Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2022

Cảm nhận đoạn: Chân phải bước tới cha...Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

 

Phải chăng là chốn bình yên luôn yêu thương ta vô điều kiện, luôn đón chào, ôm ấp ta? Em hãy viết bài văn trả lời câu hỏi này bằng cách trình bày cảm nhận về đoạn thơ sau:

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

(Nói với con- Y Phương)

Sau đó, liên hệ với một tác phẩm khác hay thực tế cuộc sống để làm nổi bật gia đình là chốn bình yên luôn yêu thương ta vô điều kiện, luôn đón chào, ôm ấp ta.

Bài làm

Có một nơi để nhớ mong, đó là quê hương

Có một nơi để về sau những ngày vội vã, đó là nhà

Có những người để yêu thương, đó là gia đình

Thế giới rộng lớn ngoài kia với biết bao nơi để khám phá và mỗi người trong chúng ta sẽ có một “chốn bình yên” cho riêng mình sau những vội vã mệt mỏi, nhưng tựu chung lại chốn bình yên đó là nơi cất giấu tình yêu thương vô biên, là nơi chứa đựng sự bao dung hết mực, là nơi có người mong ta trở về. Phải chăng là chốn bình yên luôn yêu thương ta vô điều kiện, luôn đón chào, ôm ấp ta chính là gia đình và quê hương? Để trả lời cho câu hỏi đó ta hãy đến với bài thơ “Nói với con” của Y Phương. Bài thơ là một bài rất ý nghĩa, thể hiện tìn yêu thương của cha mẹ dàn cho con cái và vẻ đẹp của sự tự hào về quê hương đất nước. Bài thơ được ông sáng tác để tặng riêng cho con gái mình. Bởi vậy bài thơ chứa đựng niềm hạnh phúc dạt dào của một người lần đầu được làm cha. Không chỉ vậy, bài thơ còn cho thấy ý thức của người cha muốn vun đắp, muốn cho con hiểu rõ cội nguồn của bản thân và luôn tự hào về nơi mình sinh ra. Những tâm sự ấy thật da diết trong những vần thơ sau:

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

Ra đời năm 1980, bài thơ như là những lời nói xuất phát từ tấm lòng cha, chứa đựng đầy yêu thương và sự ấm áp, thể hiện tình cảm gia đình êm ấm, tình quê hương tha thiết, mang đậm chất dân tộc miền núi trong từng câu chữ. Bài thơ đi từ tình cảm gia đình rồi mới mở rộng và nâng cao thành tình cảm quê hương, đất nước. Từ những kỷ niệm gần gũi, gắn bó nhất với mỗi con người và nâng lên thành lẽ sống chung.

Tác giả đã vẽ lên một khung cảnh gia đình ấm cúng, đầy ắp niềm vui:

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Khung cảnh ấy đẹp như vẽ, một mái nhà có mẹ có cha và con hạnh phúc vì được sống hạnh phúc trong tình yêu thương. Bằng ý thơ đối ứng hình ảnh đứa trẻ ngây thơ chập chững tập đi, ngọng nghịu tập nói trong vòng tay thương yêu, chăm sóc của cha mẹ hiện lên thật rõ nét. Không khí của một gia đình ấm êm, hạnh phúc được diễn tả bằng cách sử dụng hình ảnh thực và cụ thể. Cha như dang tay che chở từng bước đi lẫm chẫm của con, cha lo lắng sợ con vấp ngã. Điệp ngữ “chân” và “bước tới” vừa gợi ra sự bỡ ngỡ của đứa trẻ với những bước chân chập chững tập đi  vừa thể hiện niềm sung sướng và đầy tự hào của cha khi thấy con đang lớn lên. Những bước chân đầu đời con đã biết hướng về cha mẹ bởi con cảm nhận được trong vòng tay cha mẹ con sẽ được nâng niu và yêu thương hết mực. Tấm lòng của mẹ, của cha là cái đích để đứa con hướng tới. Sự lớn lên của đứa trẻ rất đỗi hồn nhiên như mặt trời không bao giờ mọc từ hướng tây. Tiếng nói, tiếng cười là cái phía hướng đông rạng rỡ. Hình ảnh cụ thể mà rất giàu chất thơ. Từ tăng tiến “một bước”, “hai bước” như nói về quá trình lớn khôn của con, con biết nói biết cười là niềm vui cho gia đình. Điệp từ “tiếng” gợi âm thanh rộn rã, náo nức, vui sướng của cha mẹ. Mỗi bước đi của con trẻ có tiếng nói tiếng cười của cha mẹ. Câu thơ có được cái ấm áp, ríu rít, ngọt ngào, một thứ âm vang mà những người làm mẹ, làm cha ai mà không bồi hồi xao xuyến. Con lớn lên bằng tình yêu thương, trong sự nâng đón, vỗ về mong chờ của cha mẹ. Không khí gia đình đầm ấm thân thương ấy là một hành trang quý báu đối với cuộc đời, tâm hồn con. Là yếu tố đầu tiên hình thành nên những phẩm chất tâm hồn con người. Hai chữ mẹ – cha thật giản dị nhưng cũng  thật lớn lao và thiêng liêng: với mỗi người mẹ người cha là đích đến, là nơi để ta tìm về, là nơi để ta bước tiếp, là chốn bình yên để ta nương tựa sau những giông bão cuộc đời.

Dù tấm lòng cha mẹ có độ bao dung rộng lớn đến đâu, đứa con rất cần nhưng vẫn là chưa đủ. Ở đây có một bầu sữa tinh thần thứ hai, đó là quê hương:

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng.

Cụm từ “người đồng mình” hay còn gọi là người cùng làng, cùng thôn, cùng bản, nhưng cách gọi ấy nghe sao mà thân thương, gần gũi quá! Từ gọi đáp “ơi” làm cho chúng ta cảm nhận được lời tâm tình, lời dạy bảo nhỏ nhẹ của nhà thơ đối với con mình. Cách gọi của người cha mộc mạc, bình dị nhưng xiết bao ân tình đằm thắm, xiết bao nghĩa tình của người cha dành cho con và cho người đồng mình đồng thời bộc lộ tình yêu, niềm tự hào về quê hương về người đồng mình. Chỉ với câu thơ ngắn gọn nhưng Y Phương đã cho người đọc thấy cuộc sống lao động cần cù, vui tươi của họ, họ đan lờ bằng nan hoa, ken vách nhà bằng những câu hát. “Nan hoa”, “câu hát” đâu chỉ là hình ảnh tả thực mà còn là hình ảnh ẩn dụ, thể hiện cuộc sống tươi trẻ, tinh thần lạc quan vui sống. Nhờ đó mà họ biến cuộc sống lao động thành thơ, đẹp như thơ. Người đồng mình yêu lao động, yêu cái đẹp và biết cách làm cho cuộc sống của mình trở nên vui tươi, vậy nên, trong nhà họ lúc nào cũng vang câu hát. Động từ “đan, cài, ken” giúp bạn đọc phần nào hình dung được những việc cụ thể của con người trên quê hương, còn gợi tính chất gắn bó, hòa quyện, quấn quýt của con người và quê hương xứ sở. Hay phải chăng đó còn là nguồn cội nuôi dưỡng tâm hồn con người.

