Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

Khổ 1,2 Sang thu: Vẻ đẹp và sự biến đổi kỳ diệu của thiên nhiên trong buổi giao mùa_ Liên hệ vẻ đẹp thiên nhiên Đoàn thuyền đánh cá

 


Mỗi khoảnh khắc giao thoa giữa hai mùa Hạ và Thu luôn là thời điểm khiến cho lòng người cảm thấy xốn xang nhất. Khi mà cảnh vật hòa cùng với đất trời tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Chẳng thế mà với một tâm hồn đậm chất thơ của mình Hữu Thỉnh đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên đất trời khi chuyển mùa sang Thu bằng chất liệu ngôn từ đẹp đẽ nhất và cũng lãng mạn nhất qua bài “Sang thu”. Đoạn thơ sau là những cảm nhận, những rung động man mác, bâng khuâng của tác giả trước vẻ đẹp và sự biến đổi kỳ diệu của thiên nhiên trong buổi giao mùa:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

 

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Mùa thu quê hương là đề tài gợi cảm xúc đối với thi nhân song mỗi người cảm xúc về mùa thu theo cảm nhận riêng của mình. Với nhà thơ Hữu Thỉnh, khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu đã rung động hồn thơ để thi sĩ vẽ nên một bức tranh thơ: “Sang thu” thật hay. Bài thơ được viết theo thể thơ năm chữ: nhịp nhàng, khoan thai, êm ái, trầm lắng và thoáng chút suy tư… thể hiện một bức tranh thu trong sáng, đáng yêu ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.

“Sang thu” ở đây là chớm thu. Mùa hè vẫn chưa hết mà mùa thu đã bắt đầu tới với những tín hiệu đầu tiên. Trong khoảnh khắc giao mùa tuyệt vời, đất trời có những biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt. Nét đẹp chuyển thu thật tinh tế, dịu dàng. Trước những sự thay đổi tinh vi ấy, phải nhạy cảm lắm mới có thể cảm nhận được. Hữu Thỉnh đón nhận mùa thu từ những dấu hiệu đời thường, gần gũi.Và trong biết bao hương vị thân thuộc của làng quê, Hữu Thỉnh giật mình thảng thốt, nhận ra cái làn hương ngây ngất, ngọt ngào của trái ổi đầu mùa:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Hương ổi” thân thương sực thẳng vào miền kí ức, đánh thức hương vị của làng quê Bắc Bộ yêu thương. Đó là thứ hương vị thật dễ dàng để nhận ra ở chốn làng quê thôn dã. Nhưng có phải bởi quen thuộc quá nên đôi khi ta lãng quên? Để đến khi nhận ra hết thảy chúng ta đều không khỏi bất ngờ: “Bỗng nhận ra hương ổi”. Từ “bỗng” như được gieo lên trong niềm ngỡ ngàng ngạc nhiên. Từ bao giờ nhỉ, thu về? Tất cả đến với tác giả nhẹ nhàng mà cũng đột ngột quá, thu về với đất trời quê hương, với lòng người mà không hề báo trước. Để rồi trong phút giây ngỡ ngàng, nhà thơ chợt nhận ra hương thơm nồng nàn “phả” vào trong “gió se”.  Mùi hương ấy không hòa vào quyện vào mà “phả” vào trong gió. “Phả” nghĩa là bốc mạnh và tỏa ra từng luồng. Hữu Thỉnh đã không tả mà chỉ gợi, đem đến cho người đọc một sự liên tưởng thú vị: tại vườn tược quê nhà,những quả ổi chín vàng trên các cành cây kẽ lá tỏa ra hương thơm nức, thoang thoảng trong gió. Chỉ một chữ “phả” thôi cũng đủ gợi hương thơm như sánh lại. Sánh lại bởi hương đậm một phần, sánh bởi tại gió se. Nhận ra trong gió có hương ổi là cảm nhận tinh tế của một người sống giữa đồng quê và nhà thơ đã đem đến cho ta một tín hiệu mùa thu dân dã mà thi vị. Ông đã phát hiện một nét đẹp đáng yêu của mùa thu vàng nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cũng nhờ hương ổi, bức tranh giao mùa có một sức sống mạnh mẽ đến kì lạ, mà cũng bất ngờ cho lòng người. Hương ổi từ đó mà lan tỏa mãi trong không gian và rồi vấn vương trong gió se - cơn gió heo may đầu mùa.

