Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

Có phải giới trẻ Việt ít đọc sách do LƯỜI?


 


Công nghệ số ngày càng phát triển khiến giới trẻ có nhiều kênh thông tin để giải trí. Việc lạm dụng mạng internet khiến cho văn hóa đọc bị ảnh hưởng không nhỏ. Có thể dễ dàng nhận thấy hiện nay tỷ lệ nghịch với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thì ngày càng có ít bạn trẻ có thói quen đọc sách.

Đọc sách, một mặt là phương thức học tập rất hữu hiệu, mặt khác cũng là cách giải trí rất nhẹ nhàng. Nhưng hiện nay, đọc sách gần như là khái niệm khá xa xỉ với giới trẻ, thậm chí có một bộ phận không nhỏ không biết đến khái niệm đọc sách là gì. Một bộ phận lớn sinh viên học sinh hiện nay đọc sách rất thụ động, nghĩa là họ chỉ đọc khi có yêu cầu của giáo viên để thuyết trình, làm bài tập nhóm, thảo luận, kiểm tra... hoặc đọc theo kiểu phong trào, nói chung là để đối phó và phục vụ cho việc học một cách tức thời, họ chưa xem đọc sách như là công việc chính của việc học tập.

Tỉ lệ đọc sách của giới trẻ quá thấp. Theo thống kê, người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm (tức là chưa được 1 cuốn sách). Tỉ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn. Thư viện rộng rãi, khang trang, sách thì nhiều mà người đọc thì ít. Chỉ có khoảng 30% SV tiếp cận thông tin từ sách, số còn lại chủ yếu sử dụng mạng internet. Nếu có đọc sách thì loại sách được giới trẻ đọc nhiều nhất là: truyện tranh (60%), kế đến là truyện ngắn (50%), truyện dịch (35%), tiểu thuyết trong nước (30%). Người ta vẫn ví sách là nguồn tri thức vô giá của nhân loại, nhưng phần nhiều giới trẻ không đọc để lĩnh hội tinh hoa đó, mà lại mê “chém gió” ở hàng bia”

Nguyên nhân chính của thực trạng này là do giới trẻ Việt chúng ta không có thói quen đọc sách từ nhỏ và cuộc sống hiện đại bận rộn nên không ít người ngại đọc sách và thiếu kiên nhẫn. Giới trẻ giờ bị thu hút bởi những thông tin trên các trang mạng xã hội. Các thông tin trên mạng rất rộng, chỉ cần gõ thông tin cần tìm kiếm là có thể ra một loại các tư liệu. Hơn nữa giới trẻ ngày nay thường quan tâm đến những cái mới nhất, giật gân, nổi trội nhất, đọc sách chỉ chiếm một vị trí nhỏ trong cuộc sống của người trẻ. Hơn nữa giáo dục trong nhà trường và cha mẹ hiện nay mang tính thực dụng quá chưa tạo điều kiện và chưa định hướng cho học sinh con cái mình, hướng dẫn con đọc gì, xem gì, nghe gì ngoài việc học tập tốt, tham gia tích cực các hoạt động xã hội.

Việc lười đọc, ít đọc sách sẽ dẫn đến sự thiếu hụt tri thức đối với giới trẻ nhất là học sinh, sinh viên. Việc dành thời gian quá ít cho việc đọc đã khiến họ không có chiều sâu tri thức, lười vận động, thiếu năng lực nghiên cứu tìm tòi, mất dần sự sáng tạo.  Lười đọc sách nên vốn từ ngữ của giới trẻ rất nghèo nàn, tố chất văn chương ngày càng kém. Nhiều câu văn ngô nghê, cẩu thả, trích dẫn tác phẩm sai lệch, râu ông nọ cắm cằm bà kia... Ngay cả trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, các bạn cũng nói chuyện cộc lốc, “đệm” tiếng Anh, tiếng Việt tùy tiện. Lười đọc sách khiến cho tâm hồn con người trơ cứng, vô cảm, kiêu ngạo và tự mãn… được bắt nguồn từ sự khô cằn tâm hồn con người. Rất nhiều câu chuyện đau lòng từ thế giới ảo nhưng hậu quả thật đã xảy ra. Đánh nhau vì thách nhau trên facebook, tự tử vì bị bôi nhọ, xúc phạm trên face, bị phạt tiền, thậm chí vướng vào lao lý vì tung tin nhảm… “Không có sách thì không có tri thức...”, câu ấy luôn luôn đúng với mọi thời đại.

Công nghệ phát triển là một điều rất là tốt. Dù là đọc trên mạng hay đọc sách giấy đều tốt nếu chúng ta biết vận dụng nó để mở mang thêm tri thức. Với giới trẻ, cần biết tranh thủ lợi ích của công nghệ, kết hợp hài hòa với đọc sách truyền thống để có thể mang lại những phương pháp thu nạp kiến thức hiệu quả, thiết thực không chỉ cho việc học tập mà còn cả cho cuộc sống và sự nghiệp. Cha mẹ biết định hướng cho con cái mình ngoài việc học tập tốt, tham gia tích cực các hoạt động xã hội thì cần hướng dẫn con đọc gì, xem gì, nghe gì. Nhà trường, ở mỗi lớp học, cấp học, các thầy, cô giáo biết chỉ cho mỗi học sinh của mình phải tìm đọc các tác phẩm hay. Từ đó, tạo thành “phong trào”, phát triển thành một giá trị cho những ai đã tìm đọc các cuốn sách hay.  Đồng thời, ông bà, bố mẹ phải làm gương cho con cháu về việc đọc, nghiên cứu tại gia đình. Tạo môi trường tốt cho việc đọc, khuyến khích đọc, bắt đầu từ 1 giá sách, tạo thành góc đọc sách, 1 tủ sách gia đình, phòng đọc sách.

Sách là nguồn tri thức quý giá và phong phú. Tùy theo nhu cầu của mỗi người, các bạn học sinh hãy lựa chọn cách đọc và khai thác thông tin phù hợp, không vì quá lệ thuộc công nghệ thông tin mà xa rời xa sách. Hãy bắt đầu với các tác phẩm, cuốn sách bạn yêu thích nhất. Thậm chí là đọc lại sách giáo khoa mình đã học và hiện tại. Cho dù sách giáo khoa vốn "khô như ngói", khi đọc lại trong tâm thế chủ động ta sẽ nhận ra vô vàn thứ mà trước kia ta đã không nhận ra và thầy cô cũng chẳng nói với ta điều ấy. Trong khi đọc cố gắng tập trung, suy nghĩ về nội dung đó, liên tưởng tới trải nghiệm của bản thân đã trải qua, tưởng tưởng ra hoàn cảnh, tâm trạng của nhân vật được viết tới, tóm tắt nội dung trang sách đó vào sổ tay, kể lại nó cho người khác nghe, sơ đồ hóa nội dung đã đọc được… Cứ kiên trì như vậy trong một thời gian dài khoảng một vài tháng, rất có thể bạn sẽ thấy khác.

Thói quen đọc sách một khi đã được hình thành sẽ theo bạn suốt đời, giúp ích cho cả đời sống cá nhân và công việc của bạn. Bạn cảm thấy khổ cực khi phải cố gắng đọc sách nhưng rồi đến một ngày tự nhiên bạn đột nhiên được nếm trải cảm giác sung sướng giống như “giác ngộ” khi thấy sách mở ra trong bạn một thế giới hoàn toàn mới mẻ.