiều thanh niên vô trách nhiệm, thờ ơ với sự phát triển của đất nước, bản sắc văn hóa dân tộc dần mai một. Phải chăng chính những người trẻ chúng ta đang dẫn đất nước đi vào một con đường suy thoái?

Trang sử dân tộc đã được dựng xây từ biết bao máu xương của cha anh, những giọt mồ hôi công sức của những người lao động đã rơi xuống. Họ là những con người vô danh nhưng cùng có chung một lòng yêu nước và tự hào dân tộc, âm thầm hi sinh và cống hiến sức mình cho quê hương, tổ quốc. Vì vậy, thế hệ thanh niên hôm nay cần giữ gìn và phát huy lòng yêu nước qua những hành động và việc làm cụ thể để nối tiếp truyền thống quý báu của dân tộc,

Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Từ một người nông dân yêu làng, ông Hai trở thành người công dân nặng lòng với kháng chiến.Tình yêu làng, yêu nước đã hòa làm một trong ý nghĩ, tình cảm, việc làm của ông Hai. Tình cảm ấy thống nhất,hòa quyện như tình yêu nước được đặt cao hơn, lớn rộng lên tình làng. Đây là nét đẹp truyền thống mang tinh thần thời đại. Dù cuộc kháng chiến chống Pháp qua lâu rồi nhưng mỗi khi đọc lại truyện ngắn Làng, bao thế hệ bạn đọc vẫn còn tự hào xúc động về hình ảnh con người Việt Nam giàu tình yêu làng quê yêu đất nước như ông Hai. Cho nên tác phẩm Làng vẫn còn nguyên giá trị trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Nhà thơ Anh Byron đã từng viết: “Kẻ nào không yêu quê hương, đất nước thì họ chẳng có thể yêu gì cả”. Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân đã để lại sự xúc động và những suy ngẫm về lòng yêu nước trong mỗi chúng ta.