Hữu Thỉnh có những cảm nhận rất tinh tế về sự thay đổi của đất trời, điều đó được thể hiện lần lượt qua khứu giác (hương ổi), rồi đến xúc giác (gió se) và bây giờ thì đến thị giác. Trước mắt nhà thơ, sương mở đường mở lối đi khắp đầu thôn, ngõ xóm. Không gian có sự hoà hợp giữa hương ổi dịu dàng, gió thu nhẹ nhẹ và sương thu mơ màng tạo nên một ấn tượng đặc biệt mà ta khó lòng quên được. Không phải là màn sương dày đặc, mịt mù mà là “Sương chùng chình qua ngõ” gợi ra những làn sương mỏng, mềm mại, giăng màn khắp đường thôn ngõ xóm làng quê. Nó làm cho khí thu mát mẻ và cảnh thu thơ mộng, huyền ảo, thong thả, bình yên. "Chùng chình" là sự cố ý muốn làm chậm lại, rung rinh, lay động. Nó mang dáng vẻ thong thả, nhẹ nhàng như thiễu nữ đôi mươi. Sương lén lút chậm rãi qua các ngõ hẻm. Ngõ không chỉ là không gian nối liền thôn xóm mà còn cửa ngõ thời gian nối liền hai mùa hạ – thu. Tinh tế và sâu sắc biết mấy cảm nhận của nhà thơ về thiên nhiên nhưng lại hiện lên rõ nét hình ảnh con người. Vạn vật trong thời khắc chuyển mùa vì thế càng trở nên duyên dáng, nhịp nhàng.  Cảm quan tinh tế cùa nhà thơ đã phát hiện ra vẻ đẹp rất riêng, rất duyên đó để rồi xao xuyến: "Hình như thu đã về". Nhờ “bỗng” mà “hình như” đã được sinh ra. “Hình như” là một tình thái từ thể hiện một quan điểm chưa chắc chắn, vẫn còn bâng khuâng không biết liệu rằng mùa thu đã về chưa. Lời reo vui cũng thì thầm nhỏ nhẹ, bâng khuâng vang lên trong lòng Hữu Thỉnh như bước đi của mùa thu. Bằng tất cả các giác quan: khứu giác, xúc giác và thị giác, nhà thơ cảm nhận những nét đặc trưng của mùa thu đều hiện diện. Có “hương ổi”, “gió se” và “sương”. Mùa thu đã về trên quê hương. Vậy mà nhà thơ vẫn còn dè dặt: “Hình như thu đã về”. Thu đến nhẹ nhàng quá, mơ hồ quá.

Sau giây phút ngỡ ngàng và khe khẽ vui mừng, cảm xúc của thi sĩ tiếp tục lan tỏa, mở ra trong cái nhìn xa hơn, rộng hơn:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Hơi thở của thu đã rõ rệt hơn. Sự hiện diện của thu không còn mơ hồ mà đã cụ thể, hữu hình trong thiên nhiên và tạo vật. Trong không gian rộng lớn hơn, từ bầu trời tới mặt đất, đâu đâu cũng thấy cảnh sắc nhuốm thu. Dòng sông chảy khoan thai, lững lờ, mà mềm mại và duyên dág chứ không ào ạt, cuộn dâng như trong hạ. Thế nhưng trái lại với vẻ chậm chạp của dòng sông, đàn chim trời lại đang vội vã, chuẩn bị cho một hành trình mới, khi thu sang, ngày ngắn, đêm dài và gió se đã thổi. Như vậy, mùa thu của Hữu Thỉnh không chỉ có bình yên, thư thả mà còn có cả sự vội vã, gấp gáp. Sông dưới mặt đất, chim ở trên trời; sông “dềnh dàng” chậm rãi, chim “vội vã” lo lắng,... Hai hình ảnh xinh xắn đối lập đó được đặt cạnh nhau để khái quát không gian mặt đất và bầu trời. Bức tranh mùa thu được cảm nhận bởi sự thay đổi của đất trời theo tốc độ di chuyển từ hạ sang thu, nhẹ nhàng mà rõ rệt. Thiên nhiên sang thu đã được cụ thể bằng những hình ảnh: “sông dềnh dàng”, “chim vội vã”, “đám mây vắt nửa mình”. Thiên nhiên đã được quan sát ở một không gian rộng hơn, nhiều tầng bậc hơn. Và bức tranh sang thu từ những gì vô hình như “hương ổi”,”gió se”, từ nhỏ hẹp như con ngõ chuyển sang những nét hữu hình, cụ thể với một không gian vừa dài rộng, vừa xa vời.

