Cảm nhận về tình yêu của ông Sáu dành cho bé Thu khi ông trở về khu căn cứ. Liên hệ đời sống tình cảm của những gia đình Việt Nam trong kháng chiến.
Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy
về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đưa trẻ được
quà.
Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi li của Mĩ, đập mỏng làm
thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh
cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Chẳng
hiểu sao tôi thích ngồi nhìn anh làm và cảm thấy vui vui khi thấy bụi ngà rơi
mỗi lúc một nhiều. Một ngày, anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây
lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi,
cây lược cho con gái, cây lược dùng để chải mái tóc dài, cây lược chỉ có một
hàng răng thưa. Trên sóng lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng,
tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Cây lược ngà ấy chưa chải
được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh.
Những đêm nhớ con, anh ít nhớ đến nỗi hối hận đánh con, nhớ con, anh lấy cây
lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây
lược, anh càng mong gặp lại con. Nhưng rồi một chuyện không may xảy ra. Một
ngày cuối năm năm mươi tám – năm đó ta chưa võ trang – trong một trận càn lớn
của quân Mĩ – nguỵ, anh Sáu bị hi sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào
ngực. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăn trối lại điều gì, hình
như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây
lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả lại cái
nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt
của anh.
- Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu.
Tôi
cúi xuống gần anh và khẽ nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi.
(
Trích “Chiếc lược ngà” - Nguyễn Quang Sáng)
Bài làm
Chiến tranh có
thể tàn phá những gì trên đường nó đi qua, duy nhất tình cảm gia đình không bom
đạn nào có thể hủy diệt được. Điều này thể hiện rõ tác phẩm Chiếc lược ngà của
Nguyễn Quang Sáng. Đến với truyện ngắn “Chiếc lược ngà” ta sẽ cảm nhận được vẻ
đẹp, sự hi sinh của người cha - người cha lúc nào cũng hi sinh vì gia đình, yêu
thương con và đặc biệt trong thời chiến thì tình cảm ấy càng quý giá hơn bao giờ
hết. Tình yêu thương con mãnh liệt của ông Sáu gửi gắm trong chiếc lược ngà mà
anh làm tặng cho con khiến người đọc vừa yêu mến vừa xót xa.
Tác phẩm “Chiếc
lược ngà” được Nguyễn Quang Sáng viết vào năm 1966. Khi ấy, tác giả đang hoạt động
ở chiến trường Nam Bộ, đó là những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Đây
là một truyện ngắn giản dị nhưng chứa đầy sức bất ngờ. Truyện ngắn chỉ xoay
quanh tình cha con của một người lính nhưng lại vô cùng cảm động. Trong đó,
nhân vật chính - ông Sáu là một nhân vật đã tạo nên mạch cảm xúc dạt dào xuyên
suốt tác phẩm. Ông là một người lính vừa yêu nước lại vừa yêu gia đình, nhưng
khi trở về thăm con gái nhỏ sau tám năm ròng xa cách lại không được con đón nhận.
Tình huống tuy éo le nhưng lại mở ra sự gắn kết giữa hai con người vô cùng sâu
sắc.
Ông Sáu xa nhà
đi kháng chiến, mãi đến khi con gái ông lên tám tuổi, ông mới có dịp về thăm
nhà, thăm con. Bé Thu không chịu nhận cha vì vết thẹo trên mặt làm ba em không
giống với người chụp chung với má trong bức ảnh mà em đã biết. Thu đối xử với
ba như người xa lạ, đến lúc hiểu ra, tình cảm cha con thức dậy mãnh liệt trong
em thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường. Ở khu căn cứ, bao nỗi nhớ thương
con, ông dồn vào việc làm cho con cây lược. Ông hi sinh trong một trận càn của
Mỹ nguỵ. Trước lúc nhắm mắt, ông còn kịp trao cây lược cho một người bạn. Cốt
truyện tuy ngắn gọn nhưng lại chất chứa đầy nỗi niềm xúc động.
Sau bao năm
tháng mong chờ, đau khổ, ông Sáu đã được đón nhận một niềm vui vô bờ khi bé Thu
gọi tiếng “Ba”. Ông trở lại khu căn cứ với một yên tâm lớn rằng ở quê
nhà có một đứa con gái thân yêu luôn chờ đợi ông, từng giây từng phút mong ông
quay về. Tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu trở nên mãnh liệt hơn, cao cả,
thiêng liêng và cảm động hơn bao giờ hết là việc ông tự tay làm chiếc lược ngà
cho con.
