Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

Lòng yêu nước trong bài thơ Đồng chí - Liên hệ Nói với con

 Lòng yêu nước Đồng chí - Liên hệ Nói với con

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

[…]

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

  (Đồng chí – Chính Hữu)

Bài làm

Đất nước

 Của những câu chuyện đều làm ta rưng rưng nước mắt

 Đã trở thành những bài ca không bao giờ tắt

 Trên mỗi con đường, mỗi thôn xóm ta qua

 Từ non ngàn cho tới biển xa. (Nam Hà)

Con người Việt Nam, văn học Việt Nam luôn lấy tiêu chí yêu nước làm đầu. Thơ hiện đại Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này. Các nhà thơ luôn trĩu nặng nỗi niềm quê hương đất nước. Những bài thơ viết ra trong thời chiến tranh khốc liệt hay khi đất nước hòa bình dù gắn với tiếng nói cá nhân vẫn sang lên tình cảm yêu nước, tình yêu với con người, cảnh vật, quê hương. Đồng chí của Chính Hữu. Hình ảnh quê hương đất nước hiện lên trong bài thơ đem lại những cảm nhận rất riêng nhưng lại rung cảm bao thế hệ độc giả. Chính lòng yêu nước đã tạo cho thơ Chính Hữu những tình cảm cao đẹp, mạnh mẽ:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

[…]

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

Tình yêu quê hương bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt hàng ngày, những tình cảm đôi lứa, tình yêu sự gắn bó với gia đình, làng quê, đó là tình cảm trong sáng nhất, cao cả và góp phần làm thanh lọc tâm hồn con người. Đó cũng là tình cảm gắn kết cá nhân với cộng đồng, tạo nên sự đồng cảm, sự lắng đọng sâu sắc và thường trực trong trái tim con người. Chính sự gắn kết ấy làm nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, thành ý chí bất khuất, sức mạnh chiến đấu, quyết tâm bảo vệ đất nước, đánh đuổi ngoại xâm, ý thức xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

 Khát vọng tự do của những người nông dân mặc áo lính trong Đồng chí được Chính Hữu thể hiện hàm xúc qua cách lý giải giản dị, độc đáo về tình đồng chí. Giữa những đau thương chiến đấu, cuộc chiến góp phần đắp xây nên mối quan hệ giữa những người lính với nhau. Bài thơ “Đồng chí” ca ngợi những người nông dân yêu nước đi bộ đội đánh giặc trong những năm đầu gian khổ thời chín năm kháng chiến chống Pháp. Vì nghĩa lớn họ chấp nhận hi sinh:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay.

Tấm lòng của họ đối với đất nước thật cảm động. Họ là những người lính gác tình riêng ra đi vì nghĩa lớn, để lại sau lưng mảnh trời quê hương với những băn khoăn, trăn trở. Trong những tâm hồn ấy, hẳn sự ra đi cũng đơn giản như cuộc đời thường nhật, nhưng thực sự hành động ấy là cả một sự hy sinh cao cả. Cả cuộc đời ông cha gắn với quê hương ruộng vườn, nay lại ra đi cũng như dứt bỏ đi nửa cuộc đời mình. Từ những câu thơ nói về gia cảnh, về cảnh ngộ, ta bắt gặp một sự thay đổi lớn lao trong quan niệm của người chiến sĩ: “Ruộng nương” đã tạm gửi cho “bạn thân cày”, “gian nhà không” giờ để “mặc kệ gió lung lay”. Bình thường vậy thôi, nhưng nếu không có một tình yêu đất nước sâu nặng không thể có một thái độ ra đi như vậy.Họ đứng lên chiến đấu chỉ vì một lẽ giản dị: yêu nuớc. Tình yêu đất nước, ý thức dân tộc là máu thịt, là cuộc đời họ. Nông dân hay trí thức chỉ nghe tiếng đau thương của quê hương, họ sẽ bỏ lại tất cả, cả ruộng nương, xóm làng. Lên đường đi chiến đấu, người lính chấp nhận sự hi sinh, tạm gạt sang một bên những tính toán riêng tư. Hai chữ “mặc kệ” đã nói lên được cái kiên quyết dứt khoát mạnh mẽ của người ra đi khi lí tưởng đã rõ ràng, khi mục đích đã lựa chọn. Song dù dứt khoát, mạnh mẽ ra đi nhưng những người lính nông dân hiền lành chân thật ấy vẫn nặng lòng với quê hương. Chính thái độ gồng mình lên ấy lại cho ta hiểu rằng những người lính càng cố gắng kiềm chế tình cảm bao nhiêu thì tình cảm ấy càng trở nên bỏng cháy bấy nhiêu. Nếu không đã chẳng thể cảm nhận được tính nhớ nhung của hậu phương:

 “Giếng nước gốc đa, nhớ người ra lính.”