Trên nền trời xanh còn có hình ảnh một “đám mây mùa hạ / vắt nửa mình sang thu" diệu kì như chiếc cầu vồng rực rỡ sắc màu. “Đám mây” ở đây thực chất là đám mây mùa thu vẫn còn vương vấn một chút nắng hạ nên từ “vắt” được nhà thơ nói đến sinh động, có một chút gì đó bình dị, bởi lẽ dùng từ này là muốn nói rằng “đám mây” như một dải lụa mềm mại tạo nên chiếc cầu nổi giữa nhịp thời gian. Nhà thơ có liên tưởng thật thơ mộng, từ đó làm cho bầu trời trở nên kì diệu, trong lành hơn. Hãy tưởng tưởng xem, chút nắng vàng mùa hạ vẫn còn rụt rè sót lại ở một ngóc ngách nào đó trong bức tranh giao mùa, mùa thu êm đềm vừa chợt đến, khiến màu sắc có hơi trầm xuống, lại thêm đám mây ngỡ ngàng xuất hiện như vừa bước qua một không gian tĩnh lặng hơn. Hữu Thỉnh làm cho chúng ta cảm thấy vừa ảo lại có nét thực, vừa rõ ràng nhưng lại mơ hồ một cách kỳ lạ. Hình ảnh đám mây là một phát hiện rất mới lạ và độc đáo của Hữu Thĩnh. Nhưng trong thực tế không hề có đám mây nào như thế vì mắt thường đâu dễ nhìn thấy được sự phân chia rạch ròi của đám mây mùa hạ và thu. Đó chỉ là một sự liên tưởng thú vị - một hình ảnh đầy chất thơ. Thời khắc giao mùa được sáng tạo từ một hồn thơ tinh tế, nhạy cảm, độc đáo không những mang đến cho người đọc…mà còn đọng lại những nỗi bâng khuâng trước vẻ dịu dàng êm mát của mùa thu. Bức tranh chuyển mùa vì thế càng trở nên sinh động, giàu sắc gợi cảm, khiến cho người đọc cảm nhận sâu sắc cả về không gian và thời gian chuyển mùa thật là đẹp, thật là khêu gợi hồn thơ.

Có thể nói, Sang thu là một cuộc rượt đuổi cảm xúc của nhà thơ và thiên nhiên đất trời. Tác giả đã cảm nhận được và đã phác họa ra những hình ảnh giao mùa đơn giản mà xinh đẹp đó vào bài thơ và đã gợi lên được những hình ảnh thiên nhiên làng quê Bắc Bộ xinh đẹp khi thu sang. Bằng sự sáng tạo, những hình ảnh được miêu tả lại một cách mới mẻ mà lại gợi tả được những nét đặc trưng của khoảnh khắc mùa thu khi giao mùa.Với thể thơ 5 chữ, cách ngắt nhịp linh hoạt, giọng điệu tự nhiên nhẹ nhàng, ngôn ngữ hình ảnh trong sáng, giàu sức biểu cảm, sử dụng sáng tạo các biện pháp tu từnhư ẩn dụ, nhân hóa và sử dụng từ láy đã thể hiện được những cảm nhận, cảm xúc tinh tế của nhà thơ và sự biến đổi của đất trời từ cuối mùa hạ sang đầu mùa thu. “Sang thu” của Hữu Thỉnh là một thi phẩm hay viết về mùa thu trong văn học Việt Nam.

