Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2022

Kỳ vọng của bố mẹ hãy là động lực cho con

 

Cha mẹ nào cũng mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con mình. Tuy nhiên cách thức nào để những kỳ vọng của cha mẹ trở thành động lực cho sự phát triển và thành công của con thì không phải ai cũng hiểu rõ.

Bất cứ cha mẹ nào cũng mong con được mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Họ luôn muốn bảo vệ con khỏi thất bại, đau khổ, hy vọng con trở thành phiên bản tốt hơn mình, để sống tốt hơn cha mẹ, hoàn thành được những gì cha mẹ chưa làm được… Và cha mẹ thường sẽ bằng cách này hay cách khác định hướng, khuyến khích, hỗ trợ, hay thúc giục, đòi hỏi, thậm chí ép buộc con đạt được những tiêu chuẩn, yêu cầu… mà mình đặt ra. Kỳ vọng của cha mẹ nếu tích cực sẽ giúp con cái có một động cơ đủ lớn để phấn đấu, là điểm tựa để con trẻ dựa vào khi chán nản hoặc gặp trở ngại.

Albert Einstein có một câu nói nổi tiếng: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời nó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”. Tuy nhiên, liệu có khi nào cha mẹ đang biến con mình thành chú cá được cha mẹ mong muốn có thể trèo cây kia? Để kỳ vọng của cha mẹ không trở thành gánh nặng trên vai con trẻ, mà còn hỗ trợ con trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, cha mẹ hãy cố gắng dung hòa giữa kỳ vọng của mình và khả năng, mong muốn của con.

Áp lực thường sẽ là động lực cho sự cố gắng, nỗ lực của bản thân để đạt được mục tiêu mà mình đặt ra. Nếu bố mẹ tạo áp lực, nhất là áp lực học tập một cách phù hợp thì điều này rất quan trọng. Nếu cha mẹ biết cách chấp nhận thực tế nếu con không làm được như mình mong đợi; ủng hộ con, khuyến khích và hỗ trợ con làm điều mà con có thể làm tốt hơn cả. thì con mới học tập với niềm yêu thích, sự tự tin, và mới có thể đạt được thành công cao nhất.

Những kỳ vọng của cha mẹ cùng sự bất đồng trong suy nghĩ của hai thế hệ đã vô tình đặt lên các con những áp lực mà cha mẹ lại không hề hay biết. Nếu cha mẹ thấu hiểu con sẽ tìm ra thế mạnh, lợi thế của con, giúp con phát triển, để luôn là chỗ dựa tinh thần để con vững bước trên con đường phía trước. Khi đã thấu hiểu con, hiểu được năng lực, mong muốn của con, cha mẹ sẽ nhận ra việc tôn trọng con sẽ không còn quá khó khăn nữa. Cha mẹ sẽ thông cảm hơn với con, đỡ sốt ruột hơn và bớt áp đặt hơn kể cả khi con không có sở thích hay ước mơ rõ ràng. Cha mẹ sẽ trở thành bạn đồng hành với con khám phá bản thân thay vì chăm chăm nhắm về một mục tiêu mà bố mẹ cho là tốt nhất. Nó làm giảm đi những căng thẳng và vất vả từ áp lực thi cử, bài vở đến điểm số trong quá trình học tập, nhất là các bạn học sinh cuối cấp. Việc đặt áp lực vừa phải vừa giúp con có thể đạt được mục tiêu, trẻ được làm công việc, được học môn học mình yêu thích, hứng thú và bản thân con sẽ có thêm động lực học tập.

Trong các gia đình Việt Nam hoặc châu Á nói chung, sự hiếu thảo thường đồng nghĩa với phục tùng, con cái thường nỗ lực làm theo yêu cầu của cha mẹ, hầu như không phản đối, không làm trái. Nhưng đó chính là lý do cha mẹ thường không hiểu được mong muốn của họ có phù hợp với khả năng và mong muốn của con không. Họ kỳ vọng ở con cái nhiều hơn mức mà trẻ có thể đáp ứng. Rất nhiều bạn trẻ đã không còn được tự do vui chơi phù hợp với lứa tuổi. Không còn được làm những việc theo đúng sở thích. Thay vào đó là thời gian của các bạn chỉ dành cho việc học mà thôi. Thời gian nghỉ ngơi không có, không ăn uống đầy đủ, tình trạng mệt mỏi. Nó làm nảy sinh những cảm xúc tiêu cực như chán nản, tự ti, thất vọng về chính mình, co mình lại và không dám thể hiện bản thân. Kết quả học tập giảm sút, hoặc con học kém hơn so với khả năng thực tế của mình; Nhiều trường hợp thương tâm xảy ra chỉ vì chứng lo âu và trầm cảm của các bạn trẻ mà nguyên nhân thường xuất phát từ những áp lực học tập và từ chính gia đình của mình. Cuộc đời thực ra rất dài; Các bậc cha mẹ thay vì dành cả đời để nói câu “giá như”, thì vẫn có thể dành ra vài năm để làm lại một điều sẽ không bao giờ khiến con nuối tiếc và cha mẹ hối hận.

Thấu hiểu con, yêu thương con, luôn đồng hành và ủng hộ con chính là chìa khóa để cha mẹ giúp con có một cuộc sống hạnh phúc. Cha mẹ cần quan sát, đồng hành, trao đổi với con đủ lâu và đủ sâu để hiểu năng lực, tố chất của con, hiểu con muốn gì, cần gì, lắng nghe cảm xúc của con, tôn trọng ước mơ của con. Mỗi quyết định liên quan đến cuộc đời con nên được đưa ra sau khi đã cân nhắc kỹ càng những yếu tố trên. Hãy ngồi lại nói chuyện nghiêm túc với con, để hoặc là động viên con đi tiếp hành trình đã chọn, hoặc cho con chọn lại nếu đó thực sự là điều con muốn. Hãy động viên và tạo động lực cho con dù con mình không hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Những lời động viên sẽ trở tiếp thêm cho con sức mạnh để cố gắng phấn đấu trong thời gian sắp tới đấy. Thay vì buộc con phải làm như thế nào, như thế kia mới tốt. Tại sao bạn không để con nói ra sự lựa chọn của mình và chia sẻ rằng con sẽ chịu trách nhiệm nếu có việc không may xảy ra. Bất kể kết quả như thế nào, nếu bạn đã nhìn thấy quá trình cố gắng và nỗ lực của con. Hãy trân trọng nó.

Có thể nói tình yêu thương nuôi lớn con trẻ, nhưng sự tự tin sẽ chắp cách cho cuộc đời của con trẻ. Ai có được cả hai điều đó, sẽ có được một cuộc đời trọn vẹn. Cha mẹ hãy đồng hành cùng con trong quá trình trưởng thành. Hơn tất cả, hạnh phúc của con cái chính là kỳ vọng lớn nhất đời cha mẹ.