Cuộc sống của người đồng mình gần gũi, chan hòa, gắn bó với thiên nhiên. Nghệ thuật nhân hóa “cho hoa”, “cho những tấm lòng”, hình ảnh thật đẹp, thật độc đáo. Hình ảnh “hoa” được nhắc tới vừa là hình ảnh tả thực vừa là hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng cho tâm hồn tươi trẻ phong phú tràn đầy lạc quan. Hình ảnh “con đường” cũng vừa mang ý nghĩa tả thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Con đường ở đây nối bản gần với bản xa, con đường lên nương, lên rẫy, con đường vào thung lấy nước. Tất cả đều in dấu chân của người đồng mình. Con đường tựa như một nhịp cầu gắn kết những con người quê hương. Tấm lòng cũng được coi là hình ảnh ẩn dụ, chính là tấm lòng của quê hương theo con đường gần, đường xa để đến với quê hương, đất nước mình. Điệp từ “cho” nhắc đi nhắc lại hai lần nhấn mạnh vẻ đẹp giàu có, hào phóng, thơ mộng, giàu yêu thương của thiên nhiên, núi rừng dành cho con và cho người đồng mình. Con thật may mắn và hạnh phúc khi lớn lên trong tình làng nghĩa xóm. Rừng thì chở che, con đường thì mở lối. Thiên nhiên mơ mộng, đầy tình nghĩa đã che chở, nuôi dưỡng con cả về tâm hồn, lối sống. Quê hương đã cho con những gì tốt đẹp nhất, chiếc nôi thứ hai nuôi con khôn lớn. Nhìn con khôn lớn, suy ngẫm về tình nghĩa làng bản quê nhà, nhà thơ đã nghĩ về cuội nguồn hạnh phúc, cha mong con hiểu những tình cảm cội nguồn đã sinh dưỡng con ,để con yêu cuộc sống hơn. Từ những câu thơ bình dị đó, ta thấy người cha mong con giữ gìn, trân trọng những giá trị của quê hương, gia đình, của dân tộc mình. Đó chính là một nguồn mạch yêu thương, vẫn da diết, tha thiết chảy trong huyết quản và tâm hồn con người.

Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, hình ảnh cô đọng, mộc mạc và vẫn phong phú.Thể thơ tự do phù hợp với tư duy của người miền núi, nhịp điệu thơ linh hoạt, tạo ra sự cộng hưởng với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Với cách nới, cách gieo vần và nhịp điệu nhẹ nhàng như những lời tâm tình, đoạn thơ tuy giản dị nhưng lại có sức ảnh hướng đến người đọc sâu sắc. Mạch cảm xúc tự nhiên tạo ra sự cộng hưởng hài hòa với những cung bậc tình cảm khác nhau trong lời cha truyền thấm sang con. Lời nhắn nhủ ân cần của người cha với con mình cũng là nhắn nhủ mà người cha nào cũng muốn con mình mang theo như một hành trang trong cuộc đời.

* Liên hệ thực tế:( Vai trò của gia đình)

Trong cuộc sống, con người ta luôn có lúc gặp phải những gian lao, trắc trở. Chính trong những năm tháng khó khăn, gian khổ ấy, chúng ta sẽ nhận ra được những giá trị tinh thần vô cùng thiêng liêng và đáng quý từ gia đình. Những giá trị, những kỉ niệm về tình cảm từ những người thân sẽ tạo nên sức mạnh nâng đỡ bước chân ta trong suốt cuộc đời dài.