“Ba về! Ba
mua một cây lược cho con nghe ba!”- lời nói vô tư của
trẻ con ấy lại khiến ông khắc cốt ghi tâm. Đó là mong ước đơn sơ của đứa con
gái bé bỏng trong giây phút cha con tạm biệt. Nhưng đối với người cha ấy, đó là
mong ước đầu tiên và cũng là duy nhất cho nên nó cứ thôi thúc trong lòng. Ao ước
của con dần dần cũng trở thành ước nguyện của ông. Kiếm cho con cây lược trở
thành bổn phận của người cha, thành tiếng gọi cầu khẩn của tình phụ tử trong
lòng. Ông bật dậy như bỗng loé lên một sáng kiến lớn: làm cây lược cho con bằng
ngà voi. Có lẽ không đơn thuần vì ở rừng rú chiến khu, ông không thể mua được
cây lược nên làm lược từ ngà voi là một cách khắc phục khó khăn. Mà cao hơn thế,
sâu hơn thế, ngà voi là thứ quí hiếm - chiếc lược cho con của ông phải được làm
bằng thứ quý gía ấy. Và ông không muốn mua, mà muốn tự tay mình làm ra. Ông sẽ
đặt vào trong đấy tất cả tình yêu thương con của mình. Ông quả là một người cha
chiều con và luôn biết giữ lời hứa với con, đó là biểu hiện tình cảm trong sáng
và rất sâu nặng. Kiếm được ngà voi, mặt ông “hớn hở như một đứa trẻ được quà”.
Vậy đấy, khi người ta hoá thành con trẻ lại chính là lúc người ta đang hiện lên
cái tư cách người cha cao quý của mình.
Tình cảm sâu sắc
của người cha dành cho con được thể hiện ngay trong việc làm cho con cây lược. Những
lúc rỗi, ông “ngồi cưa từng chiếc răng lược, thận trọng tỉ mỉ và khổ công
như người thợ bạc”. Làm chiếc lược cho con đúng là một cuộc hành trình, bởi
người cha chiến sĩ ấy vừa đối mặt với đạn bom, với đói rét, hiểm nguy, lại vừa
tỉ mỉ mài từng chiếc răng lược. Trong từng chiếc răng lược có nỗi nhớ thương
con, có sự ân hận vì đã đánh con, có niềm mong đợi ngày trở về. Bụi ngà mỗi
ngày rơi một nhiều làm người đồng đội cũng cảm thấy vui cho ông. Trên sống lưng
cây lược, ông đã tẩn mẩn khắc một dòng chữ nhỏ: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”.
Dòng chữ nhỏ mà chứa bao tình cảm lớn lao. Chiếc lược xét về vật chất không
đáng giá nhưng xét về tình cảm tinh thần thì nó vô cùng quý giá không gì có thể
thay thế được bởi vì nó được làm từ tình yêu thương vô bờ bến của người cha
dành riêng cho con. Hình ảnh ông ngồi khắc chữ lên chiếc
lược có lẽ là hình ảnh đẹp tuyệt vời nhất của mẩu truyện.
Việc làm chiếc
lược vừa là cách ông giải tỏa tâm trạng mong nhớ, ân hận vừa là cách gửi vào đó
những yêu thương khao khát cháy bỏng dành cho đứa con gái yêu của mình. Chiếc
lược ngà giờ đây đã trở thành một vật quí giá thiêng liêng với ông Sáu. Nó làm
dịu đi nỗi ân hận và chứa đựng bao nhiêu tình cảm yêu mến, nhớ thương, mong đợi
của của người cha đối với đứa con xa cách. Cây lược ấy chưa chải được mái tóc của
con nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của ông. Những lúc nhớ con, ông
“lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng thêm mượt”.
Lòng yêu con đã biến người chiến sĩ trở thành một nghệ nhân - nghệ nhân chỉ
sáng tạo ra một tác phẩm duy nhất trong đời. Ông gửi vào đó bao lời nhắn nhủ
thiêng liêng, gửi vào đó bao nỗi nhớ mong con. Chiếc lược ngà là kết tinh tình
phụ tử mộc mạc mà đằm thắm, đơn sơ mà diệu kì, là hiện hữu của tình cha con bất
hủ giữa ông Sáu và bé Thu. Tình thương ông dành cho con cháy bỏng, như một dòng
sông chảy mãi từ suối nguồn, như dòng máu chảy sâu vào tim ông, vào tâm hồn ông
đến phút cuối vẫn bùng cháy chẳng nguôi.