Thiên nhiên vũ trụ cũng là nguồn cảm hứng dồi dào trong thơ Huy Cận. Trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận mang hồn thơ của một sức sống mới, sự hồi sinh của một tâm hồn và một đất nước. Bài thơ khắc họa nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống.  Bên cạnh bức tranh lao động đầy hăng say, khỏe khoắn của những người dân chài, Huy Cận còn thật tinh tế khi dựng lên bức tranh thiên nhiên huy hoàng, tráng lệ của thiên nhiên nơi biển cả bao la.

Thiên nhiên được miêu tả theo trình tự vận động từ hoàng hôn đến minh bình với khung cảnh có sự biến đổi linh hoạt. Cảnh tưởng như ngưng vận động sau một ngày dài, nhưng thực tế lại liên tục vận động, khung cảnh thiên nhiên vì thế mà ngập tràn sức sống.

Không gian trong thơ là biển cả, thời hạn là buổi hoàng hôn:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa

Nhà thơ đã dùng biện pháp nghệ thuật so sánh “Mặt trời xuống biển ”được ví với “hòn lửa ”. giúp người đọc hình dung thấy hình dạng tròn đầy và màu sắc rực đỏ của mặt trời. Màu  sắc rực đỏ ấy lấp lánh trong sắc xanh của biển biếc. Cả mặt biển lúc này ngời lên một vẻ đẹp tráng lệ kì vĩ. Không những vậy, nhà thơ còn liên tưởng vũ trụ lúc này là một ngôi nhà lớn có màn đêm là cánh cửa đang sập xuống còn sóng biển là then cài ngang. Phép nhân hoá trong câu thơ không chỉ làm cho lời thơ sinh động mà còn biểu đạt được thiên nhiên lúc này rất gần gũi với con người. Nó chẳng khác gì một ngôi nhà của những ngư dân vùng biển đang bước vào trạng thái nghỉ ngơi.

Thiên nhiên biển khơi còn là những đêm trăng đẹp:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lớt giữa mây cao với biển bằng.

Đó là một không gian biển khơi mêng mông thoáng đạt, có  gíó  lồng lộng thổi, có ánh sáng vằng vặc của vầng trăng. Từng đám mây trôi nhè nhẹ trên tầng không, có mặt biển biếc. Màn đêm được nhân hoá trở thành một sinh thể sống: “Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”. Thực chất đó là cảnh sáng trên mặt biển dập dềnh lúc lên cao, lúc xuống thấp rất sinh động. In xuống mặt biển lúc này là cả một bầu trời sao. Phép ẩn dụ khi miêu tả giúp cho người đọc hình dung, thấy mặt biển lúc này ngời sáng lấp lánh ánh vàng, ánh bạc của trăng, của sao. Mặt biển trở lên lung linh, huyền ảo, dạt dà , sống động hẳn lên. Quả thật, cảnh thiên nhiên biển đêm rực rỡ sắc màu như một bức tranh.

 

Thiên nhiên trong mắt nhìn của tác giả là hình ảnh từng đàn cá tung tăng bơi lội.

Cá nhụ cá chim cùng cá đé

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cài đuôi em quẫy trăng vàng choé.

Với phép liệt kê , nhà thơ đã kể ra tên từng loại cá quý của biển Đông. Phải chăng thiên nhiên giàu có phong phú đang ban tặng những tài sản vô giá cho cuộc sống của con người. Ngòi bút của nhà thơ đã dừng lại để  miêu tả vẻ đẹp  loài cá song, những chấm đen hồng của loài cá lấp lánh trong làn nước biển khiến cho cử động của cá càng trở lên mềm mại  uyển chuyển giống như múa. Đuôi cá quẫy lên làm tung những giọt nước lấp lánh ánh vàng của trăng, của sao. Nhà thơ đã cất lên tiếng gọi “em ”trìu mến dành cho cá song. Ẩn sau những lời thơ ấy là niềm tự hào, yêu mến của nhà thơ về sự giầu đẹp của thiên nhiên .

