Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

Văn chương làm cho người lớn lên.

 


Đề . 
Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn.” (M.L.Kalinine)

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Văn chương làm cho người lớn lên.

Mở bài:

- Văn học là nhân học", tức là văn học vừa là sản phẩm trí tuệ tinh tế của con người, do con người dùng chính tâm hồn và cảm quan để sáng tạo ra, đồng thời những sản phẩm văn học cũng trở thành thứ để giáo dục, bồi dưỡng con người.

- Văn học chân chính có khả năng thay đổi con người, làm con người trưởng thành.

Thân bài:

* Giải thích:

- Văn học: Loại hình nghệ thuật ngôn từ, phản ánh hiện thực bằng cách sáng tạo các hình tượng nghệ thuật, qua đó bày tỏ quan điểm, thái độ của người nghệ sĩ với cuộc sống.

- Văn học làm cho con người thêm phong phú, tức làm nảy nở trong con người những tình cảm mới, rèn dũa những tình cảm cũ; khơi dậy trong họ những nhận thức mới mẻ, sâu sắc về cuộc đời, giúp họ có thêm những trải nghiệm cuộc sống. Văn học tạo khả năng để con người lớn lên là giúp ta sống tốt đẹp hơn, biết ứng xử một cách nhân văn và hiểu được con người nhiều hơn: thấu hiểu bản chất của con người, qua đó thấu hiểu chính bản thân mình.

- Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống, là cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống. Qua văn học, con người có được những hiểu biết sâu sắc hơn về tự nhiên, về xã hội, về chính bản thân mình.

- Từ những trải nghiệm, văn học giúp con người lớn lên về mặt nhân cách, về mặt tâm hồn. Văn học, qua con đường tình cảm truyền đạt đến con người những bài học đạo đức, nhân sinh, những bài học tác động vào con đường tình cảm, trong quá trình chuyển từ giáo dục thành tự giáo dục è Văn học trở thành “cuốn sách giáo khoa của cuộc sống”.

* Chứng minh:

- Văn học giúp người đọc lớn hơn. Trang sách đóng lại, tác phẩm nghệ thuật mới mở ra, “Cuộc đời là điểm khởi đầu và là điểm đi tới của văn chương”, mỗi tác phẩm như một nấc thang nâng đỡ bước chân người đọc tách khỏi phần con để đi đến phần người, tiệm cận các giá trị Chân Thiện Mỹ mà họ hằng ngưỡng vọng.

- Văn chương đã đem đến cho con người quá trình thanh lọc tâm hồn, làm cho con người có thể tự nhìn nhận lại mình, tự ý thức để cải thiện bản thân sao cho trở nên tốt đẹp hơn thông qua những bài học, những triết lý nhân sinh mà người nghệ sĩ gửi gắm trong tác phẩm của mình. Họ nhận ra được hiện thực cuộc sống để hình thành các phẩm chất tốt đẹp: đức hy sinh, sống có lý tưởng, sống dâng hiến, sống vì cộng đồng, sự dũng cảm, lòng căm ghét cái ác và sẵn sàng chiến đấu vì cái thiện.

+ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du giúp ta nhận ra sự bất công trong xã hội phong kiến, khiến ta căm ghét đối với xã hội phong kiến, thái độ xót thương vô hạn đối với những người phụ nữ;

+ Đọc “Lão Hạc” của Nam Cao ta yêu mến, cảm phục đối với những người nông dân nghèo khổ mà giữ được phẩm chất tốt đẹp; Ta càng yêu thương quí trọng lão Hạc bao nhiều thì ta càng chê trách Binh Tư, con người khoẻ mạnh mà lười biếng, nhân cách thoái hoá.. đáng khinh bỉ.

+ Qua “Làng” của Kim Lân chẳng những ta có cái nhìn yêu mến, trân trọng mà còn hiểu được sự biến chuyển trong nhận thức và tình cảm của người nông dân trong bổi đầu chống Pháp;

+ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải gửi gắm suy nghĩ, bài học nhân sinh về cuộc đời của mỗi con người.

+…

* Khẳng định: Mỗi nhà văn đều có cách xây dựng hình thức nghệ thuật phù hợp và độc đáo để làm nên hình hài sắc vóc cho tác phẩm văn học, giúp tác phẩm đến gần hơn với bạn đọc. Vượt lên trên tất cả, “tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho người đọc sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng” và “cốt tủy của văn học chính là tình thương”.

Kết bài:

Đến văn học con người sẽ cảm thấy thoải mái, đó là hoạt động giải trí cao quý của tâm hồn. Văn chương chân chính là một thứ tài sản vô giá của nhân loại, đã gián tiếp thay đổi thế giới và mỗi cá nhân chúng ta trở nên tốt đẹp và ấm áp hơn.