Chỉ đến khi ở nơi kháng chiến người lính nông dân áo vải lại trở mình, lòng lại bận tâm lo lắng về mảnh ruộng chưa cày, với căn nhà bị gió lung lay. Nỗi nhớ của các anh là thế: cụ thể nhưng cảm động biết bao. Người lính luôn hiểu rằng nơi quê nhà người mẹ già, người vợ trẻ cùng đám con thơ đang trông ngóng anh trở về. Hình ảnh thơ hoán dụ mang tính nhân hoá này tô đậm sự gắn bó yêu thương của người lính đối với quê nhà, nó giúp người lính diễn tả một cách hồn nhiên và tinh tế tâm hồn mình. Giếng nước gốc đa kia nhớ người ra lính hay chính tấm lòng người ra lính không nguôi nhớ quê hương và đã tạo cho giếng nước gốc đa một tâm hồn? Quả thực giữa người chiến sĩ và quê hương anh đã có một mối giao cảm vô cùng sâu sắc đậm đà. Tác giả đã gợi nên hai tâm tình như đang soi rọi vào nhau đến tận cùng. Ba câu thơ với hình ảnh: ruộng nương, gian nhà, giếng nước, gốc đa, hình ảnh nào cũng thân thương, cũng ăm ắp một tình quê, một nỗi nhớ thương vơi đầy. Nhắc tới nỗi nhớ da diết này, Chính Hữu đã nói đến sự hi sinh không mấy dễ dàng của người lính. Tâm tư ấy, nỗi nhớ nhung ấy của “anh” và cũng là của “tôi”, là đồng chí họ thấu hiểu và chia sẻ cùng nhau. Tình đồng chí đã được tiếp thêm sức mạnh bởi tình yêu quê hương đất nước ấy. 

Con đường cách mạng còn nhiều khó khăn gian khổ và những người lính cụ Hồ còn phải đối mặt với biết bao hiểm nguy phía trước:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

Hình tượng người lính sát cánh, chung vai hướng mũi súng nơi kẻ thù hiện lên thật đẹp biết bao. Giữa núi rừng trùng điệp, nơi lạnh lẽo rừng hoang sương muối ấy, những người lính vẫn luôn chắc tay súng. Những người lính phải sống trong cảnh “rừng hoang sương muối”, lạnh đến thấu da cắt thịt trong những đêm đông giá lạnh. Trong khung cảnh thiên nhiên khắc nghiệt ấy, họ vẫn phải luôn giữ vững tinh thần, tỉnh táo “chờ giặc tới”. Chỉ ba từ ấy của Chính Hữu đã càng làm tôn thêm phong thái oai hùng của những người lính. Họ chẳng hề tỏ vẻ sợ sệt, yếu đuối trước giặc pháp hùng mạnh. Từ “chờ” thể hiện sự chủ động, mạnh mẽ của những anh lính cụ Hồ, một tinh thần bất diệt, không quản ngại khó khăn gian khổ luôn được các anh thể hiện dù trong bất cứ một khoảng không gian và hòan cảnh nào. Những người lính sắp bước vào cuộc chiến đấu ác liệt, họ sẽ đứng ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh nhưng tất cả dường như đều rất nhẹ nhàng, tinh thần rất bình thản. Bởi giây phút ấy luôn có đồng đội sát cánh là sự động viên, là nguồn tiếp thêm sức chiến đấu, giúp họ vững tâm và quyết tâm hơn khi vào trận đánh.

Giữa không gian rộng lớn, đêm tối âm u như vậy nhưng vẫn có ánh trăng như soi sáng:

Đầu súng trăng treo.