Bởi thế thiên nhiên qua cách nhìn của nhà thơ lại càng trở lên đẹp hơn khi ánh bình minh lên trên biển cả:                                   

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi.

Thiên nhiên “đội biển” từ từ nhô lên ở phía biển khơi. Ánh hồng của nó lấp lánh  trong sắc xanh biển biếc. Cả mặt biển ngời lên ánh hồng tơi mới. Ánh Hồng ấy còn tràn xuống khoang thuyền, lấp lánh trong mắt cá.

Thiên nhiên không chỉ đẹp một vẻ đẹp rực rỡ mà còn biểu tượng cho cuộc sống ấm no, đủ đầy. Bằng bút pháp lãng mạn đan xen với hiện thực, nhà thơ đã khắc hoạ thành công bức tranh về thiên nhiên nơi biển cả. Những hình ảnh thiên nhiên hiện ra vừa bình dị vừa đẹp tươi thơ mộng, giàu có, màu sắc rực rỡ. Qua đó ta thấy được sự quan  sát tinh tế, sự liên tưởng phong phú và tình yêu thiên nhiên tha thiết của tâm hồn thơ Huy Cận.

Hai bài thơ thật đẹp biết bao bởi những áng thơ giàu sức gợi, đẫm chất trữ tình. Đọc hai bài thơ Đoành thuyền đánh cá cảu Huy Cận và Sang thu của Hữu Thỉnh chúng ta thấy được khả năng quan sát, miêu tả cảnh vật thiên nhiên thật sinh động, tỉ mỉ, kĩ càng của các nhà thơ. Bức tranh thiên nhiên như một sinh vật sống, sinh tươi đầy sức sống, cuốn hút lạ thường. Thông qua hai bài thơ, người đọc có thể thấy được cảnh săc thiên nhiên nước ta tươi đẹp quá, mỗi vùng đất lại có những nét đẹp riêng, được miêu tả bằng cách nhìn riêng nhưng nổi bật hơn cả là sự tự nhiên, đầy sức sống. Ta cảm nhận rõ tình yêu thiên nhiên, niềm rung cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên và tình yêu cuộc sống, yêu con người của hồn thơ Huy Cận, Hữu Thỉnh. Từng bức tranh còn thể hiện những thông điệp, ý nghĩa mà Huy Cận và Hữu Thỉnh khéo léo gửi gắm. Đó là một niềm khát khao, hi vọng, chủ động vươn tới tương lai hào hùng, bất khuất, hiên ngang phía trước chứ không phải mòn mỏi, chờ đợi, lầm lụi ngóng về một sự ban phát niềm tin hư ảo nào khác. Tự do phải do chính tay ta kiến tạo nên mới là tự do lâu dài, bền vững nhất. Đó là thách thức, vấp ngã đưa lại những kinh nghiệm sống quý quý giá, sự trải nghiệm theo gian luôn là điều tất yếu, để giờ đây khi trưởng thành rồi con người sau bao sấm chớp, bao giông bão cũng không còn sợ, cũng vẫn bình thản đón nhận tất cả như một lẽ tự nhiên. Biến cố cuộc đời chẳng thể khiến lòng người chùn chân, lùi bước.

Hai bài thơ Bài thơ mang đến cho ta những suy ngẫm về cuộc đời, về tuổi trẻ và thời gian, để từ đó thêm ý thức hơn về lẽ sống đời mình, thêm yêu và trân trọng mọi vẻ đẹp của đất nước, của thiên nhiên. Hai bài thơ  thơ là một nguồn sức mạnh truyền cảm hứng cho tình yêu của ta đối với đất trời, đối với thiên nhiên. Nhờ Huy Cận và Hữu Thỉnh mà ta đã tiếp nhận được ý thức sâu sắc về trách nhiệm của con người đối với chính bản thân, với quê hương đất nước.