Làm được cây lược
cho con, ông Sáu mong được gặp con, được tận tay chải mái tóc con. Nhưng rồi, một
tình cảnh đau thương lại đến với cha con ông Sáu: trong một trận càn lớn của
quân Mỹ ngụy, ông Sáu bị một viên đạn bắn vào ngực và ông đã hi sinh. “Trong
giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có
tình cha con là không thể chết được”, tất cả tàn lực cuối cùng chỉ còn cho
ông làm một việc “đưa tay vào túi, móc cây lược” đưa cho người bạn chiến
đấu. Đó là điều trăng trối không lời nhưng nó thiêng liêng hơn cả những lời di
chúc. Nó là sự ủy thác, là ước nguyện cuối cùng, ước nguyện của tình phụ tử. Lời
kể như nấc nghẹn, người cha đã không thể thực hiện trọn vẹn lời hứa với con –
trở về và trao cho con cây lược. Chiếc lược ngà như là biểu tượng của tình
thương yêu, săn sóc của người cha dành cho con gái, cho dù đến khi không còn nữa
anh chưa một lần được chải tóc cho con. Người kể chuyện, đồng đội của ông Sáu
đã bộc lộ một sự đồng cảm và xúc động thực sự khi kể lại câu chuyện. Có lẽ,
không ai hiểu nhau hơn những người đồng đội, gần nhau hơn những người đồng đội.
Cho nên, sau này, khi trao tận tay Thu chiếc lược, giữa Thu và người đồng đội của
cha mình nảy nở một tình cảm giống như tình cha con.
Những dòng cuối
cùng của đoạn trích khép lại trong nỗi buồn mênh mang mà chứa chan ý nghĩa nhân
văn sâu sắc. Chiến tranh là hiện thực đau xót của nhân loại. Chiến tranh đã làm
cho con người phải xa nhau, chiến tranh làm khuôn mặt ông Sáu biến dạng, chiến
tranh khiến cuộc gặp gỡ của hai cha con vô cùng éo le,bị thử thách,rồi một lần
nữa chiến tranh lại khắc nghiệt để ông Sáu chưa kịp trao chiếc lược ngà đến tận
tay cho con mà đã phải hi sinh trên chiến trường. Nhưng những đau thương mất
mát mà chiến tranh tàn bạo gây ra không thể nào giết chết những tình cảm đẹp đẽ
của con người Việt Nam. “Chiếc lược ngà” như một truyện cổ tích hiện đại dẫn
người đọc dõi theo số phận của nhân vật. Người còn, người mất nhưng kỉ vật gạch
nối giữa cái mất mát và sự tồn tại là chiếc lược ngà nói với chúng ta nhiều điều
về tình người, tình đồng chí, tình cha con. Cảm động nhất, để lại ấn tượng nhiều
nhất cho người đọc là tình phụ tử thiêng liêng, sâu đậm –tình yêu thương mà ông
Sáu dành cho đứa con gái.
Người đọc đã
không thể cầm được nước mắt khi nghe tiếng khóc thét của đứa con gọi cha buổi
chia tay hồi nào, giờ bỗng không thể cầm lòng khi chứng kiến cái cử chỉ cầm cây
lược và ánh mắt nhìn của người cha vào giây phút lâm trung. Từng có bao nhiêu
áng văn nói về tình mẹ cực kì xúc động nhưng có lẽ đây là một trang văn rất hiếm
hoi mô tả đến tận cùng sâu thẳm trái tim yêu thương của người cha dành cho con.
Có thể nói nhân
vật ông Sáu được nhà văn xây dựng bằng những nét nghệ thuật đặc sắc. Nguyễn
Quang Sáng đã đặt nhân vật vào cảnh ngộ éo le của đời sống để từ đó ngòi bút
miêu tả tâm lí tinh tế đã phát hiện bao cung bậc cảm xúc của tình phụ tử. Ngoài
ra, ngôn ngữ kể chuyện vừa truyền cảm, vừa mang đậm chất địa phương Nam Bộ đem
đến cho người đọc nhiều xúc động. Đặc biệt, nhà văn đã lựa chọn được một số chi
tiết nghệ thuật rất đắt giá như lời dặn mua cho con cây lược của bé Thu,ông Sáu
hớn hở khi kiếm được chiếc ngà voi… Tất cả đã góp phần tô đậm vẻ đẹp của người
chiến sĩ Cách mạng, của người cha yêu con nồng thắm.
Liên
hệ
1.
Đời sống tình cảm những gia đình Việt Nam trong chiến tranh
Viết “Chiếc lược ngà”, Nguyễn
Quang Sáng đã không chỉ thành công khi thể
hiện tình cảm cha con sâu sắc
của những nhân vật trong tác phẩm.