  Những người lính đứng cạnh nhau trong lúc chờ giắc tới họ bình thản ngắm trăng, cảm nhận vẻ đẹp của trăng trong hoàn cảnh áo rách quần vá, chân không giày. Chúng ta thấy nhà thơ đã tạo nên sự hòa quyện giữa chất chiến sĩ và nghệ sĩ. Hình ảnh cây súng chính là biểu tượng của chiến tranh, trăng là biểu tượng cho sự hòa bình. Đầu súng của người chiến sỹ có treo trăng hay nói cách khác cây súng ấy bảo vệ cho vầng trăng hòa bình. Đó là sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn, vừa thực, vừa mơ, vừa xa vừa gần, vừa mang tính chiến đấu, vừa mang tính trữ tình. Cuộc chiến đấu của ngày hôm nay là để cho ánh trăng hòa bình ngày mai mãi tỏa sáng trên quê hương của những người lính. Súng thể hiện cho hiện thực, trăng thể hiện sự lãng mạn. Hình ảnh mặt trăng treo trên đầu mũi súng cho ta thấy được người lính không phải lúc nào cũng chỉ là nguy hiểm, lúc nào cũng đối mặt với đạn bom, sự hy sinh, mà cuộc đời của họ còn bắt gặp được những hình ảnh vô cùng lãng mạn, trong sáng đẹp đẽ, thi vị, ngay trong không gian và thời gian của chiến tranh. Chính Hữu đặt hai hình ảnh ánh trăng và súng gần nhau để bổ sung cho nhau, tạo nên một ý nghĩa mới: Súng trong tay kẻ thù mới là vũ khí nguy hiểm, còn súng trong tay người chiến sĩ là vũ khí để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên, bảo vệ ánh trăng thanh bình. Ánh trăng trên trời soi sáng cho người chiến sĩ cách mạng, ánh trăng như muốn làm bạn với người chiến sĩ, muốn ngợi ca, soi rõ tình đồng đội thiêng liêng, cao đẹp của chiến sỹ cách mạng. Chính Hữu chỉ dùng ba câu thơ ngắn gọn, ngôn ngữ mộc mạc, bình dị đã khắc họa được một bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ- những người lính đã hi sinh vì sự độc lập của dân tộc.

Bài thơ nổi bật với những hình ảnh gần gũi, mộc mạc mang đầy chất hiện thực, kết hợp với giọng thơ tâm tình như kể chuyện, biện pháp sóng đôi cùng thành ngữ đã khiến cho bài thơ có sức ngân vang, để lại dư âm sâu lắng trong lòng độc giả. Với cách thể hiện tự nhiên, bình dị mà sâu sắc, Đồng chí đã bộc lộ được vẻ đẹp tinh thần và sức mạnh vĩ đại của người lính cách mạng, một vẻ đẹp mang tính thời đại. Có thể nói Đồng chí là thành công sớm nhất của thơ ca cách mạng và kháng chiến. Nó đã góp phần mở ra phương hướng khai thác rất thương và vẻ đẹp của người lính trong cái bình dị đời thường chân thật.

Quê hương là nguồn cảm hứng của những người cầm bút sáng tác, đây là đề tài không mới. Mỗi nhà thơ góp vào thi đàn những cảm nhận vừa mới mẻ vừa riêng tư làm cho hình tượng đất nước hiện lên trong thơ ca sinh động, đa dạng và tươi đẹp. Điều quan trọng là làm thế nào để tạo được những tác phẩm gây ấn tượng với người đọc. Y Phương đã làm được điều đó với bài thơ “Nói với con”.

Nói với con” là điển hình cho phong cách thơ Y Phương. Bài thơ đã làm xúc động mọi người. Bài thơ mượn lời người cha nói với con được viết theo lối tự do, với ngôn ngữ đặc trưng của người dân tộc rất giàu hình hoà quyện xoắn xuýt cảm xúc trữ tình của nhà thơ với niềm tự hào về quê hương dân tộc. Bài thơ đã dạy con về lòng thủy chung với quê hương nghèo khó cùng khát vọng làm người chân chính. Người cha luôn tự hào nói với con về ý thức tự lập, tự cường và tinh thần tự tôn dân tộc  của người đồng mình với truyền thống vẻ vang :

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục.

            ( Nói với con – Y Phương )

Con người quê hương đẹp ở tâm hồn cao thượng, ở nhân cách làm người. Lời thơ mộc mạc, giản dị nhưng chứa bao tâm tình. Những con người mộc mạc, giản dị. nhưng lớn lao ý chí, nghị lực, cốt cách và niềm tin. Người miền núi mộc mạc nhưng giàu chí khí, niềm tin. Chính cái hồn nhiên mộc mạc ấy lại chứa đựng sức sống mạnh mẽ của dân tộc Bộc lộ những suy nghĩ về người dân quê hương, người cha như nhắn nhủ con phải biết gắn bó, qúy trọng nơi sinh thành; trân trọng yêu mến con người quê hương. Cùng với ý thức tự lực, tự cường, người đồng mình còn ngời sáng tinh thần tự tôn dân tộc và khát vọng xây dựng quê hương. Ý chí và mong ước ấy được cô đúc trong hai câu thơ vừa có hình ảnh cụ thể lại vừa hàm chứa ý nghĩa sâu sắc:

“Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục”.

