Trong xã hội hiện đại ngày nay, người
ta thường nghĩ rằng nhịp sống xô bồ, không phải ai cũng hiền lành, ngay thẳng,
tử tế, ra đường cần phải biết đề phòng và xem xét kỹ để phân biệt được lời nói
thật và lời giả dối vì “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”. Thật vậy, xã hội
hiện tại của chúng ta không thuần túy và mộc mạc như thời ông bà ngày xưa nữa,
dĩ nhiên mỗi thời sẽ có cái hay riêng và không đánh đồng rằng thời nay chẳng
còn ai trung thực, thật thà, thật tính.
Trung thực là thành thực với người và
cả với chính mình, luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức chân thật trong từng lời nói
và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của
một con người chân chính.
Người trung thực không chấp nhận gian
dối trong bất kì việc gì. Người trung thực chính là người không nói dối, là người
luôn làm việc đúng với sự thật, không cố tình làm sai lạc đi. Trung thực trong học tập chính là khi
bạn nghiêm túc học thuộc bài và làm bài, không sử dụng tài liệu trong thi cử,
không nói dối với thầy cô và bạn bè. Trung thực trong kinh doanh chính là không
buôn bán sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Và trong những mối quan
hệ giữa người với người, trung thực chính là khi ta không nói dối, luôn đối xử
thật lòng với mọi người, không mưu cầu hay tính toán những điều xấu xa.
Sự trung thực là phẩm chất quan trọng
hàng đầu trong hành trang thể hiện ước mơ của mình. Có lòng tin vào sự trung thực
của bản thân thì sẽ gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Người trung
thực sẵn sàng lắng nghe những điều họ phải nghe về mình hơn là những điều họ muốn
nghe. Người trung thực trước tiên là trung thực với chính bản thân mình, thành
thật nhìn nhận những nhược điểm và sai lầm của mình. Trung thực chính là đức
tính tốt để bạn có thể điềm nhiên đối mặt với mọi thử thách của cuộc sống,bởi
cho dù có chuyện gì xảy ra, bạn cũng có thể mỉm cười và chấp nhận nó bởi nó là
sự thật, nó không hề giả dối.
Người trung thực sẽ có một cuộc đời
đơn giản, sẽ luôn suy nghĩ, sống và làm việc theo sự thật. Và tất nhiên, khi
chúng ta sống ngay thẳng, thật thà thì những người xung quanh cũng sẽ đối đãi với
ta như vậy! Tính trung
thực giúp con người trở nên đáng tin cậy trong mọi mối quan hệ, giao dịch, đó
là sức mạnh lớn nhất giúp thuyết phục người khác. Những người thiếu trung thực, nhất thời
có thể đạt được những lợi ích nhất định, nhưng không sớm thì muộn sẽ bị phát hiện
và sẽ đánh mất lòng tin của người khác. Nếu không muốn thất bại, vì tự hủy hoại
các mối liên hệ, kể cả đối với những người thân, thì cần ghi nhớ: Một lần bất
tín, vạn lần bất tin.
Trung thực cũng là phẩm chất hàng đầu
của nhà lãnh đạo. Theo
Samuel Johnson: “Trung thực mà không hiểu biết thì yếu ớt và vô dụng, còn hiểu
biết mà không trung thực thì thật là nguy hiểm và đáng sợ. Còn những người
trung thực và hiểu biết sẽ là những người viết nên lịch sử của chính mình”.
Sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ, nó đòi hỏi sự dũng cảm và nghiêm khắc
với bản thân. Walter Anderson cho rằng: “Cuộc sống sẽ thay đổi khi chúng ta
biết nắm bắt các cơ hội cho mình, nhưng cơ hội đầu tiên và khó khăn nhất lại là
việc chúng ta phải thành thật với chính bản thân mình”. Ngay cả khi phải đối
diện với thất bại, thua thiệt, ta vẫn cần phải sống trung thực, có thế, ta mới
có thể ngẩng cao đầu mà sống và cảm thấy thanh thản trong lòng.
Nhưng ông bà ta có câu “Đi với bụt
mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy”. Bạn trung thực với những người hiểu
chuyện, tốt bụng, những người hiểu rõ bạn và sẵn sàng giúp đỡ bạn là điều nên
làm. Nhưng với những người luôn có ý muốn tổn thương bạn, làm khó bạn, mà bạn vẫn
ngây thơ thành thật với người ta thì chỉ là đang tự hại mình thôi. Hãy học cách
bảo vệ bản thân đừng để bị lừa dối, lợi dụng. Trong giao tiếp hàng ngày có những khi chúng ta cần phải
nhạy cảm, tinh tế hơn, trước khi nói ra điều gì cần phải nghe và nghĩ! Đôi khi, chúng ta cũng nên khôn khéo,
tránh nói thẳng quá, gây mất lòng hoặc tổn thương người khác. Một vài lời động
viên hoặc lời khen không đúng sự thật đôi khi lại khiến người khác tốt hơn.
Ngoài xã hội luôn tồn tại bao dối trá
khôn lường. Vẫn còn những
con người giả dối, có những mối quan hệ giả dối. Hôm nay họ lừa người ngày mai
người lừa, quanh đi quẩn lại vẫn là lừa nhau gây ra những thiệt hại về tinh thần,
lẫn vật chất, khiến ta không còn biết tin vào điều gì trong cuộc đời này nữa.
Nhưng sống trung thực sẽ giúp chúng ta phân định phải sai. Sống trung thực ta sẽ
được nhiều thứ quý giá như lòng tin từ mọi người, lòng nhân ái, tình thương yêu
và sự gắn bó với cộng đồng.
Hãy trung thực trong những điều nhỏ
nhất bởi vì điều này giúp lời nói dối của bạn mạnh mẽ hơn. Khi được hỏi thì phải
trả lời đúng và thành thật. Đừng có cố gắng nói dối. Bởi điều đó có nghĩa là bạn
thoát được một lần nhưng chẳng đi đến đâu cả. Nói dối nhiều lần sẽ khiến bạn bị
mất niềm tin từ cộng đồng. Mọi người sẽ tẩy chay bạn một cách đau đớn. Dù đôi
khi sự thật khiến người khác đau lòng. Nhưng dù có đau lòng thế nào thì trung
thực vẫn là điều cần thiết để khiến mối quan hệ trở nên tin tưởng và đi xa hơn.
Cần loại bỏ tính tự ti của bản
thân. Phải tự tin thì bạn mới không nói dối. Không nói dối bạn mới có thể trở
thành một người trung thực. Một cộng đồng tốt đẹp cũng từ đó mà đi lên.
Trung thực là “chương đầu tiên” trong
cuốn sách về sự khôn ngoan. Tất nhiên,
không phải trong trường hợp nào, sự trung thực cũng thực sự tốt. Vì thế, hãy
căn cứ vào từng trường hợp để giữ thái độ trung thực cũng như cách sống tích cực
nhất nhé.