Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022

Bạn có phải là một trong những người trẻ tuổi ngoài kia đang loay hoay với nỗi sợ thất bại không?

 


Đối mặt với thất bại, mỗi người chúng ta sẽ có thái độ khác nhau để ứng phó với nó. Có người coi đó là cơ hội để họ trưởng thành và phấn đấu nhiều hơn cho tương lai. Có người xem đó là dấu chấm hết cho mọi sự cố gắng, nỗ lực của bản thân.
Bạn có phải là một trong những người trẻ tuổi ngoài kia đang loay hoay với nỗi sợ thất bại không?

Thất bại – đó là khi ta không làm được điều ta mong muốn, không đạt được đích ta đề ra. Sợ thất bại là khi ta chưa đạt được điều mình muốn mà đã cho phép bản thân bỏ cuộc, không có ước mong gì, chẳng dám thực hiện điều gì, cho dù là điều nhỏ nhất.  Mỗi lần thất bại thì trở nên sụp đổ, yếu đuối đến mức không thể đứng dậy được nữa.

Sợ thất bại là khi ta cho phép mình dừng lại, nghĩ rằng mọi việc thật tồi tệ, không cố gắng hết sức, luôn nghĩ không thể vượt qua. Sợ thất bại là khi không dám đối diện với khó khăn, không dám thử, không dám khám phá những cái mới. Người sợ thất bại thường có xu hướng nói trước với mọi người rằng họ không mong đợi thành công để hạ thấp kỳ vọng; cảm thấy ngại ngùng bất lực trước những sự việc đòi hỏi thử thách; nói dối, bao biện khi được giao nhiệm vụ.

Sợ thất bại bắt nguồn từ sự thiếu tự tin, tránh né những rủi ro hết sức có thể thích làm sự an toàn hơn là thử những điều mới mẻ. Những người sợ thất bại thường tin rằng họ và những thứ họ quan tâm được cho là hoàn hảo với học thất bại là một việc rất kinh khủng và nhục nhã. Nó có thể đến từ tuổi thơ khi luôn lo sợ rằng nếu mình thất bại sẽ có những hình phạt từ cha mẹ, gồng mình chịu đựng thất bại rất lâu trước khi thực sự biết kết quả.

Sợ thất bại sẽ giữ chân không cho ta cố gắng, làm cho ta nghi ngờ bản thân, dừng thay đổi, và có thể đi ngược lại với mong muốn của mình. Sợ hãi khiến chúng ta không giữ được bình tĩnh, run sợ không dám đối diện và vượt qua và dễ dàng chấp nhận thất bại. Sợ thất bại sẽ khiến ta không tự tin đón nhận những thử thách mới. Nó khiến ta giới hạn khả năng của chính mình, cản trở ta phát huy hết những tiềm năng của bản thân, không chỉ trong học tập, công việc mà còn trong các mối quan hệ và các lĩnh vực khác của cuộc sống. Nói một cách khác, sợ hãi thất bại sẽ ngăn cản bạn đến với thành công. Sợ thất bại còn gây ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần của ta. Sợ thất bại có thể gợi lên những cảm giác như thất vọng, tức giận, bực bội, buồn bã và hối tiếc. Thay vì mạnh dạn đón nhận, ta lại luôn e sợ. Cảm giác bất an này đeo bám ta mỗi ngày với nỗi lo âu thường trực. Ta sẽ phải thường xuyên phải che đậy những khuyết điểm, vô tư đổ lỗi cho những sai lầm không tránh khỏi của chính bản thân và những rắc rối cho người khác.

Thất bại không xấu, thất bại chỉ trở thành kẻ thù khi ta cứ mãi nghĩ về nói về thái độ tiêu cực. Hãy nhìn thất bại như những bài học kinh nghiệm, coi đó là một món quà chứ không phải một hình phạt hoặc dấu hiệu của sự yếu đuối. Đừng quá lo lắng về sự không hoàn hảo đến mức ta có thể không bao giờ hoàn thành được việc đó. Hãy đặt ra các tiêu chuẩn đầy hoài bão nhưng hợp lý. Hãy thông cảm và thấu hiểu bản thân mình, hiểu vì sao mình cảm thấy sợ hãi và nguyên nhân gây ra nó thì ta sẽ xử trí nó tốt hơn. Thay vì để tâm về sự việc có vẻ tiến triển xấu như thế nào, hãy tập trung vào những việc đang tiến triển tốt và những điều đã học được.

Đừng ngại thất bại, chúng ta chỉ thực sự thất bại khi bỏ cuộc mà thôi. Bởi có thất bại thì ta mới biết con đường đó không dẫn mình tới thành công. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng bản thân luôn có sự lựa chọn: chúng ta có thể chọn sợ hãi hoặc không.