Gia đình – tiếng gọi thân thương nhưng gói gọn cả thế giới bao la với đầy ắp những yêu thương của cha mẹ. Là nơi dung dưỡng tâm hồn và lưu giữ những khoảnh khắc vui buồn, hạnh phúc. Chính là nơi những người ta yêu thương và yêu thương ta vô bờ bến. Là chứng kiến những thiên thần nhỏ đến khi đứa trẻ ấy lớn khôn từng ngày. Nơi chứa đựng bao băn khoăn, lo lắng của mẹ lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ, những lúc con nóng sốt, quấy khóc không ngừng… Nơi, cha dõi theo từng bước chân con trên hành trình lớn khôn với niềm trăn trở mong con nên người. Nơi có cha, có mẹ yêu thương con vô điều kiện, nấu cho con những món ăn khoái khẩu, đắp lại chăn ngay ngắn sau khi con đạp tung ra. Nơi không deadline, không áp lực, không ai trách móc khi con làm gì đó chưa tốt. Nơi con được sống thật với bản thân khi không phải cố nở nụ cười những lúc không vui, giấu nước mắt vào trong khi chia ly tình đầu hay luôn miệng nói “không sao” nhưng cõi lòng vụn vỡ. Nơi con chẳng cần cắm mặt vào smartphone tìm niềm vui trong thế giới ảo vì tiếng cười, niềm hạnh phúc thật sự luôn hiện hữu. Nơi con mỗi khi đau ốm không phải vừa nuốt từng miếng cháo, vừa rơi nước mắt tủi thân vì nhớ gia đình. Nơi con không bao giờ cảm thấy lạc lõng cô đơn trong lãng đãng chiều đông, hay khi gió mùa lạnh buốt tràn về.  Nơi dù ngược xuôi khắp chốn, con vẫn hướng về như chỗ an trú cả đời. Có những lúc giận hờn cha mẹ, nhưng gia đình trong ký ức vẫn luôn là nơi thiêng liêng của riêng con, nơi con được trở thành những công chúa, hoàng tử của cha mẹ, nơi bản ngã của con được bộc lộ rõ nhất, và con có thể làm bất cứ điều gì thế giới cho là “điên rồ” nhưng con không phải sợ thế giới soi xét, dị nghị.Dù có đi đâu, nhà vẫn là mái ấm an yên trong tim mỗi người.

“Con ơi muốn nên thân người

Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.”

Bất kỳ người làm cha làm mẹ nào cũng muốn con mình sau này nên người luôn trở thành những công dân tốt cả. Y Phương cũng muốn con mình tự hào về những điều bình dị nhất để luôn nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan. Tiếng thơ "Nói với con"  là lời răn dạy của người cha, mong rằng dẫu mai này con có đi vào biển người tấp nập, dấn thân vào nơi hào nhoáng của đô hội, con cũng phải biết "uống nước nhớ nguồn", biết rằng mình sinh ra là nhờ cái nôi hạnh phúc của gia đình, nhờ những truyền thống tốt đẹp của quê nhà. Cha cũng mong con phải khắc cốt ghi xương hai tiếng "quê hương" vào tâm hồn và trái tim như Xuân Quỳnh từng viết:

"Mỗi người có một quê

Ngày dại thơ để ở

Tuổi thiếu niên để yêu

Và lớn lên để nhớ…"

"Nói với con" đã lẳng lặng trở thành một bài thơ đời. Để rồi có những phút ngã lòng, ta vịn vào thi phẩm để thêm yêu gia đình, để biết tự hào, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của văn hoá dân tộc ta.

* Liên hệ với tác phẩm văn học:( Bếp lửa_Bằng Việt)

Trong cuộc sống, con người ta luôn có lúc gặp phải những gian lao, trắc trở. Chính trong những năm tháng khó khăn, gian khổ ấy, chúng ta sẽ nhận ra được những giá trị tinh thần vô cùng thiêng liêng và đáng quý từ gia đình. Những giá trị, những kỉ niệm về tình cảm từ những người thân sẽ tạo nên sức mạnh nâng đỡ bước chân ta trong suốt cuộc đời dài. Bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt đã soi sáng chân lí giản đơn ấy.

Bài thơ có tên là “Bếp lửa” nhưng một điều dễ nhận thấy là hình ảnh đầy sức gợi ấy được gợi cảm hứng từ người bà. Hay nói cách khác, bếp lửa trong kí ức nhà thơ được nhóm lên từ đôi tay của bà: sáng sáng chiều chiều bà nhen bếp lửa thổi gạo, nấu cơm một tay tảo tần nuôi cháu, Nhắc về bà là nhớ về bếp lửa và nhớ về bếp lửa là nhớ về bà. “Bếp lửa” là bài ca về tình bà cháu ấm áp, cảm động. Đặc biệt là qua ba câu thơ:

Rồi sớm, rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa luôn chứa niềm tin dai dẳng

Ta thấy qua những vần thơ giản dị, từng từ, chữ của tác giả-người cháu xa nhà, đã gợi ra sự hi sinh tần tảo của bà. Ba câu thơ như một nốt nhấn, một điệp khúc khó quên trong bản tình ca về bà cháu đầy thiêng liêng mà cao quý. Hình ảnh ngọn lửa tỏa sáng trong câu thơ có sức truyền lan tỏa, có một sự truyền cảm mạnh mẽ. giữa những mất mát đau thương, bà vẫn là người ngày ngày nhóm bếp lửa chất chứa bao nét đẹp ý nghĩa, sự tinh tế, bình dị, đơn sơ và tình yêu thương của bà với cháu. Rồi sớm, rồi chiều bà vẫn nhóm lên ngọn lửa như nhóm trong lên trong người cháu một tình cảm rộng lớn ấp ủ bằng tình thương bao la dạt dào suốt cuộc đời bà dành cho cháu. Bếp lửa của tình thương gia đình, quê hương giờ đây đã trở thành một ngọn lửa mang đậm giá trị biểu tượng. lời thơ thủ thỉ, dịu êm mà sao tiếng lòng của người thi sĩ như có sức mạnh thần kì làm cho người đọc thấy con tim mình như có lửa bùng lên. Một ngọn lửa luôn luôn có sẵn trong lòng bà, luôn ấp ủ, lo toan. Một ngọn lửa chứa niềm tin cháy rực trong lòng cháu mang theo bao cảm xúc không thể nói hết mà phải dùng dấu chấm lửng để lại bao suy tư trong lòng người đọc. Bà đã để lại cho cháu không phải là một giá trị vật chất thông thường mà là một kho tàng quý giá của yêu thương. Hình ảnh người bà giờ đây thật là cao quý, bà hiện thân cho vẻ đẹp thiêng liêng của người giữ lửa, người truyền lửa muôn đời.

 Tình cảm gia đình là một trong những thứ tình cảm thiêng liêng và quý giá của mỗi người. Mỗi nhà thơ, nhà văn bằng sự khám phá và thể hiện của mình đã đem đến cho văn học những tác phẩm giàu giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục và đánh thức tình cảm tốt đẹp của con người về tình cảm gia đình. “Nói với con”  của Y Phương, “ Bếp lửa” của Bằng Việt đã ngợi ca, tôn vinh tình cảm gia đình, cho thấy được sự hi sinh và những tình cảm cao quý, dạt dào của gia đình đối với mỗi con người. Vẻ đẹp của tình cảm gia đình trong hai tác phẩm như những nét vẽ góp phần hoàn thiện bức chân dung gia đình của mỗi con người. Tình cảm ấy lại được hoà quyện thống nhất, gắn bó chặt chẽ với tình yêu quê hương đất nước. Đây cũng là một mạch nguồn tình cảm được lưu chuyển qua dòng chảy truyền thống của thơ văn dân tộc nhưng luôn có những khám phá, phát hiện và cách thể hiện theo những nét riêng - một đặc trưng quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật.

Đọc xong các tác phẩm “Nói với con”  của Y Phương, “Bếp lửa” của Bằng Việt nhiều dư âm vẫn làm ta xao xuyến không muốn gấp trang sách lại. Những lời dạy chân thành của người cha trong "Nói với con hay những xúc cảm dâng trào về sức mạnh to lớn về tình bà cháu trong " Bếp lửa ".Tất cả như dừng lại khiến ta phải ngẫm về những ngày mình làm cho cha mẹ buồn rầu, làm mẹ rơi lệ.Cảm ơn chân thành đến các tác giả vì họ đã cho ta nhận ra vẻ đẹp gần gũi luôn bên cạnh mà ta chưa hề nhận ra.