Truyện ngắn này còn giúp độc
giả hiểu thêm về đời sống tình cảm của những gia đình Việt
Nam trong kháng chiến.
Chiến tranh đã chia lìa hầu
như tất cả những gia đình người
Việt: người miền Bắc có con em vào Nam đánh Mĩ, người
miền Nam có chồng con ra trận…
Và vì thế, thời gian họ gặp gỡ nhau được tính bằng đơn vị là số lần trong một năm thậm chí là hàng chục
năm. Nhưng không
vì thế mà tình cảm
nhạt phai, họ không bị thời gian làm cho “xa mặt
cách lòng”. Ngược lại, thời gian như lửa thử những tấm lòng vàng để
sương khói qua đi
chỉ còn những tấm lòng trung trinh son sắt.
Sau bao nhiêu năm, tình cảm vợ chồng của ông Sáu vẫn
mặn mà, lưu luyến. Đặc biệt, tình cảm cha con của
ông nồng nàn, bỏng cháy. Bé Thu luôn ghi sâu vào tâm hồn
thơ ngây bé
bỏng của mình hình ảnh
người cha trong tấm ảnh nhỏ nên kiên quyết
gạt bỏ người “cha giả” mà cả gia đình, làng xóm thừa
nhận cũng là người yêu thương chăm
chút cho nó. Ông Sáu hẳn cũng luôn nghĩ về
con, tưởng tượng về con thế nên sau gần
chục năm không gặp lại vừa nhìn thấy bé Thu đã nhận
ngay ra đó là con mình. Đặc biệt, giây phút hai cha con ôm xiết
lấy nhau lần cuối trong đời hẳn khiến không ít người
rơi lệ… Tình cảm gia đình là vậy.
Đó là sợi dây thiêng liêng mỏng
manh mà bền chặt. Bom đạn chiến trường có thể phá vỡ những toà nhà, huỷ
diệt những thành phố;
gian khổ có thể hành hạ, có thể bào mòn từng
tế bào, từng mạch máu nhưng chúng
không thể phá huỷ dù chỉ là xây xước sợi dây long lanh kì diệu
kia.
Đời sống tình cảm những gia đình Việt
Nam trong chiến tranh phải
chịu nhiều thử thách, hiếm
nguy nhưng vẫn ấm áp, nồng nàn và cảm
động. Điều đó khiến người đọc biết phải nâng niu hơn
hạnh phúc gia đình mình đang có…
Ông Sáu là đại diện tiêu biểu về một người chiến sĩ anh dũng đồng
thời còn là một người cha có tình yêu thương
con vô bờ bến. Qua tác phẩm,
ta nhận ra tình cha con thiêng liêng sâu sắc
biết nhường nào. Tình phụ
tử cũng như những tình cảm gia đình khác đều
trở thành mạch nguồn của tình yêu quê hương
đất
nước. Đó là nơi dựa, là điểm tựa tinh thần cho mỗi người…
2.
Tình yêu thương của cha đối với con trong lão Hạc
Cùng viết về tình cha con nhưng
Lão Hạc của Nam Cao khác Chiếc
lược ngà của Nguyễn Quang Sáng lại
khám phá tình cha con của người nông dân Bắc
Bộ trước Cách mạng tháng 8 trước
thử thách khốc liệt của cái đói và miếng
ăn, của cảnh ngộ khốn cùng, qua đó, tác giả
thể hiện niềm tin bất diệt vào vẻ đẹp, bản chất lương thiện của họ.
Lão Hạc là người nông dân nghèo, tình cảnh
của lão Hạc thật bi thương. Vợ lão chết sớm, vì quá nghèo lão không có tiền
cưới vợ cho con. Con lão phẫn
chí bỏ đi làm đồn điền cao su, bỏ
lại lão bơ vơ cùng
con chó vàng
ở nhà. Lão bị ốm nặng, làng mất
vé sợi, cơn bão
đi qua phá
hoại hết hoa màu, tuổi
già sức yếu chẳng ai muốn thuê lão làm việc
nữa. Lão đành bán con chó yêu quý của
lão rồi ăn củ khoai, củ ráy, rau má, bữa
trai bữa ốc cho qua ngày, tới
khi không còn cái gì ăn nữa thì lão ăn bả
chó tự tử. Cái chết của lão thật đau đớn thê thảm.Tình cảnh bi thương nhưng phẩm chất của lão thật cao quý. Lão luôn day dứt
vì không có tiền cưới vợ cho con. Bao tình thương
yêu, lão
gửi gắm qua con chó Vàng- kỉ
vật duy nhất còn lại của đứa con. Cách lão gọi
“cậu Vàng”, cách lão chăm sóc, trò chuyện,
cưng nựng…con chó Vàng. Lão ở
nhà sức tàn lực kiệt nhưng vẫn bòn vườn, ki cóp dành tiền
cho con để nó về cưới vợ và có chút vốn
làm ăn. Lão chịu đói khổ chứ không tiêu vào số
tiền dành dụm, quyết chết để lại mảnh vườn cho con chứ
không chịu bán. Trước khi chết, lão gửi lại ông giáo 30 đồng
bạc để lo ma chay cho mình, gửi
lại mảnh vườn nhờ ông giáo trông nom cho con kho nó trở
về.Lão Hạc là một người cha tốt, người cha rất mực thương con, hi sinh hết
lòng vì con. Dù lâm vào cảnh cùng quẫn
nhưng lão vẫn giữ mình trong sạch
“đói cho sạch, rách cho thơm”, không làm
việc xấu xa như Binh Tư đã
nghĩ. Phẩm chất của lão thật cao quý, đáng trọng.