Lối nói đậm ngôn ngữ dân tộc – độc đáo mà vẫn chứa đựng ý vị sâu xa. Người đồng mình sống rất thuỷ chung, nhân hậu. Người đồng mình kiên trì, bền bỉ trong công cuộc lao động để vun đắp, xây dựng xóm làng, biết dệt lên những phong tục để tôn vinh quê hương. Hình ảnh “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” vừa mang tính tả thực ( chỉ truyền thống làm nhà kê đá cho cao của người miền núi),vừa mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Việc “đục đá” là khó, là đòi hỏi nghị lực, nhưng người quê hương ta đã làm,vẫn làm dể làm rạng rỡ quê hương. Chính những đức tính tốt đẹp cùng với sự lao động cần cù, nhẫn nại hàng ngày đã tạo nên sức mạnh để làm nên quê hương với truyền thống với phong tục tập quán tốt đẹp. Người đồng mình đã tự tay xây dựng nên truyền thống quê hương đẹp giàu, sánh tầm với các miền quê khác trên mảnh đất hình chữ S thân yêu. Câu thơ ngầm chứa niềm tự hào kiêu hãnh bởi họ vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.Hình ảnh của quê hương, của người đồng mình hiện lên thật chân thực, cụ thể với bao phẩm chất tốt đẹp trong lời thủ thỉ, tâm tình của người cha đối với con. Đó là mạch suối ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn và ý chí cho con.

Hai tác phẩm "Đồng chí" của Chính Hữu,"Nói với con" của Y Phương đi vào những khía cạnh khác nhau của đời sống, nhân vật hiện lên từ những khung cảnh, hoàn cảnh khác nhau và bút pháp khắc hoạ cũng mang tính độc đáo, cá biệt nhưng đều góp phần vào tiếng nói chung của dân tộc, tiếng nói phám phá ngợi ca vẻ đẹp của con người Việt. Đọc hai bài thơ ta hiểu về vẻ đẹp của những con người quê hương, ta yêu hơn, trân trọng hơn những con người làm giàu đẹp quê hương, đất nước. Hai bài thơ là lời nhắc nhở đầy cảm động: đừng chối bỏ cội nguồn dân tộc, hãy khắc sâu tình cảm quê hương vào trong trái tim mình, luôn tôn trọng và phát triển truyền thống dân tộc. Đó là tấm lòng dành cho quê hương của mỗi chúng ta. Tác giả đã giúp ta cảm nhận được tình cảm quê hương sâu đậm đối với mỗi người.Càng hiểu sâu sắc hai bài thơ, ta càng hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc Việt Nam. Từ đó gơi nhắc trong ta tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương, tình đoàn kết dân tộc và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Năm tháng trôi đi và lịch sử không ngừng biết động, "Đồng chí" của Chính Hữu và "Nói với con" của Y Phương mãi là những bông hoa không tuổi tựa mùa xuân không ngày tháng. Vẻ đẹp của con người Việt Nam đã làm nên cái hồn của cả dân tộc và góp phần làm cho tác phẩm sống mãi với thời gian. Chúng ta không khỏi tự hào, xúc động về những năm tháng đất nước mình đã đi qua, về vẻ đẹp muôn đời của con người đất Việt. Và ta mãi cất lên những bài ca không bao giờ quên - bài ca viết về quê hương, viết về con người bởi tự hào biết mấy hai tiếng: Việt Nam.

Nước chúng ta 

Nước của những người chưa bao giờ khuất 

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất 

Những buổi ngày xưa vọng nói về. 

Có nhìn về quá khứ xa xôi mới quý hơn những ngày mình đang sống. Ở đây càng thấy quý hơn bởi chữ “tâm” của các nhà thơ. Mạch thơ tuôn trào theo cảm xúc không bị dàn trải, các nhà thơ cảm nhận đất nước bằng chính cái tâm hồn của mình, đáy lòng mình, không triết lý, không ồn ào nhưng đầy khích lệ. Chính vì vậy mà đất nước Việt Nam hiện lên rất hiện thực. Hiện thực, quá khứ đã hội tụ về đây đó trong bài thơ. Chính các nhà thơ cũng có một phần tạo ra: “Nam quốc sơn hà” tươi đẹp! Để chúng ta có thể tự hào : “Đất nước tôi...sáng ngời muôn thuở. Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ... Và những buổi ngày xưa vọng về ấy thôi thúc bước chân và trái tim chúng ta?