Hai người cha, hai thời
đại, hai cảnh ngộ khác nhau nhưng
họ có chung một phẩm chất: yêu thương con nhất mực. Lão Hạc quyên sinh để
dành lại mảnh vườn cho con. Ông Sáu dồn
tình yêu thương vào
việc làm chiếc lược ngà. Cả hai nhân vật
đều là biểu tượng sáng ngời
cho tình phụ tử sâu nặng: dành cho con tất
cả, thậm chí sẵn sàng hi sinh tất
thảy vì con. Để khắc họa tình cha con, cả
hai tác phẩm đều xây dựng được những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, tình huống
truyện độc đáo, miêu tả
tâm lí nhân vật tinh tế.
Ở “Lão Hạc”,
Nam Cao khám phá tình cha con của người nông dân Bắc
Bộ trước Cách mạng tháng 8 trước
thử thách khốc liệt của cái đói và miếng
ăn, của cảnh ngộ khốn cùng, qua đó, tác giả
thể hiện niềm tin bất diệt vào vẻ đẹp, bản chất lương thiện của họ. Ở “Chiếc lược ngà”, Nguyễn
Quang Sáng khắc sâu chủ đề về tình cha con của
người chiến sĩ cách mạng
miền Nam trong thử thách khốc liệt của chiến tranh trên cả
hai phương diện: tình cha với
con và ngược lại, từ đó cho người
đọc thấy những nỗi đau tột cùng mà chiến
tranh gây ra cho cuộc sống con người. Nhưng càng ở
trong cảnh ngộ khó khăn thì tình cha con càng được
tỏa sáng, thiêng liêng và cao quý. Hình ảnh người cha trong hai tác phẩm đã truyền vào trong lòng mỗi
người đọc những dấu ấn thật đậm nét không bao giờ
phai mờ. Đó là một điều ta có thể
khẳng định dựa vào câu ca dao ngàn đời
vẫn ghi tạc trong lòng chúng ta:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
“Nghĩa mẹ”, “công cha” là thế
đó. Cha lúc nào cũng vẫn là cha, là nguồn
sức mạnh tinh thần
vô biên cho con cái. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, thời
điểm nào cha vẫn là điểm tựa cho con, đều
yêu thương con cái
dạt dào sâu sắc. Họ cũng sãn sàng hy sinh vì con cái, họ
cũng quặn trong lòng cùng nỗi
đau của con cái.
Lão Hạc của Nam
Cao và Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng là những áng văn bất hủ ca ngợi tình phụ tử giản
dị mà thiêng liêng, với những con người giàu tình cảm và đẹp đẽ. Hai tác phẩm
là xây dựng được hình tượng những người cha mẫu mực. Trong mỗi tình cảnh éo le,
tình cha con càng thắm thiết, sâu nặng, để lại trong lòng người đọc những xúc động
sâu xa, những giá trị nhân bản đẹp đẽ, cao cả, thiêng liêng biết mấy. Vì thế mà
ta càng quí trọng cuộc sống mình có ngày hôm nay, quí trọng tình cha cao thượng
và vĩ đại. Mỗi người đều lưu giữ trong trái tim mình hình ảnh một người cha,
hãy biết trân trọng tình yêu và sự hi sinh vô điều kiện mà cha đã dành cho ta.
Vòng đời ngắn ngủi lắm, đừng mãi sống ích kỉ - chỉ biết nhận tình cảm yêu
thương từ cha mẹ mà chẳng bao giờ đền đáp lại. Nếu bạn còn cha, và một người
cha đúng nghĩa thì hãy cảm ơn thượng đế vì bạn đã được sinh ra trong cuộc sống
này!